Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm”

Thượng tá, ThS. Hoàng Anh Tuấn
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Để ngăn chặn, đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Bài viết làm rõ những biểu hiện của “bệnh sợ trách nhiệm”; công tác kiểm tra, giám sát và ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh sợ trách nhiệm trong thời gian qua; đồng thời đưa ra những giải pháp nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm” trong thời gian tới.

Từ khóa: Kiểm tra; giám sát; ngăn chặn; đẩy lùi; bệnh sợ trách nhiệm.

1. Đặt vấn đề

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Trong tình hình hiện nay, khi mà tình trạng “sợ trách nhiệm”, “đùn đẩy trách nhiệm”… trong các cơ quan công quyền đang trở thành vấn đề nổi cộm được đề cập nhiều trên các diễn đàn khoa học và thực tiễn đời sống xã hội thì việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một yêu cầu khách quan, ngày càng trở nên cấp thiết, trực tiếp góp phần vào việc kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

2. Những biểu hiện “bệnh sợ trách nhiệm” 

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra biểu hiện của căn bệnh ấy, đó là những kẻ: “Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích… Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn…”1.

Trong bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973, biểu hiện của những người sợ trách nhiệm khi đó đã được tác giả nhìn nhận, khái quát gồm: 

(1) Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; 

(2) Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình; 

(3) Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể; 

(4) Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

Những chỉ dẫn cách đây 50 năm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về các biểu hiện thường thấy của những người sợ trách nhiệm có khá nhiều điểm tương đồng với các biểu hiện cụ thể của tình trạng sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Những khái quát đó, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa, qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. 

3. Tình hình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh sợ trách nhiệm trong thời gian qua

Trong các nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát đã có những bước đột phá quan trọng, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy với tinh thần “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; coi tinh thần trách nhiệm là một trong những tiêu chuẩn cơ bản, căn cốt nhất của người đảng viên. Cần khẳng định rằng, Đảng có được vị thế lãnh đạo, cầm quyền như ngày hôm nay, trước hết chính là nhờ vào việc đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác, mọi nhiệm vụ. Sự tiền phong, gương mẫu đó chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ và là bổn phận thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên khi tuyên thệ trước lá cờ Đảng quang vinh, được thể hiện ở tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng quyết tâm vượt mọi khó khăn thử thách, đem hết sức lực, tài năng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, những khó khăn, thách thức của công cuộc đổi mới đất nước và những yêu cầu mới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Yêu cầu được đòi hỏi như vậy nhưng trên thực tế, căn “bệnh sợ trách nhiệm” vẫn có những điều kiện khách quan để tồn tại và phát triển và cũng chưa bao giờ, “bệnh sợ trách nhiệm” lại được nhắc đến nhiều như hiện nay. Các triệu chứng của nó đã và đang diễn ra khá phổ biến với muôn vàn các biểu hiện, cấp độ khác nhau, rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thực hiện các thủ tục hành chính, cung ứng các dịch vụ công… Vì cán bộ “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” mà nhiều dự án cấp thiết bị đùn đẩy, né tránh, nhiều công trình, dự án nằm bất động dù tiền không thiếu nhưng không giải ngân được. Điển hình là câu chuyện “liều thuốc thử” thời hậu Covid – 19, mặc dù thiết bị, thuốc men, vật tư y tế có lúc thiếu trầm trọng nhưng không ít địa phương, đơn vị, cơ sở y tế lại không dám đấu thầu, đấu giá, mua sắm…

Có thể thấy, tác hại của “bệnh sợ trách nhiệm” không chỉ làm cho công việc bị trì trệ mà còn làm cho những nhân tố mới không được phát huy, những khuyết điểm, sai phạm không được phát hiện, khắc phục kịp thời. Sự nguy hại của căn “bệnh sợ trách nhiệm” chính là nó cổ xúy cho lối sống vị kỷ cá nhân, thói thờ ơ, vô cảm, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, tạo ra những rào cản vô hình đối với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó, dẫn đến thủ tiêu, vô hiệu hóa nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng… Nhìn rộng ra, “bệnh sợ trách nhiệm” chính là bạn đồng hành của “bệnh chạy theo thành tích”; từ những căn bệnh này mà hình thành kẽ hở dung dưỡng những thói hư, tật xấu, vì lợi ích cục bộ mà bao che cho những khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên. Tất yếu, hệ lụy của nó là các dấu hiệu vi phạm của đảng viên không được phát hiện, xử lý kịp thời, từ có dấu hiệu vi phạm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm của cá nhân thành vi phạm của tổ chức.

