Phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

ThS. Đào Thị Loan
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa được xác định tại “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Du lịch văn hóa được đánh giá là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành Du lịch. Với lợi thế về tiềm năng sẵn có, Phú Thọ có đầy đủ các điều kiện để phát triển loại hình du lịch này.

Từ khóa: Du lịch văn hóa; quản lý nhà nước; phát triển bền vững; tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch dựa vào bản sắc văn hóa của quốc gia, địa phương nhằm phát huy các giá trị truyền thống. Du lịch văn hóa không chỉ dựa vào văn hóa để phát triển mà còn mang sứ mệnh tôn vinh văn hóa, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phát triển du lịch văn hóa không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển xã hội, bảo tồn văn hóa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lịch sử, truyền thống. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để đẩy mạnh khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa để phục vụ phát triển ở cả quy mô quốc gia cũng như từng địa phương. 

Là tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, những năm qua, tỉnh Phú Thọ cũng không nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng sẵn có, sự phát triển du lịch văn hóa tại Phú Thọ cũng đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định.

2. Thế mạnh và thách thức trong phát triển du lịch văn hóa tại tỉnh Phú Thọ

a. Về thế mạnh

Một là, tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc.

Phú Thọ nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, trong vành đai của các tuyến giao thông quan trọng khu vực Bắc Bộ. 

Phú Thọ là miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với nhiều di sản văn hóa độc đáo. Phú Thọ hiện đang lưu giữ và bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc trưng, phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay còn 1.373 di tích và các địa điểm liên quan đến di tích. Có 291 di tích đã xếp hạng, trong đó có 1 di tích đặc biệt quốc gia là Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, 73 di tích cấp quốc gia, 218 di tích cấp tỉnh1

Cùng với các giá trị văn hóa vật chất, như: hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như: tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực…, mang đậm sắc thái cội nguồn dân tộc. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân vùng đất Tổ từ bao đời nay. 

Theo thống kê, Phú Thọ có 260 lễ hội các loại, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử Cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo, 1 lễ hội quy mô cấp quốc gia. Hiện tại, có 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ hoàn chỉnh cả phần lễ – hội – trò diễn tại các địa phương; 43 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng đất Tổ2. Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo, như: lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh dầy Mộ Chu Hạ, hội nấu cơm thi Gia Dụ… Trong đó, có nhiều lễ hội mà tầm ảnh hưởng đã lan tỏa trong một vùng rộng lớn như lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước được kết tinh từ nét đẹp các hội làng của vùng đất Tổ.

Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác, như: Xoan, Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông, múa Chim gâu xúc tép…, của đồng bào các dân tộc; truyện kể dân gian, như: Truyền thuyết Hùng Vương, chuyện cười Văn Lang. Về ẩm thực có các món ăn đặc sắc của các dân tộc, như: xôi ngũ sắc, bánh tai, bánh chưng, bánh dầy…, đã khẳng định thêm một lần nữa những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống, phong tục tập quán vô cùng phong phú của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. 

Ngày 24/11/2011, UNESCO đã công nhận hát Xoan – Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại với những giá trị cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác. Hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm có ca – vũ – nhạc, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất Tổ. Hát Xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), tương truyền có từ thời các vua Hùng. Ngày 06/12/2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ. Đây là tín ngưỡng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Hai là, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện.

Cơ sở hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa. Cơ sở hạ tầng bao gồm: mạng lưới phương tiện giao thông vận tải; cơ sở thông tin liên lạc, cơ sở y tế, các cơ sở phục vụ các dịch vụ bổ sung khác… Du lịch là một ngành kinh tế mang tính dịch chuyển cao, khách du lịch di chuyển đến các địa phương khác nhau để khám phá, trải nghiệm do vậy chất lượng của cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức hút, hiệu quả của hoạt động du lịch ở mỗi địa phương. Chính vì vậy, sự phát triển của ngành Du lịch bao giờ cũng gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. 

Với vị trí nằm trong vành đai của các tuyến, trục giao thông quan trọng, Phú Thọ có hệ thống giao thông đa dạng gồm: đường bộ, đường sắt và đường thủy, giúp địa phương thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ lớn với trên 1.400km trải dài rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, xã, thôn bản qua nhiều địa hình. Phú Thọ hiện có 09 tuyến đường quốc lộ đi qua với 531,1km;  51 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 748km; 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và trên 400 cầu loại trung, cầu loại nhỏ trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương. Tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai với chiều dài 75,025 km, đi qua 44 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành, thị (thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, huyện Thanh Ba và Hạ Hòa). Về đường thủy có 5 sông chảy qua, tổng chiều dài 316,5km. Tỉnh cũng đang khai thác tuyến đường thủy nội địa quốc gia (sông Lô, sông Hồng và sông Đà). Về giao thông nông thôn, toàn tỉnh có gần 11.000km, tỷ lệ cứng hóa đạt 67,1%;  455,6km đường đô thị, tỷ lệ cứng hóa đạt 91,5%3 .

