Dân chủ, dân vận, dân là gốc của cách mạng – thực tiễn từ mô hình dân vận khéo ở phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội

Vũ Thị Quỳnh Hoa
Đảng ủy phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ trương của Đảng về công tác dân vận và việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở là rất quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các nội dung, phong trào xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đảng xác định rõ, vai trò của Nhân dân như là chủ thể của xã hội và vận động toàn xã hội tham gia vào quá trình quản lý nhà nước. Đây là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện nguyên tắc dân chủ, Nhân dân làm chủ.

Từ khóa: Dân chủ, dân vận, Nhân dân, mô hình dân vận khéo, phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Công tác dân vận luôn được Đảng ta hết sức coi trọng. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng”1.

Công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp “được đẩy mạnh và thực hiện khá đồng bộ ở các cấp, các ngành, tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ đã xây dựng, vận hành hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của Nhân dân và doanh nghiệp; nhiều địa phương đã công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kiến nghị của Nhân dân”2.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, Đại hội XIII cũng chỉ ra: “công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế, một số cấp ủy, tổ chức đảng còn xem nhẹ công tác dân vận; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát. Công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của Nhân dân còn một số bất cập. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…”3.

2. Công tác dân vận gắn với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Mục tiêu của công tác dân vận trong quản lý nhà nước là để bảo đảm các cơ quan nhà nước hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của Nhân dân và thực thi các quy định của pháp luật. Một số mục tiêu cụ thể bao gồm:

(1) Bảo đảm quyền lợi của Nhân dân: công tác dân vận giúp các cơ quan nhà nước hiểu thấu nguyện vọng của người dân để từ đó có các chính sách, biện pháp phù hợp.

(2) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước: bằng cách thu thập phản hồi từ người dân, công tác dân vận có thể giúp nâng cao hiệu quả và minh bạch của quá trình quản lý nhà nước.

(3) Xây dựng niềm tin: xây dựng chính quyền được người dân tin tưởng sẽ tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng.

(4) Tạo kênh phản ánh thông tin minh bạch, cởi mở: dân vận tạo ra cầu nối giữa Nhân dân với Nhà nước, giúp người dân có cơ hội phản ánh, kiến nghị, các vấn đề trong hoạt động quản lý nhà nước.

(5) Thúc đẩy sự tiếp thu, chấp hành pháp luật: qua công tác dân vận, Nhà nước cũng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân về ý thức chấp hành pháp luật.

Công tác dân vận phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc dân chủ, tức là tôn trọng ý kiến của người dân và đưa ra các quyết định mà phản ánh những quan điểm của họ. Công tác dân vận phải minh bạch, tức là tất cả các hoạt động, quyết định và thông tin liên quan phải được công bố một cách rõ ràng và dễ hiểu. Các cơ quan và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm với quyết định và hành động của mình. Đặc biệt, cần phải giải trình và đối mặt với hậu quả nếu không thực hiện tốt công tác dân vận.

Ngoài ra, để thực hiện công tác dân vận, những người tham gia phải sẵn sàng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đóng góp của người dân, cùng nhau thảo luận, tìm kiếm giải pháp tốt nhất. Công tác dân vận cũng yêu cầu sự hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và cộng đồng. Mỗi bên cần tôn trọng và thừa nhận vai trò của nhau. Thông tin cần được trao đổi kịp thời và có chất lượng, tránh tạo ra khoảng cách thông tin giữa Nhà nước và Nhân dân. Công tác dân vận không chỉ giải quyết vấn đề sau khi xảy ra mà còn phải chủ động tiếp cận, phát hiện và ngăn chặn vấn đề từ giai đoạn ban đầu.

Bằng cách tuân thủ những nguyên tắc trên, Nhà nước bảo đảm công tác dân vận đạt được mục tiêu và đóng góp hiệu quả vào hoạt động quản lý nhà nước về mọi mặt, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, minh bạch và trách nhiệm.

