Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Trang
NCS. Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa; nhất là các di tích văn hóa lịch sử – đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa. Từ nghiên cứu thực trạng khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay.

Từ khóa: Tài nguyên du lịch văn hóa; phát triển du lịch; du lịch Côn Đảo; Bà Rịa – Vũng Tàu.

1. Đặt vấn đề

Các di sản văn hóa, lịch sử địa phương là tiếng nói sống động nhất về bề dày lịch sử phát triển và chiều sâu văn hóa của mỗi cộng đồng; mỗi di sản văn hóa là sản phẩm của trí tuệ, óc sáng tạo và quá trình lao động kéo dài mà có. Phát triển du lịch dựa trên khai thác tài nguyên du lịch văn hóa đang ngày càng phát triển, luôn có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị của tài nguyên du lịch văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết những tiềm năng của huyện. Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa tại huyện Côn Đảo hiện nay là rất cần thiết.

2. Tổng quan về tài nguyên du lịch văn hóa của huyện Côn Đảo 

Côn Đảo là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 185 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 230km và cách cửa sông Hậu (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) 83 km. Tổng diện tích phần nổi tự nhiên toàn huyện là khoảng 7.578 ha; bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ1. Côn Đảo không chỉ là một hòn đảo đẹp, bí ẩn với những cánh rừng nguyên sinh và bãi tắm đẹp, nơi đây còn ghi dấu bao ký ức đau thương về cuộc chiến chống quân xâm lược của Việt Nam. Đó là những khu di tích lịch sử, văn hóa của vùng đất Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Di sản văn hóa ở Côn Đảo cũng là loại di sản đặc thù: một hệ thống nhà tù của nhiều đời thực dân, đế quốc với lịch sử 113 năm địa ngục trần gian, thấm đẫm máu, xương cốt của hàng ngàn chiến sĩ cộng sản, nơi được coi là bàn thờ của Tổ quốc, nơi không chỉ để cho các thế hệ người Việt Nam mà còn để cho hàng triệu người có lương tri trên thế giới hướng tới ngưỡng mộ, kính phục2. Huyện Côn Đảo sở hữu một hệ thống di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng, như: hệ thống di tích nhà tù, nghĩa trang Hàng Dương và đặc biệt là: mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, chùa Núi Một, đình An Hội, miếu thờ chị Võ Thị Sáu, miếu thờ Cậu, Bảo tàng Côn Đảo, Di tích nhà Chúa đảo, Di tích trại Phú Hải, Di tích trại Phú Sơn… Trong đó, di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đã tạo nên giá trị lịch sử to lớn, đáp ứng cho loại hình du lịch tham quan về nguồn và du lịch tâm linh. Ngoài ra, các lễ hội văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển đã và đang được duy trì phát triển, trở thành một đô thị di sản về văn hóa và du lịch.

Có thể thấy rằng, Côn Đảo là địa phương sở hữu tài nguyên du lịch văn hóa hiếm có tại Việt Nam. Việc phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch văn hóa đã và đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch nội địa… Đối với tiềm năng khai thác giá trị lịch sử tại Côn Đảo, nếu được đầu tư đúng mức và đồng bộ, chắc chắn du lịch sẽ trở thành một trong những thế mạnh giúp phát triển kinh tế – văn hóa cho huyện đảo này.

3. Thực trạng khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch tại huyện Côn Đảo

Một là, không chỉ là điểm đến lý tưởng với không gian biển cả, nghỉ dưỡng tuyệt vời, Côn Đảo còn là điểm đến của các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lượng du khách đến Côn Đảo trong thời gian qua đã có sự gia tăng.

Bảng 1: Khách du lịch đến Côn Đảo giai đoạn 2018 – 2023

NămTổng lượt khách (lượt)%Tổng doanh thu (tỷ đồng) %
2018153.71741,01730.867 36,77
2019393.770311.555 12
2020323.280– 181.214 – 22
2021245.000– 24,5898 – 26
2022448.21580,271.567 90
2023586.00011,942.088 14,94
(Nguồn. Tổng hợp từ số liệu của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu qua các năm)

Trong giai đoạn 2017 – 2019, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân 15,5%/năm. Đến năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 nên lượt khách đến suy giảm rõ rệt so với năm 20193. Ngoài khách nội địa, lượng khách du lịch quốc tế đến Côn Đảo đa phần từ Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada… 

