Đẩy mạnh vai trò các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề trong mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh – Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao 

ThS. Nguyễn Hữu Phước
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
TS. Hoàng Bảo Hùng
Trường Cao đẳng Huế
ThS. Nguyễn Đình Quý
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Thiếu và yếu kỹ năng nghề của lực lượng lao động là thách thức lớn cho bài toán phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các địa phương trên địa bàn miền Trung, Thừa Thiên Huế cũng không phải là ngoại lệ. Thêm vào đó, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng lao động tại địa phương cũng tạo ra khoảng trống kỹ năng khá lớn và làm giảm khả năng hấp thu lao động tại tỉnh vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm theo định hướng của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giải pháp kép cho những thách thức này đặt đúng và đẩy mạnh vai trò của các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề của Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh.

Từ khóa: Tiểu ban phát triển kỹ năng nghề; Hội đồng giáo dục nghề nghiệp; vai trò; giải pháp; phát triển; nguồn nhân lực chất lượng cao.

1. Đặt vấn đề 

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh. Trong đó, việc xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng nhanh và bền vững đang được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và chú trọng. Việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần bảo đảm đủ về quy mô và chất lượng trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nguồn nhân lực trở thành yếu tố nền tảng và lợi thế cạnh tranh đặc biệt quan trọng để tập trung phát triên các ngành kinh tế mũi nhọn, động lực của tỉnh. Đây chính là một trong những nội dung thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Nhiều ngành, lĩnh vực nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng chuyên môn cao

Bài toán nhân lực tại Thừa Thiên Huế hiện đang đối mặt với một thách thức lớn, đó là thiếu và yếu kỹ năng nghề của lực lượng lao động. Trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày càng biến động, đòi hỏi sự chuyển đổi linh hoạt và đa nhiệm từ nguồn nhân lực, việc thiếu kỹ năng nghề có và thiếu hụt nhân lực chất lượng là một rủi ro lớn đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Cụ thể, nhiều ngành, lĩnh vực nghiệp tại Huế đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng chuyên môn cao. Những lĩnh vực như công nghệ thông tin, du lịch, sản xuất và dịch vụ đều đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân sự có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng nghề một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, sự chênh lệch giữa yêu cầu của doanh nghiệp và những gì hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang cung cấp. Điều này góp phần làm tăng lên khoảng trống kỹ năng và làm giảm khả năng hấp thụ lao động tại Thừa Thiên Huế vào các ngành công nghiệp hiện đại. Vấn đề về thiếu và yếu kỹ năng nghề không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả chính quyền, doanh nghiệp và hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm rằng lao động tại Thừa Thiên Huế sẽ có đủ kỹ năng cần thiết để đối mặt với thách thức của thị trường lao động ngày càng phức tạp.

Theo Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của cả nước (xếp thứ 8), tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 52,7%. Năm 2020, quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh đạt 102,27 nghìn người, chiếm tỷ trọng 17,52% tổng lực lượng lao động, giảm 37,25 nghìn người so với năm 2019 và giảm 47,96 nghìn người so với năm 2016. Trong lĩnh vực đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chủ yếu được đào tạo trong 5 lĩnh vực chính, chiếm 76,48% tổng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ngành kỹ thuật (30,87%); khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (15%); công nghệ kỹ thuật (14,38%); kinh doanh quản lý (10,61%); sức khỏe (5,62%)1, đây là những ngành, nghề khá phù hợp với nhu cầu cho phát triển kinh tế ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn vừa qua.

Với quyết tâm cao, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước đi quyết liệt thông qua các kế hoạch, đề án nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương, cũng như cụ thể hóa theo từng ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đẩy mạnh, như: Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển 10.000 nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2025; Đề án “Chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023 – 2025” cũng như các ngành, nghề đặc thù, trọng điểm của tỉnh về văn hóa, du lịch… Trong đó, tỉnh đã chú trọng tới vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia và đồng hành cùng các nội dung đào tạo nhằm phát triển kỹ năng nghề trong trường học cũng như thực tập tại doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người học. 

