TS. Nguyễn Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, mỗi cơ sở giáo dục đại học đều cần có chiến lược đổi mới để xây dựng và tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng. Đào tạo trình độ thạc sỹ theo định hướng ứng dụng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ thạc sỹ. Ở Học viện Hành chính Quốc gia, việc đào tạo trình độ thạc sỹ theo định hướng này còn được xem là một bước chuyển bắt buộc và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Từ khóa: Đào tạo; trình độ thạc sỹ; định hướng ứng dụng; Học viện Hành chính Quốc gia.
1. Đặt vấn đề
Dựa trên hồ sơ năng lực nghề nghiệp, xây dựng thông qua ý kiến khảo sát của nhà tuyển dụng và nghiên cứu nhu cầu của thế giới việc làm một cách có hệ thống, chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng nhấn mạnh vào đào tạo thực tế gắn với yêu cầu của các ngành công nghiệp và các ngành kinh tế; giáo dục theo tiêu chuẩn đầu ra; cung cấp cho người học kiến thức chuyên ngành và liên ngành; kỹ năng thực hành nghề nghiệp và được rèn luyện trong môi trường thực tập thực tế tại doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức khoa học và kỹ thuật được chú trọng giảng dạy và những kỹ năng mềm được tích hợp để học tập suốt đời.
Để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng, Học viện Hành chính Quốc gia cần nhìn lại, đánh giá và rút kinh nghiệm một cách khoa học, nghiêm túc và đầy đủ, để giúp chương trình được hoàn thiện và thực sự hiệu quả.
Từ góc độ chuyên môn, qua giảng dạy 4 khóa học đầu tiên trong năm 2023, học phần “Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề án” thuộc chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý công theo định hướng ứng dụng và hướng dẫn một số học viên làm đề án tốt nghiệp, chúng tôi nhận thấy một số điểm đáng chú ý xung quanh vấn đề triển khai đề án tốt nghiệp của học viên cao học, đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình.
2. Sự khác biệt giữa đề án tốt nghiệp thạc sỹ theo định hướng ứng dụng với đề án trong quản lý công
Trong triển khai cho học viên làm đề án tốt nghiệp, chúng tôi nhận thấy, một bộ phận không nhỏ các học viên tỏ ra lúng túng. Có người còn mơ hồ về cấu trúc nội dung của đề án, thể hiện nội dung nặng về trình bày lý thuyết, lý luận. Có người lại khá khó khăn trong việc đề xuất, kiến nghị để hiện thực hóa đề án trong thực tiễn. Thậm chí có học viên còn hoàn toàn bỏ qua đề xuất, kiến nghị, chỉ dừng ở việc nêu thực trạng và giải pháp, tương tự triển khai luận văn. Tức là, họ vẫn bị ảnh hưởng thói quen triển khai vấn đề mang tính nghiên cứu – lý luận, chưa thực sự ý thức về tính ứng dụng của đề tài. Một trong những nhân chính dẫn tới thực trạng này là có thể họ không phân biệt được sự khác biệt giữa Đề án tốt nghiệp và luận văn tốt nghiệp, sự khác biệt giữa đề án tốt nghiệp thạc sỹ và những đề án khác trong quản lý công.
Các đề án đều có một số đặc điểm chung: mang tính khái quát, định hướng chung; hướng đến các vấn đề cụ thể, đáp ứng nhu cầu của xã hội hoặc vấn đề cần giải quyết trong thực tế; được trình bày một cách kỹ lưỡng, mang tính chuyên sâu; giúp chủ thể hoặc người phê duyệt thấy rõ tính khả thi của nó và các đề án đều đòi hỏi sự thuyết phục bằng sự cần thiết của vấn đề được đề xuất, giải pháp và nhiệm vụ phải hợp lý.
Tuy nhiên, đề án trong quản lý công và đề án tốt nghiệp thạc sỹ (đề án khoa học) có một điểm khác biệt cơ bản mà nhà các quản lý đào tạo và học viên cao học đều phải thấy rõ để triển khai hiệu quả.
Trong chương trình bồi dưỡng chuyên viên cao cấp của Học viện Hành chính Quốc gia (Chuyên đề 7- Kỹ năng xây dựng và quản lý dự án, đề án, chương trình), Đề án được xác định là “văn bản mang tính khái quát về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu, nguồn lực tài chính và cách thức tổ chức thực hiện. Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, các nhà tổ chức sẽ triển khai đề án bằng các hình thức khác nhau, như: chương trình, dự án hay nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu của đề án”.
