Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế và an sinh xã hội của các đối tượng có HIV và nguy cơ nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay

ThS. Phạm Thị Hạnh Trang
Bệnh viện Nhi Trung ương

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết đánh giá thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, Covid -19 và các gói an sinh xã hội của nhóm HIV và có nguy cơ nhiễm HIV để từ đó cung cấp những dữ liệu cập nhật và một số khuyến nghị hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này, hướng tới mục tiêu bảo đảm cuộc sống bền vững. Đối tượng chính của nghiên cứu là các nhóm có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV.

Từ khoá: Dịch vụ y tế; an sinh xã hội; đối tượng có HIV; nguy cơ lây nhiễm.

1. Đặt vấn đề

Theo thông tin do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến tháng 10/2022 cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%). Từ năm 2016, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Nếu như trước đây đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu thì trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện. Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV; số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (48,6%) và 30 – 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).1

Tổng hợp số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS2 cho thấy, quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay với tỷ lệ nhiễm mới HIV cao theo từng năm; quan hệ đồng giới và nhóm chuyển giới được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang duy trì các hoạt động can thiệp giảm lây nhiễm, như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao như nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam, nhóm chuyển giới, nhóm tiêm chích ma túy và nhóm mại dâm. Việc xét nghiệm sàng lọc HIV hiện đã bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh thành. Đặc biệt, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm đã triển khai đa dạng thông qua các mô hình trực tuyến, lưu động,…

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Từ đó đến nay, tình hình diễn biến phức tạp và tác động đến nhiều mặt đến dân cư, đời sống, kinh tế – xã hội. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%. Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn, có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có độ tuổi khá trẻ, từ 25 – 54 tuổi, chiếm 73,8%3.

Bài viết sử dụng tài liệu thứ cấp, gồm: các báo cáo của Bộ Y tế, số liệu thống kê liên quan của Tổng cục Thống kê; các bài báo từ nguồn báo chí chính thống phản ánh cập nhật. Đồng thời, sử dụng kết quả định tính với 6 cuộc phỏng vấn sâu và 5 cuộc thảo luận nhóm, khảo sát định lượng 500 đối tượng là những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV được Quỹ toàn cầu thống kê và Dự án VUSTA hỗ trợ nhóm nghiên cứu thực hiện trong năm 20224.

2. Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế

Khi được hỏi về nhu cầu nhận các hỗ trợ dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid -19 đối tượng nghiên cứu lựa chọn các dịch vụ y tế chính: phát vật phẩm y tế như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn 75,2%; tiếp đó là cung cấp thông tin dịch vụ/truyền thông thay đổi hành vi 72%; chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và người có tiêm chích ma tuý 66,4%; hỗ trợ vật phẩm phòng Covid-19 (khẩu trang, nước sát khuẩn,…): 63,6%; khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm: 71,75% tương đương với nhu cầu hỗ trợ chi phí khám và điều trị Methadone cho người tiêm chích ma túy: 71,17%. Điều đáng kể là nhu cầu hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV của NCH là 80,56. Các nội dung khác mà nhóm muốn nhận hỗ trợ được đề cập đến, như: hỗ trợ tiền mặt; hỗ trợ các vấn đề về pháp luật, về khám sức khỏe hay chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng là một trong những nội dung mà đối tượng nghiên cứu mong muốn được nhận. Như vậy, có thể thấy rằng nhu cầu hỗ trợ về các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid -19 của nhóm đối tượng khảo sát là rất lớn. Họ cần hỗ trợ để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ về y tế.

Để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có những chương trình chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch. Mặc dù, không phải tất cả người lao động đều nhận được hỗ trợ nhưng Nhà nước và Nhân dân đã cố gắng khắc phục khó khăn để các hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp tục trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh số người có việc làm tăng lên so với quý trước và cùng kỳ năm trước, thì số thiếu việc làm đã giảm đi so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó cũng có những chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch vụ y tế. Và một trong những nguồn hỗ trợ cần được kể đến chính là từ Dự án của VUSTA đã hỗ trợ các nhóm đối tượng những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV.

