Phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay

TS. Nguyễn Giác Trí
Trường Đại học Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh tế tư nhân trong nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp những năm qua có sự phát triển thể hiện qua sự gia tăng về quy mô, số lượng doanh nghiệp, vốn, doanh thu, lợi nhuận… tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn nhiều hạn chế về: quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, tự phát; thiếu liên kết; thu nhập không ổn định; còn lạm dụng hóa chất; máy móc còn lạc hậu… trên cơ sở đó, tác giả xây dựng ba nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển khu vực kinh tế này.

Từ khóa: Kinh tế tư nhân; nông nghiệp; doanh nghiệp; tỉnh Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế tư nhân (kinh tế tư nhân) là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Những năm đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của khu vực kinh tế này trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở Việt Nam đã góp phần quan trọng phát huy các nguồn lực, tạo việc làm, duy trì và bảo đảm sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trước những “cú sốc” kinh tế từ bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay quy mô của khu vực kinh tế này vẫn là sản xuất nhỏ, việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế… tỉnh Đồng Tháp có nhiều lợi thế phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp, song còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, thị trường. Do đó, phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp có ý nghĩa quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế tư nhân trong nông nghiệp nói riêng.

2. Phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp – yếu tố quan trọng tạo động lực cho người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình

Kinh tế tư nhân là một khu vực của nền kinh tế quốc dân, dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; tồn tại dưới các hình thức kinh tế hộ gia đình cá thể, tiểu chủ và doanh nghiệp tư bản tư nhân trong và ngoài nước; hoạt động ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Kinh tế tư nhân trong nông nghiệp là một khu vực kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; tồn tại dưới các hình thức hộ nông nghiệp, trang trại và doanh nghiệp; sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Tuyệt đại đa số các chủ thể của khu vực kinh tế tư nhân trong nông nghiệp đều dựa trên sở hữu nhỏ về tư liệu sản xuất chủ yếu. Quyền sở hữu ruộng đất của khu vực kinh tế tư nhân trong nông nghiệp tách rời quyền sử dụng. Về quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, việc tổ chức quản lý còn mang nặng tính quan hệ huyết thống trong gia đình, có tính chất gia trưởng và mang đậm tính chất tiểu nông. Yêu cầu đối với chủ thể của khu vực kinh tế tư nhân trong nông nghiệp không chỉ đòi hỏi phải có trình độ quản lý mà còn phải là người có kiến thức, trình độ về nông nghiệp.

Về quan hệ phân phối kết quả sản xuất, kinh tế cá thể dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và sức lao động của bản thân là chủ yếu, nên kết quả lao động chủ yếu thuộc về chính họ hay cá nhân đó. Quan hệ phân phối là sự tự phân phối trong nội bộ gia đình của các hộ sản xuất – kinh doanh, nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của các thành viên trong gia đình. Đối với kinh tế tư bản tư nhân, phân phối cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. kinh tế tư nhân trong nông nghiệp có các hình thức: hình thức hộ nông nghiệp; Hình thức trang trại; Hình thức doanh nghiệp.

3. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Về hình thức hộ nông nghiệp, sự biến đổi về số lượng và cơ cấu của hộ theo hướng tăng dần số hộ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần số hộ nông nghiệp. Xu hướng giảm dần của hộ nông nghiệp nhưng không đều giữa các phân ngành. Tình hình sản xuất kinh doanh của hộ nông nghiệp: đa dạng các loại cây trồng vật nuôi theo lợi thế của tỉnh. Kết quả sản xuất – kinh doanh của hộ nông nghiệp có khả quan nhưng không ổn đinh.

Về hình thức kinh tế trang trại, các trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng mạnh nhưng không đều, chủ yếu tập trung ở trang trại chăn nuôi. Sự phân bố của các trang trại ở hầu khắp các thành phố, huyện, thị trong tỉnh nhưng không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh…

Quy mô trang trại tại thời điểm 01/12/2022, các trang trại sử dụng 3.579 lao động, trong đó lao động của chủ chiếm 80,6%, lao động thuê ngoài thường xuyên chiếm 16,6%. Tổng diện tích đất của trang trại cũng tăng, nhưng bình quân diện tích đất trên một trang trại trong vòng 5 năm qua thay đổi không đáng kể, bình quân mỗi trang trại chỉ có từ 1ha đến 1,5 ha, năm 2022 chỉ còn 1,05 ha một trang trại. Kết quả đạt được của trang trại là số lượng gia súc gia cầm của trang trại đều tăng. Giá trị thu được từ nông lâm thủy sản của các trang trại tăng 27,6 lần so với năm 2018, bình quân thu nhập 2.378,0 triệu đồng/trang trại/năm. Thu nhập của trang trại tăng mạnh, sau 5 năm, tổng thu nhập của toàn bộ trang trại trong tỉnh năm 2022 là 2.553,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi trang trại đạt 2.257 triệu đồng, tăng 42,6 lần so với năm 2018.

