Công tác xóa đói, giảm nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Việt Nam hiện nay

TS. Bùi Bảo Trung
Học viện Cảnh sát nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ. Điều này ngày càng được minh chứng bằng thực tế thuyết phục và toàn diện. Cùng với đó là sự tham gia, ủng hộ tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân nên đời sống các hộ nghèo, cận nghèo, địa bàn nghèo có bước cải thiện đáng kể; đồng thời, đã cơ bản thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để công tác xóa đói, giảm nghèo được bền vững. 

Từ khóa: Xóa đói; giảm nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. 

Công tác tổng kết đánh giá thực hiện giảm nghèo được Chính phủ và các địa phương chú trọng, tập trung đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước qua từng thời kỳ; phù hợp với thực trạng nghèo và đặc điểm vùng, miền của nước ta. Những kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là những minh chứng sống động, không thể phủ nhận cho thấy Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện chương trình này.

2. Một số thành tựu nổi bật trong công tác xóa đói, giảm nghèo hiện nay

Thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, ban hành chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo xây dựng, ban hành hệ thống khung khổ pháp lý triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững kịp thời, đầy đủ, bảo đảm tính khách quan và minh bạch như việc xây dựng các tiêu chí xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tiêu chí hộ thoát nghèo, huyện, xã, thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 đã xác định: “Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”. Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 880/2022/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025.

Ngày 19/01/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH về công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) toàn quốc là 7,52% (trong đó, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ). Tại huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều là 55,45% (tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ). Cũng tại các địa bàn này, tỷ lệ hộ nghèo là 38,62% (tổng số hộ nghèo là 375.141 hộ). Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,84% (tổng số hộ cận nghèo là 163.596 hộ)1.

Theo Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho thấy, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%) đạt chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao. Cuối năm 2023, đã thêm được 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo góp phần đạt tiêu chí được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng là 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 20252. Đây là kết quả của sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ủng hộ tích cực của người dân, khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, trong giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu giảm nghèo được Nhà nước đặt ra với mục tiêu cao hơn so với các giai đoạn trước gắn với phát triển bền vững, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều bao trùm. Bên cạnh đó, bám sát, tuân thủ các nguyên tắc triển khai thực hiện chương trình, trong đó chú trọng nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. 

Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; chưa thực sự cải thiện, nâng cao cuộc sống người dân một cách thực chất, hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo, nhất là việc giao chỉ tiêu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 20253. Các tiêu chí nông thôn mới, như: về thu nhập, về nghèo đa chiều, về nhà ở dân cư, về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn chưa đạt chỉ tiêu đề ra và khó duy trì ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Một số dự án đầu tư xây dựng còn dàn trải, đầu tư nhỏ lẻ, mức vốn thấp; phân bổ vốn hằng năm chưa cân đối, hài hòa, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng chưa đúng kế hoạch đề ra. Kết quả triển khai một số chính sách ưu tiên cho trẻ em, người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo còn chậm; một số nội dung trong tiểu dự án, dự án chưa hoàn toàn tách bạch với nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao. Đồng thời, chưa thực hiện triệt để nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện, vì vậy, một số địa phương chưa xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. 

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương còn hạn chế, công tác lập kế hoạch ở một số địa phương chưa sát với thực tế làm cho công tác thực hiện phân bổ vốn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong khi mỗi chương trình lại có cơ chế quản lý khác nhau. Công tác truyền thông còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền. Điều này chứng tỏ đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt khả năng thích ứng với bối cảnh công nghệ số và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. 

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới

Một là, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 23/6/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu. 

Cần tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động để đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững; giảm tối đa tỷ lệ tái nghèo; nghiên cứu mở rộng đối tượng, phạm vi thực hiện chính sách tín dụng xã hội (ưu đãi vay vốn sản xuất – kinh doanh, giải quyết việc làm) đối với các hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp… Những cơ chế, yêu cầu mới, như: (1) Lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia; (2) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; (3) Cơ chế đặc thù trong quản lý, triển khai các công trình, dự án; (4) Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, bền vững; (5) Cải cách thủ tục hành chính; (5) Xây dựng tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng về thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa, cụ thể hóa nâng cao tính khả thi, sát thực tiễn, đặc thù vùng, miền, dân tộc. 

Hai là, chú trọng khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân một cách thực chất trong triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo, khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, sớm có giải pháp thúc đẩy việc bố trí, huy động các nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng phạm vi, đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức vốn vay, thời gian vay… phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và bảo đảm phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tham mưu, tổng hợp, nhất là ở cấp cơ sở; biểu dương, động viên kịp thời các nhân tố tích cực, điển hình; đồng thời, xử lý nghiêm khắc với các biểu hiện vô cảm, né tránh, thiếu trách nhiệm trong công việc; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện.

Năm là, thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công tác giảm nghèo và thống nhất từ tỉnh, huyện, xã; chú trọng các giải pháp cải thiện các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội phát triển sinh kế tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Rà soát xác định số hộ nghèo không có khả năng lao động, số hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng là người có công với cách mạng và có giải pháp hỗ trợ kịp thời. 

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ, cải tiến phương thức tiếp cận giảm nghèo theo chuẩn đa chiều, có giải pháp mạnh mẽ trong việc cải thiện các chiều thiếu hụt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa bàn. Chú trọng nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả, đồng thời phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm lan tỏa những kinh nghiệm hay những bài học quý giữa các địa phương. 

4. Kết luận

Phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta đối với người nghèo, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Chú thích:
1. Toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới. https://nhandan.vn ngày 23/4/2024.
2. Kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững. https://quochoi.vn, ngày 25/8/2023.
3. Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
2. Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2022.
5. Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
6. Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Báo cáo thẩm tra kết quả tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Hà Nội, ngày 20/10/2023.