Các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid-19, như: cung cấp thông tin dịch vụ/truyền thông thay đổi hành vi; phát vật phẩm y tế, như: bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục và hỗ trợ vật phẩm phòng Covid-19 (khẩu trang, nước sát khuẩn…) không giới hạn đối tượng. Theo khảo sát, số người tiếp cận nhiều nhất, có: 76,41% đối tượng được hỏi; cung cấp thông tin dịch vụ/truyền thông thay đổi hành vi đến được với 75,28% đối tượng; chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và bệnh lây qua đường tình dục đạt 68,67%. Như vậy, với gói dịch vụ cơ bản trong phòng chống HIV/AIDS mặc dù được Chính phủ đầu tư và hỗ trợ rất nhiều từ các chương trình dự án của các tổ chức xã hội nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhất định đối tượng vẫn chưa tiếp cận được.

Hỗ trợ vật phẩm phòng Covid – 19 (khẩu trang, nước sát khuẩn…) được thực hiện từ khi dịch Covid-19 trở thành đại dịch và đến thời điểm khảo sát có 57,25% người được hỏi tiếp cận được các dịch vụ này, đây là số liệu khá cao. Khảo sát đối với nhóm lao động nữ năm 2020, có 99,7% cho biết họ sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài và 89,3 thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không chạm tay vào mắt, mũi, miệng5. Việc hỗ trợ thêm từ các chương trình, dự án về các vật phẩm phòng Covid – 19 một mặt tăng nhận thức cho đối tượng (thường yếu thế hơn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội), một mặt giúp họ giảm các gánh nặng chi tiêu do đây là những vật phẩm tiêu dùng hàng ngày, tiêu hao nhanh.

Đối với các nhóm đặc thù, việc hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV cho người có HIV đã tiếp cận được với 84,72% đối tượng. Những dịch vụ khác, như: khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam giới quan hệ đồng tính, người chuyển giới nữ và phụ nữ bán dâm tiếp cận được 74,61% đối tượng; hỗ trợ chi phí khám và điều trị Methadone cho người tiêm chích ma túy với 73,33% đối tượng tiếp cận được dịch vụ.

Trong các hoạt động hỗ trợ mà đối tượng nhận được có một số hỗ trợ là nội dung của dự án nên tỷ lệ nhận được hỗ trợ cũng tương đối cao. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý một số nội dung mà các nhóm “Chưa nhận được hỗ trợ” là những khoảng trống mà các chương trình của Nhà nước và dự án như Dự án VUSTA tiếp tục tìm kiếm khách hàng để tiếp cận hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu chung chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo kết quả nghiên cứu thu được, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid -19 mà các nhóm đã nhận được không giống nhau.

Đối với dịch vụ thông tin dịch vụ/truyền thông thay đổi hành vi nữ chuyển giới và người có HIV có mức độ tiếp cận thông tin thấp nhất (lần lượt là 11,8% và 20% chưa được cung cấp dịch vụ) trong khi đó phụ nữ bán dâm có mức độ tiếp cận thông tin cao nhất (94,5%). Với dịch vụ phát vật phẩm y tế, như: bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, tuy nhiên đối với dịch vụ này thì 96,2% người tiêm chích tiếp cận được dịch vụ trong khi có đến 45,7% người có HIV chưa tiếp cận được dịch vụ. Con số sàng lọc riêng đối với nhóm HIV rất đáng quan tâm. Tỷ lệ tiếp cận dịch vụ này đối với nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ là rất cao (tương ứng 92,7% và 82,4%). Số liệu này là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nam giới có quan hệ đồng tính đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Qua tổng quan tài liệu nghiên cứu cho thấy có những số liệu khá tích cực về thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế liên quan đến nhóm tiêm chích ma túy. Trong nghiên cứu hồi cứu mô tả đánh giá thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế và thông tin liên quan đến HIV/AIDS ở nhóm nam có tiêm chích ma túy tại thành phố Huế từ năm 2012 đến năm 20166 cho thấy, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng cải thiện qua các năm theo hướng tích cực. Tuy chỉ phản ánh số liệu trong một tỉnh nhưng nằm trong các chương trình y tế chung của cả nước nên tỷ lệ này phần nào phản ánh được xu thế của quốc gia. Cụ thể kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ y tế có xu hướng tăng từ chỉ có 54% ở năm 2012, tăng cao nhất vào năm 2014 với 92%, năm 2016 là 79,4%. Tuy nhiên số liệu khảo sát thực tế tỷ lệ chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và bệnh lây qua đường tình dục đối với nhóm tiêm chích ma túy và có HIV chưa cao, tương ứng là 55,20% và 45,8%7.

