Hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang
Vũ Văn Thành
Trường Đại học Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu để hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch, đặt trọng điểm vào các khía cạnh bền vững. Trong bối cảnh ngày càng tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường và giáo dục du lịch, bài viết đề xuất những điểm mới và tính mới cần được xem xét.

Từ khóa: Hoàn thiện chính sách; phát triển du lịch; phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, ngành Du lịch ở Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ đối với đời sống văn hoá và xã hội. Đảng và Nhà nước đã khẳng định du lịch là một lĩnh vực kinh tế chiến lược, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Năm 2004, Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Định hướng chiến lược phát triển du lịch bền vững Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) và tới năm 2012, Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ cũng đã tạo ra nhiều cơ hội đối với việc thực thi chính sách phát triển du lịch.

Việt Nam với đặc thù sẵn có, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển du lịch, nhất là các điểm tham quan du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đến văn hoá. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Việt Nam lần thứ XXI đã xác định rõ ràng nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần vượt lên, như việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm sự cạnh tranh. Cũng cần quy hoạch lại tổng thể các điểm du lịch nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, việc đổi mới sản phẩm du lịch, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cũng là những thách thức cần được quan tâm, vấn đề hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam được đặt ra, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và bền vững của ngành du lịch trong tương lai.

2. Cơ sở lý luận về thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

(1) Việc ban hành các văn bản thực hiện chính sách

Chính sách pháp luật tại Việt Nam, cụ thể là chính sách phát triển du lịch bền vững, chủ yếu được thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra cơ sở pháp lý nhằm triển khai thực hiện. Đối với chính sách du lịch, văn bản pháp luật là những quy định không bắt buộc mà có ý nghĩa định hướng và kích thích sự phát triển.

Để thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững, Nhà nước cũng như các bộ ngành cùng địa phương phải phát triển một hệ thống văn bản chính sách đa dạng, bao hàm cả những chính sách dài hạn cùng những giải pháp cấp thiết. Những văn bản chính sách cần nằm trong chiến lược, quy hoạch cũng như các kế hoạch cùng đề án phát triển du lịch. Chính sách cần khuyến khích sự khai thác và tập hợp nhân lực, phát huy tối đa lợi thế cùng tiềm năng của du lịch, di sản văn hoá dân tộc và nâng cao năng lực phát triển kinh tế-xã hội.

Chính sách nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững phải có sự nhất quán và được phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, thường được xây dựng và thực hiện một cách nhất quán, luôn đi liền với các điều kiện, có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương là nhân tố ảnh hưởng sự thành công của chính sách đối với mục tiêu đẩy mạnh phát triển bền vững đối với ngành Du lịch.

(2) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững

Cơ sở, căn cứ pháp lý triển khai thi hành chính sách trên thực tiễn cuộc sống là kế hoạch thực hiện chính sách. Phải xác định khá rõ ràng, cụ thể các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch tổ chức điều hành, kế hoạch cung cấp kịp thời nguồn nhân lực cho việc thực hiện chính sách, kế hoạch kiểm tra đôn đốc thực thi chính sách và có sự xác định hợp lý thời gian thực hiện chính sách trong xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách. Phải xây dựng nội quy, quy chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách phù hợp với xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian và các giải pháp tổ chức thực hiện chính sách.

 Kế hoạch triển khai thực thi chính sách đối với du lịch phải được xây dựng bảo đảm thời gian đưa chính sách vào cuộc sống. Các cơ quan triển khai thực thi chính sách từ trung ương đến cơ sở cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện.

(3) Phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển du lịch bền vững

Công tác tuyên truyền và vận động Nhân dân tham gia thực hiện chính sách đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với cơ quan quản lý nhà nước và những đối tượng có nghĩa vụ thực hiện chính sách. Việc trang bị kiến thức và tuyên truyền chính sách có hiệu quả giúp những đối tượng và cộng đồng dân cư hiểu đúng đắn về mục tiêu và ý nghĩa của chính sách, bảo đảm tính hiệu quả của chính sách.