Hai là, nguồn lực du lịch đã tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, các chuyến tàu cao tốc vận chuyển hành khách được đầu tư, giao thông giữa đất liền và Côn Đảo ngày càng thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, phương tiện đi lại trên đảo được đầu tư phát triển phục vụ du khách… góp phần mang lại hiệu quả xã hội trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Các điều kiện hạ tầng du lịch cũng được huyện Côn Đảo chú trọng xây dựng, trên địa bàn huyện Côn Đảo hiện có 141 cơ sở lưu trú đang triển khai hoạt động đón, phục vụ khách với tổng số 2.740 phòng lưu trú, sức chứa 7.118 người/ngày4. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư (các trục đường chính trong đô thị trung tâm Côn Sơn, đường bao quanh hồ Quang Trung 1, An Hải, đường trục chính phía Bắc khu trung tâm, khu vực Bến Đầm, các khu vực an ninh quốc phòng…); các khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế (Six sence, Poulo 2 Condor…) đã được đưa vào khai thác kinh doanh; các không gian công cộng đô thị được cải tạo chỉnh trang; các dự án quan trọng được triển khai xây dựng… góp phần tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang hiện đại. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên đảo, như: hệ thống xử lý nước thải và rác thải; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong du lịch; bảo vệ môi trường sống thiên nhiên, cảnh quan; tăng cường giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ…

Ba là, ngành Du lịch huyện đã nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và đưa các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh đến với du khách. Côn Đảo là vọng gác tiền tiêu cho phía Nam, Đông Nam canh giữ bình yên cho đất nước, nơi hàng triệu người Việt Nam đang khát khao được đến với tấm lòng thành kính và tri ân. Vào các dịp nghỉ Lễ, nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4 – 1/5, huyện Côn Đảo tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện trong chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, lễ hội Côn Đảo để thu hút đông khách du lịch đến tham gia, trải nghiệm. Những ngày lễ lớn hay lễ giỗ của những người đã mất tại Côn Đảo đều mang yếu tố tâm linh rất đặc biệt và ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống tâm linh của người dân trên Đảo mà của tất cả người dân trên mọi miền đất nước. Đây còn là dịp để người dân cả nước hướng về hòn đảo thiêng liêng – bàn thờ của tổ quốc. Từ các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, điểm đến du lịch văn hóa Côn Đảo gắn với các giá trị văn hóa lịch sử đã được định danh từ nhiều năm nay, với sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh không chỉ riêng đặc trưng: “Viếng mộ Cô Sáu về đêm”, luôn hấp dẫn du khách nội địa, không phân biệt vùng miền hay tôn giáo. Đây là nét tâm linh đặc thù của Côn Đảo mà hiếm có nơi nào tại Việt Nam có được.

Hoạt động du lịch tâm linh tại Côn Đảo được rất nhiều công ty kinh doanh và khai thác, trong đó phải kể đến những công ty có tên tuổi, như: Sài Gòn Tourist, Fidi tourist, Du lịch Việt, Chợ Lớn Tourist… Ngoài ra, còn có những công ty chuyên tổ chức Landtour cho những công ty du lịch không trực tiếp thực hiện tour tại Côn Đảo được như: Công ty du lịch Biển Côn Đảo, Công ty du lịch Phù Viên, Công ty du lịch Cuộc Sống Côn Đảo… Như vậy, hoạt động du lịch nói chung và du lịch văn hóa tâm linh tại huyện Côn Đảo ngày càng phát triển. 

Tuy nhiên, số lượng du khách tăng lên cũng đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh, như: hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải… chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển của du lịch. Công tác giới thiệu, quảng bá thông tin du lịch Côn Đảo trên các phương tiện, kênh truyền hình nước ngoài còn hạn chế, không thường xuyên nên lượng khách quốc tế biết đến Côn Đảo không cao. Khách du lịch khi đến Côn Đảo chủ yếu là du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, lặn ngắm san hô, khám phá rừng, đối tượng nghiên cứu văn hóa di tích lịch sử còn ít, sản phẩm du lịch, hoạt động giải trí chưa đa dạng, dẫn đến thời gian lưu trú, chi tiêu và mua sắm còn thấp…

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch tại huyện Côn Đảo

Mục tiêu của ngành Du lịch Côn Đảo đến năm 2030 là: “lượng khách du lịch đến Côn Đảo khoảng 350.000 lượt/năm, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 40%; đến năm 2045 khoảng 400.000 – 500.000 lượt khách/năm”5. Trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của vườn quốc gia, phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa tâm linh… Bà Rịa – Vũng Tàu đang hướng đến xây dựng phát triển Côn Đảo thành “thiên đường nghỉ dưỡng” độc nhất vô nhị, là điểm đến có một không hai của Việt Nam và quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu trên, việc nghiên cứu tiềm năng và đề xuất một số giải pháp khai thác giá trị tài nguyên du lịch văn hóa vào phát triển du lịch là một hướng đi quan trọng.

Trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch tại huyện Côn Đảo cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị tài nguyên du lịch văn hóa của huyện. Tiếp tục ban hành các quy chế, quy định dưới nhiều hình thức phù hợp nhằm định hướng, giáo dục nhận thức, phát huy giá trị tinh thần và thống nhất hoạt động văn hóa tâm linh từ nhà quản lý đến cư dân nói chung và du khách nói riêng. Liên kết website bằng nhiều ngôn ngữ của các điểm đến, tour du lịch, hướng dẫn, ấn phẩm, sách, hồi ký, tờ rơi… Đấu tranh phê phán nhận thức và hành động sai trái, phản văn hóa, mê tín, dị đoan… dẫn đến hạ thấp giá trị của các di tích lịch sử. Hoạt động này nên được tổ chức thường xuyên, phát huy theo hướng tích cực để Côn Đảo xứng đáng là trường học chính trị, là nơi giáo dục lòng yêu nước và bảo vệ Tổ quốc. 

Thứ hai, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch văn hóa. Nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh hiện có và nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh mới. Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh, kết hợp du lịch tâm linh với các loại hình khác, như: du lịch sinh thái, homestay, du lịch ẩm thực…

Thứ ba, xây dựng các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Chú trọng xây dựng các đề án cụ thể và kịp thời nhằm giữ gìn và phát huy tối đa giá trị của nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tại huyện. Ưu tiên bảo tồn những công trình trọng điểm có giá trị tiêu biểu, có bề dày lich sử để đầu tư trùng tu sửa chữa, đặt ra các giải pháp đối với các công trình phụ trợ, như: hệ thống giao thông, sân vườn cảnh quan, công viên tượng đài, bến bãi đậu xe, nhà vệ sinh, điện nước…

Thứ tư, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch. Ủy ban nhân dân huyện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dịch vụ, xây dựng các chiến lược lâu dài về lương, thưởng, các đãi ngộ và điều kiện sống nhằm giữ chân nguồn nhân lực, hướng đến việc nâng tầm ngành Du lịch địa phương trong tương lai. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác hướng dẫn viên cần trang bị những kiến thức, phẩm chất và năng lực, trình độ ngoại ngữ cơ bản… để du khách tham quan được chào đón với một phong cách thân thiện, thông minh, bài bản… tạo nên sự tin tưởng và ấn tượng đẹp đối với du khách. 

Thứ năm, khai thác tài nguyên du lịch văn hóa vào phát triển du lịch phải gắn với phát triển cộng đồng.Cộng đồng là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa, trong nhiều trường hợp cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản. Chính vì vậy, phát triển du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch văn hóa không thể tách rời phát triển cộng đồng ở khu vực di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ. Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên du lịch văn hóa gắn với cộng đồng sẽ còn khai thác được những giá trị văn hoá bản địa góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch.

Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nội dung này phải được xem là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Gắn kết, đồng nhất trong quản lý và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với du lịch để có một chương trình tham quan khép kín, tạo cho du khách sự đa dạng. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, dịch vụ theo hướng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của địa phương; phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa – lịch sử, tâm linh, tương xứng với tiềm năng; môi trường. Các dự  án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư rõ ràng, hấp dẫn; thu hút đa dạng đối tượng du khách đến Côn Đảo. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch với các địa phương để cộng hưởng sức mạnh, giúp du lịch Côn Đảo phát triển mạnh mẽ, bền vững. 

5. Kết luận

Du lịch Côn Đảo thời gian tới chắc chắn không dừng ở việc chỉ khai thác các giá trị tự nhiên, mà còn khai thác tối đa chiều sâu các giá trị văn hóa; các di tích, lễ hội. Việc khai thác nguồn tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch tại Côn Đảo đang ngày càng phát triển song cũng cần phải có các chính sách giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để nâng cao hiệu quả khai thác giá trị tài nguyên du lịch văn hóa vào phát triển du lịch tại Côn Đảo là rất cần thiết.

Chú thích:
1. Côn Đảo – hòn ngọc vô giá giữa đại dương xanh. https://vietnam.vnanet.vn, truy cập ngày 21/02/2024. 
2. Trần Thị Thu Lương. Nhận diện đô thị di sản – du lịch Côn Đảo, những thuận lợi và thách thức trong việc xây dựng và phát triển bền vững đô thị này trong tổng thể tổ chức không gian biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ. Tập 15, số X1/2012, tr. 49.
3. Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện về hiện trạng phát triển du lịch huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2021.
4. Côn Đảo: Kết quả hoạt động du lịch năm 2023. https://condao.com.vn, ngày 13/12/2023.
5. Côn Đảo: Quy hoạch lại theo hướng khu du lịch quốc gia thu hút 350.000 lượt khách/năm. https://vneconomy.vnngày 27/6/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/10/2009 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về xây dựng và phát triển Côn Đảo đến năm 2015, có tính đến năm 2020. 
2. Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 26/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020. 
3. Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030.