Bảng 2.  Các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid-19 đã được nhận chia theo nhóm (đơn vị %)

Các dịch vụNhận được từNgười tiêm chích ma túyPhụ nữ bán dâmNam quan hệ tình dục đồng giớiNgười chuyển giới nữNgười có HIVNhiều đối tượng trong 1
Cung cấp thông tin dịch vụ/Truyền thông thay đổi hành viTừ Dự án VUSTA 28,1 14,9 39,1 6,0 3,5 8,5
Từ nguồn khác 20,0 12,2 28,9 10,0 16,7 12,2
Phát vật phẩm y tế như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơnTừ Dự án VUSTA 29,8 13,8 39,0 6,1 2,8 8,4
Từ nguồn khác 18,5 20,0 27,7 7,7 12,3 13,8
Chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và bệnh lây qua đường tình dụcTừ Dự án VUSTA 29,6 14,6 37,7 6,5 3,1 8,5
Từ nguồn khác 20,0 13,8 30,0 8,8 15,0 12,5
Hỗ trợ chi phí khám và điều trị Methadone cho người có tiêm chích ma túyTừ Dự án VUSTA 44,9 13,5 23,0 3,9 4,5 10,1
Từ nguồn khác 24,6 7,2 33,3 7,2 7,2 20,3
Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam giới quan hệ đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâmTừ Dự án VUSTA 9,7 22,1 49,6 8,4 1,3 8,8
Từ nguồn khác 22,4 19,4 31,3 7,5 10,4 9,0
Hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV cho người có HIVTừ Dự án VUSTA 24,8 12,8 36,3 5,8 7,5 12,8
Từ nguồn khác 19,0 11,1 30,2 3,2 19,0 17,5
Hỗ trợ vật phẩm phòng Covid-19 (khẩu trang, nước sát khuẩn…)Từ Dự án VUSTA 25,3 13,5 40,2 6,4 3,4 11,1
Từ nguồn khác 22,7 14,5 32,7 7,3 11,8 10,9
 
(Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022)

Sử dụng thang đo gộp ba mức “Không thể, rất khó tiếp cận và khó tiếp cận”, “Bình thường” và “Dễ, rất dễ tiếp cận” để đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với các nhóm dịch vụ y tế cho thấy, vẫn còn một khoảng trống khó khăn đối với các đối tượng khảo sát trong khi tiếp cận các dịch vụ y tế dự phòng. Với 4 nhóm dịch vụ y tế dự phòng cơ bản cung cấp thông tin dịch vụ/truyền thông thay đổi hành vi; phát vật phẩm y tế như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và bệnh lây qua đường tình dục; hỗ trợ vật phẩm phòng Covid – 19 (khẩu trang, nước sát khuẩn…) có tỷ lệ đánh giá khá tương đồng nhau với khoảng 40% đánh giá ở mức dễ và rất dễ tiếp cận. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20-25% người được hỏi cho biết họ “Không thể, rất khó tiếp cận và khó tiếp cận”. Đây là một vấn đề lớn đối với ngành y tế dự phòng khi mục tiêu đặt ra là dịch vụ y tế dự phòng bao phủ 100% đối tượng có nguy cơ.

