Trần Thị Lan
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
(Quanlynhanuoc.vn) – Trên cơ sở phân tích những bất cập trong thực trạng môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp ở nước ta; đồng thời làm rõ ý nghĩa của việc nâng cao năng lực của viên chức hành chính theo phương thức tổ chức môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp trong tổ chức, bài viết đi sâu phân tích một số tác động của môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp đến sự nâng cao năng lực của viên chức hành chính, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực của viên chức hành chính hiện nay.
Từ khóa: Năng lực; phát triển nghề nghiệp; môi trường học tập; tác động; viên chức; hành chính.
1. Đặt vấn đề
“Tổ chức phải trở thành nơi viên chức hoạt động như là những người làm việc chuyên nghiệp, cùng học hỏi lẫn nhau (môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp chuyên môn)…”1. Điều đó có nghĩa, tổ chức phải trở thành một môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, nơi mà viên chức không chỉ đơn giản giúp đỡ nhau mà quan trọng là thiết lập một văn hóa chia sẻ trong tổ chức nhằm tạo ra sự cộng tác, sự lôi cuốn và phát triển liên tục, tập trung vào suy ngẫm thực tiễn để nâng cao năng lực của viên chức…, và đích cuối cùng là tất cả viên chức làm trong và ngoài tổ chức đều hướng đến phát triển năng lực chuyên môn và năng lực của viên chức2. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, nâng cao năng lực của viên chức hành chính tại chỗ thông qua xây dựng môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp chuyên môn trong tổ chức chưa được chú trọng đúng mức và còn bất cập3. Bài viết đi sâu phân tích sự tác động và đề xuất một số biện pháp nâng cao năng lực của viên chức hành chính dựa vào môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp.
2. Các khái niệm liên quan
(1) Khái niệm môi trường học tập.
Môi trường học tập là tập hợp những yếu tố không gian nhân lực vật lực và tài lực, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc học tập đạt kết quả tốt. Môi trường học tập cần được tạo ra ở nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội4. Hay môi trường học tập là nơi diễn ra hoạt động học tập của người học gồm tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển hoạt động học tập của người học5. Cũng có quan niệm cho rằng, “môi trường học tập bao gồm đầy đủ các yếu tố vật chất và tinh thần ở bên trong nhà trường nhằm khuyến khích cho người học học tập và phát triển toàn diện bản thân”6…
Trên cơ sở phân tích các quan điểm về môi trường học tập, tác giả nhận định, môi trường học tập là nơi diễn ra hoạt động học tập, bao gồm sự tổng hòa của những yếu tố vô hình và hữu hình, những yếu tố thuộc về vật chất và những yếu tố phi vật chất thuộc về tinh thần, cảm xúc cùng với mối quan hệ giữa chúng tạo nên sự tác động đến quá trình dạy và học của người dạy và người học.
(2) Khái niệm năng lực.
Có thể hiểu, “Năng lực (competency) là thuộc tính cá nhân cho phép cá nhân thực hiện thành công các hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong điều kiện cụ thể”7. Hiện nay, cấu trúc của năng lực được mô tả dưới nhiều phương diện khác nhau, nhưng nếu xét về bản chất của công việc là quá trình cá nhân hóa các thành phần kinh nghiệm xã hội (tri thức, kỹ năng và tình cảm) thì tiếp cận mô hình cấu trúc năng lực theo các thành phần kinh nghiệm xã hội là thuyết phục hơn cả và được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ, áp dụng và phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể.
3. Tác động môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp trong tổ chức đến nâng cao năng lực của viên chức hành chính
Thứ nhất, môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp giúp viên chức hành chính chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
Tác động này cho thấy, thông qua môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp, các viên chức được trao đổi, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ với những viên chức có kinh nghiệm và với nhau – những người cùng trải nghiệm những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn ở tổ chức hành chính. Bên cạnh đó, việc tham gia hằng ngày tại nơi làm việc là nguồn công việc không chính thức rất lớn đối với viên chức khi họ nhận được sự hỗ trợ và phản hồi từ các đồng nghiệp giúp họ tự tin hơn, gắn kết với tổ chức, với nghề nghiệp hơn.
Thứ hai, môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp góp phần phát triển toàn diện năng lực thực hành của viên chức hành chính.
Đây là tác động góp phần nâng cao năng lực cho viên chức, các thành viên tin tưởng, tôn trọng, gần gũi nhau…, tạo ra môi trường hợp tác, thân thiện giúp viên chức và cán bộ quản lý dễ dàng trao đổi quan điểm và các vấn đề thực tiễn. Môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp giúp người tham gia học hỏi lẫn nhau và khuyến khích họ chủ động hơn trong việc học của mình… Vì thế, môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp có tác động đến thực tiễn công việc và là động lực của viên chức và cán bộ quản lý trong nâng cao hiệu quả công việc. Hình thức nâng cao năng lực này vừa đáp ứng được nhu cầu cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu tập thể và như vậy giúp cho các viên chức kiến tạo các quá trình công việc sao cho thích ứng với những thay đổi xã hội trong bầu không khí cởi mở và cộng tác.
