ThS. Ngô Thuý Huyền
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, hệ thống quy định pháp luật để xử lý các hành vi xâm hại quyền trẻ em đã được sửa đổi, bổ sung ngày càng tương đối đồng bộ, thống nhất, từng bước hài hòa với pháp luật quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập của khu vực và thế giới, song vẫn còn những khoảng trống, sức răn đe vẫn chưa cao. Mặt khác, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân trong xã hội đã và đang là nguyên nhân của những tệ nạn ngày một gia tăng và cấp thiết phải giải quyết vấn đề này. Bài viết phân tích, đánh giá việc xử lý vi phạm quyền trẻ em, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em ở nước ta hiện nay.
Từ khóa: Quản lý nhà nước; quyền trẻ em; xử lý vi phạm quyền trẻ em; xâm hại trẻ em; bóc lột trẻ em.
1. Đặt vấn đề
Trẻ em là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất cho nên việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là yêu cầu có ý nghĩa trong chiến lược của Đảng, Nhà nước và của mỗi gia đình cũng như của cộng đồng xã hội. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng được tiến hành bằng nhiều phương pháp, cách thức, hình thức khác nhau, có thể sử dụng bằng các quy phạm đạo đức, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, các quy định, nội quy, quy chế trong các tổ chức, trường học, cộng đồng… Đặc biệt, công cụ được coi là hữu hiệu nhất nhằm ràng buộc quyền và trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia các mối quan hệ với trẻ em là pháp luật. Điều này có nghĩa là, khi các quyền của trẻ em bị xâm phạm sẽ có một hệ thống các quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Nói một cách khác, bằng hệ thống các quy định pháp luật, mọi hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo các chế tài đã quy định.
2. Một số khái niệm cơ bản
Công ước về quyền trẻ em đã nhấn mạnh, với sự non nớt về thể chất và trí tuệ cho nên trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Sự cần thiết phải dành cho trẻ em sự chăm sóc đặc biệt đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Geneva về quyền trẻ em năm 1924, Tuyên ngôn về các quyền của trẻ em do Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20/11/1959, Điều 24 Công ước về các quyền chính trị – dân sự năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982), Điều 10 Công ước về các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982)1.
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (Công ước về quyền trẻ em), có hiệu lực từ ngày 02/9/1990; đồng thời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.
Cũng theo khuyến nghị của Công ước, khi quyền trẻ em bị tước đoạt một cách bất hợp pháp thì các quốc gia thành viên phải cung cấp sự trợ giúp và bảo vệ thích hợp. Vì vậy, để trợ giúp và bảo vệ trẻ em thì hành vi vi phạm quyền trẻ em phải được xác định là một hành vi không hợp pháp, trái pháp luật. Hành vi này có thể là của cá nhân, tổ chức khi họ thực hiện trái với các quy định của pháp gây thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại trong việc bảo đảm quyền trẻ em. Những hành vi này được xác định là nguy hiểm, xâm hại tới quyền trẻ em mà được pháp luật bảo vệ, chủ thể thực hiện hành vi có thể là hành động hoặc không hành động, thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm pháp luật, chủ thể gây ra phải chịu những chế tài xử lý khác nhau.
Hiện nay, chưa có một khái niệm chính thức về hành vi vi phạm quyền trẻ em, tuy nhiên, căn cứ vào một số phân tích trên, có thể hiểu là hành vi vi phạm quyền trẻ em là việc cá nhân, tổ chức có hành vi xâm hại, cản trở trẻ em thực hiện những quyền và bổn phận của mình một cách cố ý hoặc vô ý. Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một số khái niệm có liên quan trực tiếp về những hành vi vi phạm quyền trẻ em như sau:
Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực đe dọa, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em hoặc sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
3. Phân loại hành vi vi phạm quyền trẻ em
Hành vi vi phạm pháp luật xảy ra rất đa dạng dựa trên những tiêu chí, căn cứ khác nhau có những cách phân loại hành vi vi phạm pháp luật khác nhau. Nếu căn cứ vào phương thức biểu đạt ra bên ngoài có thể phân chia thành hành vi vi phạm pháp luật hành động và không hành động. Nếu căn cứ vào chủ thể thực hiện có thể phân chia thành hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân và của tổ chức.
