Huy động nguồn lực xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương

TS. Hà Huy Ngọc, TS. Đỗ Diệu Hương
Viện Kinh tế Việt Nam
ThS. Tôn Anh Dũng
Công ty Cổ phần Sông Hồng miền Trung

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết đánh giá thực tiễn huy động nguồn lực để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Trong quá trình thực hiện, các cơ chế, chính sách vẫn còn vướng nhiều bất cập khi triển khai thực thi trong thực tiễn. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong huy động nguồn lực nhằm đẩy nhanh việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Từ khóa: cơ chế; chính sách; thành phố di sản; Trung ương; huy động nguồn lực; xây dựng.

1. Cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực nhằm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương

Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Kết luận số 48-KT/TW ngày 25/5/2009 và Thông báo số 175-TB/TW ngày 01/8/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Thực hiện Kết luận số 48-KL/T, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế kịp thời thể chế hóa đồng bộ các nội dung cơ bản vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ chính: (1) Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; (2) Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; (3) Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước; (4) Xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước; (5) Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước.

Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản, gồm: các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung triển khai Kết luận số 48-KL/TW. Đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Ngày 15/5/2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3342/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 về việc phê duyệt Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030.

Để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13/5/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế. Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh về: quản lý tài chính và ngân sách nhà nước (2 nhóm chính sách). Trong cơ chế, chính sách đặc thù về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản và Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế về hỗ trợ nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế (Quyết định số 105/TTg ngày 12/2/1996 về phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010; Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 về phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020; Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 12/12/2012 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế,…).

2. Thực trạng kết quả huy động nguồn lực để xây dựng Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc trung ương

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng đến việc đầu tư ngân sách địa phương cho công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, kịp thời chỉ đạo phân công, phân cấp các ngành, các cấp địa phương cùng phối hợp triển khai đồng bộ công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản. Đồng thời, đã chủ động tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong quá trình gìn giữ.

Nhìn chung, dưới sự chỉ đạo của trung ương và sự khẩn trương triển khai của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt những kết quả rất đáng khích lệ. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được hồi phục. Hạ tầng các khu di tích như: hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực: Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn – Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định… đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung An Định… được tu bổ hoàn thành nguyên bản. Các di tích đã được tu bổ đều bảo đảm các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển.

Trong giai đoạn 2010 – 2021 đã có 173 công trình, hạng mục công trình được triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư 1.340 tỷ đồng (vốn ngân sách 1.296 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 565,9 tỷ đồng; vốn tài trợ, xã hội hóa: 44, 3 tỷ đồng), giai đoạn 2016 – 2021, đã khởi công mới 19 dự án/27 dự án1 và thực hiện 01 dự án/11 dự án được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn2 (đó là dự án: bồi thường, giải phóng mặt bằng tại di tích đàn Âm Hồn). Trong đó, có 156 công trình hoàn thành, số công trình chuyển tiếp sang năm 2021 là 15 công trình. Đặc biệt, trong hai năm (2019 – 2021), Chính phủ đã bố trí từ nguồn ngân sách trung ương 900 tỷ đồng thực hiện theo Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2019: 100 tỷ đồng; năm 2020: 800 tỷ đồng)3.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… để thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế hướng đến việc phục hồi điện Cần Chánh (hợp tác với Đại học Waseda, là một trong những trường đại học nổi tiếng, với chất lượng hàng đầu Nhật Bản); dự án hợp tác với nhóm chuyên gia Đức để phục hồi tranh tường cung An Định, Tối Linh Từ ở khu Phủ Nội Vụ, cổng và bình phong khu vực lăng mộ vua Tự Đức, công trình Tả Vu…

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15, UBND tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản. Đây được xem các là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đó là: 

(1) Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; 100% phí tham quan nêu trên tỉnh được được sử dụng để đầu tư trùng tu di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn. 

(2) Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, Quỹ được hình thành từ các nguồn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.

Trong bối cảnh việc huy động xã hội hóa, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác trùng tu di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế thì hai chính sách nêu trên của trung ương là hết sức cần thiết và phù hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế để địa phương có nguồn lực thực hiện trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Hiện nay, mức dư nợ vay của địa phương đạt gần 2.400 tỷ đồng; tăng 1.200 tỷ đồng tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số dự án mới về bảo tồn di sản. Cơ chế phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên, với cơ chế này, Thừa Thiên Huế được tăng thêm khoảng 1.300 tỷ đồng so với trước4.

