Phát huy vai trò đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

ThS. NCS. Hoàng Việt Hưng
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện ngoài nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên còn góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những năm qua, đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng sơn đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, song cũng còn những tồn tại cần khắc phục. Bài viết nêu bật thực trạng vai trò của đội ngũ giảng viên; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Từ khóa: Giảng viên; trung tâm chính trị cấp huyện; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tỉnh Lạng Sơn.

1. Khái quát chung

Nền tảng tư tưởng của Đảng là hệ thống lý luận, là cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng Đảng; về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; về định hướng phát triển của Đảng; về mục tiêu đấu tranh cách mạng của Đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân”1. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của quốc gia dân tộc; Đấu  tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản động, chống đối, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất”2

Ðội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện có vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng ở cơ sở. Hiện nay, các thế lực thù địch ra sức thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng nước ta, để nâng cao nhận thức cho cán bộ từ cấp tỉnh tới cơ sở, phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vai trò của các giảng viên khối lý luận chính trị trong hệ thống trường Đảng, các trường chính trị tỉnh, thành phố và các trung tâm chính trị các huyện là rất quan trọng.

Đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đưa nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các bài giảng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Song, thực tiễn cũng cho thấy, việc phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện vào đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn những hạn chế nhất định, như: đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện chưa đủ về số lượng và hạn chế về chất lượng, một bộ phận cán bộ, giảng viên còn thụ động, chậm đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy… Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tại tỉnh Lạng Sơn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Thực trạng vai trò của đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

a. Những kết quả tích cực.

Thực hiện Kế hoạch số 10-KH/BCĐ ngày 7/2/2022 của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị vào nội dung chương trình, tài liệu học tập của các lớp đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường đảm nhiệm. Đồng thời, tăng cường kết hợp giảng dạy lý luận gắn với nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tỉnh Lạng Sơn hiện có 10 trung tâm chính trị cấp huyện tương ứng với 10 huyện trên địa bàn tỉnh, ngoài các giảng viên cơ hữu, các trung tâm chính trị cấp huyện còn có lực lượng giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ sư phạm, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đã góp phần tích cực vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn; kỹ năng lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế – xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các huyện; đóng góp tích cực vào thành công trong tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị cũng như phát huy năng lực của từng cá nhân tạo nên những bước phát triển bền vững của tỉnh Lạng Sơn. 

Đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc tham gia đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch đặc biệt là lồng ghép trong quá trình giảng dạy. Không chỉ là người tham gia trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đối tượng học viên mà đội ngũ giảng viên còn làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này, giúp cho học viên hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, bồi đắp thêm các phẩm chất chính trị, giúp học viên vững vàng, bản lĩnh trước các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp trên phê duyệt, các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chiêu sinh, phân công giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức lên lớp bảo đảm theo kế hoạch.

Nhận thức được tầm quan trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên, Lãnh đạo các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt sâu rộng; nghiêm túc tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái cùa các thế lực thù địch, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhận thức và hành động đối với lực lượng giảng viên về nhiệm vụ này.

Trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn hiện nay nhiều giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, tự tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ – thông tin trong việc soạn giáo án điện tử, khai thác hình ảnh tư liệu, kết hợp video, tăng cường đối thoại với người học, tạo không khí sôi nổi trong học tập, giúp học viên tiếp thu nhanh nội dung bài giảng. Đơn cử: 

(1) Trung tâm Chính trị huyện Văn Lãng. Trong năm 2022, đơn vị đã thực hiện đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch vào trong chương trình giảng dạy của lớp đối tượng kết nạp đảng, đảng viên mới, lớp sơ cấp lý luận chính trị. Đối với các chương trình bồi dưỡng khác, đa số giảng viên đều thực hiện lồng ghép nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW vào nội dung bài giảng, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của học viên3.

(2) Trung tâm Chính trị huyện Cao Lộc. Cũng trong năm 2022, “đã mở được 6 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng với 240 quần chúng ưu tú; mở 2 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 136 đảng viên mới; mở 2 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho 110 cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở; mở 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 150 cán bộ hội liên hiệp phụ nữ cơ sở”4.

Không chỉ phát huy trong công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn còn tích cực tham gia đấu tranh trên không gian mạng và tham gia các cuộc thi viết chính luận, các hội thảo liên quan đến đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Năm 2022, cuộc thi viết chính luận lần thứ II đã được triển khai thu hút đông đảo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn và các trung tâm chính trị cấp huyện. Qua việc tham gia thi viết chính luận giúp các cán bộ, đảng viên nói chung, các giáo viên các cơ sở giáo dục, giảng viên khối lý luận chính trị có thêm cơ hội để nghiên cứu, thể hiện khả năng qua những bài thi chất lượng, góp phần vào công tác tuyên truyền chung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Song song đó, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn luôn được quan tâm, trong những năm gần đây công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch của giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện đã đạt được những kết quả tích cực.

b. Những hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả, việc phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên các Trung tâm Chính trị cấp huyện tại tỉnh Lạng Sơn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn tồn tại những hạn chế nhất định. 

