Tỉnh Trà Vinh phát triển năng lượng sạch trong kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia

ThS. Nguyễn Trung Thành
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trà Vinh là tỉnh thứ 14 của cả nước và tỉnh đứng thứ 3 vùng đồngbằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh (theo Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023 quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Với yêu cầu của quy định mới này, đã tạo cho Trà Vinh có được không gian và môi trường chính sách phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; đồng thời, giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bài viết nêu một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh trong những năm tới, đồng thời xác định: đưa Trà Vinh trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khoá: Phát triển; năng lượng; chuyển đổi năng lượng sạch; tỉnh Trà Vinh; vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1. Vài nét về tỉnh Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh có bờ biển dài hơn 65 km, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, ở phía Đông Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mặt giáp biển thông qua 2 cửa biển chính Cung Hầu và Định An là cửa ngõ giao thương quốc tế bằng đường biển của khu vực với hệ thống cảng biển đa dạng và hiện đại. Trà Vinh có hệ thống giao thông đường thủy huyết mạch của tỉnh và khu vực, kết nối Trà Vinh với các tỉnh: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp với Vương quốc Campuchia; khu Kinh tế Định An được quy hoạch là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực và là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển của cả nước1.

Với nhiều tiềm năng thuận lợi phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và ngoài khơi, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến khảo sát đầu tư, xúc tiến xây dựng các dự án khai thác nguồn năng lượng sạch.

Hiện nay, lĩnh vực phát triển năng lượng sạch đã thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết hướng tới một tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam. Điều này đã chứng minh sự cần thiết của việc chuyển đổi năng lượng xanh trở nên cấp bách, khi hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện các hiện tượng thời tiết tác động xấu đến đa dạng sinh học, an ninh lương thực… Do vậy, yêu cầu mục tiêu đặt ra cho tỉnh Trà Vinh đến năm 2050, cần sớm trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực và cả nước. 

2.  Phát triển năng lượng sạch và an toàn của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Năng lượng tái tạo là một trong những điểm sáng của ngành Công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh. Tính đến tháng 3/2022, tỉnh có 5 dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia, tổng công suất 322MW và 1 dự án điện mặt trời công suất 140MW. Ngoài ra, đang triển khai đầu tư 4 dự án điện gió, công suất khoảng 344MW và 1 dự án điện sinh khối công suất 25MW2

Có được kết quả này là do Trà Vinh đã triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các ngành Công nghiệp và đô thị ven biển. Trong năm 2023, tỉnh thu hút được 12 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có 6 dự án đầu tư vào các huyện ven biển với tổng vốn 412,2 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực về nông nghiệp, công nghiệp điện, xăng dầu, khu neo chờ tàu…3

Phát triển dịch vụ, du lịch biển cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Trà Vinh hướng đến. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng đề án phát triển du lịch, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển kinh tế biển; đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông ven biển, sản xuất, thương mại – dịch vụ. Trong năm 2023, tỉnh kêu gọi thành công hai nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại 2 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Tân Ngại và Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây).

Cùng với ngành nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản, trong phát triển ngành Công nghiệp, trong đó đặc biệt sự tăng trưởng của ngành năng lượng điện gió đã kéo theo sự phát triển của ngành Du lịch. Tổng thu du lịch năm 2023 đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 89,85% so với cùng kỳ; phục vụ hơn 2,1 triệu du khách, trong đó có trên 50.200 lượt khách quốc tế 4. Đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW, đã đưa vào vận hành 1 dự án điện mặt trời, công suất 140MW và đang triển khai 1 dự án điện sinh khối, công suất 25MW. 

Với tiềm năng hiện có, Trà Vinh còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia, nhà khoa học, tiềm năng về nguồn năng lượng điện gió của tỉnh đạt đến công suất hơn 46.500 MW. Đồng thời, theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ghi nhận trước mắt tỉnh có 24 dự án điện gió, tổng công suất 14.821 MW, gồm 5 dự án đang triển khai và 19 dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển với công suất 14.452 MW.5

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lớn về nguồn năng lượng sạch thì các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ còn nhiều bất cập. Cụ thể: đối với nguồn năng lượng gió để khai thác tiềm năng đúng mức hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang có những rào cản về mặt pháp lý, tài chính về việc xác định giá mua bán điện của các dự án điện gió; việc nghiên cứu khảo sát của nhà đầu tư cho một trung tâm điện gió trên biển cũng gặp một số khó khăn, thách thức về quy định pháp luật đối với đầu tư, xây dựng điện gió ngoài khơi; việc sử dụng đất, vốn đầu tư, cũng như chưa xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, còn thiếu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị (tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ); việc phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án trong quy hoạch phát triển năng lượng sạch đã được phê duyệt còn chậm…; dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp còn cân nhắc việc đầu tư và thực hiện cam kết đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong phát triển năng lực sạch.

3. Trà Vinh triển khai nhiều giải pháp để trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long 

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để hướng ra biển, phát triển kinh tế một cách bền vững. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng và có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước; theo đó, tạo nền tảng đến năm 2050, Trà Vinh thực hiện đạt được mục tiêu theo Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023: có trung tâm năng lượng sạch và an toàn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có các đô thị biển phát triển, hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và các khu chức năng kết nối hiệu quả với đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; GRDP bình quân đầu người gấp 3 lần năm 2030; giá trị khu vực II, khu vực III chiếm 90% GRDP… Đặc biệt, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho tỉnh Trà Vinh cần phải chú trọng đến hai vấn đề lớn: một là, tổ chức không gian phát triển; hai là, phát triển hạ tầng giao thông.

Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, tỉnh cần triển khai:

Thứ nhất, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công – tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trọng tâm là đường hành lang ven biển, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả các cảng biển, phát triển logistics.

Thứ hai, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh Trà Vinh, nhằm thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Để đạt được điều này, yêu cầu đối với UBND tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài đến làm việc. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để giải quyết kịp thời các dự án trong quy hoạch phát triển năng lượng sạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo và có cơ chế phù hợp cho việc sử dụng đất, vốn đầu tư cho xây dựng và khai thác các dự án phát triển năng lượng sạch.

Thứ ba, phát triển tiềm năng kinh tế biển, tiềm năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, nhất là các dự án thuộc ngành kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, dịch vụ, logistics. Trong đó, cần tạo nhiều cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển năng lượng sạch. Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện, do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật về năng lượng tái tạo.

4. Kết luận

Để hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành tỉnh trọng điểm về kinh tế biển và là trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, tỉnh Trà Vinh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tận dụng lợi thế tài nguyên lớn về năng lượng tái tạo và phát triển tiềm năng lượng sạch; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo kết hợp phát triển kinh tế biển, tập trung vào giải pháp triển khai hiệu quả về phát triển, chuyển đổi năng lượng, như: ứng dụng năng lượng sạch và công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp6.

Chú thích:
1. Tiềm năng kinh tế biển Trà Vinh. https://travinh.gov.vn, ngày 15/3/2024. 
2. Trà Vinh có thêm nhà máy điện gió với vốn đầu tư 3.860 tỷ đồng. https://www.vietnamplus.vn, ngày 02/3/2022.
3, 4, 5. Trà Vinh giới thiệu cơ hội đầu tư năng lượng sạch. https://bnews.vn, ngày 24/11/2023.
6. Hội thảo: “Tiềm năng về năng lượng sạch, cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển tại tỉnh Trà Vinh”. Trà Vinh, ngày 24/11/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 
2. Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. Tạ Văn Việt. Việt Nam nỗ lực thực hiện cam kết với thế giới đưa phát thải ròng về “0” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 333 tháng 10/2023.
5. Trà Vinh. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/4/2024.