Đối với việc thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững, cần có những giải pháp thực hiện chính sách toàn diện, bao gồm cả chính sách dài hạn và những chính sách cấp bách. Điều này thể hiện thông qua cơ chế, chính sách, cũng như trong từng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch. Chính sách nhằm khuyến khích việc thu hút mọi nguồn lực, phát huy ưu thế và tiềm lực của vùng, phát triển bản sắc văn hoá, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Những chính sách nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững cần có tính khả thi, gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cao từ cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành và chính quyền. Sự đồng thuận sẽ bảo đảm được sự thành công của chính sách. Vì vậy, công tác tuyên truyền chính sách là hết sức quan trọng nhằm giúp các đối tượng chính sách cùng cộng đồng dân cư tự giác thực hiện theo đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đồng thời, cũng giúp cho người có trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách hiểu rõ về tính chất, ý nghĩa và hiệu quả của chính sách đối với cộng đồng để họ có thể tự chọn lựa được giải pháp thích hợp đối với việc thực hiện mục tiêu và triển khai chính sách có hiệu quả theo mục tiêu đã được tổ chức. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng giúp tăng sự đồng thuận của người dân về phát triển dịch vụ du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

(4) Duy trì chính sách phát triển du lịch bền vững

Duy trì chính sách là những biện pháp, bước tiến bảo đảm các chính sách không những duy trì mà còn tồn tại và phát huy theo hoàn cảnh thực tiễn. Để chính sách được duy trì, việc đồng lòng và trách nhiệm cao của các chủ thể, cơ quan thực hiện và môi trường xã hội là vô cùng quan trọng.

Trong việc thực hiện chính sách, nếu thiếu vắng các giải pháp duy trì và phát huy sẽ đưa đến hiệu quả thấp, lãng phí tài nguyên, không bảo đảm các yêu cầu hoạch định và thực hiện các chính sách của nhà nước. Vì vậy, việc duy trì chính sách pháp luật cần bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, vốn và điều kiện về kỹ thuật nhằm thực hiện chính sách.

Đối với các cơ quan nhà nước là chủ thể trực tiếp thực hiện chính sách pháp luật, công tác truyền thông, vận động đối với chủ thể chính sách và cộng đồng xã hội để họ tự nguyện tham gia thực hiện chính sách là vô cùng cần thiết. Nếu thực hiện chính sách vấp phải những trở ngại khi môi trường thực tiễn thay đổi, thì cơ quan nhà nước có thể áp dụng những biện pháp quản trị tác động nhằm tạo dựng môi trường thuận tiện đối với quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, có thể sửa đổi chính sách cho thích hợp với tình hình mới. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp với các cơ quan hành pháp nhằm duy trì chính sách.

3. Kết quả nghiên cứu

Trong giai đoạn 2010 – 2019, theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (trước đây là Tổng cục Du lịch) cho biết sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. So với giai đoạn đầu từ 2015 – 2019, tổng số du khách quốc tế đã tăng từ 5 triệu lên 18 triệu (tăng 3,6 lần), tuy nhiên, giai đoạn đầu từ 2015 – 2019 có sự tăng trưởng cao nhất, từ 7,9 triệu lên 18 triệu (tăng gấp 2,3 lần). Du khách quốc tế đã tăng trưởng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt (tăng 1, 5 lần) trong khi lượng du khách nội địa đã tăng trưởng từ 22,7% mỗi năm. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch cũng đã tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng (tăng 2,1 lần). Trong năm 2019, ngành Du lịch đã thu hút trên 18 triệu du khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), trên 85 triệu du khách nội địa, góp phần 9,2% tăng trưởng GDP và tạo ra 2,5 triệu công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 2020). Tổng số du khách nội địa đã đạt 76,5 triệu lượt trong 7 tháng đầu năm 2023 và tổng số du khách quốc tế đã đạt xấp xỉ 6,6 triệu lượt, đạt 83% so với mục tiêu năm 2023. Tổng thu nhập từ du khách nội địa 7 tháng đầu năm đạt hơn 416,6 nghìn tỷ đồng. Với nhiều số liệu khả quan trên, có xác suất cao rằng, ngành Du lịch sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng và sẽ có nhiều dư địa để tiếp tục phát triển, nhất là vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong năm.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất toàn cầu. Hiệu quả kinh tế – xã hội của ngành Du lịch ngày một rõ nét, góp phần tạo ra nhu cầu tiêu dùng tại chỗ các sản phẩm và hàng hoá, thúc đẩy kinh tế ngành Du lịch phát triển, phục hồi nhiều lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi bộ mặt và cuộc sống nhân dân tại nhiều địa phương trên cả nước, điển hình, như: tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà (thành phố Hải Phòng), Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long… Trong đó, vấn đề liên kết phát triển du lịch với các giá trị văn hoá, lịch sử đã được quan tâm và có nhiều góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.  