Nghiên cứu về nhu cầu kỹ năng lao động của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, doanh nghiệp chú trọng tới các kỹ năng khác nhau khi tuyển dụng lao động vào vị trí nghề nghiệp khác nhau và coi đó là một trong những yêu cầu tuyển dụng quan trọng. Đối với vị trí tuyển dụng có yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp cao (gồm cán bộ kỹ thuật và chuyên gia) thì doanh nghiệp sẽ coi trọng các kỹ thuật cụ thể liên quan đến công việc là những tiêu chuẩn, quy chuẩn tất yếu mà nhân lực của họ phải đạt được để đáp ứng yêu cầu của công việc; đối với vị trí tuyển dụng là cán bộ quản lý, doanh nghiệp đề cao kỹ năng lãnh đạo; đối với nhóm nghề nghiệp gồm nhân viên văn phòng, lao động trong lĩnh vực dịch vụ và nhân viên bán hàng, doanh nghiệp nhấn mạnh tới kỹ năng giao tiếp; đối với nhóm nghề nghiệp gồm lao động được đào tạo về nông, lâm ngư nghiệp, thợ thủ công, lao động lắp đặt, vận hành máy móc và nhà xưởng, lao động nghề sơ cấp, doanh nghiệp coi trọng kỹ năng làm việc nhóm.

3. Sự cần thiết thành lập các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề ở một số ngành được lựa chọn

Thứ nhất, vai trò của các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề.

Trước thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” của toàn xã hội, vai trò của hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xem là nơi tháo gỡ điểm nghẽn cho nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 9 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 9 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp2

Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển toàn diện về chất lượng và quy mô đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư và đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến cuối năm 2022 đạt 68,25%3. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh được quy hoạch bố trí từ đồng bằng đến miền núi, đa dạng về ngành, nghề và trình độ đào tạo, vừa tạo điều kiện cho người học, vừa thuận lợi trong việc đào tạo, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các đô thị, địa phương tập trung nhiều lao động có nhu cầu học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự đồng bộ, kết quả đào tạo của người học chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như chưa gắn được vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia vào quá trình lao động, sản xuất tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, người lao động gặp không ít khó khăn do thiếu hụt kỹ năng thực hành và kỹ năng “mềm” khi tham gia thị trường lao động hay làm việc tại doanh nghiệp. Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp không quá coi trọng về bằng cấp, chỉ xem như là điều kiện cần trong quá trình tuyển dụng để phù hợp với vị trí ứng tuyển nhưng họ lại xem xét và có yêu cầu cao về kỹ năng nghề, sự linh hoạt trong quá trình làm việc và coi đó như là điều kiện tiên quyết. Đòi hỏi việc hình thành Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp điều chỉnh chương trình, nội dung và định hướng cho việc mở mã ngành mới phù hợp với thực tiễn tại địa phương; đồng thời cũng là nơi kết nối và gắn vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, sự phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo, ngành/chương trình đào tạo được xem là khâu trọng yếu để “test đầu ra” của nguồn nhân lực trong tương lai đối với từng ngành, nghề đặc thù.

Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh công tác đào tạo kỹ năng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp là một giải pháp và chìa khóa giúp tăng tính sẵn sàng và cạnh tranh của người lao động khi tham gia thị trường. Điều này đòi hỏi một cơ chế phối hợp giúp khối cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ những khó khăn của chính mỗi cơ quan, tổ chức và những thách thức chung để nâng cao chất lượng và kỹ năng của người lao động. Việc thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh sẽ là bước đi cần thiết tạo cơ chế đối thoại, tích hợp sâu của các bên để tham mưu cho những giải pháp phát triển các kỹ năng nghề. 

Với cơ cấu tổ chức gắn với việc thành lập các tiểu ban phát triển các kỹ năng nghề cho những ngành ưu tiên trọng điểm của địa phương sẽ giúp đưa ra những giải pháp đột phá cho từng ngành, nghề cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Các tiểu ban này có thể được hình thành với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp. Đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các tiểu ban sẽ thực hiện vai trò dẫn dắt trong quá trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Doanh nghiệp có thể định hình rõ ràng những kỹ năng và nhu cầu cụ thể mà họ đang tìm kiếm ở nguồn lao động, chia sẻ thông tin về xu hướng thị trường lao động, đặc điểm công việc và những kỹ năng mà người lao động cần phải nắm vững để làm việc hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thành lập và hoạch định chiến lược cho các tiểu ban phát triển kỹ năng nghề một cách hiệu quả, thiết thực.

