Mối liên hệ cấu trúc giữa mục tiêu phát triển bền vững, hợp tác chuỗi cung ứng và lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp

ThS. Phạm Thị Mộng Hằng
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu mối liên hệ cấu trúc giữa mục tiêu phát triển bền vững, lợi thế cạnh tranh bền vững và hợp tác chuỗi cung ứng. Dữ liệu được thu thập từ cuộc khảo sát 325 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và được phân tích bởi mô hình phương trình cấu trúc. Các phát hiện cho thấy định hướng mục tiêu phát triển bền vững có nhiều ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh bền vững hơn là hợp tác chuỗi cung ứng. Nghiên cứu này cũng chứng minh được mối liên hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững với sự hợp tác của chuỗi cung ứng, điều này ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp.

Từ khóa: Mối liên hệ cấu trúc; hợp tác chuỗi cung ứng; lợi thế canh tranh bền vững; mục tiêu phát triển bền vững; doanh nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Thời gian gần đây, vấn đề “bền vững” đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong kinh doanh, đóng vai trò then chốt thúc đẩy tiến trình chuyển đổi kinh doanh. Các doanh nghiệp có định hướng mục tiêu phát triển bền vững sẽ có chiến lược bền vững toàn diện hơn, cũng như nhận thức về tính bền vững trong tổ chức, vì nhiều mục tiêu và chỉ tiêu trong mục tiêu phát triển bền vững cung cấp khuôn khổ bền vững toàn diện, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố cốt lõi hơn kinh doanh1. Dù tính bền vững đã được thiết lập thành công, một số doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ khi gặp khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain – SC) bền vững để cạnh tranh với các chuỗi cung ứng khác2. Trong ngữ cảnh doanh nghiệp, SC bền vững được xác định là phương pháp đạt lợi thế cạnh tranh bằng cách tăng cường lợi nhuận, tác động tích cực đến con người và giảm ảnh hưởng xấu đến môi trường3.

Tuy nhiên, sự quan tâm đối với định hướng mục tiêu phát triển bền vững đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp và vai trò của hợp tác SC vẫn rất còn giới hạn trong các nghiên cứu thực nghiệm, đặc biệt là ở bối cảnh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì thế, nghiên cứu này nhằm tăng cường hiểu biết về bản chất của định hướng mục tiêu phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp, với sự nhấn mạnh vào vai trò của hợp tác trong SC. Tác giả đã đề xuất 3 câu hỏi nghiên cứu (Q) như sau:

Q1:  Định hướng mục tiêu phát triển bền vững có tác động đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp như thế nào?

Q2: Hợp tác chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp ?

Q3: Hợp tác chuỗi cung ứng làm trung gian cho định hướng mục tiêu phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp như thế nào?

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

a. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG)

Phát triển bền vững được xác định là quá trình phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai4. Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc nêu rõ: “Đến năm 2030, dựa trên các sáng kiến hiện có để phát triển các thước đo tiến bộ về phát triển bền vững nhằm bổ sung cho tổng sản phẩm quốc nội và hỗ trợ xây dựng năng lực thống kê ở các nước đang phát triển5.

Nghiên cứu này tập trung vào vấn đề thực hiện quản lý SC bền vững. Vai trò của quản lý SC bền vững như một chất xúc tác tạo ra các nguồn lực có giá trị giữa các tổ chức và do đó có thể duy trì lợi thế cạnh tranh giữa các công ty thông qua hợp tác về các vấn đề môi trường và xã hội6.

b. Lợi thế cạnh tranh bền vững (Sustainable competitive advantage – SCA)

Theo lý thuyết Quan điểm dựa trên nguồn lực, doanh nghiệp có thể gia cố lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách phát triển khả năng thông qua việc lựa chọn và sở hữu các nguồn lực quan trọng7. Quan trọng hơn, doanh nghiệp có thể khai thác lợi thế cạnh tranh dựa trên vị trí của mình trên thị trường để nâng cao vị thế năng lực và nguồn lực công nghệ, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh bền vững của mình. 

Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất rằng những nguồn lực quan trọng đó phải đến từ định hướng SDG của doanh nghiệp trong quản lý SC. Vì vậy, doanh nghiệp có thể quản lý SC của mình một cách có trách nhiệm nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường một cách cân bằng.

c. Hợp tác chuỗi cung ứng (Supply-Chain Council – SCC)

Trong mô hình quản lý SC, hợp tác chiến lược được coi là một nguồn lợi thế cạnh tranh quan trọng. Sự hợp tác trở nên càng cần thiết hơn trong SC để bảo đảm đồng thời hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội trên toàn bộ vòng đời của sản phẩm. SCC được định nghĩa là quá trình mà ít nhất hai doanh nghiệp trong cùng một SC làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung8. Các nguồn lực và năng lực liên doanh nghiệp từ sự hợp tác trong toàn SC có xu hướng trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững giữa các doanh nghiệp, việc này đặt các đối thủ cạnh tranh vào tình thế đặc biệt khó khăn khi bắt chước.9.

2.2. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Mô hình này trình bày mối quan hệ giữa SCC và SDG cũng như tác động đến SCA. Tác giả chứng minh tác động của SDG và SCC lên SCA. Sau đó, đã sử dụng mô hình hồi quy để xác định mức độ kết nối giữa các biến này.

Giả thuyết H1: SDG tác động đến SCA theo chiều tỷ lệ thuận.

Giả thuyết H2: SDG tác động đến SCC theo chiều tỷ lệ thuận.

Giả thuyết H3: SCC tác động đến SCA theo chiều tỷ lệ thuận.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả áp dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để kiểm định giả thuyết nghiên cứu, thực hiện phân tích số liệu qua nhiều giai đoạn, từ phân tích mô hình đo lường đến phân tích mô hình cấu trúc và  giai đoạn cuối cùng là phân tích vai trò trung gian. Đối tượng thu thập thông tin là các nhà quản lý của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. 

Việc sử dụng nguyên tắc của Tabachnick và Fidel (2018) để tính toán kích cỡ mẫu tối thiểu được áp dụng theo công thức như sau: n = 50 + 8*m (m: số biến độc lập). Từ đó, 400 phiếu khảo sát được phát ra nhưng 325 phiếu hoàn thành và đạt yêu cầu. Phần mềm sử dụng để phân tích dữ liệu là SmartPLS.

3. Kết quả đánh giá

3.1. Đánh giá mô hình đo lường

Độ giá trị và độ tin cậy của mô hình nghiên cứu được đánh giá bằng phân tích nhân tố khẳng định (CFA). Sau khi loại bỏ hai biến SCCvà SCA5, Hệ số tải nhân tố, phương sai trích trung bình (AVE) và độ tin cậy tổng hợp (CR) đạt yêu cầu về mặt thống kê, được trình bày trong Bảng 1. Các chỉ số phù hợp của mô hình đều phù hợp: SRMR= 0.084 < 0,1; VIF<3. Độ giá trị của mô hình được thỏa mãn vì giá trị AVE hầu hết đều lớn hơn mối tương quan giữa các yếu tố khác.

3.2. Đánh giá mô hình cấu trúc

Các mối quan hệ nhân quả và mô hình đo lường được đánh giá đồng thời trong mô hình cấu trúc, kết quả cho thấy tất cả mức độ phù hợp của các chỉ số đều đạt yêu cầu: SRMR= 0,084 <0,1; GoF=0.525>0,36, được coi là lớn (Vinzi và cộng sự, 2010). Bản tóm tắt kiểm định giả thuyết được trình bày trong Bảng 2. Tất cả các giả thuyết đều được hỗ trợ bởi dữ liệu ở mức p < 0,05. Kết quả này khẳng định mô hình cấu trúc là phù hợp với khả năng dự báo cao.

Kết quả thực nghiệm cho thấy SDG có ảnh hưởng đáng kể đến SCA (β=0,521, p=0,000) và SCC (β=0,643, p=000). SCC có ảnh hưởng đến SCA (β=0,188, p=0,015). Vì vậy, giả thuyết H1, H2 và H3 đều được chứng minh là hoàn toàn phù hợp.

3.3. Phân tích vai trò trung gian

Để kiểm tra giả thuyết nghiên cứu, phân tích vai trò trung gian đã được thực hiện Kết quả cho thấy SDG có tác động đáng kể đến SCA (β = 0,643, t = 14,905, p < 0,001) (Bảng 3). Nghiên cứu này cho thấy tác động gián tiếp đáng kể của SDG đến SCA thông qua vai trò trung gian của SCC. Do đó, có sự tác động một phần bởi SCC trong mối quan hệ giữa SDG và SCA.

