ThS. Đặng Thị Hồng Vi
Trường Đại học Lao động – Xã hội
(Quanlynhanuoc.vn) – Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã có sự đống góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Sơn La, đặc biệt là lực lượng thanh niên và phụ nữ các dân tộc trong tỉnh.
Từ khóa: Đóng góp; nhân dân; tỉnh Sơn La; Chiến dịch Điện Biên Phủ.
1. Thanh niên Sơn La với chiến dịch Điện Biên Phủ
Trước tiên phải kể đến sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong 34 và 40 phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là lực lượng chủ lực sát cánh với bộ đội có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất. Mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí, phá hàng nghìn quả bom các loại, san lấp hố bom với hàng vạn m3 đất đá, vượt qua mưa bom bão đạn, bảo đảm giao thông suốt chiến dịch, bổ sung lực lượng cho quân đội 8.000 quân trực tiếp chiến đấu.
Thế hệ trẻ thanh niên Sơn La đồng lòng, nhất trí, sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt, quyết tâm đánh thắng quân thù với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ”. Trong khí thế cách mạng chung của tỉnh, khu vực và cả nước khi đó, lực lượng thanh niên tỉnh Sơn La đã có vai trò và đóng góp hết sức quan trọng cho chiến dịch. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau:
Lực lượng thanh niên Sơn La cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Khu ủy Tây Bắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh chính trị, tập trung củng cố chính quyền các cấp, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, tiến hành chiến dịch diệt phỉ, trừ gian các ổ nhóm gián điệp, biệt kích, thám báo và tay sai phản động tại địa phương. Lực lượng thanh niên cùng với công an và bộ đội địa phương tích cực hoạt động bảo vệ an toàn các tuyến cầu đường vận chuyển, các trạm tổng kho hậu cần và giữ gìn trật tự trị an địa bàn.
Thanh niên trong lực lượng công an tích cực hoạt động trong Ban Công an tiền phương. Trong đêm ngày 23/10/1953, ta tấn công vào Mường Lầm (sông Mã): lực lượng thanh niên công an của tỉnh đã tích cực điều tra bắt 90 tên biệt kích, thám báo đang lén lút hoạt động ở vùng mới giải phóng. Qua các trận tiễu phỉ trên, ta đã giải phóng được gần 2 vạn đồng bào trong vùng phỉ chiếm đóng, thu 1.000 súng các loại, trả tự do cho 1.600 thanh niên bị phỉ cưỡng ép. Đến trung tuần tháng 11/1953, cả Mường Lầm và Thuận Châu, từ tả ngạn sông Mã đến hữu ngạn sông Đà đều sạch bóng các ổ, nhóm phỉ. Đường 41 qua Sơn La đi Lai Châu được nối thông đã tạo thuận lợi cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954. Nhờ đó, con đường 41 từ Hòa Bình qua Sơn La lên Điện Biên, Lai Châu được bảo đảm an ninh, trật tự trị an1.
Cùng với lực lượng thanh niên cả nước, thanh niên Sơn La đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, tỉnh Sơn La đã huy động gần 22 nghìn người, trong đó có một lực lượng lớn thanh niên (vượt chỉ tiêu 10 nghìn người) với gần hai triệu ngày công. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 1954, toàn tỉnh đã tuyển 1.043 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực và các đơn vị bộ đội địa phương; đồng thời, xây dựng được hai tiểu đoàn bộ đội của tỉnh để làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu. Lực lượng thanh niên đã xung kích đi đầu tham gia lực lượng dân quân, du kích vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng. Lực lượng thanh niên Sơn La đã góp phần quan trọng vào thành công chung của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm thất bại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, buộc thực dân Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.
2. Phụ nữ Sơn La sẵn sàng tham gia chiến đấu, hy sinh và hết lòng phụng sự Tổ quốc
Với chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng các chị em tham gia đi tải lương thực, phục vụ chiến dịch, nhất là các chị dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, La Ha… xuống núi “tay xách, nách mang” lợn, gà, dê, rau xanh, ngô, khoai… ủng hộ bộ đội đánh giặc. Cán bộ phụ nữ xuống cơ sở tuyên truyền cho chị em hiểu rõ đi dân công là để phục vụ chiến dịch, giúp bộ đội đánh giặc giải phóng quê hương. Tham gia phục vụ thương binh trong các bệnh viện dã chiến, thiếu thuốc chị em tìm kiếm lá cây rừng để chữa cho thương binh. Mặc dù phải ăn khoai, sắn, củ mài thay cơm, nhưng chị em vẫn giữ đúng số lượng thóc, gạo đã được giao, tổ chức thành tổ xay giã, đội vận chuyển, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc cần kíp.
