TS. Trần Thị Minh Tâm
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình tự quản ở cộng đồng đã xuất hiện từ nhiều năm, như: tổ đổi công, tổ hợp tác trồng rau, các tuyến đường thanh niên tự quản,… Ngày nay, các mô hình tự quản liên quan đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới,… xuất hiện ngày càng nhiều. Hoạt động của các mô hình tự quản này có những tác dụng tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, gắn kết cộng đồng; tuy nhiên cũng có việc phát triển mô hình theo phong trào, hoạt động không hiệu quả, thậm chí gây tốn kém, lãng phí. Vì vậy, các địa phương khi xây dựng các mô hình tự quản cần có những nghiên cứu để định hướng đúng. Bài viết khái quát một số vấn đề lý luận về mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư và thực trạng mô hình tự quản trong cộng đồng thôn, tổ dân phố hiện nay.
Từ khóa: Mô hình tự quản; cộng đồng dân cư; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội.
1. Một số lý luận về mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư
a. Về mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư
Mô hình tự quản cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố được hiểu là tổ, nhóm hộ gia đình, cá nhân trong cùng một địa bàn dân cư cùng nhau tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến đời sống, lao động, sinh hoạt của mình ở cộng đồng.
Thôn, tổ dân phố bản chất cũng là cộng đồng dân cư tự quản. Theo các thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố (Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012, Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2016, Thông tư số 05/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022 của Bộ Nội vụ), thôn, tổ dân phố được định nghĩa: “không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao”1. Như vậy, cần phân biệt hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố với hoạt động tự quản của các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, cụ thể như sau:
(1) Hoạt động tự quản của các mô hình tự quản là sự triển khai một phần các công việc tự quản trong cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
(2) Hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố được đặt dưới sự quản lý của “Ban lãnh đạo thôn, khu dân cư” (bao gồm: trưởng thôn, trưởng khu phố – những người được người dân bầu và được chính quyền phê duyệt và đại diện các đoàn thể khác tại khu dân cư), có sự tham gia của tất cả dân cư trong thôn, tổ dân phố. Trong mô hình tự quản thì quy mô tham gia của người dân thường ít hơn quy mô tham gia ở thôn, tổ dân phố, thường là tổ dân cư, hoặc nhóm gia đình, cá nhân. Mô hình tự quản trong cộng đồng có thể bầu hoặc không bầu ban đại diện. Ở những địa bàn giáp ranh giữa các thôn, phố khác nhau thì nhóm gia đình, cá nhân vẫn hình thành được các mô hình tự quản.
(3) Hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố tuân thủ theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và các quy định khác của nhà nước về hoạt động của thôn, tổ dân phố. Hoạt động của các mô hình tự quản không có pháp luật nào trực tiếp quy định cụ thể nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật như mọi hoạt động khác trong xã hội và tuân theo đạo đức xã hội.
(4) Hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố là giải quyết những công việc chung của thôn, tổ dân phố, hướng đến lợi ích chung của thôn, tổ dân phố. Hoạt động của các mô hình tự quản giải quyết những công việc liên quan đến những người tham gia, vì lợi ích trước hết của những người tham gia và lợi ích của cộng đồng.
b. Về đặc điểm
Thứ nhất, chủ thể và tên gọi của mô hình tự quản gắn liền với một lực lượng, giới, ngành, nhóm cộng đồng nào đó ở khu dân cư. Ví dụ: “Tổ thanh niên tự quản khởi nghiệp”, “Tổ phụ nữ tự quản giúp nhau làm kinh tế”, “Tổ nông dân trồng rau sạch”, “Tổ tuần tra an ninh trật tự của Hội Cựu chiến binh”,…
Thứ hai, mô hình tự quản hoạt động trên các nguyên tắc cơ bản: tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm. Có nghĩa là sự thành lập các mô hình tự quản hoàn toàn dựa trên sự tham gia tự nguyện của người dân, không có ép buộc hay chỉ đạo của các cơ quan công quyền hay các tổ chức khác. Các hoạt động của thành viên trong mô hình tự quản là do sự tự giác không phải là bắt buộc, vì vậy, các thành viên trong mô hình phải cộng đồng tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình
Thứ ba, hoạt động của mô hình tự quản phải bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch, đoàn kết, trong khuôn khổ của pháp luật và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố.
c. Phân loại
Mô hình tự quản được thành lập trong cộng đồng thôn, tổ dân phố rất đa dạng, theo từng tổ dân cư, nhóm gia đình (cá nhân), có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:
Dựa vào nội dung và mục đích hoạt động. Có 3 mô hình: (1) Tổ, nhóm hoạt động tự quản theo lĩnh vực, có tính chất xã hội đem lại lợi ích chung cho cộng đồng; (2) Tổ, nhóm hoạt động tự quản, giải quyết các vấn đề về địa bàn rộng, địa hình chia cắt, số hộ dân trong thôn, tổ dân phố; (3) Tổ, nhóm hoạt động tự quản để giải quyết công việc cụ thể trong một giai đoạn nhất định.
