Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn

ThS. Cao Huỳnh Thanh Nhựt
Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

(Quanlynhanuoc.vn) – Chất lượng đội ngũ giảng viên trường chính trị có ảnh hưởng lớn đến kết quả đào tạo học viên, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường chính trị nói chung và tại Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài, toàn diện, đồng bộ, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư. 

Từ khóa: Giảng viên; trường chính trị; trường chính trị chuẩn; công tác xây dựng Đảng; hệ thống chính trị.

1. Khái quát chung

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Người đã khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”1.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cán bộ trong sự phát triển của đất nước, Đảng ta yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa có năng lực, vừa hồng, vừa chuyên. Để đáp ứng yêu cầu đó, Đảng thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ giảng viên trường chính trị.

Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên trường chính trị được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, điều này được thể hiện trong các văn bản, như: Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030; Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26/9/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn… Trong đó, tiêu chí về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên trường chính trị được đặt lên hàng đầu.

2. Thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh hiện nay

Những năm qua, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm, do đó, chất lượng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng khá tốt yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Ban Giám hiệu nhà trường xác định, đây là nhiệm vụ hàng đầu, là điều kiện có tính quyết định cho việc tồn tại và phát triển nhà trường. Để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoài việc nắm vững, trang bị và cập nhật những kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành theo chiều sâu, mỗi giảng viên còn phải được trang bị những kiến thức về các lĩnh vực khác để có tầm hiểu biết rộng, đủ sức luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực sự tâm huyết trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tự vươn lên để khẳng định vị thế của mình, khắc phục mọi biểu hiện thỏa mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu tự giác, thờ ơ, lãnh đạm với công việc của nhà trường, với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương và đất nước. 

Tính đến tháng 3/2024, số lượng viên chức của Nhà trường là 36/43 biên chế được giao. Trong đó, xét theo hạng chức danh nghề nghiệp, có: 5 giảng viên chính; 1 chuyên viên chính; 20 giảng viên và 10 chuyên viên. Xét theo trình độ chuyên môn, có: 1 tiến sỹ; 26 thạc sỹ và 9 cử nhân. Xét theo trình độ lý luận chính trị, có: 20 cử nhân/cao cấp; 11 trung cấp2.

Giảng viên được tuyển dụng, cơ bản đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị. Cùng với đó, nhà trường quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, hằng năm cử đội ngũ giảng viên, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm góp phần chuẩn hóa đội ngũ. Chất lượng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh cụ thể như sau:

Một là, đội ngũ giảng viên tốt nghiệp đại học chính quy trở lên, xếp loại khá giỏi, được đào tạo bài bản ở các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng trong và ngoài nước, có chuyên ngành phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của chuyên môn giảng dạy.

Hai là, phần lớn giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên và trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Nhiều giảng viên có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tích cực, thu hút người học. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị được Nhà trường quan tâm. Đến nay, trường có 2 giảng viên tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia; 3 giảng viên tham gia học nghiên cứu sinh; 1 giảng viên tham gia lớp Cao cấp Lý luận chính trị; 2 giảng viên tham gia lớp hoàn chỉnh Cao cấp Lý luận chính trị; 10 giảng viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh3. Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, các giảng viên đã tích cực rèn luyện, phấn đấu trong việc thực hiện công tác chuyên môn, tham gia các Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp trường và toàn quốc, kết quả có 4 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc năm 20234.

Ba là, khả năng nghiên cứu lý luận và thực tiễn của giảng viên thường xuyên được rèn luyện, trau dồi. Song song với việc nghiên cứu lý luận, giảng viên nhà trường cũng thường xuyên được tăng cường đi nghiên cứu thực tế ngắn hạn và dài hạn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để cập nhật, nắm bắt những thực tiễn đang diễn ra trong hoạt động công vụ liên quan đến chuyên môn giảng dạy.

Về kết quả và chất lượng nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Trường xuất bản 3 quyển sách; 9 Bản tin Thông tin Lý luận và Thực tiễn; công nhận kết quả 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Năm 2024, trường đang triển khai thực hiện 4 đề tài khoa học cấp trường và 1 đề tài khoa học cấp tỉnh. Mỗi năm trường tổ chức từ 2 – 3 hội thảo khoa học cấp trường, các khoa tổ chức ít nhất 2 hội thảo, tọa đàm cấp khoa5. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên thực hiện viết tin, bài đăng trang thông tin điện tử, nhóm facebook của trường; viết tham luận theo thư mời của các đơn vị tổ chức hội thảo; viết bài đăng trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy; Tạp chí khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ; viết bài tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ II, III, IV do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức… 

Bên cạnh những ưu điểm, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể:

(1) Số lượng giảng viên của Trường mới đạt 69,4% chỉ tiêu biên chế giảng viên, còn thiếu so với quy định (bằng 75% so với tổng số công chức, viên chức của Trường). Trong khi đó, Trường lại có nhiều lớp, mỗi giảng viên phải phụ trách nhiều bài giảng ở các môn khác nhau. Bên cạnh đó, giảng viên còn phải thực hiện nhiệm vụ chấm bài, nghiên cứu khoa học… Điều này, cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giảng viên. 

