Thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp

Nguyễn Thị Mai Anh
Huyện Đoàn Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Khởi nghiệp là chủ trương và định hướng được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện, đặc biệt là khởi nghiệp trong thanh niên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến mục tiêu quốc gia khởi nghiệp trong tương lai. Điều đó được thể hiện ở hệ thống chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp hết sức đa dạng từ trung ương tới địa phương. Khuyến khích phát triển khởi nghiệp trong thanh niên cho phép khai thác tốt hơn nguồn lao động, nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Bài viết nghiên cứu chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở huyện Nhà Bè.

Từ khóa: Thanh niên khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ; huyện Nhà Bè; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Huyện Nhà Bè là một trong năm huyện ngoại thành còn tương đối khó khăn so với mặt bằng chung của TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình khởi nghiệp, những yêu cầu của thực tiễn về phát triển kinh tế và quá trình ươm mầm từ ý tưởng kinh doanh đến khi khởi nghiệp thành công của thanh niên trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng như hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết, cần có sự đầu tư, chỉn chu trong quá trình thực hiện.

2. Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh

Có thể nhận thấy, phong trào thanh niên khởi nghiệp trong thời gian qua đã phát triển lớn mạnh đem lại nhiều kết quả và thành tựu phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Để hỗ trợ thanh niên trên con đường khởi nghiệp, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030, với mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp. Theo đó, chương trình cũng đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu, gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của thanh niên đối với sự phát triển kinh tế; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. 

Hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia, ngày 01/3/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh  đã ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện Kế hoạch số 468/KH-UBND ngày 16/02/2022 của UBND Thành phố về triển khai Đề án hỗ trợ phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua Thanh niên Thành phố khởi nghiệp – lập nghiệp, đổi mới sáng tạo, giai đoạn 2023 – 2027. 

Thanh niên huyện Nhà Bè đã có nhiều mô hình khởi nghiệp đang được nhân rộng, tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp học tập và noi theo. Các mô hình trên địa bàn đã được ủng hộ bằng vốn của Nhà nước thông qua Thành đoàn hoặc vay của các tổ chức tín dụng đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại huyện đã phối hợp cùng Ban Thường vụ Huyện Đoàn tổ chức ngày hội ý tưởng sáng tạo năm 2023 thu được 17 sản phẩm sáng tạo và hơn 247 ý tưởng sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực, như: bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa giao thông, xây dựng nông thôn mới, xây dựng chính quyền điện tử… Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội có nhiều giải pháp để hỗ trợ vốn, trang bị kiến thức khởi nghiệp, kiến thức quản lý, kỹ năng thực hành xã hội cho hội viên, thanh niên; đã tổ chức được 4 lớp tập huấn khởi nghiệp cho 85 thanh niên1

Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ và sôi động trong thế hệ thanh niên và doanh nhân trẻ tại TP. Hồ Chí Minh nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng. Các mô hình khởi nghiệp, những hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trên các lĩnh vực, như: sản xuất, kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn… Đến nay, thông qua chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, huyện Nhà Bè đã tạo lập được môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, ổn định và hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên, như: tuyên truyền, tư vấn, đào tạo, định hướng học sinh, sinh viên, khơi dậy ý định khởi nghiệp và kiến tạo các năng lực khởi nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2023, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Nhà Bè đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức vòng chung kết Hội thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023 với chủ đề: “Cơ hội khởi nghiệp trong chuyển đổi số” đã thu hút hơn 300 lượt hội viên, thanh niên tham dự, với 6 dự án khởi nghiệp xuất sắc, nổi bật, như: “Hiện đại hóa máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất”, “Coffee và chăm sóc sắc đẹp”, “Buffet Chay”…2.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên tình nguyện huyện đã tổ chức nhiều hoạt động trang bị kiến thức về khởi nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên, như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ rèn luyện tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ vốn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế; tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn quỹ xóa đói, giảm nghèo, Quỹ CEP, nguồn Quỹ Thanh niên khởi nghiệp và các dự án vay vốn học tập cho thanh niên để đầu tư phát triển kinh tế khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thi, sân chơi nhằm tìm kiếm và phát huy các ý tưởng sáng tạo; hưởng ứng Ngày hội “Thanh niên thành phố với chuyển đổi số, sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2023, “Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp”, “Tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên”… 

Để tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp, thời gian qua, huyện Nhà Bè đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như: ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất thấp; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh huyện Nhà Bè và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tổ chức làm việc, đối thoại với doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách cho vay; đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm dịch vụ gắn với hoạt động cho vay. Triển khai mở rộng các mô hình chuỗi giá trị liên kết, hợp tác 4 nhà: nhà nông – doanh nghiệp – nhà khoa học – ngân hàng, đối tượng đầu tư theo hướng khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu; thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng đối với ngành, nghề, lĩnh vực đang là thế mạnh trên địa bàn; ưu tiên nguồn vốn đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các khách hàng truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Các tổ chức tín dụng đã chủ động lồng ghép chương trình bình ổn thị trường với chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, mở rộng đối tượng tiếp cận vốn theo chương trình từ các doanh nghiệp phân phối lưu thông hàng hóa bình ổn sang các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã phối hợp với Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức thẩm định 3 dự án và phát vay 1.050 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp có nhu cầu trong việc thực hiện hồ sơ vay vốn và thẩm định dự án; tăng cường công tác quản lý vốn, phối hợp kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu3.