Về hình thức doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, xét theo nhóm ngành kinh tế, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung ở phân ngành nông nghiệp và dịch vụ có liên quan, có tới 307/330 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, còn lại 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Xét theo loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất hạn chế. Năm 2022 có 330 doanh nghiệp nông lâm thủy sản thì có đến 290 doanh nghiệp tập thể, chiếm 90%; 2 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 0,9%; còn lại 38 doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân, chiếm 9%.

Về quy mô doanh nghiệp xét trên hai phương diện: quy mô lao động, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong nông nghiệp không nhiều, nhưng trong những năm gần đây lại có xu hướng thu hút thêm nhiều lao động tham gia. Quy mô nguồn vốn, trong khoảng thời gian từ 2018-2022, tổng quy mô nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng 16,0 lần.

Kết quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản, xét trên hai phương diện doanh thu và hiệu quả sử dụng vốn. Các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong nông nghiệp có doanh thu và tốc độ tăng doanh thu luôn cao hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tập thể. Các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong nông nghiệp sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước.

4. Một số hạn chế đối với sự phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Thứ nhất, hầu hết các chủ thể kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, tự phát. Theo kết quả khảo sát, đa số các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nếu tính tổng diện tích gia đình đang sử dụng thì cũng thấy quy mô nhỏ là phổ biến, có đến 61% số hộ được hỏi có tổng diện tích < 0,2 ha, 19% số hộ có diện tích từ 0,2 – 0,5 ha, 11% số hộ có diện tích từ 0,5-1 ha, chỉ có 9% số hộ có diện tích > 1 ha.

Thứ hai, phần lớn các chủ thể của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sản xuất – kinh doanh độc lập, ít liên kết. Có đến 87% số hộ và 74 % trang trại được hỏi không liên kết với bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào chỉ có 13% số hộ và 26% trang trại có liên kết với hộ khác, với doanh nghiệp trong khâu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo kiểu hợp đồng bao tiêu.

Thứ ba, thu nhập của các chủ kinh tế tư nhân trong nông nghiệp không ổn định, thất thường. Hầu hết số hộ và trang trại được hỏi cho biết thu nhập từ sản xuất nông nghiệp có mức thu nhập không ổn định từ năm 2018 trở lại đây. Chỉ có 13% số hộ và 7% trang trại được hỏi cho biết lợi nhuận thu được khá tốt, năm sau lãi hơn năm trước.

Thứ tư, việc lạm dụng hóa chất thuốc trừ sâu và thức ăn công nghiệp trong sản xuất và chăn nuôi, chất thải sản xuất, chăn nuôi không có hệ thống xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát cho thấy 79% số hộ và 88% trang trại thường xuyên và chủ yếu sử dụng phân hóa học như lân, đạm, kali để chăm sóc cây trồng, 90% hộ và 87% trang trại sử dụng cám công nghiệp trong chăn nuôi. Về công tác bảo vệ môi trường, 100% số hộ được hỏi đều trả lời không có hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Tuy nhiên, đã có nhiều hộ nông nghiệp biết tận dụng chất thải chăn nuôi phục vụ cho mục đích khác nhau: có 20% số hộ tận dụng chất thải chăn nuôi đưa vào hầm Bioga xử lý làm chất đốt, 15% số hộ ủ cùng với chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ hoặc làm thức ăn cho cá, còn lại 64% hộ nông dân xả thẳng ra môi trường.

Thứ năm, các chủ thể kinh tế tư nhân trong nông nghiệp đã tích cực đầu tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhưng nhìn chung còn lạc hậu. Tại thời điểm cuối năm 2022, trong tổng số 400 hộ, đã có nhiều hộ nông nghiệp đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhưng chỉ có 20% hộ đầu tư phục vụ sản xuất thường xuyên, những máy móc thiết bị ít sử dụng thường xuyên thì đi thuê, còn lại 80% hộ trồng lúa đi thuê từ khâu làm đất, như cày bừa đến thu hoạch.