Đối với trẻ em, đây là chủ thể đặc biệt cần được chăm sóc và bảo vệ, có quyền và bổn phận riêng của mình, không ai được xâm hại hay cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận đó. Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, quy định cụ thể các hành vi được xác định là vi phạm quyền trẻ em bị phạm luật nghiêm cấm, gồm:
Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ em: (1) Tước đoạt quyền sống của trẻ em; (2) Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; (3) Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; (4) Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; (5) Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em; (6) Cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; (7) Sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; (8) Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm; (9) Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình.
Các hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền tham gia, phân biệt đối xử với trẻ em: (1) Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; (2) Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; (3) Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; (4) Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
Các hành vi xâm phạm sở hữu: (1) Lợi dụng việc nhận chăm sóc trẻ em để xâm hại trẻ em; (2) Lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi; (3) Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi giải trí của trẻ em; (4) Hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.
Như vậy, trên thực tế có nhiều hành vi xâm hại đến các quyền của trẻ em gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về mặt thể chất và tinh thần. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi xâm phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Thực trạng xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em
Trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc và dành sự chăm lo đặc biệt về bồi dưỡng, giáo dục phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần; đồng thời xác định là nguyên tắc chung xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Khi có hành vi vi phạm pháp luật việc xử lý vi phạm quyền trẻ em bên cạnh nguyên tắc chung còn phải thực hiện theo các nguyên tắc bắt buộc cụ thể sau: (1) Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định pháp luật; (2) Việc xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật; (3) Việc xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; (4) Chỉ xử lý vi phạm khi có hành vi vi phạm quyền của trẻ em do pháp luật quy định.
Trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính nếu chúng ta không hiểu và thực hiện chưa tốt thì rất dễ xảy tình trạng quyền trẻ em bị xâm phạm kép gây thêm những tổn thương không đáng có cho trẻ em. Vì vậy, với các nguyên tắc quy định trên đã tạo ra một cơ sở đầy đủ, toàn diện, hệ thống để bảo vệ trẻ khi có những hành vi xâm hại đến quyền trẻ em đặc biệt các nguyên tắc trên cũng bảo đảm tương thích với các quy định tại Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và các Điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, một số nguyên tắc bắt buộc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định một số nguyên tắc riêng. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) còn quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, nếu nhiều người cùng bị vi phạm một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính; đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bộ luật Hình sự cũng quy định một số nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm quyền trẻ em như: mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội; nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục; người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích…2.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên tắc nền tảng chi phối hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trong Điều 5 Luật Trẻ em năm 2016, đó là bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình; không phân biệt đối xử với trẻ em; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em; tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương. Đây cũng là một số những nguyên tắc cơ bản được đề cập trong các Điều 2, 3 Công ước về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc.
Thực tế cho thấy, qua hoạt động tổng kết của các cấp, các ngành cho thấy, những cam kết chính trị cũng như sự quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn và những vấn đề phát sinh về trẻ em đã được chú trọng giải quyết; đồng thời, nhận thức về công tác chăm sóc trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tế vẫn còn không ít các vụ việc xảy ra vi phạm quyền trẻ em, như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, an toàn vệ sinh trong trường học, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành, nghề, lĩnh vực, nhất là những nguy cơ với nhóm trẻ em yếu thế…Đáng chú ý hơn là những hành vi vi phạm này xảy ra thậm chí ở cả những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em (như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội), do đó, việc xây dựng môi trường an toàn và công tác bảo vệ trẻ em chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 – 2021, hơn 2.600 trường hợp trẻ em từ 13 – 16 tuổi bị xâm hại, đặc biệt có 293 trường là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước3. Năm 2023, xảy ra hơn 18.000 vụ xâm hại trẻ em, tăng 41,88% so với năm 20224.
