Hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay

TS. Đào Ngọc Hà
Học viện Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng là kênh huy động vốn không thể thiếu của nền kinh tế. Để thị trường chứng khoán phát triển và hoạt động ổn định, tính minh bạch thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết là rất cần thiết. Bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống kế toán đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2030.

Từ khoá: Hệ thống kế toán doanh nghiệp, doanh nghiệp niêm yết, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, ngày 29/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển. Trong đó, mục tiêu trước mắt là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Thực trạng hiện nay các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện nhiều hành vi thao túng báo cáo tài chính khác nhau để điều chỉnh số liệu tài chính theo mong muốn. Các hành vi thao túng báo cáo tài chính có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán do việc ra quyết định mua bán cổ phiếu sai lầm, nhà cho vay không thu hồi được nợ do quyết định cho vay sai lầm. Bên cạnh đó, thao túng báo cáo tài chính còn gây tác động tiêu cực với chính bản thân doanh nghiệp, biểu hiện ở giá cổ phiếu sụt giảm, làm giảm mức vốn hóa thị trường; đồng thời bị sụt giảm doanh số do khách hàng mất lòng tin và chuyển sang nhà cung cấp khác. Các doanh nghiệp còn có thể mất cơ hội kinh doanh, bị giảm khả năng sinh lời do bị nhà cho vay từ chối cho vay.

Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược là nâng cao chất lượng công bố thông tin của công ty đại chúng trên cơ sở thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về công bố thông tin; khuyến khích các đối tượng công bố thông tin bằng tiếng Anh; tổ chức kiểm tra để chấn chỉnh, nhắc nhở doanh nghiệp, thành viên, cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đầy đủ và kịp thời; hiện đại hóa hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, thành viên thị trường thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định. Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hệ thống kế toán tại các doanh nghiệp niêm yết cần tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán. Áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.

2. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống kế toán đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán

(1) Về Hội đồng quản trị

Thứ nhất, thực hiện triệt để sự tách biệt chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức danh Giám đốc. Việc tách rời hai chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc là giảm nguy cơ tập trung quyền lực vào một người. Vấn đề xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu mà Hội đồng quản trị là người đại diện với Ban điều hành là một tất yếu đã được đề cập trong thuyết ủy nhiệm. Nhiệm vụ của Ban điều hành là xây dựng và bảo đảm tính hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, tuy nhiên vì vấn đề xung đột lợi ích như trên đã đề cập, Ban điều hành sẽ có xu hướng cung cấp thông tin ít và không trung thực từ đó tạo ra tình trạng thông tin bất cân xứng, do đó Hội đồng quản trị sẽ là yếu tố giám sát quá trình này để giảm nguy cơ thông tin bất cân xứng. Nhưng nếu giám đốc cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị thì sẽ tạo ra kẽ hở cho lạm dụng quyền lực, mà trực tiếp là khả năng vị này sẽ chèo lái công ty xa rời với phương hướng hoạt động đã được thông qua của công ty, đi ngược lại lợi ích của cổ đông mà không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời để tránh gây ra những hậu quả lớn.

Mặc dù nhận thức được điều này, Quy chế QTCT đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải tách hai chức năng này, nhưng lại có ngoại trừ nếu đại hội cổ đông chấp thuận thì doanh nghiệp vẫn được kiêm nhiệm. Với quy định này đã dẫn đến quy chế QTCT đã thực hiện không triệt để, dễ dẫn đến việc tập trung quyền lực, từ đó có thể dẫn đến việc Ban giám đốc cố tình làm sai lệch thông tin theo xu hướng tạo nên bức tranh đẹp cho công ty nhằm đến mục đích nào đó có lợi cho giám đốc, do đó Nhà nước cần nghiêm cấm triệt để việc kiêm nhiệm này.

Thứ hai, tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị. Mặc dù trong Luật Doanh nghiệp, Hội đồng quản trị được quyết định về các quy chế quản lý nội bộ, nhưng không nhấn mạnh hoặc chưa hướng dẫn cụ thể về các chính sách liên quan đến sự bảo đảm tính trung thực cũng như sự đầy đủ của các thông tin tài chính và phi tài chính cung cấp ra bên ngoài. Những nội dung này chủ yếu từ việc xác lập trong chính nội bộ của từng doanh nghiệp thông qua điều lệ và quy chế quản trị chi tiêu của từng doanh nghiệp. Vai trò của Hội đồng quản trị là định hướng chiến lược và giám sát có liên quan đến chất lượng hệ thống kế toán, vì vậy kiến nghị sẽ tập trung vào những điều kiện để Hội đồng quản trị hoạt động hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường tính độc lập của các thành viên trong Hội đồng quản trị. Tỷ lệ các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị càng cao sẽ có xu hướng gia tăng công tác giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý công ty, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, nhất là những cổ đông nhỏ; điều này làm gia tăng chất lượng và số lượng thông tin tài chính được công bố của các doanh nghiệp niêm yết. Một Hội đồng quản trị, nếu chỉ bao gồm những người bên trong, có quan hệ lợi ích bên trong công ty, rất khó có thể đưa ra những quan điểm, ý kiến khách quan để dẫn đến các quyết định có lợi cho đa số cổ đông.

