Đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

TS. Nguyễn Thị Uyên
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết chỉ ra sự cần thiết của việc đổi mới sáng tạo đối với việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay. Bài viết tổng hợp một số kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo thành công, từ đó đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là chìa khóa mở cánh cửa cho sự đổi mới, sự linh hoạt và sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh nghiệm quốc tế, hàm ý chính sách, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Giới thiệu nghiên cứu

Trong bối cảnh của thị trường kinh doanh đầy thách thức hiện nay, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng đổi mới sáng tạo để nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển không chỉ là một xu hướng mà còn là chìa khóa mở cánh cửa cho sự đổi mới, sự linh hoạt và tạo ra sự phát triển vượt bậc. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển và tồn tại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới sáng tạo có thể giúp các doanh nghiệp này tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới, thậm chí đổi mới toàn diện từ tổ chức, đến hệ thống và thị trường và đó là nền tảng để nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới sáng tạo cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể tập trung vào những lĩnh vực mà họ có thể phát huy lợi thế so với các đối thủ lớn hơn. Điều này giúp họ tập trung nguồn lực vào những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, đổi mới sáng tạo cung cấp các cơ hội để mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng mới. Thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình sáng tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các phân khúc thị trường mới, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận.

Với một môi trường năng động và có tính đổi mới cao, đổi mới sáng tạo còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút và giữ chân nhân tài, tạo ra môi trường làm việc năng động, sáng tạo và thúc đẩy văn hóa học hỏi, sáng tạo trong tổ chức và rất phù hợp với nhu cầu của các thế hệ trẻ hiện này. Đo đó, đổi mới sáng tạo có thể coi là một yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thu hút nhân tài, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, trên nền tảng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu cần đặc biệt quan tâm đến đổi mới sáng tạo nhằm phát triển lợi thế cạnh tranh cũng như tang hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.  

Theo Ngân hàng Thế giới (2021), Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những cơ hội và thách thức chưa từng có và một trong những giải pháp cốt lõi là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Thực tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII năm 2023 (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm trước, từ vị trí 41 lên 40. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong các nghiên cứu của Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (VIED) đã chỉ ra các dấu hiệu tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp cho đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, tuy nhiên mức độ đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp này là thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, với quy mô và nguồn lực còn hạn chế, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với không ít thách thức cần sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến sự nỗ lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

Nghiên cứu này tập trung làm rõ sự cần thiết của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: cập nhật các kinh nghiệm quốc tế quan trọng về phát triển đổi mới sáng tạo ở một số quốc gia, góp phần tạo ra sự quan tâm, đầu tư thích đáng và định hướng chiến lược phát triển phù hợp cho đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy vai trò quan trọng của lực lượng này trong nền kinh tế quốc gia.

2. Sự cần thiết của đổi mới sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp với nội dung cốt lõi là các cuộc cách mạng về công nghệ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dù mới ở giai đoạn đầu nhưng chúng ta cũng đã chứng kiến những sự thay đổi rất lớn.

Schwab (2016) cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo, là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất được nhắc đến là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy…

Nguyễn Văn Thạo (2019) chỉ ra rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên nền tảng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ; là sự tích hợp của nhiều loại hình công nghệ và những thành tựu mới của nhiều lĩnh vực nghiên cứu vật lý, hóa học, sinh học, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học này. Trong đó, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Blockchain; công nghệ na-nô, công nghệ gen, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D trong lĩnh vực chế tạo là những đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những đánh giá, dự báo trên thế giới hiện nay đều cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Mặc dù Cách mạng công nghiệp 4.0 mới ở giai đoạn đầu tiên, chưa thể hiện hết những tiềm năng phát triển và sự tác động, nó được dự báo sẽ xóa nhòa ranh giới giữa khoa học và công nghệ; sẽ có những tác động mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi từ phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đến chính trị và an ninh thế giới, tổ chức và sinh hoạt xã hội của con người trong từng gia đình, từng quốc gia tới toàn cầu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những hệ thống sản xuất với các máy móc, thiết bị thông minh, dây chuyền sản xuất thông minh, hệ thống quản trị thông minh; tạo ra nền công nghiệp thông minh, nền nông nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cấp, thoát nước thông minh, các phương tiện vận tải thông minh, hệ thống thương mại, dịch vụ thông minh, tiêu dùng thông minh.