(2) Về độ tuổi, đa số giảng viên của Trường có độ tuổi trẻ… Đây là đội ngũ có ưu thế về sức khỏe, nhiệt tình, tính sáng tạo cao, được đào tạo chính quy, bài bản. Nhưng có hạn chế là thiếu kinh nghiệm giảng dạy, vốn hiểu biết thực tiễn ít, nên có những chuyên đề, những phần giảng dạy chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao. 

(3) Về nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Số lượng công trình khoa học đăng trên các báo, tạp chí uy tín còn khá ít, chưa tương xứng với tiềm năng nghiên cứu khoa học của trường chính trị. Một số giảng viên còn chưa tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học, chưa chủ động trong thực hiện các đề tài khoa học. Một số bài viết chưa đạt chất lượng. Việc tổng kết thực tiễn vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều đề xuất thiết thực. Một số giảng viên chưa tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nắm bắt được sự phát triển của thực tiễn. Từ đó, dẫn đến thiếu chủ động trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

(4) Việc nghiên cứu thực tế ở cơ sở cũng còn hạn chế. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã ban hành kế hoạch cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế dài hạn ở cở sở, địa phương; tuy nhiên, số lượng giảng viên được cử đi rất ít (2 giảng viên/năm) với thời gian 6 tháng. Trong đó, giảng viên được cử đi nghiên cứu thực tế vẫn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy do thiếu giảng viên nên việc tập trung vào công tác nghiên cứu, học tập tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh 

Thứ nhất, đối với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, như: cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, vật lực… để Nhà trường phát triển hơn nữa. Các cấp ủy đảng cần phải chú trọng định hướng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên để giảng viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm của họ trong giảng dạy, nghiên cứu nhất là quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, cơ hội, thoái hóa, biến chất… Cùng với đó, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học, cao cấp lý luận chính trị, nâng ngạch đối với giảng viên đủ điều kiện.

Thứ hai, đối với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. 

Cần tuyển chọn đủ số lượng giảng viên theo quy định. Người được tuyển chọn phải tốt nghiệp đại học trở lên ở các trường có uy tín, xếp loại khá giỏi và phải có chuyên ngành phù hợp với các môn giảng dạy tại Trường. Hằng năm, Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đi thực tiễn cơ sở… để nâng cao kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy. Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy đưa những giảng viên đủ điều kiện học chương trình cao cấp lý luận chính trị để đạt chuẩn theo quy định. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho giảng viên với nhiều hình thức khác nhau, như: hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, hội thi, nhất là những nội dung cơ bản, mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa XIII) của Đảng. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các giảng viên đăng ký đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, hoặc công bố sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị; tham gia vào công tác sơ kết, tổng kết, xây dựng các chương trình, đề án.

Thứ ba, đối với đội ngũ giảng viên.

(1) Tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Ở bất cứ xã hội nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Do vậy, người thầy phải không ngừng rèn đức, luyện tài để hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng giao phó. Mỗi giảng viên cần nhận thức được những điểm yếu để sửa chữa, khơi dậy phần tốt đẹp của con người, là tấm gương trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức sáng đối với học viên.

(2) Nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Phát huy tốt vai trò của giảng viên Trường Chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Cùng với đó, cần thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong đời sống; đấu tranh trên không gian mạng… với quan điểm: thấy đúng phải được bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, để tránh sự thờ ơ, vô cảm.  

(3) Không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần luận giải những vấn đề lý luận mới, đang đặt ra, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong các bài giảng. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu, thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Tích cực, chủ động trong công tác nghiên cứu, tham gia viết bài các hội thảo, tọa đàm khoa học, tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh; tham gia tổng kết những vấn đề quan trọng để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội.

4. Kết luận 

Chất lượng đội ngũ giảng viên các trường chính trị có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến kết quả đào tạo. Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng là mục tiêu của mỗi nhà trường, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh. Hiểu rõ thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong thời gian tới. Đây cũng là một tiêu chí của Trường để đạt chuẩn mức độ 1, 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. 

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 309.
2. Báo cáo số 250-BC/TCT ngày 10/4/2023 của Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh về kết quả sử dụng biên chế năm 2024 và kế hoạch sử dụng biên chế năm 2025.
3, 4, 5. Báo cáo số 252-BC/TCT ngày 10/4/2023 của Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh về kết quả công tác tháng 4/2024 và phương hướng công tác tháng 5/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 479-KL/HVCTQG ngày 26/9/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay.
2. Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030.
4. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.