4. Giải pháp nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm”

“Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên”2. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã nhận diện và chỉ rõ “bệnh sợ trách nhiệm” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, cần phải đấu tranh, ngăn ngừa. Theo đó, để “điều trị” căn bệnh này thực sự hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát, trước hết là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần phải được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục hơn nữa, trong đó tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, tạo sự chuyển biến vững chắc về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với việc thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên cũng như đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn “bệnh sợ trách nhiệm”. Thông qua thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để đẩy mạnh công tác giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cũng như trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Mặt khác, cần đẩy mạnh giáo dục, xây dựng tinh thần “6 dám” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, đó là: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung”3; tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vị lợi ích chung. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, “khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ”4; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, khắc phục triệt để nhận thức “không làm, không sai”, kết hợp với tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quy định về nêu gương, trước hết là việc nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần từng bước khắc phục triệt để căn “bệnh sợ trách nhiệm” này.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát.

Từng cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra với tinh thần chủ động hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn. Cần quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn của trên về công tác kiểm tra, giám sát, cụ thể hóa vào các văn bản, nghị quyết, quy chế, quy định của cấp mình, gắn tăng cường quán triệt, triển khai đi đôi với kiểm tra, rút kinh nghiệm việc thực hiện trong thực tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng việc kiểm tra, giám sát những cán bộ, đảng viên giữ cương vị, trọng trách quan trọng ở cơ quan, đơn vị mình; các đối tượng có biểu hiện lơ là, thiếu tích cực, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; các tập thể, cá nhân có kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, những nơi có biểu hiện mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, thiếu tự giác trong phê bình và tự phê bình… 

Cùng với việc phân công cấp ủy viên phụ trách, cần phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, nhất là vai trò của ủy ban kiểm tra trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi công vụ; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc quyền để chủ động phát hiện, ngăn ngừa tinh thần, thái độ thiếu trách nhiệm trong công tác của từng cán bộ, đảng viên. 

Ba là, nâng cao hiệu quả kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ “bệnh sợ trách nhiệm” không dễ nhận biết, lại thường liên quan trực tiếp tới những đảng viên có chức, có quyền. Vấn đề đặt ra là cấp ủy, ủy ban kiểm tra vừa phải nắm chắc các căn cứ, phương pháp phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, vừa phải có quyết tâm chính trị cao, biết cách tổ chức thực hiện các nội dung, quy trình, phương pháp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng cuộc kiểm tra.

Quá trình kiểm tra, phải đặc biệt coi trọng việc thu thập chứng cứ, làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, làm rõ các biểu hiện “sợ” trách nhiệm, “né” trách nhiệm… trong thực thi công vụ của đối tượng kiểm tra. Nếu vi phạm đã rõ, đến mức phải thi hành kỷ luật thì thực hiện quy trình kép, kết hợp quy trình xem xét, xử lý kỷ luật với quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Trong một số trường hợp cụ thể, cần coi trọng việc kiểm tra cách cấp đối với đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trọng thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trong các vụ việc có tính chất phức tạp, khó xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với sai phạm xảy ra.

Bốn là, phát huy tốt vai trò phản biện xã hội và hoạt động giám sát của quần chúng.

Quần chúng nhân dân là tai mắt của Đảng. Khẳng định vai trò to lớn của quần chúng trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta… Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng”5. Theo đó, để phát huy có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn ngừa, khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm”, các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội, trước hết là của các tổ chức quần chúng đối với những chủ trương, quyết sách, các quy chế, quy định hiện hành của cơ quan, đơn vị mình, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp thực tiễn và tính hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định đó. Thông qua hoạt động giám sát của các tổ chức quần chúng để kịp thời phát hiện những mầm mống của căn “bệnh sợ trách nhiệm”, từ đó chủ động ngăn ngừa, xử lý những cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Để phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia vào công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên nói riêng, cần chăm lo củng cố, xây dựng các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức Đoàn vững mạnh; tích cực, chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn có đủ phẩm chất, năng lực tham gia vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp; đồng thời, tích cực làm tốt việc giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Đẩy mạnh các chương trình, phong trào cả về nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong học tập, nghiên cứu và lập nghiệp, góp phần tích cực vào bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng những thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

5. Kết luận

Sợ trách nhiệm là một dạng tiêu cực có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, đấu tranh với “kẻ thù bên trong” hết sức nguy hại này là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi căn “bệnh sợ trách nhiệm”, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và kỳ vọng của Nhân dân.

Chú thích:
1, 5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 298, 302. 
2. Nguyễn Phú Trọng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 468.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 179.
4. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.