Thúc đẩy chia sẻ tri thức trong các doanh nghiệp ở Việt Nam

TS. Nguyễn Bích Thủy
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong kỷ nguyên 4.0, chia sẻ tri thức có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhằm tối đa hóa hiệu quả các tri thức, bao gồm cả tri thức sẵn có và tri thức mới, đặc biệt là tri thức “ẩn”. Văn hóa tổ chức, niềm tin vào tri thức bản thân và làm việc nhóm, yếu tố thái độ chia sẻ tri thức, mạng thông tin nội bộ là những yếu tố tác động thúc đẩy sự phát triển của chia sẻ tri thức trong doanh nghiệp. Để thúc đẩy chia sẻ tri thức, cần có sự góp sức của Chính phủ trong việc lan tỏa, tạo nền móng cho nền kinh tế tri thức, cần sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tổ chức, thúc đẩy, khuyến khích chia sẻ tri thức và cần sự tích cực, sáng tạo, sự trung thành, trách nhiệm của nhân viên trong việc tìm tòi, phát huy, lan tỏa tri thức. 

Từ khóa: Tri thức; chia sẻ tri thức; doanh nghiệp; Việt Nam; thúc đẩy.

1. Đặt vấn đề

Tri thức bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, cả “tri” lẫn “thức” đều có nghĩa là biết1. Tri thức có thể ẩn, chẳng hạn những kỹ năng hay năng lực thực hành, hay tường minh, như những hiểu biết lý thuyết về một đối tượng; nó có thể ít nhiều mang tính hình thức hay có tính hệ thống2. Tri thức là nhân tố cơ bản có thể ứng dụng thành công để giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và dịch vụ sáng tạo khác nhau; là nguồn tài nguyên vô tận, không cạn kiệt trong quá trình sử dụng và càng sử dụng thì càng gia tăng giá trị, là một yếu tố thiết yếu trong xã hội hiện đại, tạo ra giá trị vô hình, còn cao hơn cả các giá trị vật chất hữu hình, là một nguồn lực cạnh tranh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp. 

Việc chia sẻ tri thức giúp nâng cao hiệu quả làm việc thông qua việc trao đổi công việc, sáng kiến trong công việc hằng ngày nhằm thúc đẩy phát triển tri thức của nhân viên, giúp nhân viên hoàn thiện bản thân trong công việc và cuộc sống. Nhờ việc phát triển các cá nhân trong doanh nghiệp, mối quan hệ tổ chức được củng cố, thông tin tri thức được thông suốt trong doanh nghiệp, kết quả là thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó, hợp tác cùng phát triển trong doanh nghiệp.

2. Quan niệm về tri thức và chia sẻ tri thức trong doanh nghiệp

Tri thức được suy ra từ thông tin và dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, giải quyết vấn đề ra quyết định, học tập và giảng dạy (Beckman, 1997)3. Tri thức bao gồm cả sự hiểu biết về một đối tượng về mặt lý thuyết và thực hành. Tri thức có thể tồn tại dưới dạng ẩn (know-how), chẳng hạn những kỹ năng hay năng lực thực hành, kinh nghiệm, phát minh, sáng tạo, các giá trị tích lũy tổng hợp giúp đưa ra những giải pháp đột phá một cách hữu hiệu, hay có thể tồn tại hiện hữu khi trở thành tài liệu có thể lưu trữ trên giấy hoặc số hóa. Tri thức ẩn khó chuyển giao hơn tri thức hiện hữu, nó mang tính trực giác, không thể hiện bằng lời nói, văn bản và khó được mô tả và truyền đạt một cách chính thức. Ở doanh nghiệp, tri thức ẩn chính là kinh nghiệm và tri thức chuyên môn được lưu giữ trong mỗi cá nhân gồm: lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, nhân viên. Hai loại tri thức này cùng song hành, bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Chia sẻ tri thức là quá trình chuyển giao, trao đổi hoặc phổ biến kiến thức từ người/nhóm người này sang người/nhóm người khác. Chia sẻ tri thức rất quan trọng vì nó tạo ra sự liên kết giữa các cá nhân và các tổ chức, nhờ đó tri thức được chuyển đổi thành giá trị kinh tế, hiệu suất làm việc và lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức. Chia sẻ tri thức cũng nằm trong mối quan hệ với môi trường và sự kết nối giữa người với người, theo đó, các đối tượng đều nỗ lực cố gắng đạt được lợi ích nhiều nhất với chi phí thấp nhất có thể. Chia sẻ tri thức tích cực và tự nguyện không chỉ giúp người lao động trực tiếp có được nhiều tri thức, mà còn giúp họ dễ dàng hơn trong việc vận dụng kiến thức đó vào công việc thực tế sau này, đặc biệt là trong một thế giới ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về kiến thức chuyên sâu hiện nay. 

