Đổi mới tư duy dự báo chiến lược trong hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam

ThS. Nguyễn Văn Tình
Bộ Công An

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác dự báo chiến lược là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ. Trên cơ sở phân tích và đánh giá về vị trí, vai trò, nội dung đổi mới tư duy dự báo chiến lược trong hoạch định chính sách đối ngoại từ năm 1986 đến nay, bài viết nêu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu dự báo về vấn đề này ở Việt Nam trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Từ khóa: Chính sách đối ngoại; dự báo chiến lược; đổi mới tư duy; hoạch định.

1Vị trí, vai trò của tư duy dự báo chiến lược trong hoạch định chính sách đối ngoại

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác dự báo chiến lược và luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo “phải nhìn cho rộng, phải suy cho kỹ”1 để biết người, biết mình, luôn làm chủ tình thế.Nhận thức được vai trò và vị thế Việt Nam là một nước nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp tư duy phương Đông về “Ngũ tri” (năm cái biết – biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến) trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước lớn2. Đây là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng giúp Đảng ta hình thành nhận thức, tư duy xuyên suốt về công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo trong hoạch định chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới. 

Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã luôn “tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn”3. Công cuộc đổi mới đã góp phần tạo ra những thay đổi sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, củng cố thế và lực của đất nước, đồng thời đặt ra các mục tiêu và nhu cầu mới về an ninh và phát triển. Trong bối cảnh đó, tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại, trong đó có đổi mới tư duy, nâng cao năng lực dự báo chiến lược phục vụ chiến lược phát triển nền ngoại giao Việt Nam toàn diện vừa là xu thế tất yếu, vừa là đòi hỏi cấp bách của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Trong xu thế vận động, phát triển nhanh chóng của thế giới hiện nay, công tác dự báo chiến lược đã, đang và sẽ ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, chiến lược đối ngoại đưa ra quyết sách đúng đắn, hiệu quả và phù hợp với tình hình. Làm tốt công tác dự báo chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại sẽ giúp Việt Nam tận dụng được mặt thuận, hạn chế tối đa mặt không thuận, trên cơ sở đó tối đa hóa lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời lường trước những khó khăn, thách thức, chủ động kịch bản đề phòng các nguy cơ, rủi ro và bất trắc có thể xảy ra4

2. Kinh nghiệm và bài học về đổi mới công tác dự báo chiến lược trong hoạch định triển khai chính sách đối ngoại từ năm 1986 đến nay

Trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, như: “cuộc khủng hoảng lớn về chính trị – kinh tế – xã hội của hệ thống thành trì chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu; sự phân cực mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế của cuộc Chiến tranh lạnh chi phối cơ bản đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách của các nước xã hội chủ nghĩa”, Đảng đã có những thay đổi quan trọng về tư duy dự báo, từ lăng kính đấu tranh giai cấp sang quốc gia – dân tộc5. Đây là nền tảng quan trọng để Đảng ta định hướng công tác dự báo, nắm bắt tình hình khách quan, chủ động và toàn diện hơn, trên cơ sở đó, hoạch định sách lược, định hướng cho giai đoạn cách mạng mới. 

Từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay, Đảng đã đánh giá những mâu thuẫn cơ bản của thời đại, nhận diện và dự báo các xu hướng lớn trên thế giới có tính chất bước ngoặt đối với cách mạng nước ta: 

Thứ nhất, sau sự kiện “hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tan rã, cục diện thế giới thay đổi nhanh chóng theo hướng đa cực, đa trung tâm, trong đó hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo; mâu thuẫn vẫn tồn tại song song; cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ sẽ đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa lực lượng sản xuất”, Đại hội VI nhận định: “Xu thế mở rộng, phân công, hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế – xã hội khác nhau, cũng là những điều kiện rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta”6. Từ đó, Đảng chủ trương phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới và đề ra yêu cầu mở rộng hợp tác kinh tế với các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa, với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Đến Đại hội VIII (năm 1996), Đảng nhận định: “Các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau vừa hợp tác vừa đấu tranh cùng tồn tại hòa bình”7, đây là một trong những xu thế chủ yếu trong quan hệ quốc tế. 