Dựa vào quy mô tham gia. Bao gồm: (1) Tổ, nhóm tự quản có sự tham gia của tất cả cư dân, hộ gia đình trong thôn, buôn, tổ dân phố; (2) Tổ, nhóm tự quản có sự tham gia của một tổ dân cư (xóm, tổ); (3) Tổ, nhóm tự quản có sự tham gia của một nhóm hộ gia đình hoặc nhóm cá nhân.
Dựa vào nguồn gốc ra đời. Có: (1) Tổ, nhóm tự quản do người dân tự liên kết thành lập; (2) Tổ, nhóm tự quản do chính quyền cấp cơ sở hoặc các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đứng ra vận động thành lập.
2. Thực trạng xây dựng và hoạt động của mô hình tự quản trong thôn, tổ dân phố hiện nay
Các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, những năm gần đây có sự phát triển rộng khắp các địa phương trong cả nước. Số lượng mô hình tự quản không ngừng tăng lên theo từng năm tạo thành phong trào sôi nổi. Đơn cử:
(1) Tỉnh Lâm Đồng. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.541 thôn, tổ dân phố nhưng có tới 1012 mô hình tự quản ở khu dân cư. Trong đó, có 511 mô hình tự quản lĩnh vực an ninh trật tự, 402 mô hình tự quản lĩnh vực kinh tế, 98 mô hình tự quản lĩnh vực bảo vệ môi trưởng; 71 mô hình tự quản lĩnh vực văn hóa xã hội, 30 mô hình tự quản các lĩnh vực khác2.
(2) Tỉnh Gia Lai. Năm 2022, toàn tỉnh có 1.453 mô hình tự quản trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1034 mô hình tự quản về an ninh chính trị, an ninh nông thôn; 59 mô hình tự quản về kinh tế; 261 mô hình tự quản về văn hóa, xã hội; 61 mô hình tự quản về an toàn giao thông; 2 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; 36 mô hình tự quản bảo vệ cột mốc biên giới, tàu thuyền3.
(3) Tỉnh Phú Yên. Năm 2022, toàn tỉnh có 1.167 mô hình tự quản; trong đó, ở thôn, buôn có 974 mô hình, ở khu phố có 193 mô hình4. Hầu hết mô hình tự quản do ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội và một số ngành liên quan phối hợp thực hiện. Các khu dân cư xây dựng mô hình tự quản thường gắn với thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh4…
Các mô hình tự quản đa dạng, phong phú, xuất hiện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình tự quản về an ninh, trật tự. Ở Đăk Nông mô hình “tự quản an ninh, trật tự” được Bộ Công an công nhận là điển hình và được nhân rộng ra cả nước góp phần không nhỏ duy trì trật tự, trị an tại các địa phương. Các mô hình khác, như: các mô hình tự quản về kinh tế “Tổ khuyến nông cộng đồng”, “Tổ hùn vốn”, “Tổ tiết kiệm”… được triển khai ở nhiều khu dân cư đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển sinh kế của các hộ dân tham gia. Các mô hình bảo vệ môi trường góp phần lớn xây dựng thôn, tổ dân phố “Xanh, Sạch, Đẹp, Văn minh”.
Bên cạnh những mặt tích cực, các mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố cũng đang có những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể:
Một là, các mô hình tự quản chủ yếu ra đời dưới sự vận động của chính quyền hoặc các tổ chức đoàn thể. Ví dụ: các mô hình tự quản an ninh, trật tự được thành lập dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Bộ Công an; mô hình tự quản bảo vệ biên giới hình thành dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Bộ Quốc phòng; các mô hình tự quản kinh tế, văn hóa, xã hội khác chủ yếu hình thành do sự tổ chức của các cấp chính quyền hoặc do sự vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên… Không có nhiều mô hình tự quản hình thành tự nguyện, tự giác từ chính yêu cầu của người dân. Do đó, hoạt động của các mô hình tự quản có sự lệ thuộc vào sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức này; chưa bảo đảm tính tự nguyện, tự giác của những người tham gia.