3. Những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện hiện cơ chế, chính sách

Thứ nhất, tiến độ triển khai các công trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế nhìn chung còn rất chậm, không đáp ứng được các mục tiêu đã được đề cập trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (cụ thể tại Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 và Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 12/12/2012,…).

Thứ hai, quần thể di tích quá đa dạng, trải dài trên diện rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh, gồm: thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và 2 huyện Phú Lộc, Phú Vang). Hiện có nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề do biến đổi khí hậu và thời gian, đặc biệt một số công trình có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, hình thức kiến trúc, như: khu vực Kinh thành Huế, phố cổ, hội quán, đình, chùa, miếu, bảo tàng… rất cần sớm được tu bổ và phục hồi. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm di tích vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thứ ba, do tính đặc thù của công tác trùng tu di tích cần nhiều thời gian cho giai đoạn thám sát, khảo cổ, sưu tầm tư liệu, lập dự án, thẩm định khoa học và thực hiện trùng tu, tôn tạo; năng lực tư vấn, thi công còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; nguyên liệu vật tư đặc chủng, như: gỗ tứ thiết, sơn ta, gạch, ngói men, vàng quỳ, nghệ nhân ngày càng khan hiếm.

Thứ tư, công tác bảo tồn, tu bổ di tích chịu sự chi phối của nhiều luật, nghị định nên thời gian thực hiện thủ tục kéo dài. Công tác bảo tồn di tích ở Cố đô Huế nói riêng và cả nước nói chung là một lĩnh vực khoa học còn rất mới. Đây là một công việc vô cùng phức tạp, quan hệ đa ngành, trong khi đó các văn bản về công tác bảo tồn chủ yếu tập trung vào công tác quản lý đối với các di sản nói chung, nhưng lại thiếu các quy định cụ thể hoặc một số quy định chưa sát với thực tiễn quản lý đối với di sản gắn liền với cuộc sống người dân. Do vậy, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư, quản lý cấp phép tu bổ di tích, quản lý kinh doanh trưng bày hàng hóa,… trong khu vực có di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, công tác thiết kế, lập dự án trùng tu di tích và triển khai thi công là một công tác mang tính chất hết sức đặc thù.

Thứ năm, việc gìn giữ, bảo tồn và khôi phục di sản văn hóa phi vật thể rất khó khăn, đặc biệt các bản nhạc cung đình Huế. Nguyên nhân chính là bộ môn nghệ thuật này qua một thời gian dài chưa được chú trọng hoặc chưa có điều kiện bảo tồn, nên việc truyền nghề từ nghệ nhân lớn tuổi sang lớp trẻ còn rất hạn chế.

4. Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để huy động nguồn lực cho tỉnh Thừa Thiên Huế

Một là, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa Huế.

Để làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại, đồng thời có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực để tỉnh có thêm cơ hội phát huy nội lực và huy động nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị đặc thù về giá trị di sản. Chúng tôi xin được đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, phát huy được nội lực và huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư bảo tồn và trùng tu các công trình văn hóa di tích, di sản quan trọng trên địa bàn tỉnh. Cho phép thí điểm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế.

Hai là, xây dựng chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về Đô thị di sản.

Từ góc độ chính sách, những nhân tố quan trọng nhất đối với tỉnh, bao gồm: khai thác ưu thế của vị tríđộc đáo, kết nốivới thị trường trong và ngoài nước, đào tạo và thu hút lao độngchất lượng cao, hoàn thiện kết cấu hạ tầnghiện đại, xây dựng môi trường kinh doanhthân thiện, chính quyềnhiệu quả và hiệu lực, trở thành một đô thịdi sản đáng sốngvà hấp dẫn. Chiến lược xây dựng thương hiệu của tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề này. Với mục tiêu và định hướng phát triển trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần một vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình sắp tới để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển. Huế với vị thế và tầm nhìn hiện nay, cần thiết phải thoát ra khỏi hình ảnh đô thị “bảo tồn di sản”, để hướng tới một đô thị độc lập, hiện đại, phát triển bền vững, là động lực kinh tế của vùng và cả nước, một thành phố đáng sống với người dân mọi miền đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có một chiến lược marketing (tiếp thị) địa phương bài bản, khoa học, song song với việc bảo đảm thực thi chiến lược một cách hiệu quả.