Theo Quy định số 66-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 06/02/2017 về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng, đề án được xác định là văn bản dùng để trình bày có hệ thống về một kế hoạch, giải pháp giải quyết một nhiệm vụ, một vấn đề nhất định để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là những đề án trong quản lý công, được sinh ra từ thực tế quản lý và nhằm tới giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội.
Từ góc độ nghiên cứu khoa học, đề án được xem là một loại văn bản trình bày việc nghiên cứu có tính hệ thống đối với một vấn đề về con người, sự vật, sự việc… nào đó trong tự nhiên, xã hội và đề xuất cách giải quyết vấn đề theo yêu cầu đã được đặt ra. Có thể thấy, nếu đề án trong quản lý công xuất phát từ những “vấn đề”, những hạn chế, thách thức của thực tế, do thực tế đòi hỏi thì đề án tốt nghiệp lại nhằm giúp cho học viên củng cố, tổng hợp và phát triển những kiến thức lý thuyết chuyên ngành đã được học, cho họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghiên cứu độc lập hướng vào những vấn đề cụ thể.
Tuy nhiên, đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng lại khác với đề án khoa học – theo định hướng nghiên cứu (hay còn gọi là Luận văn tốt nghiệp). Chúng đòi hỏi được nghiên cứu theo hướng phát triển các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ các nhu cầu đa dạng của con người. Tùy thuộc loại đề án khoa học – đòi hỏi được triển khai một cách hệ thống nhưng đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng lại khá gần gũi, tương đồng với đề án trong quản lý công, bởi yêu cầu về tính ứng dụng thực tiễn cao, tính khả thi và nhân rộng.
Chính vì thế, với đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng, học viên không cần quá chú trọng vào lịch sử nghiên cứu, không nên nặng về trình bày cơ sở lý luận, mà nên tập trung vào phân tích vấn đề và trình bày kết quả mới mà mình phát hiện được, tập trung vào khai thác giá trị của nghiên cứu, hướng vào tính ứng dụng trong thực tiễn. Từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm, đề xuất và kiểm nghiệm được mô hình, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những thách thức trong thực tiễn. Điều đó đồng nghĩa với nội dung đề án thạc sỹ ứng dụng phải thể hiện được năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết vấn đề của học viên, khả năng am hiểu và vận dụng lý thuyết để chọn lựa vấn đề cần thiết trong thực tiễn phù hợp với chuyên ngành đào tạo, tìm ra nguyên nhân, giải pháp khả thi giải quyết vấn đề.
Thêm nữa, xét từ góc độ hệ quả của đề án, đề án trong quản lý công sẽ được triển khai thực hiện khi có được phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được triển khai thực hiện tức thì sau khi được phê duyệt. Nói cách khác, với đề án quản lý, sự phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chính là giấy thông hành để đề án đi vào đời sống. Còn đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng sẽ được đánh giá, nghiệm thu bởi các nhà khoa học, cơ quan quản lý đào tạo. Đề án tốt nghiệp thạc sỹ là kết quả sự ứng dụng lý thuyết nghiên cứu của học viên vào thực tiễn, được ghi nhận như một điều kiện căn bản để tốt nghiệp. Sự nghiệm thu tri thức này có thể sẽ được hiện thực hóa khi nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận, đánh giá cao tính thiết thực, khả năng ứng dụng của nó.
3. Đề xuất điều chỉnh mẫu đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng
Từ sự khác biệt giữa đề án tốt nghiệp thạc sỹ với các đề án quản lý công, sự khác biệt giữa đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng với đề án tốt nghiệp thạc sỹ theo định hướng nghiên cứu luận văn, Học viện Hành chính Quốc gia nên điều chỉnh mẫu đề án tốt nghiệp thạc sỹ theo định hướng ứng dụng sao cho hợp lý nhất để thể hiện được mục đích, tính chất, yêu cầu của loại đề án này.
