Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “Thế trận lòng dân” của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Hồ Mạnh Cường, Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Với vị trí, vai trò là một tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương và Quân đội, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, thể hiện khá rõ nét vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển, vận động nhanh chóng của tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đặt ra những vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện nay.

Từ khóa: vấn đề; tập trung giải quyết; thế trận lòng dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ chỉ huy quân sự các tỉnh; khu vực Tây Nguyên.

1. Đặt vấn đề

“Thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc khu vực Tây Nguyên là một loại hình thế trận đặc biệt, thể hiện các cấp độ trạng thái chính trị – tinh thần của Nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; được biểu hiện cụ thể ở lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng tin đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần đoàn kết, sự thống nhất nhận thức, ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

2. Thực tiễn xây dựng “Thế trận lòng dân” của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của đảng bộ, chính quyền các tỉnh, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị – xã hội, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, lực lượng vũ trang các tỉnh nói chung, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng có vai trò quan trọng. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm thực hiện các nội dung, hình thức biện pháp tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc theo phạm vi được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo tiềm lực, điều kiện và thế mạnh của mình.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Quân khu 7, các tỉnh ủy, chính quyền tỉnh, đảng ủy quân sự tỉnh, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, sự phối hợp, hiệp đồng của các tổ chức, lực lượng liên quan, chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được nâng cao. Nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng đối với tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên có chuyển biến tích cực và được nâng lên rõ rệt. Đề cập về vấn đề này, báo cáo tổng kết 15 năm (2008 – 2023) thực hiện Chỉ thị 154-CT/ĐUQSTW về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới” của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ: “Cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh”1.

Nội dung, hình thức biện pháp tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước được đổi mới, vận dụng linh hoạt, ngày càng hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; góp phần làm cho “đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy”2 và “đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước”3. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng vững chắc, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần “bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của địa phương trong tình hình mới”4. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc với mục tiêu an dân, nắm dân, giành và giữ dân. Qua đó, “góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị, tinh thần, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc tại cơ sở”5.

Tuy nhiên, chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một số chủ thể, lực lượng chưa nhận thức sâu sắc và phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Cá biệt, có chủ thể, lực lượng còn tồn tại nhận thức cho rằng, xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của cơ quan quân sự, của các đơn vị quân đội; hoặc thờ ơ, xem nhẹ nhiệm vụ này. Đánh giá về vấn đề này, Đảng ủy quân sự tỉnh Gia Lai chỉ rõ: “nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về công tác dân tộc chưa đầy đủ và sâu sắc”6. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội địa phương thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc còn hạn chế. Báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/1/2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám đã chỉ rõ: “công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp ở cấp huyện, xã tại một số địa phương chất lượng chưa cao”7; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cũng nêu: “Công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động nhân dân có thời điểm chưa nhịp nhàng, nhất là trong xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh chính trị”8.

 Kết quả phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của một số bộ chỉ huy quân sự tỉnh còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận quần chúng bị tác động bởi tâm lý dân tộc hẹp hòi, nghi kỵ, ngờ vực về sự bình đẳng giữa các dân tộc; còn tin, làm theo sự xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, phản động. Cá biệt như vụ khủng bố xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên chưa thật sự vững chắc, có thời điểm chưa đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra và sự phát triển của tình hình thực tiễn.Đánh giá về vấn đề này, Tỉnh ủy Đắk Nông nhận xét: “Xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ ở một số địa phương chưa toàn diện, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân”9. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ quân sự tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng chỉ rõ: “xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, thế trận lòng dân có lúc chưa vững chắc”10.

Nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế về chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên có cả khách quan và chủ quan. Nhưng chủ yếu liên quan đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực thực tiễn của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các chủ thể, lực lượng liên quan cùng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa khu vực Tây Nguyên đang đứng trước cả thời cơ và thách thức không thể xem thường. Tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại khu vực Tây Nguyên còn tiềm ẩn không ít nhân tố phức tạp, dễ gây mất ổn định. Điều đó đã đặt ra những vấn đề cần tập trung giải quyết trong nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện nay.

