Thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Canada trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

ThS. Vũ Anh Tuấn
Trường Đại học Thương mại 

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo số liệu của Worldbank và Trademap, Canada là quốc gia phát triển, có nền kinh tế lớn thứ 9 về GDP1, thứ 11 về xuất khẩu và thứ 14 về nhập khẩu trên toàn thế giới năm 20222. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam và Canada ký kết. Với những cam kết mạnh mẽ của hiệp định, trong những năm qua, trong bối cảnh xuất khẩu dệt may Việt Nam ra thế giới chậm lại thì xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Canada vẫn có dấu hiệu tích cực. Bài viết đề cập những cam kết của Canada với hàng dệt may nhập khẩu, từ đó đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Canada trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu dệt may sang thị trường này. 

Từ khóa: Ngành dệt may; xuất khẩu; Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; Việt Nam; Canada.

1. Cam kết về dệt may của Canada trong Hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thành viên (bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) ký kết năm 2018, có hiệu lực đối với Canada vào ngày 30/12/2018 và đối với Việt Nam vào ngày 14/01/2019. Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, mức độ cam kết và mở cửa mạnh, có tác động lớn tới hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có dệt may.

Các sản phẩm dệt may được xem xét trong bài gồm các sản phẩm được liệt kê từ chương HS50 – HS63, trong đó các chương HS50 – HS60 đề cập đến nguyên phụ liệu, vật liệu dệt may (như xơ, sợi, vải) và một số sản phẩm dệt (như thảm, nhãn, phù hiệu từ vật liệu dệt…) trong khi đó các chương HS61 – HS63 đề cập đến quần áo, hàng may mặc phụ trợ và các sản phẩm dệt hoàn thiện khác (như chăn, màn, khan, rèm cửa, các sản phẩm dệt trang trí, bao túi…).

Trong Hiệp định CPTPP có các cam kết về hàng dệt may gồm:

(1) Về thuế quan nhập khẩu.

Các nước thành viên có các mức cam kết cắt giảm thuế quan với hàng dệt may khác nhau, có thể chia thành 3 nhóm: xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực với phần lớn các dòn thuế quan với dệt may; cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình với một số sản phẩm dệt may nhất định (từ 3 – 16 năm tùy sản phẩm, tùy đối tác); không cam kết thuế quan – giữ nguyên ở mức thuế MFN (duy nhất Nhật Bản với 5 sản phẩm dệt may).

Với Canada, quốc gia này cam kết với dệt may Việt Nam3 xóa bỏ thuế quan nhập khẩu ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lức với 1.068/1.203 (tương đương khoảng 88,8%) dòng thuế dệt may của Việt Nam; cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 4 – 6 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với 135  dòng thuế còn lại, cụ thể: lộ trình 4 năm với 107/1.203 dòng thuế, chủ yếu thuộc về hàng may mặc, lộ trình 6 năm với 28/1.203 dòng thuế (thảm và các loại dệt trải sàn).

Trước Hiệp định CPTPP, Việt Nam và Canada chưa có Hiệp định thương mại tự do chung nào nên các sản phẩm dệt may của Việt Nam khi xuất khẩu sang Canada thì áp dụng thuế MFN. Mức thuế MFN mà Canada áp dụng với nguyên phụ liệu dệt may (HS50 – HS60) tương đối thấp, trung bình là 0,76%; trong khi đó, mức thuế MFN áp dụng với các sản phẩm dệt may (HS61 – HS63) tương đối cao, trung bình 15,79%4. Do đó, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực mang đến lợi thế đáng kể cho các sản phẩm dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang Canada, đặc biệt với các dòng hàng hóa đang có mức thuế MFN cao.

(2) Về quy tắc xuất xứ.

Quy tắc xuất xứ chủ đạo với hàng dệt may trong Hiệp định CPTPP là “từ sợi trở đi” (Yarn-forward) tức là các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, gồm: kéo sợi, dệt và nhuộm vải; cắt vải; may quần áo phải được thực hiện nội khối CPTPP. Đây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất mà dệt may Việt Nam từng cam kết trong một FTA.

Hiệp định CPTPP chỉ chấp nhận 3 mặt hàng áp dụng quy tắc xuất xứ “cắt và may”, gồm: quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp; vali túi xách; áo ngực phụ nữ. Hiệp định cũng quy định ngoại lệ và linh hoạt với quy tắc “từ sợi trở đi” khi quy định về tỷ lệ tối thiểu (Deminimis) và danh mục nguồn cung thiếu hụt (gồm danh mục nguồn cung thiếu hụt tạm thời và danh mục nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn).

(3) Về các quy định khác có liên quan đến hàng dệt may.

Hiệp định CPTPP có cam kết khác liên quan đến hàng dệt may, như: quy định biện pháp tự vệ đối với dệt may; cam kết về hợp tác hải quan, chương tình giám sát, xác minh xuất xứ; cam kết về lao động, môi trường.

2. Thực trạng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Canada

Dệt may là ngành sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong nhiều năm liền, các sản phẩm dệt may luôn đứng trong nhóm đầu các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, thu hút nhiều lao động.

Sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết thì kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada liên tục ghi nhận các mốc tăng tưởng. Đăc biệt năm 2022 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada đều vượt mốc 1 tỷ USD5. Bên cạnh đó, từ bảng 1có thể thấy, tỷ trọng hàng dệt may xuất đi Canada trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam liên tục ghi nhận những mức tăng tưởng từ 2,15% năm 2017 lên mức 3,49% năm 2022 và 9,03% năm 2023. Trong khi đó, hàng dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng gần 20% trong thị trường dệt may trị giá khoảng 15 tỷ USD của Canada, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển6.  

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2017, trước thời điểm ký CPTPP, Canada là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 8 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu 0.56 triệu USD thì đến năm 2022 và 2023, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Canada đã vượt mốc 1 tỷ USD7.

Đánh giá về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may Việt Nam sang Canada trước và sau khi thực thi CPTPP có thể thấy, kim nghạch xuất khẩu tăng đều qua các năm từ mức khoảng 600 triệu USD năm 2017 đã tăng lên hơn 1 tỷ USD từ năm 2022 bất chấp những khó khăn của thời kỳ đại dịch Covid-198.

Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Canada chủ yếu là các sản phẩm quần áo, sản phẩm hoàn thiện (chương HS61 – HS63) chiếm hơn 90% trong đó các mặt hàng thuộc chương HS61 (quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc) có sự gia tăng đáng kể từ mức 46 – 48% các năm từ 2017 – 2021, đã tăng lên 57,62% năm 2022, tập trung vào các mã HS6104, HS6110, HS6109 và HS6103. Với hàng hóa chương HS62 tập trung vào mã HS6204, HS6203 và HS6210, trong khi chương HS63 tập trung vào mã HS6305 và HS6307 (Bảng 2).

Đánh giá về lợi thế so sánh của sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Canada trong giai đoạn vừa qua, nghiên cứu sử dụng chỉ số RCA và RSCA. Chỉ số lợi thế cạnh tranh bộc lộ (RCA – revealed comparative advantage) được giới thiệu bởi Liesner (1958)9 và được phát triển bởi Balassa (1965)10. Chỉ số RCA cho biết tỷ lệ giữa tỷ trọng xuất khẩu của một quốc gia trong một loại hàng hóa so với tỷ trọng của nó trong tổng xuất khẩu hàng hóa của thế giới (hoặc quốc gia khác). Chỉ số RCA được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu mô tả lợi thế so sánh (Đặng Thu Hương, 2023)11 nhưng cũng có những hạn chế nhất định, nên Laursen (2015)12 đã xây dựng Chỉ số lợi thế so sánh đối xứng bộc lộ (RSCA – revealed symmetric comparative advantage). 

Chỉ số này có lợi thế kinh tế khi quy các thay đổi dưới mức thống nhất
có cùng trọng số với các thay đổi trên mức thống nhất, hơn nữa, chỉ số này là tốt nhất trong số các phương án được thảo luận liên quan đến tính chuẩn (Vũ Thị Thu Hương, 2020)13.

Các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu cao là nhóm có chỉ số RCA > 6, RSCA > 0,6 gồm các sản phẩm HS61, HS62 và HS59. Trong đó đáng lưu ý HS 59 (các loại vải dệt đã được ngâm tẩm, tráng, phủ hoặc ép lớp; các mặt hàng dệt thích hợp dùng trong công nghiệp) từ 2020 có dấu hiệu giảm lợi thế cạnh tranh, từ nhóm cạnh tranh cao xuống nhóm cạnh tranh trung bình. Các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trung bình là nhóm có chỉ số 2<RCA≤4, 0.33<RSCA≤0.6 gồm HS63, bị giảm một cấp cạnh tranh năm 2020, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của Covid-19. Các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh yếu là nhóm có chỉ số 1<RCA≤2, 0<RCSA≤0.33 gồm các mã HS54, HS60. Đánh giá chung, ngoài mã HS61, 62 có lợi thế cạnh tranh cao, Việt Nam chỉ có vài mã HS dệt may có lợi thế cạnh tranh trung binh và thấp và có xu hướng bị giảm cấp cạnh tranh trong những năm gần dây.

Những mặt hàng dệt may mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Canada, hiện tại cũng đang gặp sự cạnh tranh găp gắt của các quốc gia đối thủ. Trung Quốc chiếm thị phần cao nhất với cả 3 mã HS61, 62, 63 và nếu xét tổng thể thì Trung Quốc cũng là nhà cung cấp dệt may lớn nhất của Canada. Nếu mã HS61 và 62 của Việt Nam đang chiếm lần lượt 13,3% và 15,1% trong giá trị nhập khẩu mã HS tương ứng của Canada thì với mã HS63 Việt Nam mới đang chiếm một vị trí khiêm tốn là 3%14. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả 3 mã HS61 – 63 của Việt Nam đang chiếm lớn nhất so với các quốc gia trong giai đoạn 2018 – 2022. Điều này cũng giải thích phần nào tác động tích cực của Hiệp định CPTPP và chỉ ra cơ hội để mở rộng phát triển xuất khẩu của sản phần dệt may VIệt Nam vẫn còn rất lớn.