5. Những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay

Một là, nhóm giải pháp chung nhằm khắc phục những hạn chế của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp

Tăng cường tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết. Đây là biện pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu xót trong phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay. Những sản phẩm của người nông dân làm ra cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, mang tính ổn định, bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, mà còn đáp ứng nhu cầu lâu dài. Vì vậy, rất cần đến sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo động lực, niềm tin, khí thế mới cho người nông dân trong phát triển kinh tế tư nhân.

Khi người dân gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chính quyền địa phương phải là khâu trung tâm kết nối, đứng ra giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nông dân.Cùng với đó,từng bước xây dựng thương hiệu cho các hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, tạo ra sức cạnh tranh hàng hoá chất lượng cao không những đáp ứng thị trường trong nước mà còn đáp ứng thị trường ngoài nước.

Nâng cao vai trò của các tổ chức hiệp hội đối với kinh tế tư nhân nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng; liên kết đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất và hội nhập; chính sách hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nông nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận nguồn vốn xã hội với lãi xuất thấp; huy động các nguồn lực xã hội khác để người nông dân yên tâm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không phải lo lắng về vấn đề thị trường, nguồn vốn.

Địa phương cần cụ thể hoá chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể ở từng khu vực, địa bàn, xác định những khu vực trọng tâm, trong điểm để đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân làm giàu chính đáng, hợp pháp trên chính mảnh đất quê hương của mình. Xử lý thật nghiêm với những tổ chức, cá nhân lợi dụng khó khăn về nguồn vốn, thị trường để đầu cơ tích chữ, dồn ép người nông dân với giá rẻ; hoặc có những thủ đoạn trong kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người nông dân.

Hai là, nhóm giải pháp đối với chính quyền và cơ quan, ban, ngành có liên quan

Xây dựng lại quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin thị trường cũng như những định chế của hội nhập để phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp; tiếp tục cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ của bộ máy hành chính ở tỉnh Đồng Tháp; có chính sách cởi mở để thu hút kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời khuyến khích các hộ cá thể đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Các tổ chức, lực lượng có liên quan hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, có quyết tâm thật cao, nỗ lực thật lớn trong từng hoạt động cụ thể. Tích cực, chủ động phối hợp với người nông dân lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trong phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp; hướng dẫn về mặt kỹ thuật, nhân lực, vật lực, thị trường cho người nông dân khi sản phẩm đã làm ra.

Các cơ quan, ban, ngành có liên quan thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời, chính xác cho người nông dân về tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành cấp trên giải quyết khó khăn, bảo đảm quyền và lợi ích cho người nông dân.

Ba là, nhóm giải pháp cụ thể đối với kinh tế tư nhân trong nông nghiệp

Chủ động học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp. Đây là biện pháp rất quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay. Phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp cần rất nhiều nguồn lực ở các lĩnh vực, hoạt động cụ thể. Đây là ngành đòi hỏi phải có nhiều nguồn nhân lực để đáp ứng với đòi hỏi của thị trường sản phẩm.

Tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật, sự hiểu biết các vấn đề xã hội cho những người làm kinh tế tư nhân. Nâng cao trình độ dân trí, nắm bắt và dự báo được xu hướng phát triển của thị trường, kịp thời đề ra các phương án hữu ích, phù hợp, hiệu quả cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể mỗi khi thị trường có những biến động.

Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về thông tin thị trường trong nước, gắn với thị trường quốc tế. Từ đó, đưa ra dự báo “từ sớm”, “từ xa” bảo đảm phát triển kinh tế tư nhân ở những ngành, lĩnh vực mà thị trường cần, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn mang tính lâu dài.

Chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư và đổi mới trạng thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng mang tính tất yếu khách quan nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đi vào chiều sâu, đạt kết quả như mong muốn. Theo đó, cần nâng cao tính ứng dụng của khoa học – công nghệ ở những lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao năng lực khai thác, xử dụng, xử lý công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp của người nông dân; tăng cường hỗ trợ chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp trong tư vấn, giúp đỡ về các mặt, nội dung kỹ thuật cho phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 244/BC-UBND ngày 12/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm, ước cả năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, năm 2023.
2. Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp. Niên giám thống kê 2018 – 2022, năm 2022.
3. Phan Thị Huê. Kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở Việt  Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, tháng 4/2018.
4. Phan Thị Huê. Đổi mới chính sách về kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, số chuyên đề, tháng 11/2018.
5. Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp. Báo cáo hoạt động tài chính của các doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp, năm 2022.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp. Đề án hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030.