Về du lịch văn hoá, nước ta có khoảng 128 di tích quốc gia đặc biệt, cộng với 15 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận, là một quốc gia giàu tiềm lực và ưu thế trong việc khai thác, phát triển chuỗi sản phẩm và loại hình du lịch văn hoá. Nền du lịch Việt Nam không ngừng khai thác và phát triển giá trị của di sản văn hoá, phát triển thành một chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước đã thành công trong việc xây dựng và phát triển chuỗi sản phẩm du lịch văn hoá, bao gồm tuyến du lịch liên di sản thế giới các nước ASEAN, tuyến du lịch di sản miền Trung, festival Huế, festival biển Nha Trang, lễ hội carnaval vịnh Hạ Long, festival hoa Đà Lạt cùng chuỗi lễ hội văn hoá và du lịch ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bên cạnh đó, chuỗi lễ hội văn hoá dân gian truyền thống “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng góp phần tạo sự hấp dẫn và phong phú của sản phẩm du lịch văn hoá.

Các tuyến du lịch di sản cũng là lựa chọn hàng đầu của người nước ngoài khi đến Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Trước dịch bệnh Covid-19, tính đến năm 2016, du lịch di sản thế giới tại Việt Nam đã đạt 14,3 triệu khách, đem đến doanh số khoảng 1.776 tỷ đồng; đến năm 2019, số lượng được nâng lên khoảng 18,2 triệu khách, mang lại doanh số khoảng 2.322 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam đã liên tiếp đạt được giải thưởng du lịch thế giới, liên tục được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á”, và “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” qua các năm 2018, 2019, 2020. Năm 2022, Việt Nam đã đạt được sự ghi nhận của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Đây là những bằng chứng mạnh mẽ cho việc khai thác tiềm năng của di sản đối với việc phát triển du lịch, góp phần chứng minh sức hấp dẫn và giá trị của các di sản văn hoá ở Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Chúng đã tạo ra nguồn lực kinh tế ở các địa phương có di sản mà còn góp phần tích cực vào việc khôi phục và bảo vệ di sản, kích thích sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 2023).

Về du lịch cộng đồng, nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được phát triển, bao gồm du lịch tham quan khám phá di sản văn hoá và trải nghiệm đời sống của nhân dân ở địa phương, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ở cộng đồng… Các sản phẩm du lịch xoay quanh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, điểm thu hút của địa phương, trong đó các yếu tố cơ bản, bao gồm di sản văn hoá, thói quen sinh hoạt, lễ hội, tín ngưỡng, tập quán sản xuất nông nghiệp được xem là những thành tố quan trọng tạo nên sự độc đáo và sức hút của sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng đang được phát triển đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sắc đẹp…

Mô hình du lịch cộng đồng đang được phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm các tỉnh, như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà… và tại các đô thị lớn, bao gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, thôn, bản, làng, tổ dân phố có dịch vụ du lịch cộng đồng. Nhiều điểm đến du lịch cộng đồng của nước ta đã đạt được các tiêu chí trên đã đạt các giải thưởng uy tín, chẳng hạn: Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023 đã trao tặng các hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) và Khu văn hoá du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) và Cộng đồng du lịch làng nhà sàn Tân Thành (tỉnh Quảng Nam) và Điểm du lịch làng nhà sàn dân tộc thiểu số sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên). Bên cạnh hiệu quả kinh tế đem lại đối với cộng đồng dân cư, du lịch cộng đồng đã góp phần tích cực bảo vệ, gìn giữ di sản tự nhiên và văn hoá đặc trưng của nước ta.