Thành viên Hội đồng quản trị độc lập là người không có quan hệ lợi ích với công ty, không bị “lấn cấn” bởi những suy nghĩ liên quan đến lợi ích riêng tư, nên sẽ đưa ra những ý kiến khách quan, nhằm vào lợi ích tổng thể của công ty chứ không nhằm vào lợi ích riêng tư của cá nhân hoặc một nhóm người. Nhờ tiếng nói khách quan này, Hội đồng quản trị công ty tránh được những quyết định mang tính “có ý đồ”, có thể gây xung đột lợi ích trong cổ đông và trong chính nội bộ Hội đồng quản trị. Không có sự khách quan của các thành viên độc lập, có thể Hội đồng quản trị sẽ chỉ đưa ra các quyết định đem lại lợi ích trước mắt cho cổ đông mà không quan tâm đến các chủ thể khác, dẫn đến việc công ty mất uy tín, khách hàng mất lòng tin, người lao động bỏ việc gây thiệt hại lâu dài cho công ty. Như vậy, cơ quan quản lý mà cụ thể là Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải có hướng dẫn phù hợp để doanh nghiệp triển khai, áp dụng các vấn đề liên quan đến cơ cấu hay thành phần của Hội đồng quản trị, đặc biệt là triển khai Nghị định số 71/2017-CP về quy định tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong cơ cấu Hội đồng quản trị. Cụ thể, quy trình đề cử phải bảo đảm rằng, các thành viên độc lập phải được đề cử bởi các tổ chức độc lập, hoặc các tổ chức đại diện cho cổ đông nhỏ, cổ đông thiểu số.

Tại Việt Nam chưa có các tổ chức này, nhưng tại các nước trong khu vực ASEAN đã có mặt rất nhiều các tổ chức như vậy. Chẳng hạn, ở Singapore có SID, ở Thái Lan có Thai IOD, ở Malaysia có MSWG, ở Philippines có Philippines ICD, ở Indonesia có IICD. Đây là các tổ chức chuyên có các khoá đào tạo thành viên Hội đồng quản trị, có các điều lệ quy định chuẩn mực đạo đức và quy tắc hành nghề đối với thành viên Hội đồng quản trị cho các thành viên của mình. Bên cạnh đó, cần phải giám sát tình hình tuân thủ các quy định này trong thực tế cũng như công bố rộng rãi về các hoạt động cưỡng chế thực thi nếu thực hiện không nghiêm túc. Ngoài ra, bổ sung yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải cung cấp thông tin về lai lịch của các thành viên Hội đồng quản trị được đề cử trong báo cáo tài chính được kiểm toán để các nhà đầu tư hay công chúng có điều kiện giám sát tính độc lập thực sự của thành viên Hội đồng quản trị.

(2) Về Ban giám đốc

Theo kết quả nghiên cứu về nhân tố Ban Giám đốc cho thấy, sự am hiểu và tính tuân thủ các quy định liên quan đến hệ thống kế toán chưa cao, tính chính trực của Ban giám đốc cũng chưa được đánh giá cao, vẫn còn bị chi phối trước những lợi ích hay sức ép nhất định. Do vậy, để hoàn thiện hệ thống kế toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, đề xuất một số khuyến nghị sau:

Về xây dựng văn hóa chính trực. Nhà quản lý công ty được xem là nơi thiết lập nên bản sắc văn hóa của công ty, do đó nếu nhà quản lý là những người đi đầu trong văn hóa chính trực, trách nhiệm giải trình và minh bạch sẽ giúp cho văn hóa này được lan rộng và phổ biến trong toàn công ty, có ảnh hưởng các bên liên quan. Nhà quản lý phải là người đi đầu trong thể hiện và thực thi sự chính trực, bao gồm: không tham ô, hối lộ, không gian lận, báo cáo sai sự thực hoặc áp đặt ý kiến chủ quan vào số liệu kế toán… Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy định về giao dịch với khách hàng, nhà cung cấp có liên quan đến các khoản chiết khấu, hoa hồng…một cách rõ ràng và các quy định thưởng phạt đối với các gian lận nếu xảy ra.

Về trách nhiệm giải trình. Trong các công ty niêm yết cần thiết phải ban hành các quy định nội bộ về trách nhiệm giải trình, trong đó quy định rõ ai là người giải trình, nội dung giải trình và giải trình cho ai. Ví dụ: Ban giám đốc là người giải trình về sử dụng các nguồn lực được ủy thác cho các cổ đông.