Thứ hai, phát triển kinh tế trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu bên cạnh sức mạnh quân sự. Trong khi đó, toàn cầu hóa phát triển nhanh và trở thành xu thế khách quan sau Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, Đại hội IX (năm 2001) của Đảng lần đầu tiên đề cập về xu thế toàn cầu hóa: “Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia; xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh”8; Đại hội X (năm 2006) của Đảng, khái niệm toàn cầu hóa được nêu một lần và vẫn chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế: “Toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển”9. Từ Đại hội XI (năm 2011) của Đảng, toàn cầu hóa được nhìn nhận đầy đủ, khách quan, không mang màu ý thức hệ: “Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức”10.Như vậy, đổi mới tư duy dự báo chiến lược về các xu thế lớn của thế giới từ Đại hội IX – Đại hội XI, trong đó có xu thế toàn cầu hóa đã có những tinh chỉnh hết sức quan trọng trong nhận thức và chủ trương, chuyển từ tư duy “ý thức hệ” sang “tư duy mở”, từng bước xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế11.  

Thứ ba, nhiều vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an ninh phi truyền thống đã tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, cần sự nỗ lực hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức chung. Vì vậy, qua các kỳ Đại hội, Đảng đã đưa ra các quan điểm, nhận định, dự báo:

(1) Đại hội VIII nhận định: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo…), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương”12.

(2) Đại hội X bổ sung và phát triển: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”13

(3) Đại hội XI, Đảng chỉ ra các vấn đề: “Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính – tiền tệ, điện tử – viễn thông, sinh học, môi trường… còn tiếp tục gia tăng”; “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”14.

(4) Đại hội XII của Đảng (năm 2016) nhận định: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”15. Công tác dự báo ở đây đặc biệt lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa yếu tố an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. 

(5) Đại hội XIII (năm 2021) tiếp tục đưa ra dự báo: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp”16 và “Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”17. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thứ tư, lợi ích quốc gia dân tộc trở thành tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong tập hợp lực lượng quốc tế. Trên cơ sở xác định xu thế vận động của thời đại, lợi ích quốc gia – dân tộc, mặt “đối tượng”, “đối tác”, mặt “đấu tranh” , “hợp tác”, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn, có tầm quan trọng đặc biệt với an ninh quốc gia.

Thứ năm, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, song các điểm nóng về chính trị – an ninh toàn cầu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang cục bộ, tôn giáo, sắc tộc vẫn tiếp diễn; nguy cơ chiến tranh vẫn không thể loại trừ. Tình hình trên đặt ra yêu cầu đòi hỏi cần có một thế giới quan nhạy bén và toàn diện khi nhìn nhận, đánh giá và dự báo cục diện mới, đồng thời thay đổi, điều chỉnh căn bản tư duy hoạch định chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới. Báo cáo Chính trị tại Đại hội VIII khẳng định:“Các đặc điểm và xu thế nêu trên đã làm nảy sinh tính đa phương, đa dạng trong quan hệ quốc tế và trong chính sách đối ngoại của các nước”18Đây là căn cứ quan trọng hình thành nên đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

Có thể khẳng định, đổi mới tư duy dự báo chiến lược của Đảng giai đoạn sau đổi mới đã góp phần quan trọng trong định hướng hoạt động hoạch định, triển khai chính sách, xây dựng nền ngoại giao toàn diện và đạt được một số thành tựu quan trọng. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong năm 2023), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện19, xây dựng được mạng lưới bạn bè, đối tác rộng lớn ủng hộ Việt Nam trong nhiều vấn đề quan trọng đối với lợi ích, an ninh quốc gia; xử lý thành công nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp, nhạy cảm, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quan hệ với các nước lớn, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Đối ngoại Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế coi trọng, đánh giá cao, được xếp hạng chỉ số sức mạnh ngoại giao hàng đầu khu vực. Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng luôn thể hiện thế giới quan nhạy bén, khách quan khi nhìn nhận và dự báo những biến đổi chiến lược của thời cuộc nhận diện mâu thuẫn cơ bản của thời đại mới và nhu cầu mới về an ninh, phát triển. 

