ThS. Bùi Xuân Chung
ThS. Nguyễn Tuấn Linh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo hiện nay đang trở thành một nội dung quan trọng nhằm xây dựng nền giáo dục hiện đại, hội nhập. Đối với các nhà trường quân đội, chuyển đối số là hoạt động tất yếu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại. Để thực hiện chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, cần triển khai đồng bộ trên nhiều khía cạnh: phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, đào tạo nguồn nhân lực… Bài viết tập trung luận giải vấn đề nâng cao năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Từ khóa: Chuyển đổi số; năng lực số; giảng viên; nhà trường quân đội; nâng cao.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng khoa học – công nghệ bùng nổ hiện nay. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề trọng điểm, được các nhà quản lý, giảng viên và học sinh, sinh viên đặc biệt quan tâm. Thực chất chuyển đổi số trong giáo dục là ứng dụng những thành tựu tiên tiến của công nghệ kỹ thuật số vào nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý hoạt động giáo dục và đào tạo. Bao gồm đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến, ứng dụng các thiết bị, dụng cụ tiên tiến, hiện đại nhằm hỗ trợ học tập, nâng cao trải nghiệm của người dạy, người học và người tham gia quá trình đào tạo.
Trong các nhà trường quân đội, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo là tất yếu, khách quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng hệ thống nhà trường quân đội thông minh, hiện đại”1. Theo đó, Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số: “Phấn đấu đến hết năm 2025 bảo đảm đủ học liệu cho các chương trình đào tạo của các nhà trường, 100% trường áp dụng hệ thống quản lý và tổ chức dạy học dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Đến hết năm 2030, hệ thống học liệu của các nhà trường được chuẩn hóa, hiện đại hóa và thống nhất, 100% trường áp dụng hiệu quả dữ liệu, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học”2. Để thực hiện được nội dung này cần phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng ở các nhà trường quân đội, trong đó vấn đề có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên.
2. Năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số
Đội ngũ giảng viên các nhà trường quân đội là những người trực tiếp thực hiện việc giảng dạy nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng, lý luận góp phần xây dựng các nhà trường quân đội vững mạnh toàn diện. Chuẩn đầu ra của các nhà trường quân đội là đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan, nguồn nhân lực chất lượng cao công tác ở các đơn vị trong toàn quân. Theo đó, họ cần “… có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức cách mạng; có kiến thức, năng lực toàn diện, chuyên nghiệp theo yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng tự học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và thích ứng; có sức khỏe và độ tuổi phù hợp; có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”3. Để có thể đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn đầu ra đó, các giảng viên của nhà trường quân đội cần phát triển năng lực toàn diện, trong đó chú ý tới năng lực số.
Năng lực được hiểu là tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần của con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nói một cách khác, năng lực là tổng hợp các yếu tố cần thiết để con người có thể thực hiện được vai trò chủ thể trong hoạt động nhận thức và thực tiễn. Theo đó, năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội là tổng hợp các nhân tố bảo đảm cho họ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận trong môi trường chuyển đổi số. Năng lực số còn là cơ sở để hình thành ở giảng viên các nhà trường quân đội phương pháp tư duy, thái độ và phương cách làm việc hiệu quả.
Từ những khái niệm về năng lực, năng lực số và trên cơ sở những đặc điểm của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đặc trưng môi trường sư phạm quân sự ở các nhà trường quân đội, năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội biểu hiện trên một số nội dung như sau:
Thứ nhất, khả năng làm chủ các thiết bị và các phần mềm công nghệ.