Đánh giá về chung về xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP và những thách thức trong thời gian tới:

Một là, CPTPP là hiệp định FTA đầu tiên giữa Canada và Việt Nam. Những cam kết giảm thuế quan của Canada với hàng dệt may của Việt Nam mở ra những cơ hội xuất khẩu. Đặc điểm thị trường Canada là thị trường có dung lượng thị trường trung bình do quy mô dân số nhỏ, có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý xa, trước đây các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng phát triển, nên dư địa để phát triển thị trường còn tương đối lớn.

Hai là, trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới tương đối ảm đạm, nhu cầu sản phẩm dệt may suy giảm thì Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Canada là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối G7, duy trì được tăng trưởng việc làm, khống chế được lạm phát, nhờ đó nhu cầu nhập khẩu của địa bàn vẫn được duy trì ở mức cao. Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong ASEAN sang Canada.

Ba là, Canada là nền kinh tế lớn trên thế giới, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, hàng dệt may Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh và dễ bị thay thế từ các đối thủ cạnh tranh, như: Trung Quốc, Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia…

Bốn là, Việt Nam cần tận dụng xu hướng chuyển dịch nguồn cung và tìm kiếm đối tác mới của các doanh nghiệp Canada, Việt Nam đang được coi như một quốc gia có khả năng cung ứng hàng dệt may với số lượng lớn và chất lượng cao.

3. Khuyến nghị thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Canada trong bối cảnh thực thi CPTPP

a. Giải pháp từ Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước cần đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thông qua công tác kết nối và phổ biến thông tin về thị trường Canada, từ đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng hàng may mặc của người Canada cũng như việc làm thế nào để tham gia cácchương trình xúc tiến thương mại với quốc gia này một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp  dệt may phát triển bền vững đi đôi với mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần đốt bằng hóa thạch.

Thứ ba, cần tăng cường năng lực dự báo nhu cầu thị trường của cơ quan quản lý nhằm hoạch định chiến lược sản phẩm đúng hướng.

b. Giải pháp từ  doanh nghiệp 

Một là, cần nâng cao năng lực về nguồn nguyên vật liệu để bảo đảm tận dụng được quy tắc nguồn gốc xuất xứ của CPTPP. Doanh nghiệp dệt may cần có phương án để có thể phải thay đổi nguồn đầu vào, giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. 

Hai là, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ hoặc kênh xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác từ Canada. Ví dụ: Hội chợ nguồn cung dệt may Canada thường niên tại Toronto liên quan tới việc tìm kiếm nguồn cung ứng dệt may lớn nhất Bắc Mỹ.

Ba là, đầu tư các giải pháp tại nhà máy để thực hiện các biện pháp về môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả, như: chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi…, từ đó, giúp các sản phẩm dệt may có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu.

Bốn là, nghiên cứu để tăng tỷ lệ sử dụng C/O form CPTPP khi xuất khẩu dệt may sang Canada, từ đó tận dụng được những ưu đãi về thuế quan của Hiệp định CPTPP.

Năm là, doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tạo sự minh bạch trong sản xuất – kinh doanh.

Chú thích:
1. World Bank. GDP (current US$) – Canada, 2022.
2. List of exporters for the selected product in 2022 (Total All products). https://www.trademap.org, truy cập ngày 25/4/2024.
3, 4. Trung tâm WTO và hội nhập (2019). Sổ tay doanh nghiệp: CPTPP và ngành dệt may Việt Nam, tr. 16, 17.
5. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu 1,3 tỷ USD hàng dệt may đi Canada. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn, 07/02/2023.
6. Tổng cục Thống kê. Số liệu xuất, nhập khẩu các tháng năm 2023. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 25/4/2024.
7, 8. Tác giả tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê về kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đi Canada và thế giới giai đoạn 2017 – 2023.
9. Liesner, H. H. (1958). The European Common Market and British Industry. Economic Journal, 68, 302 – 16.
10. Balassa, B. (1965). Trade liberalization and revealed comparative advantage. Manchester School, 33(2), 99 – 123.
11. Đăng Thu Hương (2023). Phân tích khả năng cạnh tranh và lợi thế so sánh của sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tạp chí Kinh tế & phát triển, số 307, tháng 01/2023.
12. Laursen, K. (2015). Revealed Comparative Advantage and The Alternatives as Measures of International Specialization, Eurasian Bus Rev 5, 99 – 115. https://link.springer.com/article/10.1007/s40821-015-0017-1.
13. Vũ Thị Thu Hương (2020). Phân tích lợi thế so sánh của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Tạp chí Khoa học thương mại, số 145/2020.
14. Xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ sang Canada chưa “mặn mà” với các ưu đãi từ CPTPP. https://vneconomy.vn, ngày 09/8/2023.