Một là, phương pháp giảng dạy của giảng viên chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, hoặc khi lấy ví dụ thực tiễn để minh họa thì rơi vào sa đà, kể lể các vụ án, những hiện tượng tiêu cực mà chưa có sự đánh giá, kết luận để học viên thấy được bản chất của vấn đề. 

Hai là, đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm được cấp ủy phân công làm nhiệm vụ giảng dạy tại các trung tâm chính trị cấp huyện tuy có kiến thức, kinh nghiệm công tác nhưng do đặc thù công việc nên ít tập trung thời gian cho khâu soạn giáo án, còn ngại nhận giảng những bài mang tính lý luận cơ bản; một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nên chất lượng bài giảng vẫn còn khiêm tốn. 

Ba là, nhiều bài giảng thường chỉ tập trung vào tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà ít có lập luận đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch; số lượng bài viết của đội ngũ giảng viên ở các trung tâm chính trị cấp huyện gắn với chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành chưa nhiều. 

Bốn là, trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp huyện chưa được thường xuyên.

3. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn 

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp ủy đảng cần phải chú trọng định hướng tuyên truyền để giảng viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm của họ trong giảng dạy, nghiên cứu chính là quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, cơ hội, thoái hóa, biến chất… đến cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân. Đội ngũ giảng viên cần nhận thức sâu sắc tính chất rất nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch. 

Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện. Đội ngũ giảng viên tiếp tục nâng cao chất lượng từng bài giảng, lồng ghép có hiệu quả nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng được phân công.

Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, đối với hoạt động giảng dạy và học tập ở trung tâm chính trị cấp huyện; giúp cấp ủy thấy được những thuận lợi, khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cơ sở, đồng thời thấy được chất lượng của đội ngũ giảng viên hiện nay để có kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên bằng việc cụ thể hóa trong bài giảng của từng giảng viên. Mỗi bài giảng cần đáp ứng được 4 yêu cầu: (1) Về nội dung lý luận của bài giảng; (2) Quan điểm của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến bài giảng; (3) Những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; (4) Giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.

Thứ tư, mỗi cán bộ, giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có biện pháp động viên, khơi dậy tính tích cực học tập của học viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, sáng tạo, phát huy tối đa vai trò của người học; khắc phục lối suy nghĩ và làm việc xáo mòn, lạc hậu; chỉ coi trọng công tác đào tạo mà xem nhẹ công tác bồi dưỡng. Quan tâm đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.

Thứ năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho giảng viên của các trung tâm chính trị cấp huyện với nhiều hình thức khác nhau, như: hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, hội thi hoặc tổ chức thao giảng giảng viên lý luận chính trị giỏi. Nhất là những nội dung cơ bản, mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa XIII) của Đảng. Cấp ủy tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên các Trung tâm Chính trị cấp huyện tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các giảng viên đăng ký đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, hoặc công bố sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị; tham gia vào công tác sơ kết, tổng kết, xây dựng các chương trình, đề án… thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện.

Thứ sáu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn. Xem kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí để xếp loại viên chức cuối năm, cũng là một trong những tiêu chí để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với những giảng viên, viên chức có thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn, đội ngũ giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh; tham gia tổng kết những vấn đề quan trọng, từ đó đề xuất với tỉnh ban hành những chính sách thiết thực. 

Thứ bảy, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên cho đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn. Xây dựng các chương trình kế hoạch, nội dung có trọng tâm, trọng điểm sát với yêu cầu nhiệm vụ. Việc quán triệt nghị quyết cũng cần được tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức, như: báo cáo nội dung nghị quyết, thông các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề đồng thời có kế hoạch cụ thể. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả các cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, tổ chức có hiệu quả các hội thảo, quán triệt việc lồng ghép phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong các bài giảng và hoạt động viết bài.

Thứ tám, bản thân đội ngũ giảng viên cần tự giác phấn đấu rèn luyện cho bản thân có hiểu biết sâu, chắc về kiến thức lý luận, am hiểu những vấn đề thực tiễn; giỏi về phương pháp giảng dạy, tuyên truyền; vững vàng truyền lửa ý chí niềm tin cách mạng đến học viên. Từng giảng viên phải tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, thực sự là lực lượng tiên phong, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả những giải pháp nêu trên nhằm phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

4. Kết luận

Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện sẽ góp phần hiệu quả vào việc lan tỏa rộng rãi nhận thức và niềm tin cách mạng, ý chí và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong cán bộ, đảng viên theo học tại các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Xuất phát từ vai trò, vị trí của trung tâm chính trị cấp huyện, việc nhận thức quan tâm, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là tất yếu khách quan. Bên cạnh lực lượng cán bộ làm công tác tuyên giáo, giảng viên chính trị các trung tâm chính trị cấp huyện với đặc thù nghề nghiệp sẽ có lợi thế mang tính tiềm năng, cần khai thác, phát huy triệt để vai trò của họ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
2. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Phát huy vai trò của khối giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. https://baolangson.vn, truy cập ngày 03/01/2024.
4. Trung tâm Chính trị huyện Cao Lộc: Đổi mới công tác bồi dưỡng lý luận chính trị. https://baolangson.vn, truy cập ngày 03/01/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
2. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện.