Đại úy Phạm Đăng Hưng
Trung tá Lê Văn Hải
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Giá trị văn hóa lịch sử truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ là một trong những giá trị tiêu biểu cho phẩm chất của con người Việt Nam, đồng thời là những đặc trưng tinh thần yêu nước của người dân vùng Đông Nam Bộ, cần được gìn giữ và phát huy, đặc biệt là trong lối sống của học viên sĩ quan quân đội khu vực Nam Bộ. Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu về giáo dục lối sống của học viên bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ, nhằm xây dựng và hoàn thiện lối sống, phẩm chất nhân cách chuẩn mực của người học viên sĩ quan giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Văn hóa truyền thống cách mạng; Đông Nam Bộ; lối sống; học viên; nhà trường quân đội.
1. Đặt vấn đề
Đông Nam Bộ gồm địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh, là vùng đất giàu tiềm năng, vùng kinh tế động lực ở phía nam đất nước, có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, cả về quốc phòng, an ninh và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Không những thế, Đông Nam Bộ còn được biết đến là vùng mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống cách mạng, vừa tiêu biểu cho dân tộc, vừa mang nét đặc trưng của con người phương Nam. Đó là tinh thần yêu nước, sự cố kết cộng đồng, lòng dũng cảm, tính nghĩa hiệp trong lối sống, sự sáng tạo trong lao động… Đây là những giá trị cơ bản nhất của văn hóa dân tộc nhưng cũng đồng thời mang nét đặc sắc gắn với điều kiện tự nhiên, lịch sử và con người nơi đây. Những giá trị văn hóa truyền thống này được thể hiện trong ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong các cuộc kháng chiến, nơi đây xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh quật khởi, các căn cứ địa, chiến khu cách mạng làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhiều tấm gương anh hùng hy sinh vì đất nước, độc lập dân tộc, đặc biệt là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong cuộc sống thường ngày, tính cộng đồng được thể hiện rõ nét trong phong tục tập quán, cách cư xử của các thành viên trong làng, ấp. Cũng giống như bao người Việt Nam khác, người dân Đông Nam Bộ thường chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, vui niềm vui chung và sẻ chia nỗi buồn khi hàng xóm, láng giềng có chuyện vui, buồn. Đồng thời, người dân vùng Đông Nam Bộ còn có tinh thần nghĩa hiệp, phong cách phóng khoáng, sống nhân ái, khoan dung đã trở thành một thói quen, nếp sống, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân Đông Nam Bộ.Những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người nơi đây cần được giữ gìn, tô thắm và phát huy, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Các nhà trường quân đội đào tạo học viên sĩ quan khu vực Nam Bộ bao gồm: Trường Đại học Nguyễn Huệ (Đồng Nai), Trường Đại học Ngô Quyền (Bình Dương), Trường Đại học Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh). Đây là những nhà trường được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cho toàn quân và khu vực phía Nam. Học viên sau khi ra trường sẽ là cán bộ, sĩ quan công tác tại các đơn vịquân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trên các cương vị chức trách được giao. Do đó, ngay trong quá trình đào tạo, các học viên sĩ quan cần được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn,nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị. Đồng thời, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân miền Đông Nam Bộ nói riêng, là những yếu tố cần thiết của một người cán bộ quân đội tương lai và cần được phát huy trở thành văn hóa thể hiện trong lối sống, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của mỗi học viên trong xây dựng ý chí quyết tâm, ngày càng tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội và đất nước.
2. Những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, là vùng đất mở và năng động, nơi sinh sống, tụ họp, giao lưu của cư dân nhiều vùng miền, nhiều dân tộc và nhiều luồng văn hóa khác nhau, với những trang sử rất hào hùng. Trong quá trình đó, cộng đồng người Việt đã khai hoang, mở mang bờ cõi, tổ chức sản xuất, giao thương, sinh hoạt cộng đồng, xây dựng xóm ấp và phát triển đất nước; đồng thời tham gia chống giặc ngoại xâm, khẳng định chủ quyền dân tộc ở phía Nam.