Trong thực tiễn, có một số mô hình hoạt động công tác dân vận hiệu quả, bao gồm: (1) Hội đồng nhân dân cấp xã, nhằm tạo ra một kênh cho người dân trực tiếp đưa ra ý kiến, đề xuất và phản hồi về các quyết định và chính sách của Nhà nước; (2) Diễn đàn chia sẻ, là nơi mà các nhà lãnh đạo cùng với cộng đồng có thể thảo luận về các vấn đề cụ thể cũng như đề xuất và đánh giá tác động của các giải pháp chính sách; (3) Quy chế cộng đồng được các chính quyền cơ sở lập ra và ban hành các quy chế thực hiện, hoặc tạo ra các khung quy tắc mà người dân và cơ quan nhà nước cùng tuân thủ; (4) Hội thảo, diễn đàn trực tuyến thông qua việc sử dụng internet để tạo ra một kỳ họp mở rộng nhằm thu thập ý kiến từ một lượng lớn người dân; (5) Đối thoại giữa cơ quan nhà nước và người dân để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cụ thể; (6) Các dịch vụ trực tuyến khác nhằm tạo ra các trang web chính thức, nền tảng mạng xã hội, nơi mà người dân có thể truy cập để lấy thông tin, nộp đơn xin và phản hồi ý kiến; (7) Hợp tác giữa các bên, đây là mô hình được tiếp cận vấn đề theo nhóm thông qua sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực và cấp bậc khác nhau… Việc chọn lựa và sử dụng các mô hình này cần dựa trên thực tế địa phương cùng với việc bảo đảm nguyên tắc dân chủ, minh bạch, công bằng và kịp thời.

3. Thực tiễn mô hình dân vận khéo tại phường Cửa Nam trong thực hiện dự án trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu

Ngày 09/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trụ sở Bộ Công an tại số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội (Quyết định số 35/QĐ-TTg) và ngày 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình (Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02). Dự án đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng trụ sở Bộ Công an tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Hội nghị thông báo về kế hoạch, tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất thực hiện dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Hoàn kiếm về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ sử dụng nhà đất nằm trong mốc giới thu hồi để thực hiện dự án trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội, các tổ công tác đã được thành lập với nguyên tắc thực hiện công tác dân vận khéo, đẩy mạnh sự phối hợp với Đảng ủy phường, Mặt trận Tổ quốc phường, Công an quận, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Công an phường. Mô hình các tổ công tác được thành lập liên ngành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các hộ dân để thông tin công khai, minh bạch về kế hoạch triển khai của dự án; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân; đề nghị được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chuyển đổi nơi ở mới; tuyên truyền, giải thích chính sách về bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Các tổ công tác thực hiện việc trao đổi, giải thích toàn bộ nội dung của dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ các hộ dân theo cơ chế, chính sách đã được UBND thành phố chấp thuận và phương thức nhận tiền bồi thường hỗ trợ, di chuyển bàn giao mặt bằng. Các tổ công tác liên ngành cũng có nhiệm vụ trao đổi, vận động, thuyết phục, tiếp nhận các đơn thư, khiếu nại của người dân và có trách nhiệm trong tham mưu văn bản trả lời gửi đến người dân đúng theo quy định. Ngoài ra, các thông tin cần được cung cấp kịp thời, công khai trên các cổng thông tin của thành phố, quận Hoàn Kiếm và phường Cửa Nam, như: thông tin về kế hoạch tổ chức giải phóng mặt bằng, mức hỗ trợ tái định cư, phương án đền bù, trường hợp ưu tiên,… Người dân có quyền bày tỏ ý kiến của mình và tham gia vào quyết định phương án chính sách bồi thương, hỗ trợ vì lợi ích chung, chính đáng của người dân.

Tổ Công tác gặp gỡ trao đổi với người dân phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội.

Trong quá trình thực hiện, đã có nhiều cuộc đối thoại giữa UBND phường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, Bộ Công an, Công an quận, Công an phường và 7 hộ dân đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định với nỗ lực nhằm đạt được sự thấu tình, đạt lý và được sự đồng thuận của Nhân dân trong việc chấp hành chủ trương thu hồi giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân của các tổ công tác trong thực hiện Dự án trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu.

Từ việc nắm chắc các văn bản pháp luật, UBND quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và trả lời thoả đáng các đơn thư, kiến nghị của người dân, số lượng khoảng 60 đơn (tính đến thời điểm ngày 23/10/2023). Sau khi có thông báo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án, UBND quận tiếp tục nhận được khoảng 30 đơn kiến nghị (đơn tập thể và đơn cá nhân). Đơn thư, kiến nghị của các hộ dân đã được UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và kịp thời trả lời đơn thư, kiến nghị của các hộ dân bằng văn bản, gửi trực tiếp đến các hộ dân, chuyển phát qua đường bưu điện… Đến nay, về cơ bản, công tác giải quyết đơn thư vẫn tiếp tục được triển khai kịp thời, bên cạnh đó thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Kinh nghiệm trong giải quyết công tác dân vận này có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng với UBND phường Cửa Nam khi tiến hành đặt lịch làm trực tiếp trao đổi, làm việc với từng hộ dân.

