Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thành phố Hà Nội

ThS. Đỗ Thị Trang
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, giữa công dân với Nhà nước, đồng thời là nhân tố quyết định đến chất lượng hoạt động ở cơ sở. Vì vậy, cần phải nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp cơ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bài viết đánh giá thực trạng năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thành phố Hà Nội và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ này trong thời gian tới. 

Từ khóa: Năng lực; lãnh đạo và quản lý; cán bộ chủ chốt; cấp cơ sở; nâng cao năng lực.

1. Đặt vấn đề

Công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ trên các cương vị khác nhau. Chất lượng, hiệu quả hoạt động thực tiễn phụ thuộc lớn vào năng lực tổ chức, lãnh đạo, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ các cấp. Trong đó, năng lực quản lý là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở được thể hiện trong quản lý về chính trị, tư tưởng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ có năng lực quản lý tốt sẽ nắm bắt được mọi hoạt động và khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém, đồng thời thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”2.

2. Thực trạng năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thành phố Hà Nội hiện nay

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Cán bộ chủ chốt ở cơ sở (bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn) là những người trực tiếp đối mặt và giải quyết những vấn đề cụ thể nảy sinh trong hoạt động thực tiễn ở cơ sở. Đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có thực sự đi vào cuộc sống của Nhân dân hay không, điều đó phụ thuộc rất lớn vào năng lực của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. 

Về cơ bản, công tác nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, năng lực quản lý của đội ngũ này ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó cho thấy, cấp ủy các cấp đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn, đặt ra nhiệm vụ phải “chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo; Quy định số 04-QĐ/TU ngày 11/8/2021 của Thành ủy Hà Nội về quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Đề án số 34-ĐA/TU ngày 06/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Vì vậy, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, duy trì và thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định; quản lý chặt chẽ, nghiêm túc và có hiệu quả các mặt công tác, đã phát huy tốt vai trò của người cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là gương mẫu, tự giác, trách nhiệm. 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số cán bộ, công chức cấp xã thành phố Hà Nội có 11.473 người (5.405 người là cán bộ và 6.068 người là công chức), trong đó cán bộ chủ chốt cấp xã: 3.622 người, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 17,9%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên; 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên (cao cấp, cử nhân chiếm 18%)7. Đa số cán bộ chủ chốt cấp xã có kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo chuyển biến tích cực về năng lực lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy, Ban Thường vụ, bí thư cấp ủy về công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã còn hạn chế, thiếu giải pháp đột phá. Do đó, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 35 tuổi còn hạn chế, (chiếm 5%)8; đồng thời, các quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trong giai đoạn mới. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có sự đồng bộ. Trong đó, một số địa phương chưa bảo đảm đủ nguồn cán bộ, công chức có chuyên môn sâu đối với các lĩnh vực chuyên ngành, như: Quy hoạch kiến trúc, Kinh tế nông nghiệp, Du lịch nông thôn…

 Năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn ở một bộ phận cán bộ còn yếu, chưa đồng đều giữa cấp xã và cấp phường, ở nhiều địa phương không có cán bộ chuyên môn sâu nên kỹ năng xử lý tình huống phát sinh của họ còn hạn chế, thụ động.

Những hạn chế trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực quản lý đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, dẫn đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Vì vậy, cần phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo quản lý, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn trong giai đoạn mới hiện nay.

3. Một số giải pháp thực hiện

Để nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thành phố Hà Nội, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy cần lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở thông qua các hình thức giáo dục, như: sinh hoạt, học tập chính trị; nêu gương những việc tốt, những cá nhân điển hình tiên tiến. Đặc biệt, cần có nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời.

Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt về phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng giáo dục, thuyết phục cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tổ chức nâng cao trình độ, năng lực thực tiễn về quản lý, chú trọng nâng cao về phương pháp, tác phong công tác của mỗi cán bộ chủ chốt. Đồng thời, cán bộ chủ chốt phải thấy rõ vị trí, vai trò của hoạt động quản lý, không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh, trình độ chuyên môn giỏi, tư duy lãnh đạo, tư duy sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán trong công tác quản lý. Đồng thời, kết hợp giữa nâng cao và tự nâng cao để ngày càng hoàn thiện bản thân đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống và đúng với mọi đối tượng.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, qua đó, đánh giá toàn diện về chất lượng quản lý, phẩm chất, năng lực, những điểm mạnh, yếu và nguyên nhân, từ đó, rút kinh nghiệm để có phương hướng lãnh đạo trong thời gian tới. Kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, những yếu kém trong công tác quản lý, nhằm bổ sung kế hoạch, nội dung nâng cao để phù hợp với thực tiễn. 