Về sự minh bạch. Công ty niêm yết cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin minh bạch trong nội bộ với các bên có liên quan thông qua các hệ thống quy định về công bố thông tin hoặc các phương tiện truyền tin nội bộ, như: bản tin, báo nội bộ…

(3) Về Ban Kiểm soát

Ban Kiểm soát đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động tài chính của doanh nghiệp, vì vậy cần có quy định rõ về thể chế của Ban Kiểm soát để bảo đảm chức năng, quyền hạn và tính độc lập của Ban Kiểm soát, không chịu ảnh hưởng của Hội đồng quản trị hay ban điều hành. Ở các quốc gia theo hệ thống quản trị Anh và Mỹ, không tồn tại Ban Kiểm soát mà chỉ tồn tại ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Bên cạnh việc đề ra thể chế hoạt động của Ban Kiểm soát một cách rõ ràng, cũng cần đưa ra các chế tài về việc thực hiện hoặc không thực hiện các chức năng quyền hạn của Ban Kiểm soát để từ đó bảo đảm Ban Kiểm soát thực hiện đúng và hiệu quả chức năng của họ.

Đại hội cổ đông và các bên có liên quan cần thay đổi nhận thức, nên coi Ban Kiểm soát là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nên chỉ định thành viên Ban Kiểm soát là những người có đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn về việc giám sát tài chính, bao gồm các năng lực chủ yếu, như: quản lý rủi ro, năng lực chuyên môn về kế toán, kiểm toán, quản lý tuân thủ, am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ khả năng thẩm định, đánh giá các báo cáo rà soát.

Để Ban Kiểm soát hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp cũng cần thiết kế một hệ thống thông tin đặc biệt cho Ban Kiểm soát, thành lập một bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập trực thuộc Ban Kiểm soát để giúp Ban thực hiện chức năng của mình. Bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập cần am hiểu hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp từ đó dự báo các rủi ro có thể phát sinh, các kiểm soát cần phải thiết lập để ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, nắm rõ các yêu cầu, quy định doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật, có kinh nghiệm thực hiện các công việc rà soát, kiểm toán báo cáo tài chính.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đều sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) ghi nhận các nghiệp vụ tài chính, sử dụng ERP làm công cụ quản lý tự động cho một số các quy trình, như: quy trình mua/ bán, quản lý tài chính, ngân sách. Do đó, bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập cũng cần có kiến thức công nghệ thông tin để có thể thực hiện công việc rà soát, kiểm toán số liệu tài chính một cách hiệu quả.

(4) Đối với nhân viên kế toán

Để hoàn thiện hệ thống kế toán trong đơn vị, doanh nghiệp niêm yết cần tập trung vào các công tác tuyển dụng nhân viên kế toán đủ trình độ và năng lực, có đầy đủ các phẩm chất và tiêu chuẩn đã được quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ phận kế toán cần được tập huấn về nghiệp vụ, cập nhật kịp thời các chuẩn mực, quy định của cơ quan quản lý về công tác kế toán. Ngoài ra doanh nghiệp niêm yết cũng cần chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân viên kế toán, với những giải pháp đồng bộ sau:

Nâng cao sự hiểu biết và khả năng vận dụng các quy định về kế toán là nhân tố quan trọng nhất giúp họ có thể lập báo cáo tài chính bảo đảm sự minh bạch và qua đó, giúp nhân viên kế toán có khả năng đối mặt với ít rủi ro nghề nghiệp hơn hoặc tránh mắc các sai phạm hoặc các vụ kiện tụng nếu có làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của mình, hơn nữa giúp cho bản thân có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và nâng cao thu nhập. Như vậy, đòi hỏi nhân viên kế toán phải thường xuyên có ý thức tự trau dồi kinh nghiệm, cập nhật và nâng cao kiến thức trong nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc. Nhất là khi báo cáo tài chính áp dụng theo IFRS thì sự linh hoạt, sử dụng nhiều ước tính kế toán ở Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi văn hóa khuôn mẫu, nguyên tắc, theo hướng dẫn vốn rất thận trọng. Đòi hỏi nhân viên kế toán phải nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để đọc hiểu IFRS và áp dụng thực tiễn khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.

Nâng cao sự am hiểu về quy trình và đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này, giúp kế toán xử lý tốt công việc của mình góp phần gia tăng tính minh bạch của báo cáo tài chính. Để làm tốt việc này, bản thân kế toán phải tự tích lũy kinh nghiệm về từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết cần tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ, phổ biến toàn bộ nội quy, quy chế cũng như đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp cho tất cả các nhân viên, nhất là nhân viên mới, điều này giúp họ nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với môi trường làm việc, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.

Nâng cao ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của nhân viên kế toán.

