ThS. Đinh Thị Ngọc Hà
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, hoạt động môi giới bất động sản diễn ra thường xuyên, liên tục góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực thì hoạt động này vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Bài viết tập trung làm rõ pháp luật về môi giới bất động sản, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản ở thành phố Hà Nội hiện nay.
Từ khóa: Pháp luật, hoạt động môi giới bất động sản, thành phố Hà Nội, nâng cao hiệu quả.
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam hiện nay, nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, các doanh nghiệp luôn hướng tới mở rộng thị trường nhằm tăng sức cạnh tranh và thu được nhiều lợi nhuận nhất. Vì vậy, thị trường bất động sản đã phát triển mạnh mẽ, không ngừng tăng lên phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thành phố Hà Nội là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh doanh thương mại với sự đô thị hóa ngày càng gia tăng và nhu cầu nhà ở đa dạng trên địa bàn đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường, trong đó có vấn đề thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản là hoạt động có vai trò quan trọng trong sự thành công của các giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Song, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản, hoạt động này cũng đang đối diện với nhiều vấn đề hạn chế, như: thiếu minh bạch, không đồng đều về chất lượng dịch vụ, đánh mất lòng tin từ người tiêu dùng và lạm dụng trong việc thu phí môi giới. Do vậy, thực hiện hiệu quả hóa pháp luật về môi giới bất động sản đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch trên cơ sở các quy định rõ ràng và thực hiện đúng đắn, từ đó, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực, lừa dối và bảo đảm giao dịch diễn ra công bằng. Đồng thời, góp phần tăng cường tính minh bạch, công bằng, chất lượng dịch vụ trong quá trình giao dịch, hỗ trợ người mua và người bán có cái nhìn rõ ràng và chính xác về thông tin, giá trị thực tế và các điều khoản giao dịch, tạo môi trường kinh doanh tích cực, lành mạnh cho doanh nghiệp môi giới. Ngoài ra, thực hiện hiệu quả pháp luật giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản, xây dựng hình ảnh tích cực trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế; đồng thời, tăng cường vị thế của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản ở thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trên cơ sở hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản trở thành nhiệm vụ mang tính cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định của thành phố.
2. Pháp luật về môi giới bất động sản
Môi giới thương mại là một hoạt động trung gian thương mại xuất hiện trong quá trình phát triển của hoạt động thương mại. Môi giới bất động sản là một loại hình của môi giới thương mại và được pháp luật xác định đây là một nghề mang tính chất chuyên nghiệp, gắn liền với thị trường bất động sản và chịu sự chi phối của thị trường bất động sản. Với sự phát triển của thị trường bất động sản như hiện nay, việc pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới bất động sản với mô hình phù hợp, chiến lược phát triển hợp lý sẽ thúc đẩy thị trường, kích thích nhu cầu mua bán, mở rộng kênh phân phối, gián tiếp hình thành và làm tăng giá trị của bất động sản. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bất động sản rút ngắn thời gian thu hồi vốn tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tăng uy tín và tính hấp dẫn cho nhà đầu tư; đồng thời, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn.
Cụ thể, khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Trong đó, nội dung môi giới bất động sản quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 63 quy định: tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng; đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản. Đồng thời, khoản 1, 2 Điều 65 cũng quy định hoa hồng môi giới bất động sản được hưởng khi khách hàng ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản và mức hoa hồng do các bên thỏa thuận. Vì vậy, mục đích của bên môi giới bất động sản là tìm kiếm lợi nhuận và được hưởng thù lao, hoa hồng môi giới do bên được môi giới trả, hoạt động này có vai trò quan trọng trong việc môi giới thành công của các giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định về hoạt động môi giới bất động sản vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ môi giới bất động sản là hỗ trợ người mua và người bán tìm hiểu chính xác về thông tin, giá trị thực tế các điều khoản giao dịch; đồng thời, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, đồng nghĩa về việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch giữa người mua và người bán. Việc thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản đã trở thành nhiệm vụ mang tính cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của thành phố.
