Các xu hướng mới trong quản lý vốn đầu tư công và hướng đi cho Việt Nam

ThS. Đặng Thu Trang 
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì hạ tầng cơ sở của một quốc gia. Việc quản lý vốn đầu tư công hiệu quả còn giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quản lý ngân sách công, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Bài viết giới thiệu các xu hướng mới trong quản lý vốn đầu tư công, tổng quan các nghiên cứu về các xu hướng này trên thế giới và ở Việt Nam; đồng thời, cũng phân tích các thách thức trong việc áp dụng các xu hướng này trong quản lý vốn đầu tư công tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp.

Từ khóa: Quản lý vốn đầu tư công; tài chính xanh; trí tuệ nhân tạo; công nghệ chuỗi khối; dữ liệu lớn.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh thách thức của việc bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của hạ tầng công cộng, việc đánh giá các xu hướng mới trong quản lý vốn đầu tư công trở thành một vấn đề cấp bách. Các biến đổi trong kinh tế toàn cầu, sự tăng trưởng dân số, thách thức về biến đổi khí hậu đặt ra áp lực ngày càng lớn đối với các quốc gia và địa phương phải tối ưu hóa việc sử dụng vốn đầu tư công. Việc đánh giá các xu hướng mới, như: sự tích hợp công nghệ, ứng dụng tài chính xanh và quản lý dự án dựa trên dữ liệu có thể giúp tăng cường khả năng đáp ứng của các chính phủ và tối ưu hóa lợi ích của các dự án hạ tầng cho cộng đồng và môi trường. Điều này thúc đẩy nhu cầu đối với việc nghiên cứu sâu rộng và phân tích các xu hướng mới để định hình các chiến lược và chính sách về quản lý vốn đầu tư công trong tương lai.

2. Các xu hướng mới trong quản lý vốn đầu tư công

a. Áp dụng công nghệ trong quản lý vốn đầu tư công

Sự phát triển công nghệ nhanh chóng trên toàn cầu mang lại nhiều cơ hội mới và tiềm năng cải thiện hiệu suất quản lý vốn của các dự án đầu tư công. Các công nghệ nổi bật đang tạo thành xu hướng mới có thể kể đến như: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data). 

(1) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI).

Các công nghệ đột phá như AI có tiềm năng biến đổi các chính phủ và cách họ quản lý vốn đầu tư công. AI có thể được sử dụng như một công cụ mang lại trải nghiệm cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa, nâng cao hiệu quả của các quy trình phụ trợ, tăng cường tuân thủ chính sách và hỗ trợ xác định gian lận. Theo Word Bank, nhiều chính phủ coi AI là nguồn lực chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo năm 2018 của McKinsey & Company, AI có khả năng đóng góp 13 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030 (McKensey & Company, 2018)1.Hơn 60 quốc gia đã công bố chiến lược quốc gia về AI của họ trong 5 năm qua, trong đó Canada là quốc gia đầu tiên công bố chiến lược này vào năm 2017 (Demaidi, 2023)2.

Xu hướng áp dụng AI trong quản lý vốn đầu tư công đang trở thành một điểm nổi bật trong nghiên cứu và thực tiễn. AI cung cấp khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, giúp dự đoán xu hướng và tối ưu hóa quyết định quản lý vốn đầu tư. Tính linh hoạt và tự động hóa của AI cung cấp cơ hội tăng cường hiệu suất và giảm thiểu rủi ro trong việc triển khai các dự án hạ tầng công cộng. Các ứng dụng cụ thể của AI trong quản lý vốn đầu tư công bao gồm việc dự đoán nhu cầu hạ tầng, quản lý dự án, tối ưu hóa lịch trình và nguồn lực, cũng như dự báo vấn đề và xử lý dữ liệu lớn. Các nghiên cứu như của Bouchrika, I (2020)và Hu, Y. (2021)4 đã phân tích sâu hơn về cách mà AI có thể được tích hợp vào quản lý vốn đầu tư công để cải thiện hiệu suất và hiệu quả của các dự án. Sự tiến bộ trong lĩnh vực AI cũng mở ra nhiều cơ hội mới để tối ưu hóa quản lý vốn đầu tư công và đóng góp vào sự phát triển bền vững của các địa phương và quốc gia. 

Trên thế giới, Singapore đã triển khai Hệ thống dự báo giao thông thông minh AI để dự báo tình trạng giao thông và đề xuất các biện pháp cải thiện dựa trên phân tích dữ liệu từ cảm biến giao thông và hệ thống giám sát. Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Hoa Kỳ đã sử dụng AI để dự báo thời tiết chính xác hơn, giúp cải thiện sự chuẩn bị cho các dự án vốn đầu tư công như xây dựng hạ tầng giao thông. Tại Việt Nam, ứng dụng AI sẽ được sử dụng để giám sát và điều tiết giao thông trong quản lý các dự án giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, trong các dự án đầu tư công về quản lý nước sạch ở các đô thị, công nghệ AI được áp dụng để dự báo và phân tích chất lượng nước5, giúp cải thiện việc quản lý và phân phối nguồn nước sạch đến cộng đồng.

(2) Công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Áp dụng công nghệ Blockchain trong quản lý vốn đầu tư công cũng đang thay đổi cách quản lý của các quốc gia và địa phương trên toàn thế giới. Công nghệ Blockchain được Tapscott & Tapscott (2016)6 mô tả trong nghiên cứu có khả năng cung cấp sự minh bạch, bảo mật và tính nhất quán trong quản lý dữ liệu và giao dịch. Trong lĩnh vực quản lý vốn đầu tư công, việc áp dụng Blockchain có thể cải thiện hiệu suất, giảm thiểu rủi ro, và tăng cường tính minh bạch trong các quy trình giao dịch và quản lý dự án của chính phủ các nước. Zhang, Schmidt, White, & Lenz (2018)7 đã nghiên cứu, việc sử dụng Blockchain có thể giúp trong việc quản lý hồ sơ và tài liệu liên quan đến các dự án đầu tư công, theo dõi nguồn vốn và chi tiêu, xác minh danh sách đối tác và nhà thầu, cũng như tăng cường khả năng phát hiện gian lận và thất thoát vốn. Tại một số quốc gia đang phát triển như Estonia, công nghệ Blockchain được triển khai để quản lý và cập nhật thông tin về các dự án vốn đầu tư công, giúp tăng tính minh bạch và tránh gian lận. Ghana đang thử nghiệm việc sử dụng Blockchain để quản lý hồ sơ đất đai, giúp giảm thiểu tranh chấp và tăng cường tính minh bạch.

Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain cũng bước đầu tiến vào lĩnh vực quản lý công. Đơn cử tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đang triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động thí điểm nền tảng DaNangChain với sự hỗ trợ về mặt công nghệ từ KardiaChain8. Dự án đầu tư công này sẽ phục vụ cho phát triển thành phố thông minh, tài chính số và nền tảng cho chính phủ điện tử của thành phố. Khi Đà Nẵng sở hữu nền tảng riêng cho mình sẽ giúp chính quyền thành phố giảm chi phí vận hành xuống rất thấp, hiệu quả hơn trong việc quản lý đầu tư công, tăng tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro.

(3) Dữ liệu lớn (Big Data).

Trong thời đại số hóa, áp dụng Big Data trong quản lý vốn đầu tư công trên thế giới trở nên ngày càng phổ biến và quan trọng. Nghiên cứu của Garcia-Munoz et al. (2019)9 và Smith et al. (2020)10 đã chỉ ra rằng, việc sử dụng Big Data có thể cải thiện quản lý và giám sát các dự án hạ tầng công cộng. Bằng cách sử dụng các công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, các quốc gia và địa phương có thể thu thập và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như: cảm biến, hệ thống giao thông và hồ sơ dự án để dự đoán nhu cầu, xác định rủi ro và tối ưu hóa việc quản lý vốn đầu tư công. Việc áp dụng Big Data không chỉ giúp tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quản lý dự án, mà còn giúp đưa ra quyết định có căn cứ và định hình chiến lược phát triển hạ tầng trong tương lai. Tuy nhiên, những thách thức như: bảo vệ quyền riêng tư, bảo đảm tính an toàn và bảo mật của dữ liệu cũng cần được xem xét cẩn thận trong quá trình triển khai. 

Chính phủ Việt Nam đang ứng dụng số hóa vào quản lý xã hội bằng cách tạo ra những kho Big Data để cho người dân và các cơ quan hành chính thuận tiện trong việc nhập, tìm kiếm, kiểm tra và lưu trữ dữ liệu bằng cách triển khai căn cước công dân gắn chip, sổ hộ khẩu điện tử, hộ chiếu điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử… Với các dự án đầu tư công, từ những dữ liệu chính xác, định kỳ, kịp thời thu thập được thông qua các dự án đầu tư giúp cơ quan quản lý cũng như các nhà thầu tiến hành phân tích, xếp hạng và quản lý các rủi ro trong đầu tư .

b. Quản lý vốn đầu tư công tích hợp yếu tố môi trường và xã hội

Thứ nhất, quản lý vốn đầu tư công gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tích hợp môi trường và xã hội trong quản lý vốn đầu tư công hiện đã là một phần không thể thiếu trong các chiến lược phát triển hạ tầng hiện đại. Các nghiên cứu của Jones et al. (2020)11 và Nguyen et al. (2018)12 đã chỉ ra rằng việc tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội không chỉ tạo ra giá trị xã hội cao hơn mà còn bảo đảm phát triển bền vững cho các dự án công.