Với những thành tựu do sự phát triển của khoa học, công nghệ mang lại đã tạo điều kiện để các nhà trường quân đội từng bước xây dựng môi trường chuyển đổi số với các trang thiết bị, phần mềm công nghệ phục vụ cho việc quản lý công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học cho các đối tượng. Chính điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên các nhà trường quân đội phải có hiểu biết cơ bản về các trang thiết bị và khả năng sử dụng các phần mềm công nghệ, ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng lý luận. Theo đó, năng lực của giảng viên các nhà trường quân đội trong việc làm chủ các thiết bị và phần mềm công nghệ được biểu hiện ở khả năng vận hành thành thạo các trang thiết bị cũng như các phần mềm phục vụ cho các hoạt động chuyên môn.
Thứ hai, năng lực xử lý dữ liệu thông tin.
Những năm gần đây, sự phát triển của môi trường số đã mang đến một khối lượng thông tin khổng lồ, trong đó những thông tin mang tính khoa học và có cả những thông tin giả danh khoa học, phản khoa học được lan truyền mạnh mẽ, dễ dàng tiếp cận người có nhu cầu thông tin. Vì vậy, để không “lầm đường, lạc lối” trong dữ liệu số khổng lồ đó, giảng viên các nhà trường quân đội cần phải có năng lực xử lý thông tin. Không có năng lực xử lý dữ liệu thông tin, giảng viên khó có thể tiếp cận, tiếp nhận và xử lý hiệu quả thông tin, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của mình.
Năng lực xử lý dữ liệu thông tin của giảng viên các nhà trường quân đội, trước hết được biểu hiện ở việc nhận biết các nhu cầu thông tin của bản thân để từ đó có thể xác định đúng phạm vi tìm kiếm, truy cập và khai thác trên nền tảng số. Mặt khác, năng lực này còn được biểu hiện ở khả năng đánh giá tính khoa học, tính chính trị, tính định hướng, độ tin cậy của các thông tin, đặc biệt là các tri thức khoa học chuyên ngành phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng, lý luận. Thông qua khả năng đánh giá này còn thể hiện sự nhạy bén, tư duy phản xạ nhanh nhạy của giảng viên trước những nguồn thông tin xấu độc, lợi dụng tri thức khoa học để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, năng lực sáng tạo.
Thực tiễn cho thấy, khả năng sáng tạo là sẵn có ở con người, tùy vào điều kiện hoàn cảnh, lĩnh vực hoạt động mà biểu hiện khả năng sáng tạo khác nhau. Trong giai đoạn chuyển đổi số nhanh chóng hiện nay, năng lực sáng tạo càng trở nên quan trọng và cũng là điều kiện không thể thiếu để giảng viên các nhà trường quân đội nâng cao chất lượng chuyên môn.
Năng lực sáng tạo của giảng viên các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay được thể hiện ở việc thực hiện linh hoạt các công việc chuyên môn, số hóa các tài liệu dạy học, công trình khoa học, bài giảng điện tử, thiết kế hoạt động giảng dạy… trên cơ sở các trang thiết bị kỹ thuật và phần mềm công nghệ. Từ đó, là chủ các hình thức dạy học, vận dụng tốt phương pháp thuyết trình với các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, giúp các đối tượng học viên tiếp thu tri thức khoa học một cách hiệu quả nhất.
Thứ tư, năng lực hợp tác, chia sẻ, giao tiếp.
Đây là những nhân tố không thể thiếu trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Năng lực này của giảng viên các nhà trường quân đội được biểu hiện ở khả năng liên kết giữa người dạy và người học, giữa các giảng viên trong tập thể sư phạm quân sự. Năng lực này còn được biểu hiện ở việc giao lưu, mở rộng, hợp tác với các đồng nghiệp, với các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, từ đó chia sẻ thông tin, trao đổi tri thức, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức liên ngành, phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên trẻ.
Thứ năm, năng lực bảo mật, an toàn thông tin.