Tuy nhiên, Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại có mặt còn hạn chế”20, “Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp”21; “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật sự chủ động”22. Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo, góp phần tạo thế chủ động chiến lược trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

3. Một số giải pháp đổi mới tư duy dự báo chiến lược trong hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiếp tục xác định công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược là một bộ phận quan trọng trong quy trình hoạch định chính sách tổng thể quốc gia, trong đó có chính sách đối ngoại nhằm tranh thủ, tận dụng các cơ hội để gia tăng tiềm lực quốc gia cũng như hạn chế những rủi ro và đề ra phương án hiệu quả đối phó với những thách thức đối với lợi ích, an ninh quốc gia.

Hai là, về trọng tâm các vấn đề dự báo chiến lược: cần theo dõi sát, đánh giá sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, các xu hướng tăng cường tập hợp lực lượng, sáng kiến liên kết về kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự tại các khu vực và trên phạm vi toàn cầu, nhất là các xu thế mới về hợp tác, phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ lõi, mới nổi. Từ đó, đề xuất chủ trương tham gia, ứng xử của Việt Nam; đồng thời, xây dựng, triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm phòng – an ninh, nhất là các vùng chiến lược, quan trọng.   

Ba là, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu dự báo ở các cơ quan chuyên trách về đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế. Trong đó, đặc biệt coi trọng rèn luyện cho đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nâng cao phẩm chất, khả năng tư duy, tính nhạy bén; đào tạo kỹ năng phân tích, đánh giá các vấn đề, sự kiện quốc tế nổi lên; chú trọng nghiên cứu cơ bản, trang bị kiến thức nền, cũng như phương pháp tiếp cận, tư duy hệ thống, logic, công tâm, khách quan, toàn diện và sâu sắc trong nhìn nhận, đánh giá sự kiện vấn đề đối ngoại có liên quan đến lợi ích của đất nước. 

Bốn là, chú trọng tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác dự báo chiến lược: các cơ quan, ban, ngành và cơ quan đối ngoại cần tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, nắm chắc và dự báo tình hình, có sự phối hợp kiểm tra các nguồn. Từ đó, tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, đối sách phù hợp với từng sự kiện cụ thể hoặc các vấn đề chiến lược, phát huy hiệu quả của các cơ chế phối hợp liên ngành, lĩnh vực, phục vụ hoạch định đường lối đối ngoại trong tổng thể định hướng chiến lược của Đảng thời gian tới.

Năm là, cần phải chủ động, thường xuyên đưa ra các định hướng về công tác dự báo nhằm tránh bị động, bất ngờ. Cần nắm bắt trúng thời cơ, dự báo đúng tình hình, đánh giá đúng xu thế, xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng.

Chú thích:
1. Trích dịch nghĩa câu “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế” trong Bài thơ “Học Đánh Cờ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bài thơ nằm trong tập “Ngục trung Nhật Ký” (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記 – Hán-Việt: Ngục trung nhật ký). http:// https://www.thivien.net, ngày truy cập 25/3/2024.
2. Hồ Chí Minh và phương châm “Ngũ tri” với nước lớn. https://vietnamnet.vn, ngày 19/5/2015.
3, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 74 – 75, tr. 73.
4. Đặng Trí Dũng. Dự báo và khoa học dự báo (sách chuyên khảo). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 8.
5. Thành tựu phát triển lý luận của Đảng về đối ngoại qua gần 40 năm đổi mới. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 09/8/2023.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tậpTập 47. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 364.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 17.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 617.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 183.
11. Sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại từ Đại hội VI đến Đại hội XIII. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 25/10/2021.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1996, tr.77.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2006, tr. 74.
14, 20. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 24/9/2015.
15, 21. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. https://nhandan.vn, ngày 24/3/2016.
16, 17, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr. 106 – 107, tr. 208, tr. 87.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 78.
19. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32. https://baochinhphu.vn, ngày 19/12/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Bình Minh (chủ biên). Đường lối chính sách đối ngoại cùa Việt Nam trong giai đoạn mới (sách tham khảo). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011. 
2. Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 24/10/2023.
3. Nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 24/10/2022.