Các đơn vị, địa phương chú trọng công tác tạo nguồn nhân lực không chỉ tại chỗ, mà cả ở những sở, ngành của thành phố; đồng thời, chủ động cập nhật kiến thức cho các đối tượng này. Cùng với đó, không ngừng đổi mới nội dung cũng như chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả và sát với tình hình thực tiễn. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã trẻ dưới 35 tuổi đạt tối thiểu 10%, giữ vững tỷ lệ cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%, phấn đấu trong ban thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn có cán bộ nữ9.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Giải pháp này bảo đảm tính thực tiễn, quy định con đường, cách thức và quyết định trực tiếp đến hiệu quả nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ này trên cơ sở nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn, phải bảo đảm từng nội dung gắn với thực tiễn, sát thực với các đối tượng cụ thể.

Đổi mới thường xuyên nội dung trên cơ sở nguyên tắc toàn diện, cả về “đức” và “tài”, chú trọng nâng cao kỹ năng, năng lực quản lý, phong cách lãnh đạo, quản lý. Tập trung vào những vấn đề cơ bản, đó là: (1) Bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Quán triệt, vận dụng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; (3) Xây dựng chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; (4) Cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo của tổ chức đảng thành các chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể ở cơ sở; (5) Tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân tích cực, tự giác thực hiện nghị quyết, kế hoạch đã đề ra; (6) Năng lực kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm nội dung, biện pháp thực hiện nghị quyết lãnh đạo cơ sở.

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt để điều hành những công việc quan trọng; đồng thời, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, yếu kém. Nâng cao trình độ quản lý con người, trọng tâm là quản lý chính trị, tư tưởng, quản lý thực hiện nhiệm vụ. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp nâng cao, như: cử cán bộ đi học tập tại các cơ sở đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt được tham gia nhiều lớp học không tập trung. Căn cứ vào kế hoạch, nội dung mà các chủ thể xác định hình thức, phương pháp nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ này cho phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ cụ thể. 

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động tự học tập để nâng cao năng lực quản lý trong quá trình công tác, nếu không có sự tự giác học tập, tự nâng cao năng lực của bản thân thì chất lượng hoạt động nâng cao sẽ không hiệu quả. Vì vậy, phải thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức của đội ngũ này về vị trí, vai trò của hoạt động tự nâng cao. Theo đó, chú trọng nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý. Tập trung học tập, tích lũy các kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước để mỗi cán bộ xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nâng tầm hiểu biết về các lĩnh vực để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. 

Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, uy tín đối với người dân ở địa phương, tinh thần gương mẫu trong lời nói và việc làm, trách nhiệm, thói quen làm việc có kế hoạch, kỷ luật, tự giác. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ chủ chốt cần phải chủ động xây dựng kế hoạch tự nâng cao năng lực quản lý, chủ động nâng cao các nội dung mới, nội dung còn yếu và thiếu trong công tác quản lý. 

Chú thích:
1, 2, 5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1995, tr. 309, 10, 280.
3, 6. Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt. H. NXB Trung tâm từ điển ngôn ngữ, 2003, tr. 565, 800.
4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 251.
7, 8, 9. Hà Nội kiên quyết thay thế những cán bộ chủ chốt cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ. https://daibieunhandan.vn, ngày 16/11/2023.
1. Đào Mạnh Hoàn – Nguyễn Phúc Thiện. Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền thị xã, thành phố thuộc tỉnh ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 329 (6/2023), tr. 35 – 38. 
2. Nguyễn Tấn Rạng. Tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Tạp chí Giáo dục, tháng 5/2017, tr. 92 – 94.
3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở tỉnh Hậu Giang. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 19/5/5022.
4. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/01/2024.
5. Nâng cao ý thức rèn luyện năng lực tư duy chiến lược của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 15/02/2024.
6. Lê Bá Khánh Trình. Trách nhiệm công vụ của người lãnh đạo chính quyền cơ sở. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 334 (11/2023), tr. 13 – 17.
7. Phạm Văn Quốc Nam Em. Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của cán bộ chủ chốt cấp cơ sở hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt, kỳ 2, tháng 10/2017, tr. 285 – 287.
8. Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý.
9. Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
10. Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.