Phát triển du lịch nông thôn hiện nay – vai trò của người nông dân

ThS. Hoàng Trung Dũng
Đại học Xây dựng Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid  19 đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống xã hội, thay đổi thói quen, nếp sống hằng ngày của con người. Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống thì xu hướng du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch xanh, du lịch thông minh đang trở thành một xu hướng mới. Bài viết đề cập đến quan điểm và vai trò phát triển du lịch nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy nông dân phát triển du lịch nông thôn góp phần xây dựng nông thôn hiện đại.

Từ khoá: du lịch nông thôn; nông dân; nông thôn hiện đại.

1. Quan điểm về du lịch nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại

Du lịch nông thôn là một hình thức du lịch độc đáo, kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa và môi trường tự nhiên tại các khu vực nông thôn. Đây là một khái niệm đa dạng, bao gồm một loạt các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp bởi nông dân và cộng đồng nông thôn nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch. Du lịch nông thôn bao gồm: trong đó có du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái…

Thuật ngữ “du lịch nông thôn” không có ý nghĩa thống nhất trên toàn cầu. Ví dụ, ở Phần Lan, nó có thể chỉ đơn giản là việc cung cấp chỗ ở và dịch vụ ăn uống ở môi trường nông thôn. Trong khi đó, ở Hungary, thuật ngữ “du lịch làng” được sử dụng để mô tả các hoạt động và dịch vụ tập trung trong phạm vi làng, không nhất thiết phải liên quan đến nông nghiệp. Điều này thể hiện sự đa dạng và linh hoạt của khái niệm du lịch nông thôn trên thế giới.

Tại Việt Nam, xây dựng nông thôn hiện đại và phát triển du lịch có quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc xây dựng nông thôn hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của du lịch nông thôn bằng cách nâng cao và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn hiện đại thông qua việc tạo thu nhập và sinh kế cho người dân, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã nêu rõ, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

2. Vai trò của phát triển du lịch nông thôn với phát triển nông thôn hiện đại

Hoạt động du lịch nông thôn mang lại những ảnh hưởng tích cực, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của cộng đồng nông dân. Phát triển du lịch nông thôn một cách hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn hiện đại và bền vững. Có thể khái quát một số vai trò của phát triển du lịch nông thôn với phát triển nông thôn hiện đại:

Một là, phát triển du lịch khu vực nông thôn đã đóng góp tích cực vào việc thực  hiện một số tiêu chí quan trọng liên quan đến xây dựng nông thôn hiện đại, đặc biệt là việc tạo ra nguồn sinh kế và gia tăng thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghề nông truyền thống, duy trì giá trị của sản phẩm địa phương. Qua việc cung cấp các dịch vụ như ăn, ở, sinh hoạt và lao động sản xuất cho du khách, cộng đồng địa phương đã trực tiếp hưởng lợi từ ngành Du lịch, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Hai là, du lịch nông thôn không chỉ mang lại cơ hội việc làm “tại chỗ” cho nhân khẩu nông thôn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, ảnh hưởng gián tiếp đến các hộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho du lịch, đặc biệt là nhóm những người khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi và những người yếu thế tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Du lịch nông thôn không chỉ là nguồn thu nhập mới mà còn là nguồn động viên quan trọng cho những người trở lại quê hương. Nó đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ, khuyến khích họ quay về quê hương, bằng tình yêu và sự tự hào với quê hương. Điều này thúc đẩy trách nhiệm và cam kết sống vì cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam.

Ba là, thông qua việc phát triển du lịch và tương tác với du khách, cộng đồng nông thôn không chỉ mở rộng cơ hội kinh tế mà còn đạt được những ảnh hưởng tích cực về mặt văn hóa và môi trường. Trước hết, sự tương tác với du khách giúp nâng cao năng lực của người dân nông thôn thông qua việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm. Điều này tạo ra một môi trường học hỏi và thúc đẩy sự đổi mới trong cộng đồng. Tại các điểm phát triển du lịch, nhận thức về bảo vệ môi trường tăng cao do yêu cầu của hoạt động làm du lịch, người dân trở nên ý thức hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên tự nhiên, giữ gìn hệ sinh thái và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này thúc đẩy những hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng, từ việc giảm rác thải đến việc duy trì các khu vực xanh.