Nhân dân miền Đông Nam Bộ từ thế kỷ XVIII, đã nhiều lần tham gia các cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược. Tiếp đó, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nhân dân miền Đông Nam Bộ đã anh dũng khởi đầu công cuộc chống thực dân Pháp ở Nam Bộ lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Tuy Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 thất bại, bị thực dân Pháp khủng bố rất dã man nhưng phong trào cách mạng của Nhân dân miền Đông Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn diễn ra kiên cường, bất khuất và thành quả là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ngay từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, người dân miền Đông Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành căn cứ cách mạng. Quân và dân miền Đông Nam Bộ đã tiến hành những trận đánh oai hùng như: Trung Hưng – Ràng, Đất Cuốc, Đồng Xoài, La Ngà – Định Quán… trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cùng với Nhân dân cả nước “chia lửa” với Điện Biên, giành thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp nối 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, do xác định được mục tiêu kháng chiến, lý tưởng giải phóng dân tộc, Nhân dân miền Đông Nam Bộ đã kiên cường bám trụ, vượt qua biết bao khó khăn thử thách và gian lao. Trong kháng chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ là chiến trường lớn, dù kẻ thù thực hiện khủng bố trắng, thực hiện tố cộng, không ít cán bộ, đảng viên, người yêu nước đã ngã xuống, nhưng những chiến sĩ cộng sản và đông đảo đồng bào yêu nước dù trải qua, những cực hình tra tấn tàn bạo của kẻ thù, vẫn kiên gan vì cách mạng, dũng cảm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh. Quân và Nhân dân miền Đông Nam Bộ đã tiến hành những trận đánh oanh liệt, lập những chiến công chói lọi như: Tua Hai, Bình Giã, Đồng Xoài, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phước Long, tòa Đại sứ quán Mỹ, khách sạn Caravelle, khách sạn Victoria, kho xăng Nhà Bè, sân bay Tân Sơn Nhất, kho bom Thành Tuy Hạ… Với chiến thắng của các chiến dịch: Bắc Tây Ninh đánh bại cuộc hành quân mang tên Junction City của đế quốc Mỹ; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đánh vào các sào huyệt của Mỹ-ngụy. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mảnh đất miền Đông và cả miền Nam đã hoàn thành chặng đường dài “đi trước về sau” đầy hy sinh gian khổ và chiến thắng vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Chính niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vào mục tiêu giải phóng dân tộc đã tạo ra sức mạnh để làm nên “miền Đông gian lao mà anh dũng”, “đất thép Củ Chi”, “Tam giác sắt”, “chiến khu trên nước mặn”, những vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, Biên Hòa, “Long An trung dũng kiên cường …”. Tất cả đã đi vào sử xanh như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Có thể thấy, trải qua các cuộc chiến tranh Nhân dân, vùng đất Đông Nam Bộ đã viết nên bản hùng ca lịch sử hào hùng: “Thành đồng Tổ quốc”, “Nam Bộ mến yêu”. Người dân thân thiện, cởi mở và nghĩa tình, năng động, với tư duy, cách nghĩ, cách làm sáng tạo, quyết liệt, là nơi khởi đầu hình thành nhiều chủ trương, quyết sách chiến lược, đột phá cho nền kinh tế của nước nhà.
Với những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng vẻ vang của người dân miền Đông Nam Bộ mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là nguồn động viên, là sức mạnh để người dân miền Đông Nam Bộ phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Giải pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ trong lối sống của học viên ở các nhà trường quân đội khu vực Nam Bộ hiện nay
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, củng cố các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người miền Đông Nam Bộ cho học viên. Cần tích hợp các hoạt động truyền thống vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm chia sẻ và tôn vinh những giá trị văn hóa địa phương; tăng cường hoạt động tập huấn, tham quan, các cuộc thi tìm hiểu, viết bài thu hoạch về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của miền Đông Nam Bộ để học viên hiểu rõ, tự hào và trân trọng các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người học viên, chuyển hóa thành ý thức trách nhiệm của người cán bộ sĩ quan tương lai, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, kết hợp giáo dục quốc phòng với giáo dục lịch sử miền Đông Nam Bộ đối với học viên: thiết lập chương trình học lồng ghép giữa kiến thức quốc phòng và văn hóa lịch sử truyền thống cách mạng Đông Nam Bộ, giúp học viên có góc nhìn toàn diện hơn, đồng thời tạo ra không gian để sinh viên, học viên có thể học tập và nghiên cứu, thảo luận về vai trò của giá trị văn hóa truyền thống cách mạng trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Khuyến khích sinh viên, học viên tự tìm hiểu, nghiên cứu về quê hương đất nước, từ đó sẽ tạo ra một môi trường học tập lành mạnh và tích cực cho mỗi học viên sĩ quan.