Bảng 3. Đánh giá về mức độ tiếp cận đối với các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và Covid -19 (Đơn vị %)

Đánh giá về mức độ tiếp cậnKhông thể, rất khó tiếp cận và khó tiếp cậnBình thườngDễ, rất dễ tiếp cậnKhông biết/Không trả lờiTổng
Cung cấp thông tin dịch vụ/Truyền thông thay đổi hành vi20,639,039,60,8100%
Phát vật phẩm y tế như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn25,227,644,42,8100%
Chuyển gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả xét nghiệm HIV và bệnh lây qua đường tình dục25,832,239,03,0100%
Hỗ trợ chi phí khám và điều trị Methadone cho người tiêm chích ma túy27,331,835,65,3100%
Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam quan hệ đồng tính, người chuyển giới nữ và phụ nữ bán dâm34,728,134,03,2100%
Hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV cho người có HIV20,042,934,32,9100%
Hỗ trợ vật phẩm phòng Covid – 19 (khẩu trang, nước sát khuẩn…)23,633,237,65,6100%
 (Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022)
4. Tiếp cận các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội

Ngày 15/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020. Đề án đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp bảo đảm tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS một cách căn bản và chiến lược với nhiều nhóm giải pháp từ huy động các nguồn tài chính tới quản lý và sử dụng chương trình hướng tới hiệu quả.

Sau 10 năm triển khai, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51% trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm từ 8% lên tới 17%. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Tổng quỹ bảo hiểm y tế chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nay chiếm tới 25% nguồn lực trong nước7.

Có thể nhận thấy về mặt chủ trương và chính sách, an sinh xã hội cho những người có nguy cơ có HIV và những người có HIV đã được quan tâm và đầu tư. Tuy nhiên, nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay quỹ bảo hiểm y tế không chi trả. Quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn8.

Số liệu từ cuộc khảo sát đối với các đối tượng nghiên cứu cho thấy, họ vẫn còn thiếu thông tin về các gói an sinh xã hội nên nhu cầu về thông tin được họ đánh giá cao nhất, sau khi có thông tin thì họ cần được hướng dẫn, kết nối để tiếp nhận các gói an sinh xã hội. Như vậy với đối tượng khảo sát nhu cầu ưu tiên của họ hàng đầu vẫn là thông tin và sự hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục, điều này phù hợp với đặc điểm trình độ, nghề nghiệp cũng như sự kỳ thị và tự kỳ thị của họ.

Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế rất có ý nghĩa với các nhóm những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV, theo số liệu khảo sát thì có 66% người được hỏi có nhu cầu này. Trên thực tế, bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Đẩy nhanh diện bao phủ người dân tham gia bảo hiểm y tế, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, đòi hỏi sự đồng lòng chung tay của cả hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn 2016-2021 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đều liên tục tăng trưởng và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên tỷ lệ này đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022. Tính đến ngày 31/7/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ đạt 87,6% dân số, thấp hơn 2,4% so với cuối năm 2021 (91%), giảm 2.151.408 người9. Nếu so sánh số liệu trung bình toàn dân với tỷ lệ nhu cầu hỗ trợ của các đối tượng này thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Dữ liệu từ phỏng vấn sâu cho thấy các đối tượng khảo sát gặp nhiều khó khăn trong mua bảo hiểm y tế xuất phát từ cả thiếu tiền và tính ẩn danh. Nhưng nhu cầu cơ bản như trợ cấp xã hội bằng tiền mặt, vật phẩm, lương thực cũng được đề cập. Ngoài ra có 46,8% có nhu cầu được hỗ trợ tìm kiếm việc làm để bảo đảm cuộc sống.

