Nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

ThS. Trần Thị Thu Trang
Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là điều kiện thiết yếu để bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội, là bước đi mang tính hiện thực, trực tiếp để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa cộng đồng. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp rất quan trọng trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã đề ra.

Từ khóa: Trung tâm văn hóa; học tập cộng đồng; đời sống văn hóa; thiết chế văn hóa cộng đồng; thành phố Sa Đéc.

1. Đặt vấn đề

Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng là một loại hình thiết chế văn hóa ở cơ sở, được sử dụng phổ biến từ khi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được áp dụng trên quy mô toàn quốc (năm 2001) và được chú trọng hơn trong phong trào Xây dựng nông thôn mới (năm 2011). Trong tổng thể đời sống văn hóa cộng đồng, thiết chế văn hóa nói chung, Trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng nói riêng có vị trí vô cùng quan trọng. Đây là đầu mối tiếp nhận các vấn đề có liên quan và sàng lọc, lựa chọn những chủ trương, chính sách, nội dung phù hợp với thực tế tại địa phương và nhu cầu cấp thiết của người dân để công tác triển khai thực hiện đạt hiệu quả tối đa. Trung tâm đồng hành với đời sống thường ngày của Nhân dân và là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Cơ sở vật chất và những trang bị chuyên dụng của Trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện để có sức khoẻ làm việc, lao động, xây dựng, bảo vệ tổ quốc, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Trung tâm còn là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và vấn đề về sản xuất, chuyển giao khoa học – kỹ thuật… đều được triển khai ở Trung tâm. Từ đó, nâng cao hiểu biết về pháp luật của Nhân dân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, như: ma tuý, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông… Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp uỷ, chính quyền, tạo được cầu nối gần gũi giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

2. Thực tiễn hoạt động các trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin – truyền thông đang có những bước phát triển như vũ bão và chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, hiện đại hóa đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của mỗi quốc gia; để giúp cho dân tộc Việt Nam có đủ bản lĩnh, năng lực tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, thích ứng với sự đa dạng, thay đổi nhanh chóng thì việc duy trì, phát triển thành quả của “văn hóa đọc” đã đạt được ở giai đoạn 2011 – 2020 là hết sức cần thiết, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành một “xã hội đọc“, một thế hệ đọc mới, với xu hướng đọc lành mạnh bổ ích, biết giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa, tinh túy của dân tộc khác trên thế giới, của thời đại để làm giàu thêm cho cuộc sống của chính bản thân mình và của quốc gia, dân tộc. Ngoài thư viện, trung tâm văn hóa thể thao đang đóng một vai trò không nhỏ trong việc đưa “văn hóa đọc“ phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư thì tủ sách tại các trung tâm được bố trí các đầu sách phần nào phục vụ nhu cầu đọc cho người dân trên địa bàn.

Công tác quản lý các hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa – học tập thông qua các hoạt động, như: hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động câu lạc bộ; hoạt động thể dục thể thao; hoạt động thư viện; hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở… Ngoài ra, công tác quản lý hoạt động của Trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng còn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ Nhân dân. Thực hiện tốt vai trò quản lý các hoạt động tại Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua việc thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Thành phố Sa Đéc là đô thị loại 2 của tỉnh Đồng Tháp, có diện tích là 5.911 ha, với dân số 202.000 người (bao gồm dân số quy đổi). Thành phố Sa Đéc có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 3 xã. Theo thống kê, thành phố Sa Đéc có 9 Trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng cấp xã được xây dựng hoàn thiện về cơ sở vật chất.