3. Một số vấn đề cần tập trung nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “Thế trận lòng dân” của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Một là, giải quyết vấn đề nhận thức, trách nhiệm, năng lực thực tế của các chủ thể, lực lượng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên phụ thuộc trước hết vào nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng tham gia. Do đó, trước hết cần làm sáng tỏ về mặt lý luận chức năng của quân đội trong thời kỳ mới; luận chứng một cách có cơ sở khoa học việc quân đội tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc là vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ chính trị của quân đội. Đồng thời cũng là vấn đề thuộc về bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nan nói chung, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng. Từ đó, khẳng định bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên có vai trò và trách nhiệm phải tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thấy được khả năng và tiềm năng to lớn của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trong công tác dân vận nói chung, tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc nói riêng.

Đối với các cấp lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Quân khu 7, tỉnh ủy, chính quyền tỉnh và các lực lượng khác khu vực Tây Nguyên, vấn đề đặt ra là phải có nhận thức đúng về trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của mỗi cấp, mỗi tổ chức trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ bộ chỉ huy quân sự các tỉnh tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn nhiều năm qua, khâu lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ bộ chỉ huy quân sự các tỉnh tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của các cấp có thời điểm còn lúng túng, bất cập.

Đối với các tỉnh ủy và chính quyền tỉnh khu vực Tây Nguyên, vấn đề đặt ra là nhận thức đúng vai trò, vị trí trong xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc, là trung tâm của việc huy động, phối hợp các lực lượng tham gia. Do đó phải chịu trách nhiệm chính trong xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc, không thể trông chờ, ỷ lại ở cấp trên hoặc khoán trắng cho các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, hoặc cho bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, điều mà trong thực tế ở nhiều nơi thường mắc phải.

Đối với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vấn đề đặt ra là xác định cho đúng nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị phải tích cực và chủ động tham gia cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc theo phạm vi, quyền hạn và tính chất của một đơn vị quân đội. Phải tham gia một cách thực sự, thực tế, không bao biện, làm thay, nhất là không làm các chức năng quản lý hành chính xã hội, biến đơn vị quân đội thành một đơn vị “quân quản”. Đồng thời, phải coi việc tham gia “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc có chất lượng tốt cũng là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Hai là, giải quyết vấn đề vận hành cơ chế lãnh đạo song trùng trong nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trên cả nước nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng chịu sự tác động, quy định của cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy “song trùng”. Vì vậy, mọi hoạt động của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc nói riêng đều chịu sự chi phối, quy định củacơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và cơ chế Đảng lãnh đạo công tác QS,QP địa phương. Chính điều này khiến cho bộ chỉ huy quân sự các tỉnh cùng một việc nhưng vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn, kiểm tra của Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7, vừa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn của các tỉnh ủy, chính quyền tỉnh; vừa giải quyết mối quan hệ với các cơ quan chức năng của Quân khu 5, Quân khu 7, vừa giải quyết mối quan hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh ủy, chính quyền tỉnh và các huyện ủy, chính quyền huyện theo cả hai cơ chế trên. Để vận hành đúng nguyên tắc, chặt chẽ, nhịp nhàng cơ chế lãnh đạo “song trùng” trong nâng cao chất lượng tham gia xây dựngthế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên là vấn đề không đơn giản. Thực tế cho thấy, một số khoảng trống, bất cập trong vận hành cơ chế lãnh đạo song trùng còn tồn tại, chưa được hoàn thiện; nhận thức, trách nhiệm trong vận hành cơ chế của một số chủ thể, lực lượng liên quan còn chưa thống nhất, chưa toàn diện, đúng đắn. Qua đó, gây ra những lúng túng, bị động nhất định, hoặc tình trạng thụ động, trông chờ, né tránh trách nhiệm hoặc nóng vội, giản đơn, áp đặt máy móc, tùy tiện, tạo ra sức ì, kìm hãm tính chủ động của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên đối với nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc trong thời gian qua.