Thứ ba, môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong chỉnh thể của quá trình thực hành của viên chức.
Môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp được xây dựng hợp lý sẽ trở thành chất xúc tác, động lực thúc đẩy giúp cho năng lực làm việc được nâng cao, giúp phát huy hết khả năng vốn có của viên chức, đồng thời khơi dậy và làm bộc lộ tiềm năng của mỗi người. Môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp của tổ chức thể hiện giá trị của năng lực làm việc được nâng cao và là bầu không khí khuyến khích vươn đến sự thành công. Từ đó, “Tạo một môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp tích cực giúp viên chức có được động lực trong thực hành, tư duy năng động, sáng tạo, luôn tìm kiếm giải pháp cho những tình huống khác nhau”8. Như vậy, môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp góp phần phát huy tối đa mọi giá trị về giáo dục nói chung; góp phần tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong chỉnh thể của quá trình thực hành; cung cấp điều kiện, phương tiện, kích thích động cơ học tập; tạo nên sự phát triển bền vững của nghề nghiệp.
Môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp góp phần nâng cao năng lực thường xuyên cho viên chức hành chính, cụ thể được tổ chức định kỳ với các bước: (1) Tập huấn viên chức cốt cán tại trung ương; (2) Viên chức cốt cán tập huấn đại trà cho viên chức ở cơ sở – tức là theo hình thức “Kim tự tháp”. Trong cả 2 bước này, hình thức nâng cao năng lực của viên chức hành chính tại các lớp tập huấn là hình thức cơ bản.
Đa phần viên chức thường không được tham dự các lớp tập huấn trực tiếp từ các chuyên gia mà từ viên chức cốt cán tập huấn lại. Rất nhiều nội dung được chuyển tải trong mỗi đợt tập huấn với thời lượng có hạn nên khó tránh khỏi việc các viên chức tham dự tập huấn không lĩnh hội được đầy đủ các nội dung. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản” khi tập huấn lại cho các viên chức khác và đôi khi còn có thể tập huấn không chính xác các nội dung mà họ tiếp thu được.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nâng cao năng lực của viên chức hành chính theo chu kỳ này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là về chất lượng của việc nâng cao năng lực cho viên chức hành chính từ các lớp tập huấn viên chức cốt cán ở trung ương đến các lớp nâng cao năng lực đại trà cho viên chức tại các địa phương. Nội dung tập huấn góp phần nâng cao năng lực thường bị áp đặt, định trước mà không xuất phát từ nhu cầu, điều kiện thực tế của viên chức nên tính ứng dụng của nội dung đối với viên chức là khá hạn chế, đã xảy ra tình trạng một thời gian ngắn sau nâng cao năng lực, các kỹ năng, kiến thức được tập huấn bị rơi vào lãng quên hoặc ít có điều kiện áp dụng. Bên cạnh đó, các nội dung tập huấn cho tất cả mọi viên chức sẽ khác xa so với nhu cầu và thực tế những khó khăn mà mỗi viên chức gặp phải trong thực hành công tác.
4. Một số giải pháp nâng cao năng lực cho viên chức hành chính dựa vào môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp trong nâng cao năng lực của viên chức hành chính.
Nhận thức là khâu đầu tiên và là tiền đề cho hành động đúng. Vì vậy, trong nâng cao năng lực của viên chức, phải coi việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của viên chức – chủ thể của phát triển năng lực nghề nghiệp, là một yếu tố vô cùng quan trọng và là điều kiện tiên quyết đầu tiên quyết định thành công của phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
Lãnh đạo, quản lý tổ chức phải làm thế nào để giúp viên chức nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động phát triển chuyên môn nghề nghiệp như là điều kiện sống còn của mỗi tổ chức, của mỗi viên chức trong việc nâng cao năng lực thực hành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; hiểu rõ các nội dung, hình thức phát triển năng lực nghề nghiệp để các hoạt động này trở thành nhiệm vụ thường xuyên và nhu cầu của từng viên chức trong tổ chức.
Hai là, lập kế hoạch và tổ chức nâng cao năng lực nghề nghiệp cho viên chức theo phương thức tổ chức môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp.
Công việc phát triển năng lực nghề nghiệp hiệu quả là cam kết lâu dài và thường được tiến hành tốt nhất trong môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp thúc đẩy việc học cho tất cả thành viên. Nghiên cứu cho thấy, công việc của viên chức hiệu quả hơn khi dựa vào tổ chức và sự cộng tác. Sự phát triển chuyên môn liên tục mang tính hợp tác có hiệu quả hơn việc học cá nhân trong việc mang lại những thay đổi tích cực trong thực tiễn, thái độ hoặc niềm tin của viên chức trong việc nâng cao năng lực, hành vi hoặc thái độ của viên chức. Để đạt được điều này, lãnh đạo, quản lý tổ chức cần phải xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch nâng cao năng lực của viên chức hướng đến xây dựng một môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp – nơi mà mọi viên chức sẵn sàng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, cộng tác với nhau vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức.
Ba là, xây dựng môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp cộng tác, chia sẻ giữa viên chức trong tổ chức.