Nền kinh tế thật sự trở thành nền kinh tế tri thức – thông minh. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ đó, tri thức, thành tựu khoa học – công nghệ, các ý tưởng, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng, phát triển ở cả cấp độ doanh nghiệp và xã hội. Phương thức phân phối, tiêu dùng, cách thức tổ chức làm việc của con người căn bản sẽ thay đổi bởi sự ảnh hưởng của các công nghệ mới này. Công nghệ mới cho phép có thể cung cấp mọi hàng hóa, dịch vụ cần thiết cho những người cần đến chúng vào đúng thời gian, địa điểm cần thiết. Thương mại truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi thương mại quốc tế. Quan niệm về văn phòng làm việc cũng sẽ dần bị thay đổi.

Có thể thấy, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận với những cơ hội cũng như đối đầu với những thử thách do cuộc cách mạng công nghệ tạo ra. Do vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đến đổi mới sáng tạo để khai thác được năng lực cốt lõi vào tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp để thích ứng được các thách thức ngày càng phức tạp trước bối cảnh hiện nay.

Theo OECD (2005), đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài.

Đổi mới sáng tạo có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nó có thể được phân loại thành 2 loại hình phổ biến là đổi mới sáng tạo sản phẩm và đổi mới sáng tạo quy trình hoạt động, tuy nhiên, một số cách tiếp cận khác còn có đổi mới sáng tạo về hệ thống, về tổ chức, về công nghệ hay về marketing.

Đổi mới sáng tạo cũng được hiểu là quá trình doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản trị mới nhằm đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh. Từ những năm 1930, đổi mới sáng tạo cũng đã phân loại thành 5 nhóm cơ bản bao gồm: đưa ra sản phẩm mới hoặc cải tiến chất lượng sản phẩm hiện có; đưa ra phương pháp sản xuất mới; phát triển thị trường mới; phát triển nguồn cung ứng mới; đổi mới tổ chức.

Với các khía cạnh quan trọng trên của đổi mới sáng tạo, các nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra vai trò vô cùng quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh đột phá cho các doanh nghiệp. Ứng dụng về đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp được coi là nhân tố tiềm năng đem lại kết quả tốt cho doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo cũng giúp cho quá trình sáng tạo dịch vụ, sản phẩm cũng như quy trình kinh doanh đạt giá trị vượt trội. Nhờ ứng dụng đổi mới sáng tạo mà doanh nghiệp có thể tạo ra sự đột phá về giá trị chuyển giao tới khách hàng với chi phí thấp hơn, phá vỡ hoàn toàn giới hạn lợi thế của cách thức kinh doanh truyền thống. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra giá trị khách hàng vượt trội với chi phí không những không tăng mà thậm chí ít hơn khi họ biết ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực và cấp độ khác nhau trong quản trị doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, sức mạnh của ứng dụng đổi mới sáng tạo trong cách thức làm kinh doanh đã làm nền tảng cho sự thành công vượt trội của nhiều doanh nghiệp lớn có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới. Trong số đó có thể kể đến, như: Grab là một hãng taxi lớn nhất trên thế giới không cần sở hữu một chiếc xe hơi nào, Facebook hãng truyền thông phổ biến nhất thế giới chưa từng viết một nội dung truyền thông quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm nào trong vô vàn sản phẩm đang hàng ngày được quảng cáo và bán hàng trên trang của họ; Airbnb nhà cung cấp dịch vụ chỗ ở lớn nhất thế giới không hề sở hữu một bất động sản cho thuê nào; Alibaba.com là nhà bán lẻ tạo ra giá trị lớn nhất thế giới nhưng không hề có hàng lưu kho. Do đó, ứng dụng đổi mới sáng tạo trong quản trị và kinh doanh được coi là yếu tố đầy tiềm năng giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Chính vì thế, áp dụng đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay đang là hướng đi quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Mặt khác, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2021, khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ cạnh tranh trong kinh doanh để có thể tăng hiệu suất và mở rộng thị trường.