Mặc dù nhận được ưu tiên chính sách nhất định của Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và sự quan tâm của xã hội cũng như sự hào hứng, ủng hộ của các chủ thể liên quan, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Một là, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp còn thiếu sót, chưa toàn diện, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực. Còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học… với ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp vẫn còn vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm tạo động lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ.

Hai là, mức độ tiếp cận vốn đầu tư còn thấp. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư vẫn còn e ngại và thận trọng trong việc hỗ trợ nguồn vốn. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ vốn hoặc hỗ trợ vay còn phức tạp, chồng chéo, bộc lộ những hạn chế ở các khâu, như: bảo lãnh, thủ tục hành chính, đối tượng được hỗ trợ… 

Ba là, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn còn mang tính hình thức, chưa được tổ chức thường xuyên; nội dung, kiến thức còn mang tính lý luận, thiếu thực tiễn, tính ứng dụng không cao. Các kiến thức về kinh doanh, tài chính, bán hàng, marketing và quản lý nhân sự chưa được đề cập nhiều trong các khóa đào tạo hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Bốn là, hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh. Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt đều thuộc chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ không có kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

3. Một số giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp 

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, thủ tục pháp lý hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nói riêng và doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung một cách đồng bộ, toàn diện; có sự tham gia, cam kết của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Hỗ trợ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ sản phẩm và các nội dung pháp lý khác có liên cho thanh niên khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sớm thiết lập các cơ quan, tổ chức, như: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp; Ban Chỉ đạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… để triển khai và thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên cũng như sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tăng cường vai trò của UBND huyện trong xây dựng quan hệ, hợp tác nhiều mặt giữa thanh niên khởi nghiệp với các tổ chức tài trợ nguồn vốn.

Thứ  hai, đẩy mạnh hoạt động tư vấn về kinh doanh cho thanh niên khởi nghiệp

(1) Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, giới thiệu, tư vấn, kết nối cho thanh niên có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Chính phủ; thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; các nguồn vốn, quỹ đầu tư từ nước ngoài nhằm kết nối thanh niên với các quỹ đầu tư thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND huyện quản lý.

(2) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Các kiến thức về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương.

(3) Tăng cường liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu… với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao giúp thanh niên khởi nghiệp khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

(4) Tăng cường công tác tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên trên toàn huyện cũng như hỗ trợ marketing cho thanh niên khởi nghiệp, bao gồm cả quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm kết nối hoạt động thương mại giữa thanh niên, các doanh nghiệp trẻ với Hội Doanh nghiệp trẻ của huyện…

Thứ ba, hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên khởi nghiệp.

Huyện ủy, UBND, Hội Liên hiệp Thanh niên tình nguyện huyện cần quan tâm, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để huy động, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các triển lãm, hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp. Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển nhằm giảm chi phí vận chuyển sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử cho các thanh niên, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp.

4. Kết luận

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Khác với các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phải là nơi hội tụ các yếu tố cần và đủ hỗ trợ thanh niên thực hiện và nắm bắt tốt cơ hội khởi nghiệp để phát triển kinh doanh một cách hiệu quả. Đây là một nhiệm vụ cần thiết, có tính chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 86/BC-UBH ngày 03/11/2023 của Ủy ban Hội huyện Nhà Bè về kết quả công tác Hội và phong trào Thanh niên năm 2023 Chủ đề “Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tiên phong chuyển đổi số”.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Kế hoạch triển khai Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”, tháng 5/2023.
2. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè, ngày 10/11/2023.
3Nguyễn Chu Dũng. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên. Tạp chí Quản lý nhà nước số 338 (tháng 3/2024), tr. 47 – 52.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật2021.
5. Kế hoạch số 468/KH-UBND ngày 16/02/2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai Đề án hỗ trợ phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.
6. Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
7. Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.
8. Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030.
9. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. https://binhphuoc.gov.vn, ngày 25/11/2023.
10. Giải pháp xây dựng và thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 09/4/2024.
11. Giải pháp thúc đẩy hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 20/8/2020.
12. Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp: vai trò của chính sách chính phủ. https://vista.gov.vn, truy cập ngày 25/4/2024.