Ba là, cần đổi mới tư duy, cách làm mới về bảo tồn và phát triển các di sản địa phương.

Thừa Thiên Huế hiện nay sở hữu rất nhiều di sản vô giá của nhân loại, tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn của địa phương trong việc phải lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển: bảo tồn nhưng không bị đóng băng các giá trị, vẫn có không gian để phát huy khai thác các giá trị di sản để trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Trước hết cần phải hiểu, đứng trước một khu vực hay công trình có các yếu tố di sản cần bảo vệ và phát huy, có ba cấp độ xử lý, tùy theo mức độ quan trọng và tình huống đô thị.

(1) Bảo tồn lịch sử.

Trên thế giới, cấp độ thứ nhất áp dụng cho các công trình di sản đặc biệt khi cần giữ nguyên hiện trạng lịch sử, giữ đến từng chi tiết, như màu sơn và vật liệu khởi thủy đối với các lâu đài và nơi thờ tự ở thành Rome, thủ đô Paris, Bắc Kinh. Tại cố đô Huế, cấp độ bảo tồn lịch sử bao gồm một loạt các hiện vật lịch sử được lưu giữ nguyên trạng, đặc biệt là thông qua các hoạt động khảo cổ gần đây. 

(2) Tôn tạo di sản.

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới, đặc biệt của các thành viên tích cực thuộc ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế) đã chỉ ra rằng cấp độ hai hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Tôn tạo di sản cho phép chúng ta tận dụng mọi nguồn lực để nhanh chóng phát triển Quần thể danh thắng Cố đô, mà không phải máy móc giữ ở trạng thái bất biến tất cả các thành tố vật thể ở đây. Các thay đổi có tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững và bảo đảm giữ nguyên bản sắc của khu vực là một hoạt động bình thường ngay ở những cố đô quy định chặt chẽ nhất về quy hoạch tôn tạo di sản. Trong cấp độ này, việc khôi phục các cấu trúc không gian lịch sử cần phải tính đến việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng dân cư và các yêu cầu đặc thù của hoạt động văn hóa – du lịch.

(3) Tái phát triển.

Với Cố đô Huế, các hoạt động phát triển đô thị (hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhà ở, tiện nghi công cộng) chắc chắn sẽ diễn ra một cách bình thường như ở các đô thị khác để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao về kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư cũng như của một số lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển tại khu vực này cần được đặt dưới một sự chỉ đạo nghiêm ngặt của chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa nhằm phù hợp với các yêu cầu của Khu Di sản văn hoá Thế giới. Các tiện nghi đô thị và các công trình kiến trúc, ngoài việc thỏa mãn công năng thông thường, cần phải phản ánh được, ở mức độ có thể, bản sắc văn hóa – lịch sử đặc biệt của khu vực này. Đồng thời cần phải giải quyết sự chồng chéo, cứng nhắc giữa các quy định, chính sách về bảo tồn hiện nay,… Đặc biệt, cần có những cơ chế, quy định ưu tiên đặc biệt dành riêng cho di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

5. Kết luận

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2/19 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Quần thể Di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được phục hồi, gìn giữ, tôn tạo, mang diện mạo của Cố đô lịch sử. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm; mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” chưa đạt được. Mặt khác, sự phát triển của Huế trong hiện tại và tương lai, đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì Huế sẽ bứt phá phát triển nhanh. Do đó, trong những thập niên tới, các cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực cần hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển bất lợi hiện nay thành những lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên. Cùng với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, kết hợp giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của trung ương được thể chế hóa, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương, chắc chắn Thừa Thiên Huế sẽ hóa giải bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế theo hướng phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Quyết định số 441QĐ/TTg-KGVX ngày 17/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.
2. Văn bản số 5786/UBND-XDKH ngày 11/8/2017 và Văn bản số 6049/UBND-XDKH ngày 17/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
3, 4,  Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo Đề án một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, Thừa Thiên Huế, 2021.