Trong sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn gặp hạn chế về áp dụng kỹ thuật số, công nghệ, tự động hóa và còn khá lạc hậu so với các nước phát triển. Đặc biệt, thực tế hiện nay chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng hoạt động cơ bản, bao gồm: lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị và thanh toán. Do đó, trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với nguồn lực còn nhiều hạn chế và lạc hậu thì việc thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo càng có ý nghĩa to lớn, là hướng đi chiến lược góp phần quan trọng vào sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

3. Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế toàn cầu, sự tham gia đông đảo của lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò vô cùng quan trọng ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh toàn cầu hoá hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kinh nghiệm phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều thử thách, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi vì thiếu các yếu tố quan trọng, như: nguồn tài nguyên, nguồn tài chính, R&D, công nghệ, kiến thức… là lý do dẫn đến sự rút lui của nhiều doanh nghiệp trên thị trường.

Không chỉ ở các nền kinh tế mới nổi, thậm chí ở các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ cũng chứng kiến sự thất bại của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Theo thống kê, mỗi năm có đến 700.000 công ty mới được thành lập ở Mỹ, tuy nhiên chỉ khoảng 10% trong số đó tồn tại thành công trên thị trường. Như vậy, 90% các doanh nghiệp của nền kinh tế hàng đầu thế giới khởi nghiệp bị thất bại. Tương tự như vậy ở Trung Quốc, sau khi bắt đầu hoạt động, 67% doanh nghiệp thất bại trong năm đầu và cũng chỉ 85% doanh nghiệp còn lại thành công trong 10 năm.

Nghiên cứu tại Pakistan đã chỉ ra rằng, hơn 50% công ty mới thành lập thất bại trong giai đoạn đầu do những lý do khá phổ biến: thiếu tính mới, thiếu tài nguyên và quy mô nhỏ lẻ.

Về giải pháp cho vấn đề này, việc đổi mới mô hình kinh doanh là yêu cầu cấp thiết và được coi là yếu tố chủ yếu tạo nên thành công của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Nghiên cứu đã đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển mạng lưới trong việc đổi mới mô hình kinh doanh. Việc xây dựng, kết nối với các tổ chức có thể giúp doanh nghiệp trao đổi kiến thức và nguồn lực, tạo điều kiện cho họ có thể khắc phục sự nghèo nàn về ý tưởng đổi mới, thiếu nguồn lực hay quy mô nhỏ lẻ.

Thông qua kết quả khảo sát từ 311 SMEs đang hoạt động tại nền kinh tế mới nổi như Pakistan, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạng lưới tài chính, mạng lưới kinh doanh và mạng lưới chính trị đóng góp tích cực đến đổi mới mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp tại Parkistan. Để tồn tại trong môi trường kinh doanh đầy biến động, chủ sở hữu và người quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyên nên tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác bên ngoài, các tổ chức tài chính và các quan chức chính phủ để tạo ra mô hình kinh doanh đổi mới hiệu quả.

Theo Ngân hàng Thế giới (2020), để tăng cường năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, một số quốc gia đã triển khai thành công nhiều công cụ chính sách, kết quả này còn có tác động thúc đẩy trở lại việc tiếp nhận và hấp thu công nghệ. Một mặt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được chính phủ thúc đẩy tăng cường nâng cấp công nghệ bằng cách xây dựng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tri thức về cách áp dụng các công nghệ mới. Mặt khác, việc thúc đẩy chuyển giao và thương mại hoá các công nghệ mới từ các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công cũng được chính phủ chú trọng.

Hình 1 cho thấy, nhiều công cụ có thể được sử dụng trực tiếp để trang bị cho doanh nghiệp năng lực đổi mới sáng tạo cũng như sử dụng và/hoặc tạo ra công nghệ. Những công cụ này bao gồm các dịch vụ tư vấn kinh doanh, dịch vụ ứng dụng công nghệ, trung tâm phát triển công nghệ, công viên khoa học và văn phòng chuyển giao công nghệ cùng với các nguồn tài trợ về kinh phí để áp dụng và thích ứng công nghệ, cho vay để đầu tư phát triển công nghệ. Cụ thể, dịch vụ tư vấn kinh doanh tập trung nâng cao khả năng hấp thụ để thích ứng và áp dụng công nghệ mới của doanh nghiệp, trong khi dịch vụ ứng dụng công nghệ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.

