ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, Hiệp hội Quản lý và Hành chính công châu Phi (AAPAM) đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho Chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khu vực thông qua mạng lưới chuyên gia rộng lớn của mình. AAPAM xây dựng “tầm nhìn” trở thành hiệp hội chuyên môn hàng đầu về quản lý và hành chính công ở châu Phi với các mục tiêu cụ thể. Bài viết này giới thiệu về sứ mệnh, tầm nhìn và các hoạt động chính, nhất là hoạt động nghiên cứu ứng dụng của AAPAM.
Từ khoá: AAPAM; xây dựng tầm nhìn; Hiệp hội chuyên môn; quản lý; hành chính công; nghiên cứu ứng dụng.
1. Vài nét về Hiệp hội Quản lý và Hành chính công châu Phi
AAPAM là một tổ chức chuyên môn quốc tế, ra đời với “Sứ mệnh” thúc đẩy thực tiễn tốt nhất, dẫn dắt và tạo ra những điểm nổi trội cũng như tính chuyên nghiệp trong quản lý và hành chính công ở châu Phi thông qua các nghiên cứu, ấn phẩm, hoạt động đào tạo và bồi dưỡng, hội thảo, tư vấn, hội nghị… Thành viên AAPAM bao gồm: các chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế. các nhà thực hành, học giả và nhà chuyên môn trẻ ở khắp châu Phi.
Được thành lập hơn bốn mươi năm, AAPAM luôn dẫn đầu trong việc tăng cường năng lực hành chính và quản lý trong hệ thống hành chính công ở châu Phi. Những nỗ lực này bắt đầu từ năm 1962, khi một nhóm Thư ký thường trực phụ trách dịch vụ công từ một số nước châu Phi đã họp và đưa ra hai vấn đề thảo luận chính mà khu vực dịch công châu Phi đang phải đối mặt. Những cuộc họp tương tự được tổ chức luân phiên độc lập, hằng năm tại nhiều thủ đô của châu Phi. Năm 1965, Chủ tịch Ủy ban Công vụ các nước tổ chức Hội thảo Hành chính công Liên châu Phi. Năm 1971, mạng lưới những người đứng đầu Ủy ban Công vụ quyết định chính thức thành lập AAPAM.
Với lịch sử lâu đời, AAPAM xây dựng “Tầm nhìn” để trở thành hiệp hội chuyên môn hàng đầu về quản lý và hành chính công ở châu Phi với các mục tiêu như sau:
(1) Tạo ra diễn đàn để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm giữa các nhà hành chính công, các nhà quản lý, các học giả và giáo viên ngành Quản lý và Hành chính công ở châu Phi.
(2) Tập hợp các nhà Quản lý và Hành chính công hàng đầu châu Phi để thảo luận các vấn đề quản lý mang tính thời sự nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề phát triển của châu Phi;
(3) Thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong quản lý và hành chính công ở châu Phi.
(4) Hỗ trợ, khuyến khích và tham gia nghiên cứu các vấn đề và kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực hành chính công về quản lý ở châu Phi.
(5) Tăng cường nghiên cứu về quản lý và hành chính công ở châu Phi.
(6) Củng cố và tăng cường liên kết và duy trì liên lạc với những cơ quan và tổ chức quốc tế quan tâm đến quản lý và hành chính công.
Kể từ khi thành lập đến nay, AAPAM xác định rõ những giá trị cốt lõi, đó là:
(1) Cam kết tăng cường cung cấp dịch vụ công có chất lượng ở châu Phi.
(2) Cam kết nghiên cứu và phát triển để cải thiện chất lượng dịch vụ công ở châu Phi.
(3) Cam kết về các nguyên tắc quản trị tốt trong các quốc gia thành viên.
(4) Hướng tới kết quả và chất lượng.
(5) Minh bạch và trách nhiệm giải trình.
(6) Cam kết làm việc theo nhóm.
2. Về cơ cấu tổ chức của AAPAM
Thứ nhất, về thành viên của AAPAM được chia thành ba nhóm:
(1) Nhóm Chính phủ các nước châu Phi.
(2) Nhóm các tổ chức đoàn thể (gồm các Viện Quản lý Phát triển – MDI’s, các trường đại học và cơ sở đào tạo, các nhóm đối tác của Chính phủ và các cơ quan/tổ chức quốc tế khác).
(3) Nhóm thành viên cá nhân (chủ yếu là các nhà quản lý khu vực công cấp cao, các nhà tư vấn quản lý và các học giả trong lĩnh vực giáo dục đại học ở châu Phi).
Thứ hai, các cơ quan quản lý và điều hành, được chia thành năm nhóm:
(1) Đại Hội đồng: bao gồm tất cả thành viên AAPAM đến từ châu Phi và họp 3 năm/1 lần.
(2) Hội đồng: gồm người đứng đầu các tổ chức chính phủ, MDI’s, Ban Chấp hành và đại diện các tổ chức đoàn thể và cá nhân. Hội đồng họp 1 năm/1 lần.