Đối với các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo trong cơ chế lãnh đạo song trùng, đặc biệt là Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7 và các tỉnh ủy, chính quyền tỉnh khu vực Tây Nguyên, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt vấn đề cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành từ trên xuống bảo đảm sự thông suốt, thống nhất, tập trung, có hiệu lực thực tế, tránh sự vòng vèo, nhiều tầng, nấc, nhiều khâu trung gian, không những chậm trễ, phân tán, mà còn cồng kềnh, kém hiệu quả; tăng cường trao đổi, phối hợp để thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đối với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Đối với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, vấn đề đặt ra là giải quyết hài hòa, khéo léo, bảo đảm vừa phục tùng sự lãnh đạo của tỉnh ủy, quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh với chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy cấp trên trong quân đội. Đồng thời, phải nhạy bén, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh khu vực Tây Nguyên cần phát huy mọi tiềm năng, điều kiện, thế mạnh của đơn vị để tích cực, chủ động tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc với những hoạt động cụ thể, đúng đắn, sáng tạo và phù hợp, hiệu quả.

Ba là, giải quyết vấn đề tổ chức lực lượng, phương tiện, điều kiện bảo đảm cho nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Việc tổ chức, sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện, điều kiện bảo đảm một cách hợp lý, khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Giải quyết vấn đề tổ chức lực lượng, trước hết phải giải quyết vấn đề về mặt số lượng. Hiện nay, so với quy mô, phạm vi các hoạt động tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc thì lực lượng của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh còn mỏng, thiếu, chủ yếu là đội ngũ cán bộ ở các cơ quan của bộ chỉ huy quân sự tỉnh (phòng tham mưu, phòng chính trị, phòng hậu cần, phòng kỹ thuật) và các phân đội trực thuộc cơ quan. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh có biên giới thì trung đoàn bộ binh trực thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh có 1 tiểu đoàn bộ binh đủ quân và 2 tiểu đoàn bộ binh khung thường trực, các tỉnh không có biên giới chỉ có trung đoàn bộ binh khung thường trực. Đồng thời, ở bộ chỉ huy quân sự các tỉnh hiện nay không còn biên chế chức danh trưởng ban dân vận như trước kia, mà chỉ còn trợ lý và nhân viên chuyên trách về công tác dân vận, số lượng chỉ còn 1 – 3 người.

Về mặt chất lượng, cơ cấu cũng còn những hạn chế, bất cập nhất định so với yêu cầu, nhiệm vụ. Trong khi đó nội dung tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh rất đa dạng, địa bàn của tỉnh rất rộng. Do đó, so với quy mô, phạm vi nội dung, hình thức, biện pháp tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc thì lực lượng của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên còn mỏng, thiếu. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm nói chung, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói riêng. Do đó, đối với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, vấn đề đặt ra là giải quyết khâu tổ chức lực lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc sao cho hợp lý, đồng bộ, tạo được sự tập trung, thống nhất, tránh chồng chéo, ỷ lại, dựa dẫm vào nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Vừa có lực lượng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trung tâm, vừa có lực lượng tham gia đủ sức hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, cần giải quyết tốt khâu tổ chức lực lượng chỉ đạo, hướng dẫn của các quân khu, tỉnh bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, sâu sát; khắc phục những biểu hiện hình thức, quan liêu, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng và cán bộ chuyên trách đối với nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Song song với các vấn đề trên, cần giải quyết tốt việc tổ chức bảo đảm các điều kiện cho nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên như ngân sách, kinh phí, phương tiện, thời gian, chế độ, chính sách đối với các tổ chức, lực lượng trực tiếp tham gia và tổ chức các hoạt động. Để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực Tây Nguyên bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần được bảo đảm ngân sách, kinh phí, phương tiện riêng.