Du lịch sinh thái là một loại hình đang được phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Với hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, nước ta có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Trên phạm vi cả nước, nhiều tỉnh đã và đang khai thác ưu thế của di sản văn hoá nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình du lịch sinh thái độc đáo. Có những tuyến du lịch tiêu biểu, như: tuyến liên kết di sản thế giới của các nước ASEAN, tuyến du lịch di sản miền Trung, các sự kiện như: Festival Huế, Festival Biển Nha Trang, Lễ hội Carnival Biển Hạ Long, Festival Hoa Đà Lạt, cùng nhiều lễ hội văn hoá và du lịch đặc sắc trên khắp cả nước. Ngoài ra, các lễ hội văn hoá dân gian như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, lễ hội “À Ố Show” cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch sinh thái.

Trước đại dịch Covid-19, các di sản thế giới tại Việt Nam thu hút khoảng 14,3 triệu khách du lịch năm 2016, đem lại doanh số khoảng 1.776 tỷ đồng. Sự tăng lên đáng kể xảy ra trong năm 2019, khi tổng số du khách tăng lên khoảng 18,2 triệu, tương ứng tổng thu cũng tăng lên khoảng 2.322 tỷ đồng. Việt Nam liên tiếp đạt được những thứ hạng cao tại các bảng xếp hạng và giải thưởng du lịch, điển hình là Việt Nam được Hiệp hội giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm du lịch Di sản hàng đầu thế giới” vào năm 2022 (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 2023).

Bên cạnh thành tích đã đạt được, phát triển du lịch tại nước ta thời gian qua đã và đang tạo những áp lực không nhỏ trong việc bảo vệ di sản văn hoá đối với sự phát triển của các loại hình văn hoá, với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Có thể thấy, phát triển du lịch, góp phần bảo vệ và phát triển hệ giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng; một mặt, cũng là nguyên nhân làm biến dạng, làm sai lệch giá trị văn hoá và lối sống lành mạnh của cộng đồng, do đó có không ít ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ngoài ra, môi trường văn hoá trong cộng đồng cũng có thể chịu tác động từ xung đột lợi ích nảy sinh do việc chia sẻ lợi nhuận từ du lịch, khoảng cách giàu nghèo tăng lên, giá trị đất đai, nhà cửa biến động theo sức mua và khả năng chi trả của khách du lịch.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại nước ta nhìn chung thấp và không đồng đều. Mặc dù, tại nhiều điểm du lịch đã phát triển, cộng đồng dân cư đã tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng của cán bộ quản lý nhà nước du lịch trực tiếp hoặc được các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trực tiếp tổ chức; nhưng vì trình độ dân trí còn thấp, tập quán, phong tục còn lạc hậu… cho nên việc tiếp thu cũng như thực hành các kỹ năng tiếp đón và phục vụ khách du lịch, khả năng ngoại ngữ… tại nhiều điểm đến vẫn không đạt yêu cầu, thiếu đồng bộ, làm giảm sút hiệu quả hoạt động của điểm đến.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, giao thông đến các điểm có tiềm năng phát triển du lịch có chỗ chưa hoàn thiện, không đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, điển hình là các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng miền núi phía Bắc. Cơ sở vật chất môi trường (bến bãi đậu xe, vệ sinh môi trường…) không được đầu tư, làm hạn chế khả năng phát triển của điểm đến. Tất cả đang là rào cản to lớn cho việc phát triển du lịch sinh thái tại nước ta. Các vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thuế, quản lý đất đai và thủ tục xuất nhập cảnh đang gặp phải sự phức tạp và khó tiếp cận. Hiệu quả hợp tác giữa các ngành liên quan đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp hoạt động độc lập, không có sự kết nối chặt chẽ với chính sách quản lý điểm đến, tạo ra sự không đồng nhất trong ngành du lịch. Cần có sự hỗ trợ và đồng bộ hóa giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để phát triển theo một hướng chung. Điều này đặt ra thách thức về việc thúc đẩy hiệu quả và tính bền vững trong lĩnh vực du lịch.