Hai là, việc “nở rộ” các phong trào tự quản thời gian qua cũng dẫn đến việc một số mô hình tồn tại một cách hình thức. Thấy địa phương khác rộ lên mô hình nào thì địa phương mình cũng vận động triển khai mô hình đó nhưng hầu như không có hoạt động hoặc hoạt động trong thời gian ngắn rồi chìm. Không ít mô hình có sự trùng lặp về nội dung (một việc do nhiều mô hình cùng làm), về chủ thể (một chủ thể tham gia nhiều mô hình; một mô hình do nhiều tổ chức chỉ đạo). Ví dụ, cùng là nội dung bảo đảm an ninh trật tự, nhưng trên dùng địa bàn dân cư có nhiều mô hình tự quản tham gia, như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Tổ tuần tra an ninh tự quản của cựu chiến binh”… Các mô hình này có sự hướng dẫn chỉ đạo của bên Công an, chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh địa phương.
Ba là, về cơ chế quản lý đối với các mô hình tự quản phát sinh trong cộng động chưa được quy định cụ thể rõ ràng. Có nơi, chính quyền can thiệp quá sâu vào công việc có tính tự quản của cộng đồng, hành chính hóa việc quản lý dẫn đến các mô hình tự quản nhưng không bảo đảm tính tự quản mà biến thành biện pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn.
Bốn là, về kinh phí. Theo lý thuyết, mô hình tự quản dựa trên sự tự nguyện, tự giác, thậm chí tự chủ (cả về kinh phí) của những người tham gia. Nhưng thời gian qua, nhiều mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố tồn tại là nhờ vào sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền hoặc các tổ chức. Sự hỗ trợ này không phải lúc nào cũng có và cũng không thể kéo dài mãi. Điều này, dẫn đến tâm lý “ỷ lại” vào sự hỗ trợ, có kinh phí thì hoạt động, không có kinh phí thì tan rã.
Năm là, việc xây dựng và hoạt động của các mô hình tự quản các khu dân cư chưa gắn với đặc trưng văn hóa, xã hội của từng khu vực này (ví dụ như ở vùng nông thôn hoặc miền núi, các thôn, làng vốn có tính tự quản cao dựa trên luật tục và uy tín của già làng, trưởng bản, trưởng họ…).
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong thôn, tổ dân phố
Thứ nhất, xác định rõ vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị – xã hội trong tổ chức, hoạt động mô hình tự quản. Đó là, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội có vai trò khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình tự quản chứ không phải là chỉ đạo, giao việc. Ngoài ra, các tổ chức này còn có vai trò theo dõi, giám sát hoạt động của mô hình tự quản bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Phải bảo đảm mô hình tự quản được tổ chức và hoạt động đúng với tính chất tự quản của nó. Nghĩa là, các mô hình tự quản được hình thành dựa trên nhu cầu và sự tự nguyện của người dân. Các thành viên mô hình tự quản chủ động tham gia và quyết định các hoạt động và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Không hành chính hóa việc quản lý các mô hình tự quản.
Thứ hai, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở cần tuyên truyền có hiệu quả pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân nắm rõ những quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư. Giới thiệu các mô hình tự quản hay ở các địa phương khác có điều kiện kinh tế – xã hội tương tự để cộng đồng dân cư có thể tham khảo và học tập. Có biện pháp khuyến khích, khen thưởng, tuyên dương đối với những mô hình tự quản có những đóng góp lớn cho lợi ích chung của cộng đồng.
Thứ ba, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, phát huy uy tín của các già làng, trưởng họ, trưởng bản. Gìn giữ, phát huy những luật tục tiến bộ, nhân văn trong tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản.
4. Kết luận
Hình thành mô hình tự quản là điều tất yếu trong các khu dân cư để tạo ra sức mạnh tập thể trong việc giải quyết các công việc chung liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội và nếp sống văn minh trong cộng đồng. Cần xây dựng mô hình nào, quy mô bao nhiêu, tổ chức và hoạt động như thế nào, sự tham gia quản lý của chính quyền đến đâu để bảo đảm tính hiệu quả, tính tự nguyện, tự giác, tự chủ của các mô hình là vấn đề đặt ra ở các địa phương hiện nay.
Chú thích:
1. Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 và Thông tư số 05/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022).
2. Báo cáo số 408-BC/TU ngày 30/7/2019 của Tỉnh ủy về thực trạng tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
3. Gia Lai: Xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. http://danvan.vn, ngày 30/10/2022.
4. Mô hình tự quản cộng đồng: Phát huy tinh thần tự nguyện của người dân. https://baophuyen.vn, truy cập ngày 12/3/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 và Thông tư số 05/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022).