Năm 1953, Hội Phụ nữ khu Tây Bắc được thành lập và đề ra công tác trước mắt, đó là: (1) Đảm đang công tác hậu phương, động viên chồng con đi giết giặc cứu nước; (2) Vận động phụ nữ đi dân công, tiếp vận phục vụ tiền tuyến; (3) Chăm sóc thương binh, gia đình bộ đội; (4) Củng cố cơ sở vùng bị chiếm và các huyện miền núi cao; (5) Đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đi sâu, đi sát phong trào; (6) Vận động thực hiện phong trào “đời sống mới” ăn, ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi.
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của chiến dịch, chị em đã vận động gia đình tự nguyện đóng thuế, cho Nhà nước vay thóc, bán gạo, bán thực phẩm, trồng nhiều rau xanh cung cấp cho mặt trận, tích cực đi dân công phục vụ chiến trường. “Sơn La đã huy động 21.687 người, trong đó có 5.071 là phụ nữ đi dân công, đóng góp 2.484.759 ngày công làm đường 13, đường 41, làm kho lán, bốc vác và phục vụ thương binh. Đặc biệt, phụ nữ ở Quỳnh Nhai rất dũng cảm, bom đạn địch bắn phá như mưa nhưng chị em không hề nao núng, có chị bị thương nhưng vẫn không chịu quay trở lại, làm gương cho chị em khác quyết tâm đến đích…”2. Ở hậu phương, chị em phụ nữ tích cực xay thóc, giã gạo, thức thâu đêm, địu con xay giã cho dù trời rét thấu xương; còn vào rừng đào củ mài ăn thay cơm để dành gạo cho bộ đội trong trận chiến…
3. Phát huy truyền thống yêu nước trong xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La hiện nay
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong hơn 8 thập niên qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”.
Với 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa bằng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội và xây dựng 9 đề án, 8 nghị quyết và 1 kết luận thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về: (1) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở;(2) Đẩy mạnh cải cách hành chính; (3) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; (5) Phát triển công nghiệp chế biến nông sản; (6) Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; (7) Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản; (8) Phát triển nguồn nhân lực; (9) Phát triển du lịch.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 5 đề án, nghị quyết để cụ thể hóa vào thực tiễn địa phương, như: Đề án và Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Sơn La đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành quả to lớn về mọi mặt, xứng đáng với truyền thống yêu nước của các thế hệ tỉnh Sơn La trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đã triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” thể hiện rõ nét vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, các tổ chức Đoàn đã chủ động thích ứng linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức triển khai hiệu quả các hoạt động phong trào. Có hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia chiến dịch “Hoa phượng đỏ”, tiếp sức mùa thi, kỳ nghỉ hồng, mùa hè xanh, hành quân xanh và đặc biệt thực hiện an sinh xã hội với những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2023.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, phụ nữ tỉnh Sơn La tích cực thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị, đẹp về văn hóa”… Đồng thời, nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, góp phần thúc đẩy sự nghiệp côngnghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trong tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Trong công tác, các chị đều tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cùng cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Hiện nay, toàn tỉnh có 320 chị có trình độ thạc sỹ, 28 chị là tiến sỹ, phó giáo sư; 23 chị được cấp Bằng Lao động sáng tạo; 14 chị là nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ ưu tú; hàng nghìn chị có trình độ cao đẳng, đại học. Ngoài ra, 21,4% cấp ủy cơ sở là nữ; 22% nữ cấp ủy huyện và tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh là 20,7%. Giai đoạn 2015 -2020, toàn tỉnh có trên 85% nữ công nhân viên chức – lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”3.
Chú thích:
1. Tỉnh đoàn Sơn La. Báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Sơn La, tháng 11/2023.
2. Phụ nữ Sơn La trong chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ. https://mattran.sonla.gov.vn, ngày 27/3/2024.
3. Phụ nữ Sơn La phát huy truyền thống trung hậu, đảm đang, năng động trong thời kỳ mới. https://baosonla.org.vn, ngày 20/10/2020.