Định hướng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới là ưu tiên thu hút đầu tư cho những dự án trọng điểm để hiện thực hóa tiềm năng du lịch của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch trọng điểm tại trung tâm thành phố Việt Trì và khu Di tích lịch sử Đền Hùng; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn; khu vực huyện Hạ Hòa và Đền Mẫu Âu Cơ. Trên cơ sở đó, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để đầu tư hệ thống hạ tầng trọng điểm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ba là, hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch văn hóa được chú trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác trong phát triển du lịch văn hóa, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động này để thúc đẩy du lịch văn hóa tại địa phương. Tỉnh đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động thông tin, quảng bá, liên kết xúc tiến du lịch thu hút du khách về Phú Thọ. Tham gia nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Phú Thọ với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Trong năm 2023, Phú Thọ đã tổ chức thành công Hội chợ Du lịch Tây Bắc, Liên hoan Văn hóa ẩm thực Đất tổ, Hội thảo – Diễn đàn quốc tế “Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch và các hoạt động du lịch gắn với dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ; tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa tại Nhà đón tiếp khách du lịch và biểu diễn nghệ thuật – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch, sản phẩm tour du lịch văn hóa tâm linh về cội nguồn… Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa, cộng đồng tại một số xã trên địa bàn. 

Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động trong chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và công nhận nhiều điểm du lịch văn hóa cấp tỉnh, như: điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa); điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc (thành phố Việt Trì), điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Dù; xây dựng các mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, hỗ trợ điểm đến gắn với hát Xoan Phú Thọ… Những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong xúc tiến, quảng bá, huy động nguồn lực đã góp phần tạo nên sự chuyển biến rõ nét về du lịch văn hóa của tỉnh trong những năm gần đây.

b. Những thách thức trong quá trình thực hiện

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh đã và đang được phát huy, Phú Thọ cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch văn hóa:

Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực du lịch văn hóa chưa đáp ứng yêu cầuHiện toàn tỉnh có khoảng trên 4.000 lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch4. Nguồn nhân lực mỏng lại phân bố rải khắp các ngành và vị trí công tác, từ các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo ngành Du lịch, hệ thống các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đến các làng nghề, một số bộ phận nghệ nhân, người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như phù hợp với tình hình mới, việc sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh du lịch còn hạn chế. Đây được xem là thách thức rất lớn cho ngành Du lịch văn hóa của tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Thứ hai, hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch văn hóa còn gặp nhiều khó khăn. Phú Thọ chủ yếu thực hiện liên kết, xúc tiến thông tin du lịch với các địa phương trong khu vực mà chưa triển khai mạnh mẽ nội dung hợp tác với các địa phương ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn tài chính để thực hiện.

Thứ ba, việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch văn hóa còn nhiều thách thứcViệc khai thác nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ yêu cầu phát triển vì mục đích kinh tế đã tạo ra áp lực đối với cảnh quan môi trường một số nơi còn làm mất không gian thiêng liêng của di tích cũng như làm phai nhạt các giá trị truyền thống, phong tục tập quán vốn có của người dân bản địa. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho sự phát triển bền vững của du lịch văn hóa. 

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch văn hóa chưa được triển khai mạnh mẽ. Hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp, cơ sở du lịch văn hóa có ứng dụng công nghệ thông tin còn chiếm tỷ lệ chưa cao, thị trường du lịch trực tuyến còn phát triển chưa đồng đều so với một số địa phương trong khu vực, như: Lào Cai, Quảng Ninh…

Thứ năm, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách chưa có sức cạnh tranh, chưa khai thác được thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa địa phương, liên vùng để xây dựng những tour du lịch hấp dẫn du khách.

3. Một số đề xuất, kiến nghị 

Một là, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cần chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trong việc quản lý, phát triển du lịch văn hóa của tỉnh bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và khắc phục được những khó khăn, thách thức.

Hai là, UBND các huyện, thành phố, thị xã bám sát văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch văn hóa cho phù hợp; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Ba là, nâng cao chất lượng ban hành chương trình, kế hoạch phát triển du lịch văn hóa tại địa phương.

Bốn là, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa; đặc biệt, quan tâm đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch văn hóa.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển du lịch thông minh để phù hợp với xu thế, yêu cầu của thị trường du lịch văn hóa hiện nay.

Bảy là, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của tỉnh Phú Thọ để tạo lập giá trị riêng, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch địa phương.

Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của chính quyền và cán bộ quản lý du lịch các cấp để nhằm phát hiện những sai phạm, tồn tại, hạn chế, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp.

4. Kết luận

Du lịch văn hóa góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua. Hội tụ đầy đủ các thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được, trong đo có tỉnh Phú Thọ đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam. Song, bên cạnh những tiềm năng to lớn, thách thức là không nhỏ, điều này đỏi hỏi chính quyền địa phương cần có những bước đi đúng đắn, hiệu quả hơn nữa trong xây dựng chương trình, kế hoạch cũng như huy động sự tham gia và cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân trong phát triển du lịch văn hóa địa phương.

Chú thích:
1. Tổng Cục Du lịch. Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa. Phụ lục 13: Thống kê di tích Việt Nam chia theo địa phương, tháng 11/2020.
2. Phú Thọ giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật Quốc gia, các di sản văn hóa. https://thethaovanhoa.vn, ngày 28/8/2022.
3. Diện mạo mới hạ tầng giao thông Phú Thọ. https://mt.gov.vn, ngày 07/12/2020
4. Báo cáo số 226/BC-SVHTTDL ngày 13/11/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ về công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. 
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
3. Quyết định số 3767/QĐ-BVHTTDL ngày 11/12/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.
4. Xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. https://bvhttdl.gov.vn, ngày 10/11/2020.
5. Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 02/5/2024.