Ba là, đào tạo đội ngũ giảng viên có kiến thức sâu sắc về lịch sử cách mạng và văn hóa miền Đông Nam Bộ. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền tải những giá trị này đến học viên, đồng thời khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu và thực tế tại các địa phương. Trong giảng dạy cần sử dụng các phương tiện giáo dục hiện đại để truyền đạt kiến thức văn hóa truyền thống một cách hấp dẫn, như: sử dụng video, hình ảnh và tài liệu liên quan đến văn hóa địa phương nhằm đa dạng hóa sự truyền tải kiến thức và kích thích sự quan tâm của người học giúp học viên tiếp cận nhanh chóng và linh hoạt với nguồn thông tin về lịch sử và văn hóa truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ. Điều này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự tương tác và học hỏi qua môi trường số hiện nay.
Bốn là, tổ chức các cuộc thi văn nghệ và sáng tác nghệ thuật về những giá trị văn hóa của miền Đông Nam Bộ. Khuyến khích học viên thể hiện tài năng sáng tác nghệ thuật thông qua các cuộc thi ca ngợi về truyền thống cách mạng Đông Nam Bộ, giúp họ thể hiện lòng tự hào, sự sáng tạo trong phát huy truyền thống cách mạng. Tăng cường giao lưu, kết nghĩa với địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để học viên có cơ hội tham gia vào các hoạt động cộng đồng, giao lưu với Nhân dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tương tác tích cực với cộng đồng. Tổ chức cho học viên tham gia các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật về lịch sử truyền thống tạo cơ hội cho học viên trải nghiệm và hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa miền Đông Nam Bộ.
Năm là, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo định kỳ với sự tham gia của các chuyên gia về lịch sử và văn hóa. Điều này giúp học viên tiếp cận thông tin mới nhất và có cơ hội thảo luận, trao đổi ý kiến.Bên cạnh đó, các nhà trường có thể hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và di tích lịch sử, xây dựng mối liên kết vững chắc với các tổ chức có chuyên môn về lịch sử cách mạng và di tích lịch sử cách mạng Đông Nam Bộ. Điều này giúp học viên có cơ hội thực tế hóa kiến thức và trải nghiệm trực tiếp. Thêm vào đó, việc thiết lập các chương trình tình nguyện và dự án cộng đồng nhằm gắn kết học viên với các hoạt động xã hội ở địa phương. Điều này không chỉ giúp học viên đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng mà còn tạo ra trải nghiệm thực tế để áp dụng những giá trị và kỹ năng học được.
Sáu là, phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trong việc tuyên truyền, giáo dục giúp học viên nêu cao khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa nói chung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… nói riêng có vị trí đặc biệt trong tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống cách mạng. Các hoạt động này có khả năng thuyết phục sâu sắc thông qua việc truyền cảm hứng về niềm tin, về khát vọng tạo động lực để mỗi học viên quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước. Vì vậy, các nhà trường quân đội cần tăng cường đầu tư, phát huy vai trò của các hoạt động này.
4. Kết luận
Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, miền Đông Nam Bộ được Đảng và Nhà nước xác định là khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Với tính năng động trong kinh tế, với truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng” trong chiến đấu, ngày nay miền Đông Nam Bộ đang trở thành một trong những lá cờ đầu của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Truyền thống kháng chiến, đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc mãi mãi là nguồn động viên, là sức mạnh để nhân dân miền Đông Nam Bộ phấn đấu vươn lên, cùng cả nước xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Cùng với những giải pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống cách mạng miền Đông Nam Bộ sẽ giúp người học viên sĩ quan có được những phẩm chất nhân cách cần thiết để trở thành người cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Lâm Hiếu Trung và cộng sự. Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975). H. NXB Chính trị Quốc gia, 2003.z
2. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Nam bộ trong xây dựng lối sống hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 22/8/2023.
3. Văn hóa ở vùng Đông Nam Bộ: Hội tụ và lan tỏa. https://tphcm.dangcongsan.vn, ngày 26/11/2023
4. Vùng đất của những chiến công. https://www.qdnd.vn, ngày 29/4/2020.