(3) Ban Chấp hành: là cơ quan quản lý chính của Hiệp hội trên, bao gồm chủ tịch/ thư ký Ủy ban Công vụ, Ủy ban Dịch vụ công ở châu Phi với 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch thường trực được bầu, Tổng thư ký AAPAM và 5 phó chủ tịch được bầu đại diện cho 5 khu vực châu Phi (Bắc Phi, Nam Phi, Đông Phi, Tây Phi và Trung Phi) cùng một thành viên đương nhiên. Ban Chấp hành họp ít nhất 2 lần/1 năm.
(4) Ban Thư ký: là cơ quan hành chính và kỹ thuật của Hiệp hội, chịu trách nhiệm về các chương trình và hoạt động hằng ngày của của Hiệp hội, do Tổng thư ký AAPAM lãnh đạo với sự hỗ trợ của nhân viên AAPAM. Ban Thư ký có trụ sở chính tại Nairobi, Kenya.
(5) Các tổ chức đoàn thể cấp quốc gia: nhiều công việc của Hiệp hội được thực hiện dưới sự bảo trợ của các tổ chức cấp quốc gia; các tổ chức này có quy chế hoạt động và lãnh đạo riêng (nhưng phải phù hợp và tuân theo các quy định và nguyên tắc của AAPAM).
3. Các hoạt động nổi bật của AAPAM
Một là, về các khóa đào tạo.
AAPAM tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà quản lý cấp trung và cấp cao và cho các chuyên gia trẻ ở khu vực công cũng như khu vực tư thông qua các hội nghị, hội thảo và các khóa học ngắn hạn với mục đích nâng cao năng lực trong khu vực công.
Những lĩnh vực đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý, quản trị, hành chính, nhân sự và nhiều nội dung đào tạo liên quan khác. Bên cạnh đó, các tổ chức thuộc AAPAM cũng có các cuộc hội thảo và hội nghị chuyên đề cho công chức, sinh viên đại học, cao đẳng, chuyên gia, doanh nhân và cộng đồng địa phương. Đồng thời, tổ chức kỷ niệm Ngày Dịch vụ công châu Phi vào ngày 23/6 hằng năm.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng.
AAPAM nỗ lực thúc đẩy việc khám phá những kiến thức và kỹ năng mới thông qua nghiên cứu trong lĩnh vực hành chính công và quản lý. Đồng thời, tập hợp các nhà thực hành và học giả để nghiên cứu về các vấn đề được lựa chọn, từ đó tạo ra nhiều nghiên cứu vừa phong phú về lý thuyết vửa giàu tính thực hành.
Ba là, tham mưu và tư vấn cho Chính phủ.
AAPAM đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản trị và quản lý bên cạnh các chương trình khác nhau. Vì vậy, AAPAM có đầy đủ năng lực trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn cho Chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khu vực thông qua mạng lưới chuyên gia rộng lớn của mình.
Bốn là, tăng cường công tác trao đổi, phối hợp liên quốc gia.
Tổ chức thường xuyên các chuyến tham quan, trao đổi thực tế và phối hợp liên quốc gia theo yêu cầu của các bên quan tâm.
Năm là, tổ chức hội nghị bàn tròn thường niên và định kỳ cùng các hội nghị khác.
Trong đó, tập trung vào các vấn đề quan trọng hiện nay trong quản lý và hành chính công châu Phi nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các nhà hoạch định chính sách cấp cao của toàn lục địa, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối và bảo vệ cho một chương trình nghị sự chung hướng tới phát triển ở châu Phi. Chủ đề của hội nghị được xác định dựa trên những thách thức hiện tại ảnh hưởng đến quản lý và hành chính công ở châu Phi.
Hội nghị bàn tròn là nơi quy tụ các quan chức cấp cao thuộc chính phủ các nước châu Phi để bàn thảo về những vấn đề trọng tâm nhất liên quan đến quản lý, quản trị và hành chính công. Hội nghị này được tổ chức hằng năm (từ năm 1978) tại các địa điểm khác nhau. Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu từ nhiều quốc gia khác nhau trên khắp châu Phi, như: bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan công quyền, như: cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp của Chính phủ; lãnh đạo các tổ chức dân sự (từ các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội dân sự); đại diện ngân hàng và các thể chế tài chính, các nhà tài trợ, Liên hiệp quốc, Liên minh châu Phi và các tổ chức khu vực khác.
4. Các ấn phẩm của AAPAM
Để phục vụ tốt và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, trao đổi về quản lý và hành chính công của sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, AAPAM đã xuất bản nhiều loại ấn phẩm cần thiết và cũng là điều kiện về năng lực để AAPAM giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, như: Tạp chí Quản lý và Hành chính công châu Phi (AJPAM), Bản tin AAPAM (được xuất bản 2 năm/1 lần bằng tiếng Anh), các báo cáo, kỷ yếu Hội nghị AAPAM (được xuất bản chính thức dưới dạng bản cứng), tập tài liệu nghiên cứu tình huống AAPAM (tập hợp các nghiên cứu điển hình tập trung vào các chủ đề trọng tâm trong quản lý và hành chính công ở châu Phi) cùng nhiều tài liệu và sách chuyên khảo khác.
Tài liệu tham khảo:
1. AAPAM. https://www.aapam.org, truy cập ngày 20/01/2024.
2. About AAPAM. https://www.aapam.org, truy cập ngày 20/3/2024.