Hệ thống trung tâm văn hoá – học tập cộng đồng của thành phố Sa Đéc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 thiết chế là Trung tâm văn hoá thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng theo Quyết định số 347/QĐ-UBND-HC ngày 24/4/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Cơ sở vật chất của các trung tâm trên địa bàn thành phố Sa Đéc được trang bị tương đối đồng bộ, đầy đủ, thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể; học hỏi lẫn nhau và thắt chặt thêm tình đoàn kết. Đây còn là nơi tổ chức cuộc thi “văn nghệ; thể dục, thể thao…”, hoạt động giao lưu văn hóa, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa các xã, phường trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được hệ thống các trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng trên địa bàn thành phố Sa Đéc quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên trên cả chiều rộng và chiều sâu, nhằm mục đích làm cho cán bộ, Nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nội dung tuyên truyền khá toàn diện và phong phú, trước hết, tập trung thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao theo chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố. Những nội dung tuyên truyền trên được các trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng thực hiện kết hợp với nhiều hình thức, như: thông qua hệ thống Đài truyền thanh của xã, phường, trạm tin, bảng tin, trang trí pa nô, khẩu hiệu, mít tinh, hội nghị tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, kịch thông tin, văn nghệ quần chúng. Trung tâm còn hỗ trợ các nhà văn hóa ấp, khóm trên địa bàn thông qua các hoạt động: hướng dẫn ban chủ nhiệm các nhà văn hóa ấp, khóm thành lập đội văn nghệ, đội bóng chuyền, đội đá bóng, tổ chức sinh hoạt giao lưu giữa các đội với nhau.

Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng thường xuyên liên kết với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong và ngoài địa bàn để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, dạy nghề, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về mọi mặt và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm trên địa bàn thành phố Sa Đéc còn một số hạn chế, như: một số nơi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu nên việc tổ chức các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền chưa có nhiều đột phá lớn, chủ yếu dưới dạng tin, bài thông qua mạng lưới phát thanh hoặc thông qua các kỳ hội họp, chất lượng tuyên truyền chưa được chú trọng nâng cao. Các tài liệu học tập về văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng chưa phong phú; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý trung tâm vẫn còn hạn chế về kỹ năng tổ chức các phong trào, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa khai thác hết chức năng của Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng, chưa thu hút được nhiều người dân cùng tham gia.

Nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng chưa đầy đủ nên tham gia sinh hoạt chưa nhiều. Tinh thần, ý thức của một bộ phận người dân chưa tích cực trong việc tham gia các hoạt hoạt động văn hóa, thể thao và giáo dục cộng đồng. Công tác phối hợp trong tổ chức và hoạt động có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, còn hạn chế, thiếu linh hoạt; thiếu sự kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của cơ quan cấp trên trực tiếp, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng xã hội học tập.

Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của loại hình thiết chế văn hóa này. Nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách cho các hoạt động tại Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng còn thấp so với tình hình thực tế. Một số cán bộ, nhân viên chưa thực sự tâm huyết, say mê, sáng tạo; có những đồng chí phải kiêm nhiệm nhiều hoạt động cùng một lúc, nhiều việc không bao quát hết công việc nên dẫn đến hệ quả trong công tác quản lý đạt kết quả chưa như mong đợi. Sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng 4.0 và xu thế chuyển đổi số hiện nay đã nhanh chóng xuất hiện nhiều hình thức giải trí mới, hấp dẫn và lôi cuốn người dân.

3. Một số giải pháp

Một là, nhóm giải pháp về đào tạo và sử dụng cán bộ.

Để có nguồn nhân lực tốt đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đòi hỏi cần làm tốt từ khâu tuyển chọn, bố trí cho đến khâu đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Do đặc thù của thiết chế văn hóa này, cần phải làm tốt khâu tuyển chọn, đào tạo, bố trí cán bộ làm đúng theo nhiệm vụ chuyên môn và bồi dưỡng thêm các kỹ năng cần thiết phục vụ cho nhu cầu chuyên môn, như: kỹ năng quản lý hoạt động của Trung tâm; kỹ năng tập hợp quần chúng và kỹ năng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí…

Cần tính đến phương án biệt phái, luân chuyển đối với những công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (kèm theo phụ cấp trách nhiệm xứng đáng) giữa các địa phương với nhau để có thể phát huy năng lực, sở trường, đồng thời góp phần vực dậy những Trung tâm hoạt động yếu kém, không hiệu quả. Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng ngoài nhiệm vụ công ích, Ban quản lý Trung tâm cần mạnh dạn đề xuất thay đổi, bổ sung thêm nhiều hình thức và phương thức hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (ví dụ: cho người dân thuê sân để tổ chức tiệc cưới hỏi…).