Ngày 28/11/2023, Quốc hội đã ban hành Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, trong đó quy định pháp lý cho hoạt động môi giới bất động sản công khai, minh bạch. Luật này quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản. Cụ thể, khoản 1 Điều 61 quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện: (1) Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; (2) Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; (3) Có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản; (4) Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này. Đồng thời, khoản 2 Điều 61 cũng quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện: có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Ngoài ra, Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sửa đổi quy định, môi giới tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng. Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Cùng với đó, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Điều 63 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được hưởng tiền thù lao, hoa hồng từ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, sàn giao dịch bất động sản hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Mức thù lao, hoa hồng do cá nhân môi giới bất động sản và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản thỏa thuận, mức thù lao không phụ thuộc vào giá của giao dịch được môi giới bất động sản.
Như vậy, có thể nhận thấy, pháp luật về môi giới bất động sản được ban hành nhằm bảo đảm an toàn pháp lý và lợi ích của các bên, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch cũng như không xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng và Nhà nước. Thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản đã từng bước thay đổi thói quen, hành vi của người dân khi tham gia các giao dịch bất động sản. Họ tìm đến các tổ chức môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản có uy tín để thực hiện các giao dịch một cách an toàn nhất. Đồng thời, pháp luật về môi giới bất động sản đã tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả thị trường bất động sản.
3. Thực trạng về hoạt động môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh doanh thương mại, với việc đô thị hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với đó nhu cầu nhà ở cũng tăng lên nhanh chóng, nên hoạt động môi giới đang thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội với mức thu nhập hấp dẫn so với các ngành nghề khác, đây là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn.
Năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP; riêng 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP1. Năm 2023, thị trường bất động sản có hướng suy giảm, do đó, 90% nhân sự ngành này bị giảm thu nhập, môi giới bất động sản nghỉ việc, bỏ nghề tới 70%2. Vì vậy, số lượng các doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp còn rất ít, nên khả năng cung cấp các dịch vụ về bất động sản cho người dân còn hạn chế.
Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản, ở Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề, trong đó Hà Nội có khoảng 70.000 người, TP. Hồ Chí Minh khoảng 90.000 người, số còn lại ở các địa phương khác. Với đặc thù nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp chưa cao, chỉ có 70% người hoạt động thường xuyên, 20% hoạt động kết với nghề khác. Đặc biệt, chỉ có khoảng 35.000 người đã có Chứng chỉ hành nghề, số còn lại khoảng 265.000 chưa có Chứng chỉ hành nghề3.
Theo kết quả của cuộc điều tra riêng tại Hà Nội thì có đến 48% số lượng người môi giới bất động sản được điều tra không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Trong số những người có chứng chỉ hành nghề thì chỉ khoảng 1/3 số người có chứng chỉ hành nghề ngay khi vào nghề, số còn lại sau khi đi làm vài năm mới thi lấy chứng chỉ4. Phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang”, họ không được đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề, không được kiểm soát, không hoạt động thường xuyên mà họ chỉ hoạt động một cách tự phát theo mùa vụ, theo cơn sốt thị trường, do vậy, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Đồng thời, có văn phòng môi giới bất động sản vẫn hoạt động theo kiểu “chui”, không đăng ký kinh doanh, các chủ thể hoạt động môi giới này được gọi là “Cò” (cò đất), họ vẫn ngang nhiên hoạt động và tiến hành các giao dịch trên thực tế.
Thực tế, có rất nhiều hoạt động môi giới bất động sản sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nhưng hầu hết việc đưa một doanh nghiệp môi giới thương mại hay xử lý vi phạm trong hoạt động môi giới thương mại tại tòa án thương mại hoặc trọng tài thương mại là chưa có; thay vào đó là sự phủ nhận trách nhiệm bên trung gian không tham gia trực tiếp vào giao dịch giữa các bên được môi giới hoặc là sự biến mất của các bên môi giới thương mại sau khi đã trục lợi thành công. Điều đó cho thấy, người môi giới chưa thực sự quan tâm đến đạo đức hành nghề, lợi ích khách hàng mà còn vụ lợi khách hàng bằng nhiều cách, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Những kết quả trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, môi giới bất động sản chỉ là một trong nhiều nghiệp vụ của các sàn giao dịch bất động sản. Các sàn giao dịch bất động sản thu được lợi nhuận lớn từ các dịch vụ khác, như: định giá tài sản, tư vấn hồ sơ bất động sản, quảng cáo bất động sản, đấu giá bất động sản, tư vấn thiết kế – xây dựng, quản lý bất động sản… Khi tuyển nhân viên môi giới, các sàn giao dịch bất động sản chỉ chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng, không đòi hỏi bằng cấp, chuyên môn.