4. Một số khuyến nghị giải pháp

Từ các kết quả trên, có thể thấy, việc định hướng SDG và tăng cường các mối quan hệ trong SC có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của họ. Những phát hiện của tác giả có thể cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp thiết kế các chiến lược nhằm duy trì và phát triển trong môi trường kinh doanh đầy biến động, vì vậy những đề xuất tập trung vào các nội dung sau:

Một là, xây dựng và thúc đẩy sự hợp tác đa phương, bao gồm kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác. Qua đó, có thể bảo đảm sự thống nhất, chia sẻ nguồn lực và tận dụng sức mạnh của các bên để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Hai là, thúc đẩy công nghệ và đổi mới tại doanh nghiệp để giúp tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm khí thải và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Ba là, đầu tư vào giáo dục chất lượng, bảo đảm mọi người có được kiến thức và nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cần phát triển các chương trình giáo dục và thông tin công khai nhằm tăng cường nhận thức và khuyến khích cả cá nhân và tổ chức tham gia hành động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Bốn là, các doanh nghiệp trong SC cần thiết lập mục tiêu chung và quyết định chung. Điều này bảo đảm rằng tất cả các đối tác trong SC đều có mục tiêu và quan điểm chung, từ đó tạo ra sự phù hợp và sự tương đồng trong các quyết định và hành động.

Bốn là, tăng cường chuỗi liên kết, khuyến khích và chia sẻ tài nguyên giữa các bên liên quan. Việc xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ và tạo ra sự tương tác tích cực giữa các đối tác trong SC sẽ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài nguyên. 

Chú thích:
1. Mosgaard, M.A., Kristensen, H.S., (2023). From certified environmental management to certified SDG management: new sustainability perceptions and practices, Sustainable Futures, Volume 6, 100144, https://doi.org/10.1016/j.sftr.2023.100144.
2. Christopher, M. (2005). Logistics and Supply Chain Management, Prentice hall, London.
3. Liu, X. (2018). LRN 2016 SPECIAL – the antecedents and consequences of reduction within a supply chain collaboration orientation of CO2 emissions: evidence from China, International Journal of Logistics Research and Applications, Volume 21, Issue 2, pp. 160-175.
4. Matos, S., Hall, J. (2007). Integrating sustainable development in the supply chain: The case of life cycle assessment in oil and gas and agricultural biotechnology, Journal of Operations Management, Volume 25, Issue 6, pp 1083-1102.
5. Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua ngày 25/9/2015.
6, 9. Gold, S., Seuring, S., Beske, P. (2010). Sustainable supply chain management and inter‐organizational resources: a literature review, Corporate social responsibility and environmental management, Wiley Online Library,  https://doi.org/10.1002/csr.207.
7. Nyaga, G.N., Whipple, J.M., Lynch, D.F. (2009). Examining supply chain relationships: Do buyer and supplier perspectives on collaborative relationships differ?, Journal of Operations Management, Vol. 28 (No. 2), pp. 101-114, https://doi.org/10.1016/j.jom.2009.07.005.
8. Mentzer, J.T., DeWitt, W., Keebler, J., Min, S., Nix, N., Smith, C., Zacharia, Z. (2001). Defining supply chain management, Journal of Business Logistics, 22 (2), pp. 1-25,  https://doi.org/10.1002/j.2158-1592.2001.tb00001.x. Min, S., Roath, A.S., Daugherty, P.J., Genchev, S.E., Chen, H., Arndt, A.D., Richey, G.R. (2005). Supply chain collaboration: what is happening?, International Journal of Logistics Management, Vol. 16 (No. 2), pp. 237-256.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
2. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 04/4/2024.
3. Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của một số nền kinh tế tiêu biểu ở châu Á. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 14/01/2023.
4. Tabachnick, V., Fidel, S.K. (2018). Change management for sustainability: evaluating the role of. human, operational and technological factors in leading indian firms in home, Appliances Sector, J. Clean. Prod, số 213, pp. 847-862.
5. Vinzi, V.E., Trinchera, L., Amato, S. (2010). PLS Path Modeling: From Foundations to Recent Developments and Open Issues for Model Assessment and Improvement. Handbook of Partial Least Squares, pp.47-82. DOI:10.1007/978-3-540-32827-8_3.