(1) Bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn về nghề nghiệp. Hầu hết mọi người không thể nắm bắt và hiểu tường tận các văn bản, quy định liên quan đến tài chính và thuế. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp phải có bộ máy kế toán trong doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán chuyên nghiệp từ bên ngoài. Nhân viên kế toán sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các vấn đề tài chính một cách hiệu quả nhất, theo đúng pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

(2) Giữ bí mật thông tin. Bảo mật thông tin được xem là tiêu chuẩn đạo đức hành nghề của nhân viên kế toán. Họ không được phép tiết lộ hoặc sử dụng thông tin của doanh nghiệp ra bên ngoài bởi vì các thông tin từ kế toán thường là những thông tin rất quan trọng, nếu bị tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh sẽ dẫn đến những thiệt hại xấu cho doanh nghiệp. Kế toán viên chỉ được tiết lộ những thông tin bí mật khi được sự cho phép của doanh nghiệp hoặc từ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định, trình tự của pháp luật.

(3) Luôn làm việc khách quan. Bản chất con người sẽ có những thành kiến, làm việc bị tình cảm chi phối vì yêu ghét, thích hay không thích dựa vào kinh nghiệm và sự giáo dục của bản thân. Một kế toán viên làm việc công bằng, khách quan là người luôn phán xét và đưa ra kết luận chỉ dựa trên những con số, không bị tình cảm và thành kiến, lợi ích chi phối. Một kế toán viên nếu làm việc không khách quan có thể sẽ tự đẩy mình vào những xung đột về lợi ích của các bên liên quan.

(4) Giữ gìn thể diện nghề nghiệp. Đạo đức của người kế toán viên được thể hiện qua thái độ, luôn có ý thức giữ gìn thể diện nghề nghiệp, giữ gìn danh tiếng, hình ảnh bằng cách: làm đúng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và doanh nghiệp.

(5) Chính trực và liêm khiết. Tiêu chuẩn cuối cùng không thể thiếu của một kế toán viên chuyên nghiệp phải kể đến chính là tính trung thực và ngay thẳng trong tất cả các thương vụ. Tính trung thực sẽ giúp người kế toán có thể làm việc khách quan, giải quyết các xung đột dựa trên quy định của pháp luật.

(6) Về việc lựa chọn phần mềm kế toán

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc phát triển một phần mềm kế toán với sự kết nối thông minh là điều tất yếu và đây sẽ là “chìa khóa” giúp những người làm kế toán – tài chính thuận tiện trong công tác xử lý số liệu cũng như các công tác liên quan đến cơ quan thuế, ngân hàng… Phần mềm kế toán thông minh trong kỷ nguyên 4.0 cho phép những người làm công tác tài chính – kế toán tiết kiệm thời gian, công sức nhờ sự phát triển của những ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Để lựa chọn một phần mềm kế toán phù hợp, doanh nghiệp cần phải cân nhắc những tiêu chuẩn sau đây: phần mềm kế toán phải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp; phần mềm kế toán phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động; phần mềm kế toán phải đáp ứng các yêu cầu về kế toán tài chính và kế toán quản trị; phần mềm kế toán phải có dịch vụ hỗ trợ sau bán tốt; phần mềm kế toán phải mang lại hiệu quả cao tương ứng với chi phí bỏ ra; phần mềm kế toán phải uy tín, được nhiều người sử dụng; phần mềm kế toán phải dễ dàng sử dụng.

Khi lựa chọn và sử dụng một phần mềm kế toán đáp ứng được 7 tiêu chuẩn trên sẽ góp phần nâng cao hoạt động của hệ thống kế toán từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp niêm yết.

3. Kết luận

Nhằm góp phần bảo đảm sự minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán Việt Nam là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ và công chúng đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào thông tin được công bố trên báo cáo tài chính. Do vậy, các giải pháp đưa ra nhằm hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung, đặc thù tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đòi hỏi phải có một nghiên cứu hoàn chỉnh về mặt lý luận và thực tiễn để đưa ra những cơ sở tin cậy nâng cao chất lượng thông tin trên các báo cáo tài chính, đáp ứng yêu cầu theo chiến lược phát triển kế toán – kiểm toán đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
2. Thông tư số 55/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 và Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
3. Lưu Đức Tuyên và Ngô Thị Thu Hồng. Giáo trình Tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp. H. NXB Tài chính, 2011.
4. Ngô Thị Thu Hương. Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các công ty cổ phần sản xuất xi măng Việt Nam. Luận án tiến sỹ, Học viện Tài chính, 2012.
5. Nguyễn Phước Bảo Ân. Tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp. H. NXB Phương Đông, 2012.
6. Luật Kế toán năm 2015.
7. Luật Chứng khoán năm 2019.
8. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011.
9. Luật Doanh nghiệp năm 2020.