Mặt trái của sự phát triển khoa học và công nghệ là khả năng rò rỉ dữ liệu thông tin, gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho mỗi cá nhân và tập thể. Chính vì vậy, trong chuyển đổi số, năng lực bảo mật, an toàn thông tin luôn rất được xem trọng. Đặc biệt, trong môi trường quân sự, những yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin càng được coi là một nhân tố quan trọng hàng đầu. Năng lực bảo mật, an toàn thông tin của giảng viên các nhà trường quân đội được biểu hiện ở khả năng nhận thức những tác động của số hóa đến tính bảo mật, an toàn thông tin của bản thân và cơ quan, đơn vị, biết cách chia sẻ thông tin và sử dụng thông tin trên môi trường số một cách an toàn, hiệu quả, đúng quy chế bảo mật, an toàn thông tin của quân đội và của từng nhà trường.
Bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang diễn ra một cách mạnh mẽ, vì vậy, năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội cần đáp ứng được những yêu cầu của quá trình này. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mặc dù đã phần nào đáp ứng được cơ bản các yêu cầu của chuyển đổi số trong các hoạt động, song năng lực số của một bộ phận giảng viên trong các nhà trường quân đội vẫn còn những hạn chế nhất định, như: về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của một số giảng viên còn hạn chế; mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên không đồng đều; nhiều giảng viên có tri thức khoa học tốt, giỏi chuyên môn nhưng khả năng sử dụng công nghệ chưa cao, chưa thực sự linh hoạt trong tiếp cận sử dụng các phần mềm thiết kế, giảng dạy mới, nhất là việc xử lý, khắc phục các tình huống lỗi cơ bản của thiết bị, phần mềm phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học của một số giảng viên chưa thuần thục, còn lúng túng, thiếu ý tưởng trong xây dựng hình ảnh, video clip, thiết kế bài giảng điện tử. Bên cạnh đó, phương pháp tư duy, phong cách giảng dạy chưa thực sự thay đổi, chưa chủ động thay đổi cách thức, phương pháp giảng dạy trên nền tảng số, thậm chí, nhiều bài giảng còn mờ nhạt, không khác bài giảng truyền thống dù đã sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ.
Từ những hạn chế nêu trên, đòi hỏi giảng viên cần không ngừng nêu cao ý thức tự học, tự nghiên cứu để tự phát triển năng lực số của bản thân, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các nhà trường quân đội. Cùng với đó, cần có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng để mỗi giảng viên có điều kiện, cơ hội phát triển bản thân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo của các nhà trường quân đội.
3. Biện pháp nâng cao năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội trước yêu cầu của chuyển đổi số
Trong tình hình mới hiện nay, các nhà trường quân đội tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là một tất yếu. Xây dựng được môi trường số phát triển, đội ngũ giảng viên có năng lực số là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số ở các nhà trường quân đội.
Một là, đối với chủ thể lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường quân đội.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của chuyển đối số trong giáo dục vào đào tạo; quán triệt và thực hiện tốt biện pháp “Đột phá mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động giáo dục và đào tạo”4. Dự báo đúng những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức của chuyển đổi số để từ đó có chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất. Quá trình thực hiện chuyển đổi số phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi nhà trường để tiến hành cho phù hợp, tránh nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Chuyển đổi số vào các hoạt động giáo dục và đào tạo phải được “tiến hành từng bước với yêu cầu cơ bản, vững chắc, tích hợp, liên thông cả hạ tầng dữ liệu và công nghệ tiên tiến”5.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của giảng viên trẻ, phát triển năng lực số của giảng viên góp phần thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Nâng cao hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng cho giảng viên về sự cần thiết và những yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Trong đó, cần “Chú trọng bồi dưỡng năng lực về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyển đổi số, kiến thức thực tiễn, tâm lý trong hoạt động giáo dục và đào tạo cho đội ngũ nhà giáo”6.
Hai là, xây dựng, phát triển môi trường số.