Bảng 4. Nhu cầu nhận các hỗ trợ an sinh xã hội (Đơn vị %)

Dịch vụ an sinh xã hộiTỷ lệ (%)
Thông tin về các gói an sinh xã hội69,8
Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế66,0
Hướng dẫn, kết nối để tiếp nhận các gói an sinh xã hội65,2
Trợ cấp xã hội bằng tiền mặt57,4
Cung cấp các gói lương thực và thực phẩm55,0
Hỗ trợ tìm kiếm việc làm46,8
Hỗ trợ tiền thuê nhà45,0
(Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022)

Trên thực tế, hỗ trợ tiền thuê nhà là nội dung có nhiều người chưa nhận được hỗ trợ nhất, trong số 29,6% nhận hỗ trợ thì có đến 10,2% từ Dự án VUSTA và 11% từ các tổ chức xã hội khác, trong khi chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà của chính phủ chỉ tiếp cận được với 8% đối tượng. Những hỗ trợ nhiều nhất đến từ dịch vụ thông tin về các gói an sinh xã hội, cung cấp các gói lương thực, thực phẩm và hướng dẫn, kết nối để tiếp nhận các gói an sinh xã hội. Điều đáng ghi nhận là có đến 57,4% đối tượng đã nhận được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm xã hội, trong đó 32% đến từ Dự án VUSTA và 21,2% đến từ các tổ chức xã hội. Điều này cho thấy, công tác xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng có và có nguy cơ nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm xã hội đã được thực hiện rất tốt trong thời gian qua10.

Bảng 5. Các dịch vụ an sinh xã hội đã nhận được (Đơn vị%)

Dịch vụ  Các nguồn dịch vụ đã được hỗ trợ
Từ dự án VUSTATừ Chính phủTừ các tổ chức xã hộiChưa nhận hỗ trợ
Hỗ trợ tiền thuê nhà10,28,011,072,6
Hỗ trợ tìm kiếm việc làm11,84,616,870,4
Trợ cấp xã hội bằng tiền mặt11,617,815,260,6
Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế32,010,019,842,6
Hướng dẫn, kết nối để tiếp nhận các gói an sinh xã hội34,214,421,239,4
Cung cấp các gói lương thực và thực phẩm27,018,027,039,4
Thông tin về các gói an sinh xã hội44,416,022,031,4
(Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022)

Khi được hỏi về đánh giá đối với việc tiếp cận các gói an sinh xã hội thì hỗ trợ bằng tiền mặt và tiền thuê nhà là khó khăn nhất, điều này khá dễ hiểu khi gói hỗ trợ rất hẹp và phải có quy trình, thủ tục từ địa phương chứng thực. Ở chiều khác, việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và cung cấp các gói lương thực và thực phẩm lại dễ tìm kiếm hơn do những dịch vụ này đang được triển khai mạnh từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội, đặc biệt là trước những tác động của Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến người dân. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, đầu tư, bảo hiểm y tế đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội.

Bảng 6. Đánh giá về mức độ tiếp cận đối với các gói an sinh xã hội (Đơn v %)

Dịch vụKhông thể hoặc rất khó tiếp cậnKhó tiếp cậnBình thườngDễ tiếp cậnRất dễ tiếp cận
Thông tin về các gói an sinh xã hội11,430,439,414,04,8
Hướng dẫn, kết nối để tiếp nhận các gói an sinh xã hội11,035,238,213,02,6
Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế10,224,644,416,24,6
Hỗ trợ tiền thuê nhà28,035,226,67,42,8
Hỗ trợ tìm kiếm việc làm25,631,631,29,62,0
Cung cấp các gói lương thực và thực phẩm15,621,244,016,42,8
Trợ cấp xã hội bằng tiền mặt28,832,226,49,43,2
(Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2022)

5. Bàn luận và hàm ý chính sách

Trong bối cảnh những nỗ lực của ngành y tế dự phòng phòng chống HIV/AIDS bị thách thức bởi những tác động của đại dịch Covid -19 thì vai trò của các bên liên quan nổi lên và quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với nhóm đối tượng khách hàng của dự án Covid -19 đã tác động mạnh lên thu nhập; vấn đề việc làm; chăm sóc y tế, dinh dưỡng và nhà ở.