Việc áp dụng được những đổi mới sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện được chất lượng sản phẩm và dịch vụ, củng cố lòng tin và sự hài lòng của khách hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất và quản lý, giúp làm tăng hiệu suất và giảm chi phí. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời tăng cường hiệu suất qua việc tối ưu hoá quy trình, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, sự thành công trong việc đổi mới sáng tạo được tăng cường mạnh mẽ thông qua mạng lưới hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu.

Báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VNASME) chỉ ra rằng, việc chia sẻ tri thức và kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp đang là xu hướng. Đây là chìa khoá cho phép tạo ra một mạng lưới chặt chẽ và rộng lớn để chia sẻ nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm ứng dụng và phát triển công nghệ.

Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Có thể kể đến các hỗ trợ về thuế, việc giảm hoặc áp dụng mức thuế ưu đãi thúc đẩy sự sáng tạo và hoạt động nghiên cứu phát triển được tăng cường mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ nhằm cải thiện quy trình sản xuất, quản lý và tăng khả năng tương tác với khách hàng thông qua tối ưu hoá quy trình sản xuất và quản lý dữ liệu.

Ví dụ, Chương trình đầu tư Cradle 300 (CIP300) của Malaysia cung cấp hỗ trợ tài chính có điều kiện theo danh mục đầu tư của Quỹ Cradle. Chương trình này trợ giúp tài chính lên tới 300.000 RM (khoảng 70,000 đô la) với một loạt hỗ trợ giá trị gia tăng đi kèm, bao gồm: huấn luyện và cố vấn, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng và đối tác của Cradle, dịch vụ tư vấn kinh doanh, hỗ trợ quan hệ công chúng và truyền thông.

Từ thực tiễn này cho thấy, việc nhà nước phát triển hệ sinh thái liên kết như một sân chơi đổi mới sáng tạo cùng các hỗ trợ thiết thực cụ thể về vốn, tư vấn kinh doanh, công nghệ là cần thiết và bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế cần có sự tích cực, chủ động tìm kiếm và khai thác các mạng lưới hỗ trợ quan trọng này để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tang lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã và đang có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, bao gồm cả việc giảm thuế và hỗ trợ về nguồn vốn.

4. Một số đề xuất

Thứ nhất, Việt Nam cần học hỏi những kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc tạo ra các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các học viện, cơ sở giáo dục, hiệp hội doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Với vai trò trung tâm, Nhà nước cần tạo ra các sân chơi, diễn đàn, vườn ươm, hệ sinh thái và đưa ra các công cụ để khuyến khích lưu thông tri thức theo hướng mở. Đó là điều kiện quan trọng cho phát triển các ứng dụng đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được hỗ trợ của Nhà nước. Và việc thiếu kiến thức, thông tin, kinh nghiệm, nguồn vốn sẽ khó được giải quyết nếu để họ tự vật lộn với những hạn chế này. Việc tham gia vào các mạng lưới diễn đàn tsẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng có được sự trưởng thành cả về kiến thức và nguồn lực.

Thứ hai, việc kiện toàn hành lang pháp lý và các công cụ bảo vệ sở hữu trí tuệ là điều kiện cần thiết để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo động lực cho đổi mới sáng tạo. Nhà nước nên có chính sách miễn thuế cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa những năm đầu khởi nghiệp để giúp họ có nguồn lực tốt hơn cho kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Nhà nước cần xem xét kỹ hơn về vấn đề bản quyền và vi phạm bản quyền. Thực thi tốt bảo hộ quyền tác giả sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, đem lại sự công bằng trong đãi ngộ các thành quả sáng tạo của các cá nhân và tổ chức.