Trong quản lý vốn đầu tư công, việc tích hợp môi trường đòi hỏi việc đánh giá và quản lý các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên. Ví dụ, các dự án xây dựng có thể ảnh hưởng đến đất đai, nước, và hệ sinh thái xung quanh. Bên cạnh đó, việc tích hợp xã hội đòi hỏi sự tương tác tích cực với cộng đồng địa phương và các nhóm lợi ích. Nghiên cứu của Brown et al. (2019)13 đã nêu rõ tầm quan trọng của việc tham gia cộng đồng trong quản lý dự án, giúp tạo ra sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng, từ đó tăng cường khả năng thực hiện và sự chấp nhận của dự án. Dự án mở rộng kênh đào Panama là một ví dụ điển hình về việc tích hợp yếu tố môi trường và xã hội vào quản lý vốn đầu tư công. Trong quá trình triển khai, nhà thầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn cho cộng đồng, bao gồm việc giảm thiểu ảnh hưởng đến các loài động vật và sinh vật biển, cũng như cung cấp cơ hội việc làm và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các dự án chống lụt ở châu Âu cũng thường tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội để bảo đảm tính bền vững. Ví dụ, các dự án này chỉ được cấp vốn nếu có phương án tái tạo các khu vực dập lụt tự nhiên, cải thiện hệ thống cảnh báo lụt, và đào tạo cộng đồng về các biện pháp phòng tránh và ứng phó với lụt.

Tại Việt Nam, dự án xử lý nước thải và cải thiện môi trường ở Hồ Gươm, Hà Nội được thực hiện từ năm 2017 – 2018 tập trung vào việc cải thiện chất lượng nước và môi trường xung quanh hồ, một biểu tượng lịch sử và văn hóa của Hà Nội. Tổng kinh phí của dự án là 29 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội. Quá trình triển khai và cấp vốn cho dự án phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xử lý nước thải và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra các biện pháp hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. 

Thứ hai, xu hướng tài chính xanh.

Tài chính xanh trong quản lý vốn công có thể hiểu một cách đơn giản nhất là một tập hợp các chiến lược và phương pháp để đạt được hoặc huy động và phân bổ quỹ đầu tư công để thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn trong việc tạo ra và duy trì các công trình mới, có khả năng thích ứng với khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững (Thompson. S, 2021)14. Tài chính xanh trong quản lý vốn đầu tư công là một xu hướng ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đều đang nâng cao nhu cầu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. 

Trong quản lý vốn đầu tư công, tài chính xanh đề cập đến việc sử dụng nguồn vốn để tài trợ cho các dự án hạ tầng có ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội. Điển hình là việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hệ thống giao thông công cộng, và xử lý nước thải nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Nghiên cứu của Desalegn, G., & Tangl, A. (2022)15 đã chỉ ra rằng, các mô hình tài chính xanh như: trái phiếu xanh, vốn đầu tư xanh và quỹ hỗ trợ xanh đều có thể được áp dụng để tài trợ cho các dự án hạ tầng công bền vững. Những mô hình này không chỉ giúp thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư xã hội và các tổ chức quốc tế mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, từ năm 2019 – 2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD16. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh, thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án “xanh” từ vốn đầu tư công như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.

c. Các thách thức trong việc áp dụng các xu hướng mới vào quản lý vốn đầu tư công tại Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi áp dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain và Big Data vào quản lý vốn đầu tư công, như: (1) Nền tảng hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chưa đủ phát triển để triển khai các giải pháp công nghệ này một cách hiệu quả. Sự khác biệt giữa hạ tấng trung ương và địa phương là rất lớn; (2) Việc thu thập và xử lý Big Data trong môi trường phức tạp và thay đổi nhanh chóng cũng là một thách thức đối với các tổ chức quản lý. Việc thu thập này còn đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ từ nhân lực đến tài chính của xã hội; (3) Sự thiếu hiểu biết và kỹ năng chuyên môn trong việc triển khai và sử dụng các công nghệ mới là một rào cản đáng kể do còn thiếu những biện pháp tăng cường khả năng chuyên môn của các cán bộ quản lý cấp địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, việc tích hợp yếu tố môi trường, tài chính xanh và phát triển bền vững trong quản lý vốn đầu tư công ở Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức không kém. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu thông tin và nhận thức về tài chính xanh và phát triển bền vững từ phía các cơ quan chính phủ và các tổ chức quản lý. Việc xây dựng và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cho tài chính xanh cũng cần sự đồng thuận và cam kết từ phía các bên liên quan và việc tích hợp các yếu tố này vào quy trình quản lý vốn đầu tư công cũng đòi hỏi sự thay đổi cấu trúc tổ chức và quy trình làm việc, điều này cũng là một quá trình cần thời gian và sự nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, ban, ngành liên quan.

