Đại úy, ThS. Bùi Quang Long
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia ở nước ta có xu hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động. Các đường dây phạm tội ma túy xuyên quốc gia thường có số lượng thành viên lớn, sự liên kết giữa các thành viên chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của các đối tượng cầm đầu với đặc trưng là độ ám thị cao. Nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các đối tượng phạm tội ma túy xuyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, tổ chức phạm tội ma túy xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Từ khóa: Tội phạm ma tuý; tội phạm xuyên quốc gia; tâm lý tội phạm; phòng ngừa; đấu tranh; hợp tác quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, một hành vi bị coi là hành vi phạm tội xuyên quốc gia nếu hành vi đó được thực hiện ở nhiều quốc gia; hành vi được thực hiện ở một quốc gia nhưng phần chủ yếu của việc chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều khiển nó lại diễn ra ở một quốc gia khác; hành vi được thực hiện ở một quốc gia nhưng liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức tham gia các hoạt động tội phạm ở nhiều quốc gia; hành vi được thực hiện ở một quốc gia nhưng có ảnh hưởng lớn ở một quốc gia khác. Như vậy, tội phạm ma túy bị coi là tội phạm ma túy xuyên quốc gia chỉ cần bảo đảm ít nhất một yếu tố như Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã nêu.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia ở Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp cả về số lượng và tính chất vụ việc. Các hành vi phạm tội của các đối tượng không còn dừng lại ở việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển một cách nhỏ lẻ mà các đối tượng chuyển sang sản xuất, mua bán, vận chuyển với số lượng lớn, đặc biệt lớn các loại ma túy tổng hợp với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp các lực lượng đấu tranh thành công 24.765 vụ, bắt giữ 38.681 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ khoảng 444 kg heroin, 4,9 tấn ma túy tổng hợp, 81 kg thuốc phiện, 500 kg cần sa, 330 kg cocain1. Trong đó có một số vụ án đặc biệt lớn liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia, như: vụ án 4 tiếp viên hàng không xách khoảng 8kg ma túy từ Pháp về Việt Nam, đến nay, đã khởi tố gần 500 bị can có liên quan; vụ việc thu giữ 62kg ma túy tổng hợp các loại được nhập từ châu Âu về Việt Nam do đối tượng Hoàng Tiến Dũng cầm đầu; thu giữ 100kg ma túy tại căn hộ chung cư ở quận Bắc Từ Liêm; Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng nước ngoài khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia khác2.
Các đối tượng phạm tội ma túy xuyên quốc gia không chỉ có đặc điểm tâm lý chung của đối tượng phạm tội về ma túy mà còn có những đặc điểm tâm lý đặc trưng riêng biệt cho loại tội phạm này. Trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra, xét hỏi các đối tượng mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc rất khó nắm bắt được tâm lý của các đối tượng phạm tội. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nắm bắt những đặc điểm tâm lý đặc trưng của nhóm đối tượng này có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
2. Đặc điểm tâm lý của tội phạm ma túy xuyên quốc gia
Những đặc điểm tâm lý đặc trưng của các đối tượng phạm tội về ma túy xuyên quốc gia được nghiên cứu, thông qua quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng này, bao gồm:
Một là, thận trọng, cảnh giác. Đây là nét tâm lý chung của hầu hết các loại tội phạm về ma túy, tuy nhiên đối với các đối tượng phạm tội ma túy xuyên quốc gia thì có mức độ thận trọng, cảnh giác được thể hiện ở mức độ cao hơn với nhiều tầng lớp cảnh giới, che giấu cùng với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn che giấu tội phạm của các đối tượng phạm tội ma túy xuyên quốc gia được thể hiện ở một số hành vi cụ thể như: lựa chọn kỹ lưỡng mắt xích tham gia đường dây; ưu tiên các đối tác, bạn hàng lâu năm; sẵn sàng tiêu hủy chứng cứ khi cần thiết; đa dạng hình thức ngụy trang, cất giấu ma túy…
Để xây dựng mạng lưới, các đối tượng sử dụng các phương thức lôi kéo, lợi dụng, mua chuộc người khác tham gia vào đường dây của mình, trong đó phụ nữ và trẻ em là các đối tượng thường được nhóm tội phạm này nhắm tới vì mục đích an toàn cũng như dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Ngoài ra, các đối tượng còn triệt để lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, những người đang làm ở các vị trí có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng nhằm giúp chúng vận chuyển, cất giấu hoặc thúc đẩy thông quan ma túy. Những đối tượng là cán bộ nhà nước tham gia vào đường dây ma túy xuyên quốc gia có số lượng không lớn nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng, có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng vị trí, chức trách, nhiệm vụ của mình để tham gia vận chuyển hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc xuất ra nước ngoài. Đặc biệt tội phạm về ma túy xuyên quốc gia khác tội phạm về ma túy khác là hoạt động rửa tiền, đây là hoạt động có tính đặc trưng và thường xuyên được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thủ lĩnh thực hiện. Các đối tượng thường lợi dụng một số mặt hàng, ngành hàng có giá trị để đầu tư, kinh doanh nhằm che mắt lực lượng chức năng và rửa nguồn tiền có được từ buôn bán ma túy sang “tiền sạch”.