Việc đổi mới hình thức và phương thức hoạt động của Trung tâm cần được nghiên cứu và áp dụng trong từng hoạt động cụ thể, từ việc đổi mới cách thức tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ, tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động thể dục thể thao đến việc tuyên truyền cổ động cho người dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Để làm tốt điều này, cần chú trọng đến một số yếu tố sau: có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên Trung tâm chủ động có tìm tòi, đề xuất sáng kiến trong việc tổ chức những hoạt động mới; thay đổi, cải tiến những hoạt động đang thu hút nhiều người tham gia theo cách hấp dẫn hơn. Đồng thời, rà soát lại những hoạt động chiếm nhiều cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật mà không đem lại hiệu quả.

Hai là, nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động.

Hoàn thiện hệ thống các công trình hỗ trợ còn thiếu, như: sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, nhà xe… Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, kêu gọi đầu tư các hạng mục, như: khu vui chơi, giải trí ở trung tâm, hồ bơi, khu vui chơi trẻ em; đầu tư các khu tập luyện thể dục, thể thao và kêu gọi bố trí thêm các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh, lau chùi, sắp xếp lại bàn ghế, các vật dụng trong Trung tâm nhất là đối với tủ sách pháp luật cần thường xuyên bổ sung, cập nhật những đầu sách mới, mang tính thực tiễn cao nhằm thu hút, lôi kéo người đọc nhằm hình thành và phát huy văn hóa đọc trong Nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức cần nâng cao ý thức cá nhân trong giữ gìn tài sản công, có như vậy mới bảo đảm chất lượng và công năng của Trung tâm. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn từ xã hội hóa cũng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia.

Ba là, nhóm giải pháp về đổi mới nội dung và hình thức hoạt động.

Thường xuyên truyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của văn hóa, thể dục thể thao và giáo dục cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Từ đó, nêu cao trách nhiệm của toàn dân trên địa bàn xã, phường trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Công tác tuyên truyền, giáo dục đòi hỏi cán bộ Trung tâm phải linh hoạt, kiên trì gắn hoạt động với việc học tập thực tế các mô hình điểm.

Giảm bớt và loại bỏ dần các nội dung tuyên truyền mang tính hình thức, thiếu thực tế, không gắn với nhu cầu của người dân bằng những hình thức mới mang tính thực tế và hấp dẫn, lôi cuốn người dân hơn. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn chuyển nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước sang các tổ chức đoàn thể đảm nhận. Lựa chọn nội dung các chính sách gắn với người dân trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính sách… trên bảng niêm yết công khai các thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận, thực hiện. Sử dụng kênh tuyên truyền, giáo dục bằng vật chất, thông qua việc tôn tạo, giữ gìn các bia di tích trên địa bàn, phân công cán bộ, công chức thường xuyên dọn dẹp bia di tích xã để làm nơi tổ chức các buổi học ngoại khóa, kết nạp đoàn viên…biến nơi này thành địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh chống xâm lược của thế hệ anh hùng, liệt sĩ của xã, phường.

Chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức học tập của Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng sẽ giúp cho Trung tâm liên tục cập nhật, điều chỉnh chương trình, nội dung học tập sao cho phù hợp, động viên người dân tham gia học tập thiết thực, hiệu quả. Chương trình học tập ngoài việc đáp ứng nhu cầu của xã hội còn phải được gắn kết với phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng ở địa phương, góp phần xây dựng phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, xây dựng thành phố Sa Đéc là Thành phố học tập.

4. Kết luận

Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số, nhu cầu của con người ngày càng gia tăng, điều đó thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự đa dạng, hấp dẫn của các hình thức giải trí trong xu thế hiện đại, như: internet, trò chơi trực tuyến, giải trí truyền hình… đã có sức thu hút mãnh liệt, chi phối đời sống và làm thay đổi nhu cầu đến với trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng của Nhân dân.

Để tiếp tục đưa các hoạt động văn hóa, thể dục và giáo dục cộng đồng vào mọi mặt đời sống của xã hội, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương nói riêng và đất nước nói chung, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trước bối cảnh chuyển đổi số trong thời gian tới, công tác quản lý văn hóa, thể thao, giáo dục nói chung, công tác quản lý tại các trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng trên địa bàn thành phố Sa Đéc nói riêng, phải có những giải pháp quyết liệt, mang tính đổi mới căn bản, toàn diện, thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tài liệu tham khảo:
1. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn (ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
2. Lương Thị Tâm Uyên. Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tạp chí Mặt trận, ngày 15/12/2021.
3. Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. https://nhandan.vn, ngày 27/9/2022.