Ngoài ra, sự phát triển du lịch còn tạo ra những cải thiện về cảnh quan và không gian sống. Người dân nông thôn hiểu rõ giá trị của việc duy trì cảnh quan đẹp, giữ gìn di sản văn hóa và lịch sử của họ. Các dự án xây dựng và phát triển du lịch thường đi kèm với các biện pháp bảo tồn và phục hồi cảnh quan, giúp cộng đồng trở nên hấp dẫn hơn và duy trì được sức hút của du khách. Quan trọng hơn, việc tương tác với du khách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ trong cộng đồng. Sự hỗ trợ và hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên cần thiết để bảo đảm sự thành công của các hoạt động du lịch. Điều này tạo ra một tinh thần đoàn kết và sự gắn bó mạnh mẽ hơn trong cộng đồng nông thôn.

Bốn là, so với đô thị, nông thôn thường không có ưu thế để thu hút đầu tư vào việc xây dựng cơ sở lưu trú và khách sạn quy mô lớn. Tuy nhiên, hoạt động du lịch đã đóng góp vào việc thu hút đầu tư cho nông thôn, đặc biệt là trong quy mô nhỏ và với sự ổn định. Để tận dụng tiềm năng du lịch, nhiều hộ dân đã tự nâng cấp và đầu tư vào việc hoàn thiện cơ sở vật chất sẵn có, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều địa phương, cá nhân và tổ chức đã chú trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời liên kết với phát triển du lịch. Qua đó, tạo ra một sự kết hợp độc đáo giữa trải nghiệm văn hóa nông thôn và sản phẩm nông sản địa phương. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng nông dân mà còn thúc đẩy sự đa dạng trong ngành du lịch và thúc đẩy sự bền vững của nền kinh tế nông thôn.

3. Một số nội dung du lịch nông thôn ở Việt Nam hiện nay

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 10 – 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan thư giãn, vui chơi giải trí, kinh doanh, hội họp) tăng trung bình 4%/năm. Ở Việt Nam, trong số trên 1.300 khu, điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn1.

Xu hướng du lịch cũng đã có sự thay đổi rất rõ rệt. Trước đây khách du lịch chủ yếu hướng vào du lịch tâm linh, chùa chiền với không gian kín trong các công trình kiến trúc. Hiện nay, khách du lịch đã thay đổi sang nhiều xu hướng khác. Tổ chức Du lịch thế giới dự đoán đến năm 2030, khách đi du lịch với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% còn lại là du lịch khác2. Xu hướng mới giúp du lịch gần gũi hơn với thiên nhiên, với không gian rộng, thoáng mát, với không gian xanh. Thu nhập của người dân nông thôn từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%3, mức sống ngày càng chênh lệch với các thành phần khác. Từ đánh giá kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2020) cho thấy, để nâng cao thu nhập, tạo thêm nghề mới cho người dân nông thôn và tái cơ cấu kinh tế nông thôn thì phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó phải phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 thì du lịch nông thôn là một trong các giải pháp chủ yếu, du lịch nông nghiệp lại là thành phần không thể thiếu của du lịch nông thôn4.

Một số sản phẩm du lịch nông nghiệp điển hình có thể kể đến như: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn… Bên cạnh đó các sản phẩm từ ngành Nông nghiệp, như: thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo… của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành Du lịch. Việc khai thác nghệ thuật ẩm thực mang tính chất vùng, miền để phục vụ khách du lịch cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp. Chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch không thể thiếu các sản phẩm từ ngành Nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của nông dân bày bán tại các điểm du lịch không chỉ đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với tiền bán vé tham quan, mà còn là công cụ quảng bá rộng rãi cho mỗi điểm du lịch.

Tuy nhiên, nhiều địa phương có tiềm năng nhưng du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được đánh thức, chưa thực sự tạo ra được sinh kế cho nông dân, vẫn còn nhỏ lẻ và tự phát, sản phẩm du lịch còn đơn giản, quá nhiều sản phẩm tương đồng chưa có sức hút với du khách, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bền vững và chưa đi đúng hướng. Tâm lý của người nông dân còn chưa hiểu rõ về lợi ích của phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, không chịu thay đổi trong khi sinh kế hiện tại vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống của người nông dân. Cùng với đó là những vướng mặc pháp lý về làm du lịch, pháp luật về đất đai khi xây dựng các điểm du lịch trên đất nông nghiệp.