Công tác hỗ trợ các đối tượng những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV được quan tâm từ nhiều bên liên quan và đạt được những thành quả đáng ghi nhận từ phía khách hàng cũng như từ phía cung cấp dịch vụ. Mức độ hài lòng của khách hàng khá cao.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khá nhiều đối tượng chưa thực sự được tiếp cận toàn diện tới các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó còn nhiều rào cản trong tiếp cận dịch vụ. Dịch vụ dự phòng và an sinh xã hội thì kỳ thị xã hội vẫn là rào cản hàng đầu đối với các nhóm những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV. Tiếp đến là thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp hay các tiêu chuẩn nhận hỗ trợ cũng là những nhóm rào cản chính đối với nhóm đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, sự quan tâm của xã hội (chính quyền địa phương, cơ quan y tế, xã hội, cộng đồng) được cung cấp thông tin là những thuận lợi đáng ghi nhận để phát huy trong hỗ trợ các đối tượng, nhất là nhóm yếu thế trong xã hội.

Trên cơ sở một số kết quả và phát hiện, nghiên cứu đưa ra một khuyến nghị cho thời gian tới như sau:

Thực tế phản ánh rào cản hàng đầu vẫn là sự kỳ thị của xã hội khiến cho các đối tượng ngại trong việc tìm kiếm và tiếp cận dịch vụ. Họ muốn thu mình và ẩn danh, không muốn tiếp cận dịch vụ, trong khi một số dịch vụ lại đòi hỏi những thủ tục pháp lý và mặc dù có những cam kết về tính bảo mật trong cung cấp thông tin nhưng vì nhiều lý do mà những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV vẫn chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn vào việc bảo mật thông tin của bên cung cấp dịch vụ.

Thứ nhất, cần tăng cường truyên truyền, vận động đối với xã hội để giảm kỳ thị các đối tượng, những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV.

Thứ hai, tuyên truyền, tập huấn cho những người có tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và người có lây nhiễm HIV kiến thức không chỉ HIV/AIDS mà cả các kiến thức pháp lý, xây dựng các câu lạc bộ để họ có điều kiện chia sẻ, cởi mở và dễ dàng tiếp cận đối tượng. Điều này hiện nay đang được các tổ chức xã hội thực hiện rất tốt và nên nhân rộng nhiều hơn các mô hình này.

Thứ ba, tăng cường mối liên kết giữa chính quyền các cấp, cơ quan y tế chuyên ngành với các tổ chức xã hội. Các cơ quan nhà nước nên tin tưởng các tổ chức xã hội hơn và tạo điều kiện cho các tổ chức này triển khai tại địa bàn như trường hợp ở Nghệ An hay ở Huế, việc này cũng giúp các cơ quan nhà nước khai thác lợi thế hoạt động cộng đồng của họ trong thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Chú thích:
1, 2. Định hướng năm 2023 và những năm tiếp theo: Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. https://vaac.gov.vn, truy cập ngày 12/10/2022.
3. Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm Quý I năm 2022. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 12/10/2022.
4. Lê Phương Hòa và các cộng sự. Báo cáo đánh giá nhanh: Việc tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và Covid-19 của các nhóm đối tượng của dự án và các nhóm dễ bị tổn thương ở một số tỉnh, thành phố. Dự án tăng cường tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng thuộc VUSTA và Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS phối hợp tổ chức tài trợ, năm 2022.
5. The Impact of Covid on Social Security Issues of Female Migrant, https://rosaluxhanoi.org/en/publications/publication_details/479.html.
6, 7. Lê Thị Hường, Lưu Minh Châu, Lý Văn Sơn. 2017. Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế và thông tin liên quan đến HIV/AIDS ở nhóm nam tiêm chích ma túy tại thành phố Huế từ 2012 đến 2016, Tạp chí Y học dự phòng, Tập 27, số 6/2017, Phụ bản.
8. Quỹ Bảo hiểm y tế giữ vai trò trụ cột trong công tác đảm bảo tài chính trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. https://baohiemxahoi.gov.vn/, truy cập ngày 20/12/2022.
9. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. https://baohiemxahoi.gov.vn/, ngày 23/11/2022 tại Hà Nội.
10. Cần giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. https://baohiemxahoi.gov.vn/, truy cập ngày 10/12/2022.