Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng

ThS. Nguyễn Hồng Hải
NCS. Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, do vậy, báo chí phải hoạt động theo định hướng của Đảng, tham gia tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng, của Nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong suốt quá trình lãnh đạo công tác báo chí, Đảng ta khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của Nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng1. Bài viết nghiên cứu phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng ở nước ta và đưa ra một số giải pháp về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong giai đoạn mới.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng; chiến lược; phương thức lãnh đạo công tác báo chí; công tác báo chí truyền thông.

1. Đặt vấn đề 

Trong suốt quá trình đấu tranh và phát triển, Đảng ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng và coi báo chí như một công cụ lý luận sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là yêu cầu khách quan, tất yếu, bảo đảm sự phát triển của nền báo chí cách mạng nước ta trong giai đoạn mới, đặc biệt là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.

2. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng

Phương thức lãnh đạo của Đảng được hiểu là tổng thể các hình thức, phương pháp, cách thức, quy chế, quy trình, phong cách, lề lối làm việc… mà Đảng sử dụng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa2. Để lãnh đạo công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ta phải xác định đúng nội dung và tạo lập phương thức lãnh đạo đúng đắn. Trong đó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng được xác định rõ:

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, nghị quyết trên lĩnh vực công tác tư tưởng, báo chí truyền thông.

Đối với đường lối cách mạng của Đảng thì báo chí, truyền thông là một bộ phận quan trọng, do đó phải hoạt động trên cơ sở bảo đảm tính Đảng, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khoa học, mục đích chính trị rõ ràng. Cần phải bám sát và cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng trong hoạt động báo chí truyền thông. Ở mỗi giai đoạn, Đảng xác định những nhiệm vụ cụ thể mà công tác báo chí, truyền thông phải tập trung thực hiện. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo và lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phù hợp với sự vận động, phát triển của tình hình thực tiễn, như: Thông báo Kết luận số 41-TB/TW ngày 11/10/2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Thông báo Kết luận số 68-TB/TW ngày 30/3/2007 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Thông báo Kết luận số 41-TB/TW ngày 11/10/2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình thông tin trên internet.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo báo chí thông qua phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ báo chí, truyền thông.

Vai trò của báo chí, truyền thông dưới sự chỉ đạo của Đảng đã đóng góp phần tạo ra một mặt trận tư tưởng mạnh mẽ và tích cực, ủng hộ cho chiến thắng của Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành độc lập và tự do, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ mới, Đảng ta đã kịp thời có những giải pháp lãnh đạo nhằm đổi mới, tăng cường hoạt động báo chí, truyền thông, coi công tác báo chí là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ báo chí truyền thông được bảo đảm thông qua sự lãnh đạo của Đảng thông qua các tổ chức chính trị – xã hội.

Đặc biệt, Đảng coi trọng việc lãnh đạo báo chí thông qua tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Tổ chức Hội Nhà báo không chỉ được quan tâm về tính chất chính trị – xã hội mà còn quan tâm về tính chất nghề nghiệp nhằm giúp cho tổ chức hội thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ. Sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện qua chỉ đạo xây dựng và tổ chức hoạt động của các cấp Hội Nhà báo, như: Thông báo Kết luận số 221-TB/TW ngày 12/02/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 12/7/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam; Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong hệ thống cơ quan báo chí.

Đảng lãnh đạo báo chí không chỉ bằng đường lối mà còn thông qua hệ thống tổ chức đảng để lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công đường lối bảo vệ nền tảng tư tưởng thông qua báo chí của Đảng. Công tác giám sát việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước do tổ chức đảng lãnh đạo cán bộ, đảng viên được quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc trong hệ thống các cơ quan báo chí. Sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và cán bộ, đảng viên trong cơ quan báo chí luôn được củng cố và tăng cường thường xuyên, liên tục, như: Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23/4/2008 của Ban Bí thư về việc ban hành quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 31/7/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.

Thứ tư, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và cung cấp thông tin cho báo chí.