Mặc dù dự án xây dựng công trình Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội là dự án đầu tư công, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để xây dựng, mở rộng công trình trụ sở làm việc của Bộ Công. Tuy nhiên, từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã tác động và làm hạn chế tiến độ triển khai thực hiện xây dựng Trụ sở, do phần lớn các hộ dân vẫn chưa đồng thuận về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chính sách của dự án. Vẫn còn một số hộ dân chưa nhận thức rõ về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân khi tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh quốc gia, xây dựng đất nước, thậm chí đã có tư tưởng, biểu hiện kích động, xúi giục và liên kết với các hộ dân trên địa bàn phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng để phản đối chủ trương của dự án, gây cản trở, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, toàn thể hệ thống chính trị phường Cửa Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và Tổ Công tác gửi tài liệu pháp lý của dự án và quy định của pháp luật liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã được niêm yết công khai theo quy định) để người dân nghiên cứu. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các chủ nhà, đất trong diện bị thu hồi để thực hiện dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

4. Một số kinh nghiệm rút ra về công tác dân vận từ thực tiễn phường Cửa Nam

Thứ nhất, tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, thấu đáo cho dân hiểu. Cán bộ, công chức của phường chủ động tiếp cận, lắng nghe, hiểu và tôn trọng quan điểm của người dân. Điều này không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ đoàn kết, đồng thuận với cộng đồng mà còn giúp nhận ra và giải quyết kịp thời các vấn đề mà người dân đang phải đối mặt. Trong đó, phải giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng.

Thứ hai, học hỏi và ứng dụng sáng tạo các mô hình công tác dân vận. Việc học hỏi từ những thành công và thất bại trong thực hành công tác dân vận từ các địa phương khác giúp cho các cán bộ, đảng viên và công chức làm công tác dân vận trên địa bàn phường Cửa Nam tìm ra những phương thức tiếp cận hiệu quả.

Thứ ba, tập trung vào quyền lợi và mong muốn của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn phường Cửa Nam cần phải hiểu rõ và tập trung vào việc đáp ứng quyền lợi và mong muốn của người dân. Mọi hoạt động công tác dân vận đều nên dựa trên việc tạo ra lợi ích thực tế và cụ thể cho người dân. Điều này giúp xây dựng niềm tin và tạo ra sự ủng hộ từ cộng đồng.

Thứ tư, chú trọng công tác kiểm tra, động viên, khích lệ Nhân dân. Cổ vũ, động viên tinh thần và lực lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và người làm công tác dân vận, giúp người dân khi làm chưa tốt thì phấn đấu để làm cho tốt; làm tốt rồi thì phấn đấu làm tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Thứ năm, đánh giá lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng sau khi làm xong việc: dân vận là công việc thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; vậy nên không phải cứ hoàn thành một nhiệm vụ dân vận cụ thể là xong mà còn nhiều nhiệm vụ dân vận mới khác đang chờ đợi, đang đặt ra trên những chặng đường cách mạng.

Thứ sáu, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng năng lực cho cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Do đó, tuân thủ những bài học thực tiễn này sẽ giúp cán bộ, công chức chính quyền cơ sở thực hiện công tác dân vận một cách hiệu quả hơn, góp phần vào việc giải quyết các công việc của Nhân dân.

Tổ Công tác liên ngành gặp gỡ, gửi thông báo tới người dân phường Cửa Nam, thành phố Hà Nội.

5. Những kiến nghị, giải pháp trong công tác dân vận hiện nay

Thực hiện lời dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”4 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ các nội dung, quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần phân tích những ưu điểm, những hạn chế, yếu kém, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện phong trào “Dân vận khéo” đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng, cụ thể như:

Một là, cần căn cứ vào nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương để lựa chọn những lĩnh vực, vấn đề cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để phát động, xây dựng phong trào “Dân vận khéo” một cách phù hợp nhằm thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân.

Hai là, tập trung nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; lấy đó làm căn cứ đánh giá thi đua và nhân rộng điển hình. Chú trọng lồng ghép việc phát động phong trào “Dân vận khéo” vào các cuộc phát động thi đua yêu nước hằng năm trong hệ thống chính trị. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền điển hình các mô hình tổ chức “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sinh hoạt cơ quan, chính quyền, chi bộ…

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Thường xuyên theo dõi, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào hoạt động nền nếp, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào.

Chú thích:
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 201 – 202, 203 – 204, 205 – 206.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 234.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Luật Đất đai năm 2024.
4. Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
5. Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 27/6/2023 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
6. Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 09/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
7. Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02 ngày 15/6/2023 của Bộ Công an về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
8. Nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận trong bối cảnh mới. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 01/02/2024.
9. Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường B2 giai đoạn 1969 – 1975. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 30/4/2024.