Hai là, liều lĩnh, manh động, ngoan cố khi bị phát hiện. Không giống với các đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy nhỏ lẻ trong nước, các đối tượng phạm tội ma túy xuyên quốc gia thường tàng trữ, vận chuyển ma túy với số lượng lớn và rất lớn, kết hợp với nhận thức về chế tài của pháp luật đối với các hành vi của bản thân nên các đối tượng thường có tâm lý liều lĩnh, manh động, ngoan cố khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Nét tâm lý này được thể hiện thông qua một số biểu hiện như: trang bị vũ khí nóng như lựu đạn, súng tự chế, súng quân dụng; sẵn sàng quyết liệt chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Ngoài ra, sự manh động còn được thể hiện đối với chính các đối tượng trong đường dây. Các đối tượng phạm tội xuyên quốc gia sẵn sàng thanh trừng các đối tượng trong đường dây nếu thấy có dấu hiệu bị lộ hoặc phản bội. Đối với các đối tượng là người nước ngoài, các đối tượng này thường ngoan cố, đòi yêu sách hoặc cố tình trì hoãn khai báo nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Ba là, đặc điểm tâm lý giữa các đối tượng trong đường dây, tổ chức phạm tội ma túy xuyên quốc gia.
– Mức độ ám thị cao. Sự ám thị được diễn ra trong mối liên kết giữa các thành viên trong tổ chức, đặc biệt ám thị giữa đối tượng thủ lĩnh, chỉ huy, hoặc đối tượng cầm đầu đối với các thành viên khác trong tổ chức. Sự ám thị được thể hiện thông qua việc tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của thủ lĩnh trong hoạt động của các đối tượng là thành viên trong đường dây, tổ chức. Trong các đường dây, tổ chức ma túy phạm tội xuyên quốc gia, mỗi khâu, mỗi hoạt động trong tổ chức đều được chuyên môn hóa cao, những ai làm công việc gì đều được phân công rõ ràng và các thành viên không được biết các công việc của người khác, nhóm khác.
Chính vì vậy, để duy trì được hoạt động của cả đường dây thì đối tượng thủ lĩnh sẽ đưa ra các “luật” riêng nhằm duy trì hoạt động một cách thống nhất. Trong đó, sự phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của thủ lĩnh là yêu cầu bắt buộc đối với các thành viên khác, nếu đối tượng nào làm sai sẽ bị trừng phạt, thậm chí là bị thủ tiêu. Tuy có mức độ ám thị cao giữa đối tượng thủ lĩnh với các đối tượng thành viên trong đường dây, tổ chức phạm tội ma túy xuyên quốc gia nhưng trong đó vẫn tồn tại các mâu thuẫn giữa các thành viên đối với thủ lĩnh. Sự mâu thuẫn này chủ yếu xuất phát từ sự không công bằng trong phân chia lợi nhuận có được từ hoạt động phạm tội giữa thủ lĩnh với các thành viên.
– Mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức với thủ lĩnh là mối quan hệ phục tùng. Thủ lĩnh có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức chỉ đạo các thành viên trong nhóm thực hiện các hành vi tội phạm. Những đối tượng này thường là những đối tượng có kinh nghiệm trong hoạt động tội phạm, trong ứng phó với các cơ quan chức năng nhằm che giấu hành vi phạm tội. Đặc biệt các đối tượng này thường là người nước ngoài hoặc thường xuyên di chuyển qua lại giữa các quốc gia để chỉ đạo các thành viên thực hiện hành vi phạm tội. Các thành viên hoàn toàn phục tùng và chịu sự chỉ đạo của đối tượng thủ lĩnh. Sự phục tùng này có thể xuất phát từ nguyên nhân nể sợ, mang ơn hoặc bị thủ lĩnh dùng biện pháp chi phối đến gia đình và bản thân đối tượng.