4. Kết luận và khuyến nghị

Thứ nhất, cần tăng cường hiệu suất và hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường và tài nguyên, nhằm bảo đảm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Điều này bao gồm việc thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông phổ biến luật pháp và chính sách phát triển du lịch bền vững, việc cấp giấy phép và quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, giám sát và thanh tra, kiểm tra tăng cường việc quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý, và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc giám sát thường xuyên và thực hiện giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế du lịch lên môi trường tại các điểm du lịch là một vấn đề quan trọng. Cần đánh giá và đo lường mức độ ảnh hưởng do hoạt động du lịch gây đối với tài nguyên và môi trường. Việc hợp tác chặt chẽ quản lý du lịch cùng các ngành liên quan là quan trọng nhằm giảm thiểu sự cố và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ khu du lịch nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định và quy chế về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, cần tăng cường phân bổ nguồn lực và thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Điều này bao gồm việc thực hiện điều tra và đánh giá tổng thể về các sản phẩm du lịch quốc gia, qua đó xây dựng kế hoạch phát triển ngành du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, nhằm tăng cường năng lực kết nối giữa điểm tham quan du lịch và tạo kết nối giữa du lịch và các ngành kinh tế.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thu hút đầu tư đối với các khu du lịch quốc gia và các điểm du lịch trọng điểm quốc gia. Quy chế khuyến khích đầu tư và tạo điều kiện thông thoáng đối với thủ tục đầu tư cũng là nội dung quan trọng. Việc thu hút đầu tư cần gắn với việc thẩm định và đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của từng dự án phát triển du lịch. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của địa phương đối với chất lượng sản phẩm du lịch và tạo cơ chế phối hợp với các ngành liên quan.

Thứ ba, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Xây dựng một hệ thống dữ liệu phát triển nguồn nhân lực du lịch quốc gia để đánh giá quy mô và chất lượng của đội ngũ lao động phục vụ ngành du lịch. Thực hiện công tác điều tra, đánh giá, phân tích dự đoán các nhu cầu nhân lực đối với lĩnh vực du lịch, kể cả trong thời gian ngắn hạn và dài hạn. Phát triển và thực hiện chiến lược nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường và đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch.

Nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân lực cho hệ thống quản lý và lao động toàn ngành Du lịch. Thực hiện một quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực phù hợp với các yêu cầu thị trường. Hoàn thiện pháp luật và chính sách liên quan về tuyển dụng, đào tạo, và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ đào tạo và thu hút chuyên gia và lao động có tay nghề cao ở nước ngoài vào những lĩnh vực quan trọng. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nhằm tổ chức đào tạo ngắn hạn và linh động, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo và làm việc song song. Tăng cường công tác giáo dục cộng đồng và mở các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức du lịch phục vụ cộng đồng.

Tăng cường chất lượng đào tạo của các trường đào tạo nhân lực du lịch về cả lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất. Mở rộng hợp tác và liên kết đào tạo với các đơn vị, tổ chức đào tạo uy tín trong và ngoài nước. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực nhằm phục vụ sự phát triển của ngành Du lịch. Tập trung vào phát triển chuyên gia trong các mảng chuyên sâu của du lịch, đặc biệt là lĩnh vực phát triển du lịch bền vững. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực khác nhau và phối hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình đào tạo.