Ngoài ra, doanh nghiệp với sự hiểu biết chuyên sâu về ngành và yêu cầu công việc, có thể đưa ra hướng dẫn và đề xuất những nội dung thực tập thực tế, bảo đảm cho các tiểu ban có thể thiết kế các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng nghề đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, qua đó tăng cường tầm nhìn chiến lược về phát triển lao động cho chính quyền địa phương và đưa ra các khuyến nghị, chính sách phát triển, cơ chế điều phối phù hợp.

Thứ hai, các ngành ưu tiên lựa chọn thành lập tiểu ban trong thời gian tới.

Tỉnh Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển là thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Thừa Thiên Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Vì vậy, việc lựa chọn các ngành, nghề, lĩnh vực trong các tiểu ban đều dựa trên định hướng này. Cụ thể là các lĩnh vực sau:

(1) Lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ: với trọng tâm là ngành công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin đang là một trong những ngành “hot” nhân lực trong những năm gần đây và vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp săn đón về số lượng nhân sự. Việc hình thành tiểu ban trong lĩnh vực kỹ thuật -công nghệ không chỉ giúp Thừa Thiên Huế “đón đầu làn sóng kỹ thuật số” cho ngành kỹ thuật – công nghệ hướng đến các công nghê cao của tỉnh, mà còn mở rộng cơ hội thu hút đầu tư với nguồn lực lao động tại chỗ đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

(2) Lĩnh vực công nghệ xanh: với định hướng phát triển xanh từ phát triển đô thị sinh thái cảnh quan, phát triển giao thông xanh cho tỉnh Thừa Thiên Huế, việc hình thành tiểu ban công nghệ xanh sẽ là một trong những lĩnh vực đột phát có tính công nghệ cao trong các ngành về năng lượng tái tạo, phát triển xanh, công nghệ số…, cho các doanh nghiệp và định hướng phát triển dựa trên các thành tựu khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

(3) Lĩnh vực xã hội – nhân văn: với đặc thù văn hóa và di sản của Thừa Thiên Huế, đây là hai “chất liệu” tạo nên mảng màu đa sắc cho lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực của công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là lĩnh vực được xem là then chốt và tạo ra dấu ấn “rất Huế” đối với thị trường nhân lực về xã hội – nhân văn. Lấy chất liệu văn hóa Huế và di sản Huế làm nền tảng, cùng với công nghệ số sẽ tạo ra bức tranh mới, hiện đại cho ngành xã hội – nhân văn, cơ sở để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

(4) Lĩnh vực dịch vụ du lịch: với vị thế lịch sử và văn hóa nổi bật, ngành du lịch ở Huế đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành lập tiểu ban trong lĩnh vực này giúp cho ngành Du lịch địa phương tập trung vào việc đào tạo nhân lực với kỹ năng về các dịch vụ du lịch, quản lý nhà hàng và dịch vụ trải nghiệm khách hàng chất lượng cao gắn với nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, gia tăng trải nghiệm và thời gian lưu trú của du khách khi đến với Thừa Thiên Huế.

(5) Lĩnh vực dịch vụ sức khỏe: là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo và phát triển kỹ năng nghề trong ngành Y tế và chăm sóc sức khỏe, qua đó cung ứng cho thị trường lực lượng lao động trẻ, chất lượng và có sự phân hóa cao theo các chức danh, vị trí việc làm và sự đa dạng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện nay. 

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, vì vậy, việc thành lập các tiểu ban phát triển các kỹ năng nghề đặc thù trong mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp được xem là bước chuyên môn hóa công tác tham mưu, chỉ đạo để tăng cường hoạt động đào tạo ngày càng trở nên thiết thực, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp “thực tâm, thực tài, thực nghề”, là bước tạo đà cần thiết để Thừa Thiên Huế tiến nhanh và tiến xa hơn trong bước đường phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Chú thích:
1, 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
3. Báo cáo số 555/BC-UBND ngày 29/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2022 của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp: mô hình liên kết hữu cơ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp – thực tiễn tại Thừa Thiên Huế. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 21/3/2024.