Để xây dựng môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp, cần quan tâm đến môi trường tâm lý – xã hội trong tổ chức – đó là những mối quan hệ, những tương tác xảy ra giữa các chủ thể hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Môi trường tâm lý – xã hội tạo nên bầu không khí tâm lý thuận lợi trong tổ chức và tạo điều kiện hỗ trợ cho các tương tác giữa viên chức với nhau. Ý nghĩa của môi trường xã hội đối với quá trình công việc nói chung và của viên chức có thể giải thích từ lý thuyết tương tác của Vũ Thị Sơn (2004). Quan điểm cơ bản của lý thuyết này là thông qua tác động qua lại với nhau mỗi người đều học được một cái gì đó từ người khác ở mức độ tư duy cấp cao bằng những cách khác nhau và trong các hoàn cảnh khác nhau9.
Bốn là, xây dựng các mối quan hệ giữa các viên chức trong tổ chức.
Quan hệ đồng nghiệp tốt không chỉ tạo cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành mà còn tạo không khí thoải mái, đoàn kết, từ đó kích thích viên chức gắn bó với tổ chức, với công việc và nâng cao chất lượng thực hành. Mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp được xây dựng trên cơ sở sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ nhau khi cần thiết, sự hợp tác trong công việc, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Để có được các mối quan hệ này, tổ chức cần có nhiều hoạt động tập thể, sinh hoạt chuyên môn, giao lưu văn nghệ, thể thao tạo điều kiện cho các viên chức được tương tác với nhau nhiều trong thực hành cũng như hoạt động tập thể.
Ngoài ra, lãnh đạo, quản lý cũng cần chú trọng xây dựng văn hóa tổ chức. Khi tổ chức có văn hóa tích cực, mang tính chuyên môn cao, thì ở đó sẽ có sự phát triển đội ngũ viên chức có ý nghĩa, cải cách chương trình thành công… Ở những tổ chức như thế, viên chức đều trưởng thành. Nghiên cứu của Richardson (1996)10 cho thấy, văn hóa tổ chức có tương quan với thái độ của viên chức với công việc của mình, đến động lực làm việc. Ở những tổ chức, viên chức được chia sẻ sự tham gia, lãnh đạo dân chủ, công bằng và gần gũi, thân mật, cơ cấu tổ chức hợp lý thì viên chức sẽ trải nghiệm những xúc cảm tích cực và hài lòng với công việc của mình, thực hành có hiệu quả cao.
5. Kết luận
Nâng cao năng lực của viên chức vừa là nhu cầu vừa là nhiệm vụ sống còn của mỗi viên chức cũng như tổ chức. Các nghiên cứu cho thấy, phương thức nâng cao năng lực của viên chức hành chính hiệu quả nhất là gắn với tổ chức phổ thông, thông qua xây dựng môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp trong tổ chức. Để xây dựng được môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp và từ đó nâng cao năng lực của viên chức, các tổ chức cần chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển năng lực nghề nghiệp cho viên chức và vai trò của môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp trong nâng cao năng lực cho viên chức, xây dựng môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ giữa viên chức và chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nâng cao năng lực nghề nghiệp cho viên chức góp phần hoàn thành tốt mọi mặt của quá trình công tác.
Chú thích:
1, 2. Manabu Sato, Masaaki Sato. Môi trường học tập và phát triển nghề nghiệp – Mô hình đổi mới toàn diện tổ chức. H. NXB Đại học Sư phạm, 2015 (người dịch Khổng Diễm Hằng).
3. Toshiya Chichibu, Toshiyuki Kihara, 2013. How Japanese school build a professional learning community by lesson study. International Journal for lesson and Learning Studies, Vol. 2, No. 1, Pp.12 – 25.
4. Phạm Hồng Quang. Môi trường giáo dục. H. NXB Giáo dục, 2006.
5. Nguyễn Thị Thu Thủy. Thiết kế môi trường học tập kiến tạo trong lớp bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Tạp chí Giáo dục, số 341, tháng 9/2014, tr. 37 – 39.
6. Lê Đức Quảng. Vai trò của giảng viên trong xây dựng môi trường học tập tích cực tại các trường đại học và cao đẳng. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Tân Trào, số 10, (12/2018), tr. 92 – 98.
7. Đặng Thành Hưng. Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực. Tạp chí Quản lý giáo dục, số 43, tháng 12/2012.
8. Susanne Mary Owen, 2015. Teacher professional learning communities in innovative context: “ah hah moments”, “passion” and “making a difference” for student learnin. Professional Development in Education, Vol41, No1, Pp. 57.
9. Vũ Thị Sơn. Môi trường tương tác công việc trong tổ chức. Tạp chí Giáo dục, số chuyên đề 102, quý IV/2004, tr. 14 – 15.
10. Richardson, 1996. School Culture: A key to impoved student learning, School Team Innovator. https://booksc.org.
Tài liệu tham khảo:
1. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/01/2024.
2. Tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập đối với các phương pháp Tập huấn cùng tham gia. https://moet.gov.vn, ngày 22/12/2017.