Hỗ trợ đào tạo và hướng dẫn các chủ hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành du lịch. Đào tạo tay nghề nhằm phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng khu du lịch làng nghề làm đồ lưu niệm phục vụ du lịch. Tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều nguồn, bao gồm ngân sách địa phương, vốn huy động từ doanh nghiệp du lịch, huy động nguồn vốn hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Thứ tư, phát triển quảng bá và thúc đẩy du lịch bền vững. Xây dựng chiến lược, chương trình và hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch dài hạn và hàng năm. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá và thực hiện các chương trình hợp tác nhằm tăng cường hiệu quả chung trong xúc tiến và quảng bá.

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương ở cả Trung ương và tỉnh, cũng như với các tổ chức du lịch nước sở tại và cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Mở rộng hợp tác với tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hoạt động quảng bá du lịch. Đầu tư nguồn kinh phí phù hợp vào hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch và mở rộng xã hội hoá hoạt động quảng bá nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tích cực và chủ động góp phần quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia. Tập trung đẩy mạnh đào tạo và hướng dẫn ý thức tự giác và trung thực tham gia hoạt động quảng bá sử lí nghiêm minh các trường hợp sai phạm nhằm bảo đảm uy tín của thương hiệu du lịch Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả chiến lược xúc tiến và quảng bá, trọng tâm là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Tạo ra các chương trình hợp tác có ý nghĩa nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá và tăng cường tầm ảnh hưởng của du lịch Việt Nam. Thúc đẩy việc hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước du lịch và các cơ quan thuộc ngành thông tin đại chúng, hiệp hội du lịch và cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Hỗ trợ hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm mở rộng các hoạt động quảng bá. Đặt nguồn ngân sách phù hợp nhằm thúc đẩy xúc tiến và quảng bá du lịch, nhằm tạo điều kiện tốt hơn khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đóng góp vào các chiến lược này. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ động tham gia công tác quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia, góp phần tạo ra hoạt động xúc tiến du lịch có tính bền vững.

Nhấn mạnh vào công tác kiểm duyệt nội dung quảng bá, bảo đảm tính công khai và hiệu quả. Thực hiện các chế tài xử phạt nghiêm minh hành vi quảng bá du lịch nhằm giữ gìn hình ảnh của du lịch Việt Nam. Liên tục đào tạo và hướng dẫn ngành du lịch thông qua hoạt động thúc đẩy hình ảnh tích cực có trách nhiệm thông qua quảng bá. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh chiến lược xúc tiến và quảng bá du lịch trên cơ sở và nhu cầu du lịch thực tiễn nhằm bảo đảm chất lượng và tính hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Du lịch năm 2017.
2. Đỗ Phú Hải (2016). Những vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực xây dựng và thực hiện chính sách công. Tạp chí Tổ chức Nhà nước – Bộ Nội vụ, 7/2016).
3. Phát triển du lịch theo hướng thống nhất, xanh và bền vững. https://dangcongsan.vn, ngày 26/3/2023.
4. Phạm Trung Lương (2002). Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam.
5. Nguyễn Duy Mậu (2011). Phát triển Du lịch Tây Nguyên đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
6. Hồ Kỳ Minh (2011). Phát triển bền vững ngành du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – xã hội Đà Nẵng.
7. Một số giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 18/3/2024.
8. Nguyễn Đức Tuy (2014). Giải pháp phát triển du lịch bền vững Tây Nguyên, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học xã hội.
9. Nguyễn Thị Mỹ Thanh (2010). Các giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái tại Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
10. Nguyễn Quyết Thắng (2012). Nghiên cứu tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại một số trọng điểm vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Luận án tiến sỹ, Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
11. Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. https://www.vietnamtourism.gov.vn, ngày 09/7/2020.
12. Trên 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2023. https://vietnamtourism.gov.vn/post/51439, ngày 27/7/2023.
13. Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. https://vietnamtourism.gov.vn/post/4922, ngày 22/4/2023.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 214, 145-146.