Một số nguyên tắc xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội thành công

TS. Lê Thị Hạnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa – xã hội của cả nước. Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị rất cần thiết – là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội phát triển, đồng thời cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội phải bảo đảm các nguyên tắc khách quan, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ trình độ chuyên môn, gắn với cải cách hành chính để đáp ứng với mô hình mới.

Từ khóa: Xây dựng mô hình; chính quyền đô thị; nguyên tắc xây dựng; thành phố Hà Nội.

1. Mở đầu

Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ở các khu vực đô thị lớn của thành phố tương đối ổn định nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội. Việc quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; mô hình quản lý hiện hành của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và Thành phố còn nhiều bất cập; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước, không tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị với nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị… đòi hỏi phải triển khai một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Quá trình triển khai mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội

Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Theo báo cáo của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội: tính đến hết 9 tháng năm 2023, dân số toàn thành phố đạt 8.499.038 người1, mật độ dân số trung bình lớn, dân cư phân bố không đều, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao. Sự gia tăng dân số tạo ra áp lực lớn về hạ tầng kinh tế và các vấn đề xã hội cho thành phố Hà Nội. Từ ngày 01/7/2021, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 huyện và thị xã Sơn Tây. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội phát triển, đồng thời cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều khó khăn, thách thức.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn” và “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội có một số thay đổi so với Luật Chính quyền địa phương năm 2015. 

Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, tổ chức mô hình chính quyền đô thị có sự thay đổi: chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân (UBND) phường. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/02/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định thẩm quyền và phân cấp, UBND thành phố Hà Nội và chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường. Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch UBND phường (chủ tịch phường), phó chủ tịch UBND phường (phó chủ tịch phường); khen thưởng, kỷ luật công chức làm việc tại UBND phường; giao quyền cho chủ tịch UBND phường theo quy định của pháp luật. Sở Nội vụ thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường. 

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: chủ tịch UBND phường; phó chủ tịch UBND phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và các công chức khác: văn phòng – thống kê; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường; tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch, văn hóa – xã hội. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã. Căn cứ quy định trên, UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp phân bổ số lượng biên chế công chức của UBND phường thuộc từng quận, thị xã…

Với quy định như trên, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là ở phường không tổ chức HĐND, còn cấp quận, huyện và cấp thành phố đều có HĐND và UBND; so với mô hình chính quyền địa phương ở phường trước khi thí điểm bao gồm cả HĐND và UBND, xác định là cấp chính quyền địa phương. Tổ chức chính quyền đô thị ở cấp phường chỉ có UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Qua thời gian ngắn thực hiện cho thấy, chủ tịch UBND phường được tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, giảm bớt hiện tượng đùn đẩy, xin ý kiến cấp trên, nhằm giải quyết công việc nhanh, phù hợp.

3. Nguyên tắc thực hiện xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội 

Một là, khách quan trong thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.

Nguyên tắc này đòi hỏi phải thay đổi để thấy rõ có sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Mô hình mới phù hợp với đặc điểm của chính quyền đô thị về tính thống nhất liên thông của hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đòi hỏi sự quản lý điều hành liên tục, thống nhất, nên mô hình đô thị phải được tổ chức sao cho không tạo ra quá nhiều sự cắt khúc trong tổ chức các cấp quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ – hành chính. 

Thứ haigiữ vững và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; hoàn thiện thêm một bước cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về tổ chức hợp lý chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình thí điểm chính quyền đô thị cũng làm phát sinh những khác biệt so với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành) trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, thống nhất, liên thông, minh bạch liên quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền đô thị và chính quyền đô thị để có những thay đổi cơ bản, toàn diện, mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó, rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện nay có quy định về chính quyền đô thị, góp phần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản để phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố; giữa chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, huyện, thị xã. Chủ động ban hành các quy định, cơ chế theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm tiền đề để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, triển khai quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thứ ba, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền sẽ làm cho bộ máy chính quyền Thành phố tinh gọn, phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính ở cấp quận, cấp phường sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Do vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền đô thị sẽ được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn bảo đảm cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn, an ninh phi truyền thống, như hoả hoạn, thiên tai, dịch bệnh… 

Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần có bước đi thận trọng, vừa bảo đảm tính kế thừa, vừa giữ được ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã; cần có một số điều chỉnh nhất định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp quận, cấp phường sao cho phù hợp với đặc điểm của quản lý chính quyền đô thị, tạo được sự đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng loại đơn vị hành chính (phường, xã, thị trấn). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 01/7/2021 với quan điểm, cán bộ cơ sở là cánh tay nối dài, là cầu nối nắm bắt cũng như giải quyết vướng mắc của người dân thuộc thẩm quyền ở cấp phường; vận hành chính quyền đô thị để bảo đảm quyền lợi của người dân cao nhất, theo đúng quy định của pháp luật; giảm tải cho cấp chính quyền cao hơn, tránh vượt cấp. 

Thứ nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của HĐND, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội liên quan đến công tác giám sát và phản biện, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân.

Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của xã hội đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị nói chung và chính quyền đô thị nói riêng, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với hoạt động của UBND, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề ở địa phương, thay thế chức năng giám sát do không tổ chứcHĐND. Hơn nữa, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, việc thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân trên địa bàn cần được bảo đảm, thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, cần thiết phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị, quyền làm chủ của Nhân dân luôn được bảo đảm và không ngừng phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố. Thông qua vai trò của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, cán bộ khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, người dân có nhiều kênh tham gia ý kiến hoặc phản ánh trực tiếp đến các cấp UBND, trong đó coi trọng thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn. Việc thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở phải được đặc biệt đẩy mạnh, triển khai. 

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với mô hình mới.

Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị phải sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc bị giải thể sẽ dẫn đến một số cán bộ, công chức phải chuyển đổi công tác hoặc bị dôi dư, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức này. Do vậy, đòi hỏi phải triển khai các biện pháp đồng bộ để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức này. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế… Đặc biệt, đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch phải là những người được đào tạo bài bản, chuyên sâu ngành luật; tham gia các lớp tập huấn thường xuyên về kỹ năng, nghiệp vụ trong quá trình công tác để hoàn thành tốt nhất yêu cầu công việc trong tình hình mới. 

Thứ sáumô hình chính quyền đô thị gắn với cải cách hành chính.

Tập trung xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xã hội số. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ – thông tin vào trong cải cách, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả khung kiến trúc chính quyền đô thị theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu quản lý và phù hợp với việc thí điểm thực hiện mô hìnhchính quyền đô thị. Tăng cường ứng dụng công nghệ – thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố.

4. Kết luận

Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị rất cần thiết mở ra cơ hội phát triển, đồng thời, cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều khó khăn, thách thức. Để thực tốt mô hình chính quyền đô thị, Hà Nội phải đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đề cao trách nhiệm cá nhân trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, bảo đảm tính chủ động, độc lập của chính quyền đô thị trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, bảo đảm sự thông suốt, nhanh nhạy và hiệu quả, giảm bớt tổ chức trung gian, hướng tới chính quyền đô thị một cấp thống nhất. Quá trình triển khai cần được thực hiện thận trọng từng bước, có lộ trình xác định, phương pháp thực hiện phải được nghiên cứu kỹ, toàn diện để xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp; đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ mới.

Chú thích:
1. Tốc độ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn Thủ đô vẫn cao. https://nhandan.vn, ngày 08/12/2023.
2. Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội”. 
2. Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. 
3. Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
4. Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.