Chiến lược và chính sách quốc gia về sở hữu trí tuệ cần hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, từ hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhân lực cho tới hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, việc đào tạo nguồn nhân lực có tư duy đổi mới sáng tạo từ sớm là gốc rễ quan trọng để hình thành văn hóa đổi mới ở mọi cá nhân cũng như tổ chức. Do đó, hệ thống giáo dục cần được đổi mới, đưa đổi mới sáng tạo vào giáo dục sớm từ các cấp phổ thông, tạo các sân chơi cộng đồng và các quỹ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng các hoạt động thực nghiệm, trải nghiệm để tăng khả năng tư duy đổi mới sáng tạo cho học sinh.

Nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy các trường phổ thông và đặc biệt là các trường đại học tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc kết nối giữa lý luận và thực tiễn là cần thiết để tạo ra nguồn lao động có năng lực đổi mới sáng tạo cao, thích ứng tốt trong môi trường năng động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, với nguồn lực năng lực công nghệ của thế giới khá dồi dào, Nhà nước cần tăng cường đầu tư xây dựng năng lực công nghệ và năng lực quản lý để giúp cải thiện năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Do đó, chính sách đổi mới sáng tạo cần tập trung phát huy nội lực và hấp thụ khai thác hiệu quả các nguồn lực đang sẵn có bên ngoài thay vì thiên lệch cho các đầu tư tốn kém, theo đuổi mục tiêu trình độ cao nhất. Chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện vẫn thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên R&D mà ít tập trung vào đổi mới sáng tạo phi R&D, bao gồm hoạt động tiếp nhận và phổ biến công nghệ.

5. Kết luận

Trong bối cảnh định hướng là quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam, nghiên cứu về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được quan tâm nhiều hơn. Từ các bài học thành công của các quốc gia, Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng các công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả thông qua các hỗ trợ thiết thực về đào tạo, vốn, tư vấn kinh doanh, thúc đẩy chia sẻ tri thức, chia sẻ nguồn lực, công nghệ cũng như tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tích cực, chủ động tìm kiếm và khai thác các mạng lưới hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường lợi thế cạnh tranh cũng như hiệu suất hoạt động bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ. Khoa học và công nghệ Việt Nam. H. NXB Khoa học và kỹ thuật, 2016.
2. Phạm Đức Chính. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực – yếu tố then chốt tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, 129 (12-2016).
3. Trần Công Thành. Tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua chiến lược quản lý tài năng: Minh chứng từ một số doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia: Kinh tế và Kinh doanh, 28 (3-2012).
4. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Báo cáo Chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp tại Việt Nam, 2021.
5. Lê Quân & Phùng Xuân Nhạ. Đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học quốc Gia Hà Nội, 2013.
6. Nguyễn Thành Trung. Tiến tới một khuôn khổ lý thuyết lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: cách tiếp cận dựa trên tri thức về đoán định tương lai. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 346 (3-2007).
7. Nguyễn Trần Sỹ. Năng lực động – hướng tiếp cận mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển & hội nhập, 12 (22-2013), trang 15-20.
8. Nhâm Phong Tuân & cộng sự. The effects of innovation on firm performance of supporting industries in Hanoi – Vietnam, Journal of Industrial Engineering and Management, 9 (2-2016), trang 413-431. Doi: 10.3926/jiem.1564.
9. World Bank. Báo cáo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2020.
10. Breuer, H. & Lüdeke-Freund, F. (2017). Values-based network and business model innovation. International Journal of Innovation Management. World Scientific Publishing Co. Pte Ltd, 21(3).
11. D’Aveni, R. A. & Ravenscraft, D. J. (1994). Economies of Integration Versus Bureaucracy Costs: Does Vertical Integration Improve Performance?, Academy of Managment Journal, 375. Doi: https://doi.org/10.5465/256670.
12. Parnell, J. A., Long, Z. & Lester, D. (2015). Competitive strategy, capabilities and uncertainty in small and medium sized enterprises (SME) in China and the United States, Management Decision.
13. Sambasivan, M., Abdul, M. & Yusop, Y. (2009). Impact of personal qualities and management skills of entrepreneurs on venture performance in Malaysia: Opportunity recognition skills as a mediating factor. Technovation, 29 (11), trang 798–805.
14. Schwab, K. (2016). Die Vierte Industrielle Revolution. Berlin, German: Pantheon Verlag.
15. Schumpeter, J. (1934). Havard Uni, The theory of economic development. Havard Uni. Cambridge, MA.