4. Một số giải pháp thúc đẩy nông dân phát triển du lịch nông thôn Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo, vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn hiện đại.

Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn đào tạo về sản phẩm du lịch lưu trú cho người nông dân. Đa phần nông dân hiện nay chủ yếu là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng họ chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch. Điều này làm nổi bật sự cần thiết của việc phát triển nguồn nhân lực địa phương thông qua chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu là nâng cao kỹ năng chuyên môn và nhận thức về du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Mục tiêu cuối cùng là biến mỗi nông dân thành một đại diện xuất sắc cho điểm đến du lịch nông thôn, đồng thời tăng cường nhận thức cộng đồng. Sự thành công của một điểm du lịch nông thôn không chỉ phụ thuộc vào vẻ đẹp tự nhiên mà còn vào sự thân thiện, hiếu khách của cộng đồng địa phương cũng như nghiệp vụ, uy tín và trách nhiệm trong cung cấp sản phẩm du lịch nông thôn từ phía nông dân.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn.

Xây dựng cơ chế cho làng du lịch, giải quyết bài toán cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn, cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách tác động vào việc cung cấp và giá cả của các yếu tố đầu vào sản phẩm du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịchnông thôn. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn. Xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn từ đó thống nhất cách thức quản lý, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, qua đó huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.

Thứ ba, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn hiện đại.

Để bảo tồn và thúc đẩy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển du lịch nông thôn, việc nhận biết và xác định rõ các giá trị truyền thống của nông thôn trong không gian văn hóa, cảnh quan và diện mạo văn hóa là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc nhấn mạnh các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa đặc biệt của từng vùng miền, từ các biểu hiện văn hóa đến cảnh quan văn hóa.

Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động văn hóa và thông tin ở cấp địa phương, cần tập trung vào bảo tồn và nâng cao giá trị của các di tích lịch sử và văn hóa theo hướng tối ưu nhất. Đồng thời, cần phát triển đa dạng các loại hình văn hóa và nghệ thuật cũng như sưu tầm và khai thác vốn văn hóa dân tộc. Việc phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống cũng đòi hỏi sự đa dạng về hình thức tổ chức hoạt động, đồng thời giữ nguyên nội dung chính của các lễ hội.

Đặc biệt, cần xác định các bước thích hợp để nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn hiện đại. Phát triển du lịch nên đi đôi với việc khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống và tập trung vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa bản địa. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và làm đẹp cảnh quan.

Thứ tư, xây dựng mỗi địa phương một sản phẩm du lịch nông nghiệp và nông thôn đặc trưng. Quy hoạch, phát huy được bản sắc văn hóa, lợi thế sẵn có ở địa phương. Xây dựng hệ thống liên kết giữa các điểm du lịch, thu hút được khách du lịch về các vùng nông thôn trải nghiệm, thời gian lưu trú dài.

Phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sản phẩm là dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Mỗi điểm du lịch cần được xây dựng đề án phát triển tổng thể dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và giá trị bản địa tại các bản, làng, thôn, ấp.

Việc xây dựng những tour tuyến chung, liên kết trong các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương liên kết làm tăng sức hút cho các điểm đến du lịch nông thôn. Quảng bá, kết nối và xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn với các hãng lữ hành hay trung tâm du lịch lớn, đa dạng hóa hình thức quảng bá, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong việc kích thích mọi giác quan của du khách khi tiếp cận với sản phẩm du lịch được quảng bá bằng công nghệ thông tin.

Chú thích:
1. Du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu đóng góp khoảng 30 tỷ USD vào doanh thu. https://tapchitaichinh.vn, ngày 15/9/2023.
2. Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ tăng mạnh. https://baochinhphu.vn, ngày 26/9/2019.
3. Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. https://vietnamtourism.gov.vn, ngày 30/6/2023.
4. Định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 (giai đoạn 2021 – 2025) trên cả nước. https://moha.gov.vn, ngày 25/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định sổ 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.
2. Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 22/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.