Xây dựng môi trường chuyển đổi số vững chắc, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng các phòng học chuyên dùng, bổ sung các trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm của các nhà trường, các hệ thống mô phỏng tương ứng, nâng cao tính hiệu quả trong việc số hóa tài liệu dạy học, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, bài giảng vào cơ sở dữ liệu số nhằm phục vụ hiệu quả cho việc giảng dạy của đội ngũ giảng viên và thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu của đội ngũ học viên. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý quá trình giảng dạy của giảng viên trong chuyển đổi số, có chính sách khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên tích cực, chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Phát huy sức sáng tạo trong thực hiện công tác chuyên môn của đội ngũ giảng viên, làm tốt công tác bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật cho giảng viên, tạo những điều kiện tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực số, góp phần làm cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ ba, đối với giảng viên trẻ các nhà trường quân đội.
Giảng viên trẻ là vừa là khách thể vừa là chủ thể của quá trình phát triển năng lực. Với tư cách là chủ thể, giảng viên trẻ giữ vai trò quyết định đến việc phát triển năng lực số của bản thân trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Vì vậy, phát huy nhân tố chủ quan của giảng viên các nhà trường quân đội trong tự phát triển năng lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay là biện pháp có vai trò quan trọng hàng đầu.
Đội ngũ giảng viên các nhà trường quân đội cần không ngừng tự học, tự bồi dưỡng và nâng cao năng lực số thông qua nền tảng dữ liệu mở và phong phú hiện nay. Tích cực tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và đào tạo; trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các việc làm cụ thể trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng, lý luận và thực hiện các công tác khác theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Có thái độ đúng với chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trung thực trong việc thu thập, xử lý dữ liệu thông tin và luôn đề cao tinh thần trách nhiệm khi chia sẻ thông tin, quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật quân sự trong môi trường chuyển đổi số.
Phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo và tự tin của đội ngũ giảng viên trong ứng dụng công nghệ vào thực hiện các hoạt động chuyên môn. Đây được xem là “chìa khóa” để giảng viên nâng cao tâm thế hội nhập, thông qua đó phát triển bản thân. Luôn có tinh thần đổi mới trong việc kết hợp giữa sử dụng các thiết bị công nghệ phù hợp với phương pháp giảng dạy cho các đối tượng học viên nhằm mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng các bài giảng. Làm quen và thành thục phương pháp giảng dạy trực tuyến. Mặt trái của học trực tuyến là sự “tẻ nhạt” do thiếu đi sự tương tác trực tiếp giữa người học và người dạy. Điều đó đỏi hỏi mỗi giảng viên cần luôn sáng tạo, tự mình tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với bản thân, thích hợp với đối tượng người học để từ đó vận dụng linh hoạt trong nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với chuyển đổi số, người học có thể tiếp cận nghiên cứu, nắm trước chương trình môn học, bài giảng. Điều đó đặt ra vấn đề đối với giảng viên cần có cách thức tiếp cận mới, linh hoạt, sáng tạo trong truyền đạt nội dung. Cụ thể và bám sát sự vận động phát triển của thực tiễn để tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa lý luận và thực tiễn, tri thức khoa học phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của đối tượng giảng dạy. Tránh sử dụng lặp lại những cách thức, lối mòn cũ, giảng dạy những tri thức đã có, đã được upload lên kho dữ liệu số, tạo tâm lý thiếu tích cực của người học trong quá trình tiếp thu nội dung.
Sử dụng đúng mục đích và phát huy tốt tác dụng của các trang thiết bị kỹ thuật được cấp phát vào trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Điều này đòi hỏi mỗi giảng viên phải làm tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, phù hợp với từng công việc, tránh lãng phí, sử dụng sai mục đích.
4. Kết luận
Nâng cao năng lực số của giảng viên các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa quyết định đến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các nhà trường quân đội. Do đó, cần có sự thống nhất và đồng bộ trong các khâu, các bước tổ chức thực hiện, nhằm phát huy sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên trong phát triển năng lực số của tự bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của quân đội trong tình hình mới.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Quân ủy Trung ương. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Hà Nội, tr. 6, 5, 3, 10, 9.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Thái Bình. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Tạp chí Quản lý nhà nước số 332 (9/2023).
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.