3. Một số biện pháp áp dụng trong quản lý vốn đầu tư công tại Việt Nam 

Một là, các nhà quản lý cần xây dựng hệ thống quản lý dự án thông minh bằng cách sử dụng AI và Big Data để phân tích, dự đoán hiệu quả và rủi ro của các dự án. Đồng thời, việc áp dụng Blockchain cũng đang được thúc đẩy để tăng cường tính minh bạch, an toàn và bảo mật trong quản lý hồ sơ và giao dịch của dự án. Tạo điều kiện cho phát triển ứng dụng công nghệ cần được coi là một ưu tiên của quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ giữa chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và các trường đại học. Việc đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu cũng là một biện pháp quan trọng, giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và phát triển công nghệ.

Hai là, để bắt kịp xu hướng tích hợp yếu tố môi trường, tài chính xanh và phát triển bền vững đang trong quản lý vốn đầu tư công, các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chuẩn và quy định xanh để bảo đảm tính bền vững cho các dự án đầu tư công. Thiết lập các tiêu chuẩn này không chỉ bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chí về môi trường, tài chính xanh mà còn khuyến khích việc thực hiện các dự án bền vững. Đồng thời, việc tăng cường giám sát và đánh giá đòi hỏi sự thực hiện các cơ chế giám sát hiệu quả để bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn xanh cũng như thực hiện các đánh giá tác động môi trường và xã hội đầy đủ và toàn diện.

Ba là, khuyến khích tài chính xanh cũng là một biện pháp quan trọng, thông qua việc phát triển các chính sách ưu đãi và sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, khoản vay xanh và quỹ đầu tư xanh. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tham gia vào các dự án xanh và bền vững cũng là một phần không thể thiếu. 

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế. Việc hợp tác đa phương và khu vực giúp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tài nguyên, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và tài chính xanh một cách toàn diện và hiệu quả hơn.

Chú thích:
1. McKinsey & Company. The promise and challenge of the age of artificial intelligence. McKinsey Global Institutehttps://www.mckinsey.com, October 2018.
2. Demaidi, M.N. (2023). Artificial intelligence national strategy in a developing country. AI & Soc. https://doi.org/10.1007/s00146-023-01779-x
3. Bouchrika, I., Guerrouj, L., & Alaoui, A. E.. Artificial Intelligence and Machine Learning: A Review of Applications in the Management of Investment Projects. In Proceedings of the 2020 3rd International Conference on Computer Applications & Information Security (ICCAIS 2020). Association for Computing Machinery, pp. 51 – 55. 
4. Hu, Y., Xu, C., & Zhang, L. (2021). The Application of Artificial Intelligence Technology in the Management of Public Investment Projects. Journal of Intelligent & Fuzzy Systems, 41(3), 3131 – 3141.
5. Quản lý hiệu quả tài nguyên nước với công nghệ AI. https://baodautu.vn, ngày 20/01/2024.
6. Tapscott, D., & Tapscott, A. (2016). Blockchain revolution: how the technology behind Bitcoin is changing money, business, and the world. Penguin.
7. Zhang, Y., Schmidt, C., White, J., & Lenz, R. (2018). Blockchain technology use cases in the investment industry. The Journal of Investing, 27(3), 88 – 101.
8. Đà Nẵng tiên phong áp dụng Blockchain toàn diện. https://baochinhphu.vn, ngày 17/7/2023.
9. Garcia-Munoz, P., Smith, J., Johnson, R. (2019). Big Data Analytics for Public Infrastructure Management. Journal of Infrastructure Management, 24(3), 345 – 362.
10. Smith, J., Nguyen, T., Garcia-Munoz, P. (2020). Harnessing Big Data: Implications for Public Infrastructure Investment. Public Administration Review, 40(2), 212 – 228.
11. Jones, A., Nguyen, T., Brown, M. (2020). Integrating Environmental and Social Factors into Public Infrastructure Management. Journal of Infrastructure Management, 25(4), 521 – 538.
12. Nguyen, T. C., A. T. Chuc, and L. N. Dang.. Green Finance in Viet Nam: Barriers and Solutions. ADBI Working Paper 886. Tokyo: Asian Development Bank Institute. https://www.adb.org, November 2018.
13. Brown, M., Jones, A., Smith, J. (2019). Community Engagement Strategies for Sustainable Infrastructure Development. Journal of Sustainable Development, 30(1), 88 – 105.
14. Thompson, S. (2021). Green and Sustainable Finance: principles and practice (Vol. 6). Kogan Page Publishers.
15. Desalegn, G., & Tangl, A. (2022). Enhancing green finance for inclusive green growth: a systematic approach. Sustainability, 14(12), 7416.
16. Tài chính xanh đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững. https://www.mof.gov.vn, ngày 15/9/2023.