Đảng chỉ đạo và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự định hướng thông tin kịp thời  không chỉ giúp cho toàn Đảng và toàn xã hội có cái nhìn rõ hơn về các sự kiện, sự việc và những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mà còn bảo đảm tính chân thật, tính khách quan của thông tin. Đảng không chỉ thông tin mà còn giúp cho cơ quan báo chí và các cán bộ nhận thức đúng bản chất của sự việc để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền được tốt hơn, như: Quyết định số 157-QĐ/TW ngày 29/4/2008 của Ban Bí thư về việc ban hành quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí.

Thứ năm, Đảng lãnh đạo thông qua việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ người làm báo.

Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với báo chí không chỉ bằng hệ thống tổ chức đảng mà còn thông qua công tác điều hành, tổ chức đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ các cương vị, chức trách khác nhau trong hệ thống cơ quan báo chí các cấp. Trong công tác báo chí, truyền thông, đặc biệt là tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nhiều tin tức, sự việc liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, đến sinh mệnh chính trị của quốc gia, liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước,… Do vậy, phải bảo đảm tính bí mật, công tâm, khách quan trong phản ánh, song cũng phải cương quyết, kiên định, không khoan nhượng trong đấu tranh. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về lý luận chính trị, nghiệp vụ tác nghiệp có như vậy mới thật sự phát huy được vai trò của mình, góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí một cách hiệu quả, như: Quyết định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Thứ sáu, Đảng lãnh đạo thông qua tiến hành công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách đối với báo chí và đội ngũ người làm báo.

Để xây dựng đội ngũ người làm báo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng tuyên truyền hệ tư tưởng của Đảng vào trong cán bộ báo chí, xây dựng cơ sở chính trị – xã hội của Đảng trong cán bộ báo chí, bồi dưỡng bản chất giai cấp công nhân của cán bộ báo chí. Hệ thống tổ chức đảng trong cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo được xây dựng thông qua công tác tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ truyền thông qua các thời kỳ. Bằng công tác chính sách xã hội nói chung, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ báo chí nói riêng, Đảng tác động đến tư tưởng, tình cảm và thái độ của đảng viên, cán bộ báo chí và người thân trong gia đình thông qua công tác xã hội nói riêng, từ đó thể hiện sự trân trọng của xã hội đối với nghề báo và người làm báo, như: Đề án số 422/ĐA-HNBVN ngày 02/4/2009 của Hội Nhà báo Việt Nam về nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Quyết định số 78/QĐ/HNBVN ngày 08/7/2022 của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy trình công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Thứ bảy, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ diễn ra trong quá trình lập kế hoạch, xác định chiến lược và ra quyết định mà còn đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết,  chỉ thị, quy định của Đảng. Trong thực tế, đây là quá trình xem xét, kiểm chứng tính đúng đắn, tác dụng của đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát còn đánh giá, nhận xét đối với mỗi tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát về ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; việc chấp hành tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí, như: Quyết định số 202-QĐ/TW ngày 11/12/2008 của Ban Bí thư về việc ban hành quy chế phối hợp và gắn kết công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, báo chí.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác chỉ đạo và quản lý báo chí đã chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ, được thực hiện theo hướng chủ động và tích cực. Công tác này đã tập trung vào việc bám sát tình hình thực tế để đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định mới nhằm giải quyết những tồn tại và hạn chế trong hoạt động báo chí. Các văn bản, kế hoạch chỉ đạo và định hướng tuyên truyền về các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước đã được ban hành kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí trong hoạt động và tác nghiệp. Công tác thông tin và tuyên truyền đã phục vụ công việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Thông tin đã được phổ biến dưới nhiều phương thức và thể loại khác nhau, từ số lượng đến chất lượng các chuyên mục, chương trình và tin tức. Sự mới mẻ trong nội dung thông tin đã mang lại ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất hoan nghênh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo của Đảng đối với báo chí còn những vấn đề đang đặt ra, như: vẫn còn tồn tại xu hướng xa rời, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước tại một số bộ phận cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; việc ban hành và triển khai các nghị quyết tuy đã có sự thay đổi song vẫn tồn tại một số khâu đang còn yếu khi ban hành nghị quyết, đặc biệt là khâu đánh giá, tổng kết nghị quyết; xu hướng áp đặt trong chỉ đạo, sự buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền đối với hoạt động báo chí; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao, chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ còn hạn chế; một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí còn yếu về năng lực do chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo đúng chuyên ngành, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình và đòi hỏi của nhiệm vụ, đội ngũ đông nhưng chưa mạnh; hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến báo chí và hoạt động báo chí còn chậm được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình hoạt động, xu hướng phát triển ngày càng đa dạng của báo chí;…

3. Giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để tăng cường bản lĩnh chính trị, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất cần thiết và có ý nghĩa chiến lược.

Một là, phát huy vai trò của các tổ chức đảng trong cơ quan báo chí, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong hệ thống cơ quan báo chí vững mạnh, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo. Trong những trường hợp nghiêm trọng, phức tạp và nhạy cảm về lợi ích quốc gia và dân tộc, việc định hướng chính trị của các cơ quan lãnh đạo báo chí cần phải được thực hiện một cách chủ động. Đặc biệt, trong việc tổ chức cán bộ, bổ nhiệm và miễn nhiệm các nhân sự lãnh đạo trong ngành Báo chí cũng như việc kỷ luật những cán bộ có sai phạm và trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải được đặt lên hàng đầu.

Hai là, thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo

Các cơ quan báo chí cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đặc biệt là ưu tiên cho đội ngũ người làm báo trong đào tạo lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, công nghệ mới trong tác nghiệp nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, nắm vững các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ người làm báo

Cải cách chế độ tiền lương, nhuận bút và có chế độ đặc thù đối với các nhà báo trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, có chế độ bảo hiểm đặc thù đối với các nguy hiểm tiềm tàng trong thực hiện nhiệm vụ đối với nhà báo; phát huy giá trị của các giải thưởng báo chí hiện tại và phát triển các giải thưởng mới để tạo cơ hội cho các nhà báo được cống hiến, vinh danh, ghi nhận công sức lao động và bồi đắp tình yêu nghề nghiệp đối với mỗi nhà báo.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong hệ thống cơ quan báo chí

Việc kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và chặt chẽ theo đúng trình tự và quy trình hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau khi có nghị quyết và chỉ thị, cần lập kế hoạch và chương trình cụ thể để triển khai tiến hành công việc kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát cần phải có tác dụng giáo dục rộng rãi và hiệu quả để thực sự nắm bắt tình hình.

Trong kiểm tra, giám sát, việc xem xét, quyết định phải chính xác, công bằng và khách quan. Cần biểu dương, động viên, khen thưởng đúng lúc, kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và các đảng viên vi phạm sau khi kiểm tra và giám sát cũng cần được tiến hành. Để lãnh đạo cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra xử lý kỷ luật Đảng phải đi đôi với củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ đảng viên, bảo đảm sự thống nhất của Đảng.

4. Kết luận

Vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Đảng và Nhân dân khẳng định. Bước vào giai đoạn mới, trước xu thế hội nhập với nhiều thời cơ và thách thức, vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng  đối với báo chí càng phải được giữ vững, tăng cường và có hiệu quả hơn nhằm chống lại các thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận chính trị tư tưởng diễn ra ngày càng phức tạp.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X). H. NXB Chính trị quốc gia, 2007, tr. 43.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo trình cao cấp lý luận chính trị khối kiến thức thứ hai Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt NamTập 6. H. NXB Lý luận chính trị, 2017, tr. 220.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Hải. Nội dung lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 23/4/2024.
2. Nguyễn Thế Kỷ. Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2012.
3. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
4.  Nguyễn Thị Thúy Vân. Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 15/4/2020.
5. Lưu Đình Phúc. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.
6. Nguyễn Vũ Tiến. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Đề tài khoa học Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, 2005.