3. Thực trạng chia sẻ tri thức trong các doanh nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam

Chia sẻ tri thức là xu hướng được dự đoán từ cuối thế kỷ XX dựa trên nền tảng là việc kiến tạo, lan truyền và sử dụng tri thức, thông tin. Tri thức được thừa nhận là nhân tố chính cho tăng trưởng kinh tế. Thế giới đang biến đổi, các thông tin ngày càng nhiều và ngày càng dễ tiếp cận nhờ sự phát triển của các phương tiện thông tin với công nghệ hiện đại, mạng internet… Chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó các lĩnh vực ngày càng thâm nhập vào nhau, cần các cá nhân, các nhóm làm việc đa lĩnh vực, đa chức năng. Hằng ngày, các tổ chức vẫn đang tạo ra một lượng lớn thông tin trong các tài liệu, email, tin nhắn trò chuyện,  website, mạng nội bộ và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, việc tìm và chia sẻ những thông tin chuyên sâu và tài nguyên có giá trị nhất lại là một cuộc chiến khó khăn, đặc biệt là đối với những nhân viên mới hoặc nhân viên chuyển đổi vai trò. Kiến thức vẫn ở sẵn đó nhưng lượng thời gian cần có để tìm kiến thức hoặc tìm chuyên gia nội bộ trợ giúp có thể tạo ra sự tiêu hao tốn kém về năng suất. 

Theo dữ liệu từ Cục Lao động Hoa Kỳ, nước này có thể tiết kiệm được 8,57 triệu USD hằng năm qua việc giảm bớt 1 tuần cho thời gian đào tạo nhân viên mới làm việc hiệu quả (đối với các công ty có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên)4.

Chia sẻ tri thức chưa thực sự được chú trọng ở các doanh nghiệp Việt Nam. Việc chia sẻ tri thức chủ yếu tập trung ở chia sẻ tri thức “hiện”, là tri thức đã được nói thành lời, viết thành văn bản, được xử lý thành quy trình, quy định, báo cáo…, và các tri thức được chia sẻ khá hạn chế giữa các bộ phận có liên quan. Việc phân loại, lưu trữ, thống kê không đầy đủ và không khoa học khiến cho việc tìm kiếm, khai thác nguồn dữ liệu này trở nên khó khăn. Trong khi đó, tri thức “ẩn” không được tận dụng và không được chia sẻ rộng rãi. Tri thức “ẩn” có thể bị mất cùng với sự thay đổi nhân sự, cơ cấu tổ chức, nghĩa là dễ dàng bị mai một khi nhân sự đó không còn ở tổ chức đó. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, đang có sự chuyển dịch quan tâm đến vấn đề chia sẻ tri thức “ẩn”, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều nhân viên phải làm việc độc lập. Những người quản lý doanh nghiệp có xu hướng đặt các công cụ chia sẻ kiến thức vào vị trí ưu tiên trong thời gian tới. Hầu hết những người trả lời đều có kế hoạch đầu tư vào hoặc tìm kiếm các công cụ chia sẻ kiến thức, đại đa số mọi người cũng có kế hoạch cải thiện chức năng và tích hợp dữ liệu của các công cụ quản lý kiến thức hiện tại (93% giám đốc điều hành, so với 87% số lượng cả  người đưa ra quyết định về công nghệ thông tin “ITDM” và người đưa ra quyết định về kinh doanh “BDM”)5.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi đầu trong việc chia sẻ tri thức, tận dụng tri thức nội bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Điển hình như các doanh nghiệp Honda, Toyota, LG… Các doanh nghiệp này chú trọng đến yếu tố con người. Triết lý của Honda là “tôn trọng cá nhân”, con người sinh ra là những cá nhân tự do và độc đáo với năng lực tư duy, suy xét và sáng tạo, người lãnh đạo phải có khả năng nhìn thấy năng lực của nhân viên, khơi dậy những ưu điểm trong nhân viên đó và bố trí họ vào những vị trí phù hợp để họ có thể giúp ích cho sự phát triển của công ty. Do vậy, họ đánh giá cao tri thức “ẩn” thu được từ quá trình sản xuất trực tiếp, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các lý thuyết đúng đắn trong sáng tạo và thực thi hiệu quả những ý tưởng mới để có thể trở thành một công ty đổi mới. Mấu chốt thành công là sự sáng tạo tri thức liên tục ở mọi cấp độ trong tổ chức và việc hình thành các biện pháp quản lý nhằm khuyến khích sự sáng tạo của tất cả nhân viên.