– Các thành viên trong tổ chức ma túy liên kết với nhau trên cơ sở lợi ích của chính cá nhân đối tượng. Bởi vì bản chất các đối tượng tham gia vào đường dây, tổ chức phạm tội ma túy xuyên quốc gia là vì mong muốn kiếm được nhiều tiền để phục vụ cho mục đích cá nhân. Do đó, giữa các nhóm, các bộ phận thường có những mâu thuẫn hoặc cạnh tranh ngầm để gây sức ảnh hưởng và mong muốn thu được nhiều lợi ích vật chất hơn các nhóm khác.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, tổ chức phạm tội về ma túy xuyên quốc gia
Thứ nhất, tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia.
Tuyên truyền để người dân không tham gia vào sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy, đặc biệt là người dân sống gần vùng biên là điểm “nóng” về vận chuyển ma túy qua biên giới. Vận động người dân ở một số vùng cao có truyền thống trồng cây thuốc phiện cần phá dỡ, không trồng thuê cây thuốc phiện, không mua bán trái phép các tiền chất ma túy. Ngoài ra, cần vận động và có biện pháp bảo vệ người dân tham gia vào các phong trào phòng, chống tội phạm ma túy để người dân chủ động cung cấp thông tin về các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy. Và khi cần thiết, người dân sẵn sàng tâm thế đứng ra tố giác hoặc làm chứng giúp lực lượng chức năng triệt phá các đường dây và truy tố các đối tượng phạm tội về ma túy xuyên quốc gia.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia.
Hiện nay, căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi phạm tội về ma túy bao gồm: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2021… Tuy nhiên, hiện nay chưa có các văn bản pháp luật thể chế hóa Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện một số luật, quy định, như: Luật Phòng, chống rửa tiền, quy định về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định về kiểm soát tiền tệ…
Rà soát, chỉnh sửa, tăng cường kiểm soát xuất, nhập khẩu hàng hóa; cơ chế cho người nước ngoài thuê mặt bằng, kho xưởng nhằm tránh để các đối tượng xấu lợi dụng để sản xuất, tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy.
Thứ ba, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy với các lực lượng chức năng khác. Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy trình phối hợp giữa Cảnh sát điều tội phạm về ma túy với các lực lượng, như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển trong hoạt động tuần tra kiểm soát, phối hợp triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy tại các khu vực biên giới, các tuyến, địa bàn, điểm nóng về ma túy để tiến hành các hoạt động tuần tra kiểm soát, truy bắt các đối tượng phạm tội.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia.
Tăng cường, mở rộng ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm ngăn chặn tội phạm ma túy chạy trốn hay điều hành đường dây tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Trường xuyên giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin về các đối tượng phạm tội xuyên quốc gia nói chung và tội phạm ma túy nói riêng; trao đổi kinh nghiệm, phương thức phát hiện các thủ đoạn sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy của các đối tượng tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh với các thành viên trong các đường dây, băng nhóm phạm tội về ma túy xuyên quốc gia. Lợi dụng, khai thác những mâu thuẫn giữa các cá nhân, nhóm trong tổ chức, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trong quá trình đấu tranh cần làm giảm uy tín của thủ lĩnh; phá vỡ các mắt xịch, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức tội phạm ma túy thông qua “gieo rắc” nghi ngờ giữa các thành viên, giữa thành viên với thủ lĩnh; “khoét sâu” vào mâu thuẫn cá nhân giữa các thành viên và giữa thành viên với thủ lĩnh nhằm mục đích “bẻ gãy” mối liên kết giữa các thành viên và làm giảm độ ám thị của thủ lĩnh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phải tạo sự an toàn, niềm tin cho các đối tượng và gia đình của đối tượng để đối tượng yên tâm khai báo, làm chứng toàn bộ thông tin về đường dây, băng nhóm, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đường dây, băng nhóm phạm tội về ma túy xuyên quốc gia.
4. Kết luận
Các đối tượng phạm tội về ma túy xuyên quốc gia có một số đặc điểm tâm lý đặc trưng, như: sự liều lĩnh manh động, sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, mức độ ám thị cao… Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các đối tượng phạm tội về ma túy xuyên quốc gia, kết hợp các biện pháp: nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy; hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng trong nước và quốc tế… giúp nâng cao hiệu qua trong đấu tranh phòng, chống và bóc gỡ các đường dây, tổ chức phạm tội về ma túy xuyên quốc gia.
Chú thích:
1, 2. Điểm lại những chuyên án ma túy ‘khủng’ bị triệt phá trong năm 2023. https://chinhphu.vn, ngày 31/12/2023
Tài liệu tham khảo:
1. 5 dấu ấn nổi bật năm 2023 của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.https://nhandan.vn, ngày 29/12/2023.
2. Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. https://bocongan.gov.vn, ngày 11/3/2022.
3. Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 27/4/2023.
4. Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 16/4/2024.
5. Nhận diện và giải pháp phòng, chống thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/11/2021.