Thứ hai, các sàn giao dịch bất động sản đều muốn tìm cách khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ môi giới của mình. Sản phẩm tại các sàn giao dịch chủ yếu là bất động sản của các công ty kinh doanh bất động sản; người dân ít tham gia sàn giao dịch vì e ngại bất động sản ở sàn giao dịch có giá cao hơn bất động sản thông thường. Hơn nữa, người dân khá hạn chế về các dự án quy hoạch đô thị, vì vậy, tỷ lệ giao dịch bất động sản thông qua dịch vụ môi giới của sàn giao dịch bất động sản vẫn còn khá thấp.
Thứ ba, thiếu chương trình đào tạo có chất lượng cao và chuyên sâu cho người làm nghề môi giới bất động sản, nên họ thiếu hụt kiến thức, kỹ năng, dẫn đến hành vi không chuyên nghiệp và làm giảm uy tín của nghề môi giới bất động sản.
Thứ tư, mặc dù pháp luật đã có những quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản nhưng điều kiện vẫn còn lỏng lẻo, công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chưa chặt chẽ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản ở thành phố Hà Nội.
Thứ năm, cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, hệ thống thông tin thiếu hiện đại, gây cản trở cho các doanh nghiệp và hoạt động môi giới bất động sản trong việc lưu trữ thông tin giao dịch với khách hàng và theo dõi, giám sát quá trình kinh doanh.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay
Một là, tăng cường quản lý và giám sát các hoạt động môi giới bất động sản tại bảo đảm tính tuân thủ, minh bạch và trách nhiệm.
Đây là giải pháp hướng đến xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý môi giới bất động sản có hiệu suất cao, giúp ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo đảm tuân thủ pháp luật và tăng cường lòng tin của người dùng trong thị trường bất động sản. Theo đó, song song với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn giao dịch bất động sản, thành phố Hà Nội cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát đối với các hoạt động môi giới và việc thực thi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Tập trung đánh giá và theo dõi các giao dịch, xác minh thông tin và bảo đảm mọi hành vi đều tuân thủ theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp xử lý, như: xử phạt, tước quyền hoạt động hoặc thậm chí đưa ra tòa án nếu cần thiết đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Thúc đẩy việc công bố thông tin liên quan đến quản lý và giám sát để xây dựng môi trường môi giới bất động sản minh bạch. Ngoài ra, cần có các quy định chi tiết về việc thu phí môi giới, phương pháp thu, mức thu. Xây dựng cơ chế kiểm tra và xác minh để bảo đảm rằng, việc thu phí môi giới được thực hiện đúng đắn và theo đúng quy định. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc theo dõi quy trình giao dịch để bảo đảm tính chính xác và công bằng, yêu cầu môi giới phải công bố công khai về chi phí môi giới và các khoản phí khác liên quan đến giao dịch bất động sản.
Hai là, tạo môi trường kinh doanh tích cực thông qua các cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp môi giới bất động sản phát triển.
Thành phố Hà Nội cần có ưu đãi về chính sách thuế, nhằm giảm gánh nặng đối với doanh nghiệp môi giới bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm và tuân thủ đúng quy định pháp luật, giúp họ phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định thị trường bất động sản. Đồng thời, cung cấp các biện pháp hỗ trợ tài chính, như vay vốn ưu đãi, chương trình tín dụng hoặc quỹ hỗ trợ giúp doanh nghiệp môi giới phát triển; đồng thời, chống chọi với các thách thức tài chính.