4. Các yếu tố thúc đẩy chia sẻ tri thức ở Việt Nam

(1) Cần có nhận thức đầy đủ của tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa tổ chức phù hợp nhằm khuyến khích chia sẻ tri thức giữa người lao động trực tiếp, các nhà quản lý và lãnh đạo nhằm tạo ra một cơ chế đồng thuận chung, một tâm lý thoải mái và được công nhận khi chia sẻ tri thức, đặc biệt là tri thức “ẩn”. 

(2) Cần có cơ chế khuyến khích nghiêm túc, linh hoạt, có tác động lớn đến hoạt động chia sẻ tri thức của người lao động, phản ánh tác động của xu hướng lợi ích đến hoạt động chia sẻ tri thức của nhóm đối tượng này. Nhờ văn hóa tổ chức mà nhân viên sẵn sàng phối hợp làm việc nhóm xác định sự sẵn sàng của họ trong việc đóng góp cho lợi ích chung mà biểu hiện rõ nhất là mức độ sẵn lòng chia sẻ tri thức. Trong bối cảnh như vậy, cá nhân được thúc đẩy học tập, làm việc, đưa ra sáng kiến, nhờ đó củng cố kiến thức của bản thân và tự tin chia sẻ tri thức. 

(3) Yếu tố thái độ chia sẻ tri thức cũng có tác động đến hành vi chia sẻ tri thức, khi các cá nhân tôn trọng, gắn bó với tập thể, chịu trách nhiệm với kết quả của tập thể thì cá nhân sẽ ý thức trong việc chia sẻ tri thức giúp làm tăng năng suất của doanh nghiệp, đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp. 

(4) Yếu tố mạng thông tin nội bộ cho phép tìm kiếm, chia sẻ ý tưởng và tài liệu quan trọng cũng là yếu tố quan trọng giúp cho việc chia sẻ tri thức được thuận lợi và rộng khắp. Đến nay, nhiều nhà quản trị đã sẵn sàng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ cho hoạt động chia sẻ tri thức. 

5. Giải pháp thúc đẩy chia sẻ tri thức trong các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, giải pháp từ phía Chính phủ.

(1) Cung cấp môi trường pháp lý đầy đủ nhằm quản lý hiệu quả và tạo điểu kiện cho kinh tế chia sẻ phát triển phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của nền tảng khoa học công nghệ. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về đăng ký kinh doanh; quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: Bộ luật Dân sựLuật Doanh nghiệpLuật Đầu tưLuật Thương mại điện tử…, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

(2) Cần có chính sách thuế hiệu quả cho mô hình kinh tế chia sẻ để phòng ngừa thất thoát thuế. Ngành Tài chính cần triển khai công nghệ mới để quản lý các hoạt động kinh doanh có doanh thu trên mạng. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý địa phương, các ngân hàng để thu thuế dựa trên doanh thu. 

(3) Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng. Cần xây dựng cơ chế để các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên. Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, tuyên truyền nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân.

Thứ hai, giải pháp đối với doanh nghiệp.

(1) Xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng chia sẻ tri thức nhằm tối đa hóa hiệu quả các tri thức, đặc biệt tri thức “ẩn”. Kênh trao đổi này đồng thời cung cấp thông tin để các bộ phận quản lý đánh giá, khen thưởng, phát hiện nhân tài và khai thác tri thức “ẩn” lan tỏa đến các nhân viên trong doanh nghiệp. Về lâu dài tác động tốt đến phát triển nhân sự.

(2) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho người lao động trong doanh nghiệp, tăng nội lực, sự tự tin cho các nhân viên trong doanh nghiệp. Khuyến khích và tăng tính tự chủ trong các hoạt động sáng tạo tri thức bên trong doanh nghiệp.

(3) Xây dựng hệ thống chia sẻ tri thức trên cơ sở tận dụng công nghệ thông tin để phân loại, tìm kiếm, trao đổi tri thức liên quan đến công việc hiện tại và tương lai.

Chú thích:
1. Tri thức. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 15/4/2024.
2. Knowledge. http://www.oxforddictionaries.com, 14 Jul 2010.
3. Beckman, T.. A methodology for knowledge management: International association of science and technology for development. Journal of Leadership and Organizational studies, 1997.
4, 5. Microsoft. Chia sẻ kiến thức trong thế giới đang thay đổi. https://query.prod.cms.rt.microsoft.com/cms/api/am/binary/RWCM3X, tr. 4, 15.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Thị Việt Đức & Nguyễn Thanh Tuyên. Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong nền kinh tế tri thức và trường hợp của Việt Nam. Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông (Kỳ 2, tháng 02/2011).
2. Hoàng Bích Thủy. Một số thách thức trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (số 1/2022).
3. Nguyễn Thị Ngọc Hương. Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 8 (3) 2013.
4. Organization for Economy Cooperation and Development. The new economy: Beyond the hype. Final report on the OECD Growth Project, 2001.
5. Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định hành vi chia sẻ tri thức của nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 19/01/2023.