Mẫu đề án tốt nghiệp thạc sỹ theo định hướng ứng dụng của Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay được quy định tại phần Phụ lục trong “Quy chế tuyển sinh vào trình độ thạc sỹ”, ban hành kèm theo Quyết định số 1766/QĐ-HCQG ngày 29/5/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Mẫu này tương đối bảo đảm tính khoa học và khả dụng, nó thực sự là một mẫu đề án khoa học, với đầy đủ các phần từ cơ sở đến nội dung, từ lý thuyết đến giải pháp vấn đề… Tuy nhiên, như đã phân tích, đề án thạc sỹ theo định hướng ứng dụng, hướng tới tính ứng dụng vào thực tiễn nên cần được thể hiện theo cấu trúc của đề án thực tiễn, chứ không phải cấu trúc khoa học. Tức là, cần tập trung vào luận giải sự cần thiết phải ban hành đề án, những căn cứ xây dựng đề án, mục tiêu, yêu cầu của đề án, dự kiến hiệu quả hoặc lợi ích mà đề án đem lại, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện và kiến nghị. Đề án thạc sỹ ứng dụng không nhất thiết phải chú trọng trình bày tất cả những nội dung, như: tổng quan vấn đề nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, giống hệt Luận văn khoa học.
Theo mẫu đề án tốt nghiêp thạc sỹ theo định hướng ứng dụng của Học viện Hành chính Quốc gia đã ban hành trong quy chế, học viên sẽ phải trình bày toàn bộ các thông tin về tổng quan, lý do, đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ, phương pháp, lợi ích… trong phần mở đầu, giống hệt như phần mở đầu của luận văn khoa học. Tiếp sau đó, còn dành hẳn một chương I để trình bày cơ sở lý thuyết của vấn đề. Như vậy, phần lý luận/lý thuyết chiếm một lượng khá lớn trong tổng lượng công trình. Điều này khiến cho đề án trở nên bộn bề, nặng về lý thuyết, nhất là khi ở đó ôm đồm cả những nội dung mà chỉ cần thiết với đề án định hướng nghiên cứu, không thực sự cần thiết đối với một đề án định hướng ứng dụng. Chính vì thế, học viên khi thể hiện đề án của mình, họ thường “bày biện” toàn bộ những gì là lý thuyết được học, thậm chí sao chép nguyên các nội dung trong giáo trình, tài liệu.
Học viện cần xem xét điều chỉnh một phần cấu trúc của đề án thạc sỹ định hướng ứng dụng, nhất là phần mở đầu, để giảm bớt những nội dung không thực sự cần thiết, đảm bảo tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của đề án.
Để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác hơn nữa về chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng có lẽ cần thêm thời gian và có kiểm định chính thức. Những đúc rút sau khi “chạy chương trình” 4 khóa đầu tiên, chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng được đánh giá cao, là một chương trình hết sức thiết thực và ý nghĩa. Cùng đó, học phần “Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề án” luôn là một học phần hấp dẫn, nhận được nhiều sự quan tâm và mong đợi của học viên, bởi hai lý do:
Một là, phần học có tính ứng dụng cao, khá cần thiết với thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung học phần hướng tới việc trang bị cho học viên những kiến thức chung về chương trình, đề án, dự án, những kỹ năng cần thiết khi xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề án trong quản lý công, xây dựng cho học viên ý thức tự chủ, sáng tạo, tích cực tham mưu và tham gia vào xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan công tác.
Hai là, học phần “Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề án” giúp ích trực tiếp cho học viên cao học trong việc thực hiện đề án tốt nghiệp.
4. Kết luận
Tóm lại, đề án tốt nghiệp thạc sỹ theo định hướng ứng dụng có những điểm khác biệt và cả những điểm tương đồng với đề án trong quản lý công. Vì thế, yêu cầu học viên cao học cần nhận biết rõ để triển khai cho phù với yêu cầu của đào tạo. Học viện Hành chính Quốc gia cần dựa trên cơ sở thực tiễn, tính hợp lý và hiệu quả để xây dựng và triển khai chương trình, để học phần “Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề án” và chương trình thạc sỹ theo định hướng ứng dụng thực sự ý nghĩa, được triển khai một cách hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sỹ (ban hành kèm theo Quyết định số 1716/QĐ-HVHC ngày 29/5/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia).
2. Đề cương môn học “Kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện chương tình, dự án, đề án- chương trình đào tạo thạc sỹ theo định hướng ứng dụng” của Học viện Hành chính Quốc gia.
3. Đào tạo thạc sỹ theo hướng ứng dụng: vẫn còn nghịch lý. https://career.gpo.vn.
4. Học viện Hành chính Quốc gia. Tài liệu hội nghị công tác đào tạo trình độ thạc sỹ năm 2024. Hà Nội, tháng 5/2024.