Tăng cường tổ chức các sự kiện, hội thảo để tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu và hợp tác giữa doanh nghiệp môi giới và các đối tác tiềm năng, như các nhà phát triển bất động sản, ngân hàng và các đơn vị tài chính khác. Tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp môi giới và các tổ chức liên quan để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình thị trường và thảo luận về các vấn đề quan trọng, qua đó, các bên hiểu rõ hơn về các thách thức và cơ hội đang diễn ra.
Khuyến khích sự hợp tác giữa môi giới và các chuyên gia pháp lý để bảo đảm tính pháp lý của các giao dịch, hướng tới giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp đặt ra.
Ba là, tăng cường đào tạo nghề môi giới bất động sản.
Những năm gần đây, các hoạt động môi giới, tư vấn liên quan đến đất đai đã diễn ra sôi động với bốn loại hình môi giới cơ bản: (1) Công ty; (2) Văn phòng; (3) Cá nhân; (4) Sàn giao dịch bất động sản. Trước đòi hỏi của thực tiễn, các nhà môi giới cần phải thường xuyên cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đẩy mạnh hoạt động môi giới một cách tốt nhất. Thành phố Hà Nội, cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghề môi giới bất động sản để nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng của nghề, điều đó giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch bất động sản. Ngoài ra, cần có quy định rõ yêu cầu người làm nghề môi giới phải có chứng chỉ hoặc bằng cấp chuyên ngành trước khi hoạt động môi giới bất động sản. Đồng thời, phải thiết lập hệ thống đánh giá định kỳ để bảo đảm rằng, người làm nghề môi giới phải thường xuyên duy trì và cập nhật kiến thức mới không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ môi giới bất động sản.
Bốn là, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong môi giới bất động sản.
Cần xây dựng và duy trì hệ thống thông tin bất động sản công cộng, nhờ đó, người mua và người bán có thể tra cứu và xác minh thông tin về giá cả, diện tích, vị trí và các yếu tố khác liên quan đến bất động sản; nhận định thị trường, các dự án bất động sản; tin tức quy hoạch; thông tin các nhà môi giới định danh, sàn giao dịch bất động sản định danh… Tăng cường tính minh bạch và công bằng cách khuyến khích người dùng sử dụng ứng dụng Smatphon và trang web chính thức của công ty giúp người dùng có thể tiếp cận, cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác, thuận tiện và hiệu quả. Áp dụng các công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và blockchain để bảo đảm tính chính xác, an toàn và bảo mật của thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động gian lận và lừa đảo trong quá trình giao dịch.
5. Kết luận
Trước nhu cầu sử dụng dịch vụ trung gian thương mại tại Hà Nội đang gia tăng, lĩnh vực môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển thị trường nhà đất. Trong bối cảnh đó, thực hiện pháp luật về môi giới bất động sản trở nên đặc biệt cần thiết, bảo đảm sự ổn định và phát triển thị trường… điều này có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường niềm tin từ phía khách hàng, xây dựng một thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Các quy định pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản có vai trò vô cùng quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và với thị trường bất động sản nói riêng. Để phát triển hoạt động môi giới một cách minh bạch, chuyên nghiệp, cần có sự đào tạo bài bản hơn và chuẩn hóa những quy định cụ thể, góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các chủ thể khi tham gia giao dịch bất động sản trên thị trường.
Chú thích:
1. Pháp luật về môi giới bất động sản: Thực trạng và hướng hoàn thiện. https://lsvn.vn, ngày 08/10/2023.
2. Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2023: môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tới 70%. https://phunuvietnam.vn, ngày 27/12/2023.
3, 4. Gần 90% môi giới bất động sản ở Việt Nam không có chứng chỉ hành nghề. https://viettimes.vn, ngày 22/4/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
2. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
3. Nguyễn Thị Huỳnh Trân và Nguyễn Hồng Chi. Bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về môi giới thương mại và đề xuất giải pháp khắc phục. Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế, Trường Đại học Tây Đô, 2021, số 13.
4. Tái diễn tình trạng môi giới bất động sản lừa đảo khách hàng. https://nhandan.vn, ngày 17/9/2023.