Luật Trẻ em năm 2016 ghi nhận điều khoản về xử lý vi phạm quyền trẻ em tại Điều 105, theo đó, “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp thực hiện một trong những điều bị nghiêm cấm được ghi nhận tại Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, người vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ hoặc bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, các hành vi vi phạm quyền trẻ em còn bị xử lý theo một số văn bản pháp luật khác, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
4. Một số giải pháp phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em ở nước ta hiện nay
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác bảo vệ, điều tra, truy tố, xét xử đối với các đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu mô hình tách trẻ em ra khỏi người có hành vi xâm hại (khi người xâm hại là cha, mẹ, người nuôi dưỡng) để giao cho người thân khác nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất trước những hành vi xâm hại. Ngoài ra, trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo trẻ em bị xâm hại, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đưa trẻ em đi chữa trị và thực hiện giám định phục vụ tốt cho công tác giải quyết vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xử lý, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em triệt để, nghiêm khắc, tạo tính ren đe.
Hai là, chính quyền các cấp cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu tại địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp cơ sở. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan, thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm bảo đảm sự an toàn cho trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng.
Ba là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ công tác trẻ em, nhất là ở cơ sở, trong đó lưu ý vấn đề về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ. Đặc biệt cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với công an địa phương tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu để cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về các hành vi xâm hại quyền trẻ em. Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong các buổi sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học; trường học; sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp, từ đó, nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại, xây dựng môi trường sống an toàn thân thiện cho trẻ em.
Tăng cường trang bị cho các bậc phụ huynh kiến thức, kỹ năng để nắm bắt được những thay đổi tâm, sinh lý của trẻ để có những ứng xử phù hợp, mặt khác, hướng dẫn, trang bị cho trẻ em biết cách tự phòng vệ, chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn.
Tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn cho trẻ em biết cách phản ứng trước những hành vi bị bạo lực, xâm hại; đồng thời, cung cấp số điện thoại 111 để trẻ em, người thân của trẻ em ghi nhớ và trở thành số điện thoại trẻ em nằm lòng để có thể liên thệ khi bị tấn công bằng bạo lực hoặc bị xâm hại tình dục.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em, các vấn đề trẻ em để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là các vụ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
5. Kết luận
Ðể góp phần ngăn chặn, giải quyết việc xử lý vi phạm quyền trẻ em rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng với những giải pháp toàn diện, thiết thực. Đồng thời, chủ động thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả… nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có một môi trường sống, học tập lành mạnh và phát triển tài năng.
Chú thích:
1. Quyền trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. https://moj.gov.vn, ngày 23/4/2009.
2. Đinh Văn Quế. Các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tạp chí Kiểm sát số 02/2018.
3. Phòng chống xâm hại trẻ em: Những con số gây ám ảnh. https://vitreem.dansinhvn.com, ngày 16/12/2021.
4. Số vụ xâm hại trẻ em tăng hơn 41%. http://etv.quochoi.vn, ngày 21/11/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Luật Trẻ em năm 2016.
3. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014, 2017, 2020).
4. Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
5. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 26/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
6. Đỗ Hồng Thơm – Vũ Công Giao (sách tham khảo). Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương. H. NXB Lao động xã hội, 2011.
7. Tuyên bố Geneva về quyền trẻ em năm 1924,
8. Tuyên bố về quyền trẻ em do Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20/11/1959.
9. Bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em theo quy định của pháp luật hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 05/8/2021.
10. Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 14/3/2024.
11. Tường Duy Kiên – Phạm Hoàng Nam. Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quyền con người theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 326 (tháng 3/2023), tr. 15 – 19.
12. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Đỗ Văn Trọng. An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 329 (tháng 6/2023), tr. 71 – 75.