Nguồn ngân sách, kinh phí, phương tiện bảo đảm cho bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc còn khó khăn, hạn chế. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh khu vực Tây Nguyên phải tự cân đối ngân sách, kinh phí của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương được phân bổ để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ Tổ quốc được giao. Điều này gây khó khăn cho bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong xây dựng kế hoạch tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc, trong triển khai thực hiện kế hoạch, giải quyết những vấn đề nảy sinh, cũng như đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ nhằm kịp thời động viên, khích lệ đối với các tổ chức, lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, giải quyết vấn đề cơ chế phối hợp, hiệp đồng giữa bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên với các tổ chức, lực lượng liên quan trong nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên chưa được giao cụ thể, rõ ràng giống như nhiệm vụ chính trị trung tâm và các nhiệm vụ khác. Do đó, cơ chế phối hợp, hiệp đồng giữa bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên với những tổ chức, các lực lượng liên quan trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc phần lớn chưa dựa trên căn cứ pháp quy của cấp có thẩm quyền mà chủ yếu các cơ quan, đơn vị tự phối hợp, hiệp đồng với nhau theo thỏa thuận của đôi bên; thiếu cơ sở để đánh giá kết quả, cũng như xác định trách nhiệm của từng đơn vị, lực lượng. Mặt khác, tính chính danh, sự thống nhất về nội dung, hình thức biện pháp, phạm vi tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và các tổ chức, lực lượng khác khu vực Tây Nguyên còn chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ. Vì vậy, cần giải quyết tốt cơ chế phối hợp này.

4. Kết luận

Để nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng của địa phương và bộ, ngành, Trung ương đứng chân trên địa bàn. Trước hết, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý, tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng quân – dân – chính – Đảng trong cơ chế phối hợp, hiệp đồng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc phải thuộc về các tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh chỉ đóng vai trò tham mưu và tham gia. Vấn đề đặt ra đối với các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành là cần tập trung tạo lập môi trường chính trị – xã hội, pháp lý rõ ràng, đồng bộ, để bảo đảm và cụ thể hóa tính chính trị, tính chính danh, cũng như thống nhất về nội dung, hình thức biện pháp, phạm vi tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và của các tổ chức, lực lượng khác khu vực Tây Nguyên. Khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng.

Đồng thời, vấn đề đặt ra đối với bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên là phải xác định, tham mưu, đề xuất xây dựng, triển khai hiệu quả các quy chế, chương trình, nội dung, mục tiêu, hình thức biện pháp phối hợp, hiệp đồng cụ thể với từng tổ chức, lực lượng khác trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tình hình thực tế của các tỉnh.

Những vấn đề được xác định cần tập trung giải quyết ở trên là cơ sở để xác định yêu cầu và đề ra những giải pháp đúng đắn, khả thi để nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện nay. Các chủ thể, lực lượng liên quan nói chung, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần có nhận thức đúng đắn, đề cao trách nhiệm trong giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm và khó khăn trong nâng cao chất lượng tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc khu vực Tây Nguyên hiện nay.

Chú thích:
1. Đảng ủy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 154-CT/ĐUQSTW ngày 09/4/2008 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trong tình hình mới”. Lưu hành nội bộ, 2023.
2, 3, 4. Tỉnh ủy Lâm Đồng. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, Lưu hành nội bộ, tr. 65, 22, 74, 2020.
5. Đảng ủy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ quân sự tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lưu hành nội bộ, 2020, tr. 4.
6. Đảng ủy Quân sự tỉnh Gia Lai. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về công tác dân tộc trong tình hình mới của Đảng ủy quân sự tỉnh Gia Lai. Lưu hành nội bộ, 2022, tr. 8.
7. Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Báo cáo kết quả thực hiện công tác phối hợp theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ năm 2022. Lưu hành nội bộ, 2022, tr. 5.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và Quy chế công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam của BCHQST Gia Lai (2010 – 2020). Lưu hành nội bộ, 2020, tr. 6.
9. Tỉnh ủy Đắk Nông. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lưu hành nội bộ, 2020, tr. 51.
10. Đảng ủy Quân sự tỉnh Đắk Nông. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ quân sự tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lưu hành nội bộ, 2020, tr. 7.