PGS.TS. Phan Thị Thu Hoài
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, học tập trực tuyến ngày càng trở nên hấp dẫn hơn do các ưu điểm, như: tính linh hoạt, giảm chi phí, tăng cường hợp tác, tương tác trao đổi ý tưởng, phong cách học tập cá nhân hóa và nâng cao kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, học trực tuyến có những hạn chế nhất định, do vậy, cần có các giải pháp quản lý trong đào tạo để nâng cao hiệu quả học trực tuyến của người học tại Việt Nam.
Từ khóa: Học trực tuyến; chính sách; quản lý giáo dục; đặc điểm; vận dụng.
1. Đặt vấn đề
Giáo dục và dạy học đã có sự thay đổi lớn trong những năm qua ở Việt Nam, đặc biệt là từ sau khi chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, đòi hỏi hoạt động giáo dục buộc phải có sự chuyển đổi từ truyền thống sang trực tuyến. Do vậy, hoạt động học tập không chỉ học theo lớp học truyền thống mà còn có các lớp học trực tuyến. Học trực tuyến tạo nên cách mạng hóa giáo dục ở cả trường học và doanh nghiệp, cho phép người học và nhân viên học theo tốc độ riêng trong bầu không khí thoải mái theo cách họ tạo ra. Học trực tuyến mang lại sự linh hoạt, khả năng tiếp cận nhiều khóa học hơn và cơ hội phát triển các kỹ năng công nghệ.
Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và các kết quả nghiên cứu được công bố về học trực tuyến, bài viết phân tích, đúc kết các ưu điểm, hạn chế của học trực tuyến, từ đó, đề xuất giải pháp đối với các nhà quản lý giáo dục nhằm hướng tới người học đạt được kết quả và chất lượng học tập cao hơn.
2. Khái niệm học trực tuyến
Học trực tuyến, còn gọi là giáo dục từ xa hoặc “eLearning”, đề cập đến việc cung cấp nội dung giáo dục và hướng dẫn thông qua internet. Học trực tuyến là phương pháp giáo dục, trong đó việc học được thực hiện trong một môi trường hoàn toàn ảo. Phương pháp giáo dục hay phương pháp dạy học trực tuyến được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 90 thế kỷ XX, khi các đơn vị đào tạo sử dụng internet để đào tạo từ xa với người học.
Học trực tuyến đề cập đến một môi trường học tập dựa trên internet để kết nối giữa người dạy và người học với nhau. Nó cho phép người học tham gia các khóa học và lấy bằng từ xa mà không cần phải có mặt trong khuôn viên trường. Học trực tuyến thường được áp dụng phổ biến trong giáo dục đại học. Phương thức học này cho phép người học ở các khu vực địa lý khác nhau trong một quốc gia hoặc ở trên thế giới tham gia học trực tuyến do một cơ sở đào tạo tổ chức.
Học trực tuyến có nhiều hình thức khác nhau, như các khóa học dựa trên web, hội thảo qua video và các chương trình tự học. Các công nghệ được sử dụng để giảng dạy có thể bao gồm: internet, truyền một chiều và hai chiều thông qua các chương trình phát sóng mở, mạch kín, cáp, đường dây băng thông rộng, cáp quang, vệ tinh hoặc thiết bị liên lạc không dây, băng video, DVD và CD-ROM…
3. Đặc điểm học trực tuyến
3.1. Ưu điểm của học trực tuyến
(1) Học trực tuyến có tính linh hoạt. Người học thực hiện học tập một cách linh hoạt, theo tốc độ và địa điểm của riêng họ để đạt được mục tiêu học tập. Các khóa học trực tuyến cho phép họ có thể lựa chọn và sắp xếp lịch trình học theo nhu cầu và điều kiện hoàn cảnh, tức là khóa học xây dựng riêng cho từng người học. Người học có thể truy cập các bài giảng, tài liệu khóa học theo lịch trình, không cần phải cố định, đồng thời, người học có thể rèn luyện và hoàn thành các bài tập vào bất cứ thời điểm nào.
(2) Chi phí học tập khóa học thấp. Chi phí học trực tuyến thường thấp hơn so với học truyền thống. Cụ thể như giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí phát sinh do phải thay đổi địa điểm, nơi sinh sống để có thể học tập nếu các địa điểm học tập xa với địa điểm mà họ đang sinh sống hoặc làm việc.
(3) Có khả năng tiếp cận các khóa học vượt qua khoảng cách không gian và thời gian. Học trực tuyến dựa trên công nghệ nên tạo ra cho người học khả năng vượt qua được các khoảng cách không gian, thời gian và có thể học tập 24/7. Do đó, người học sẽ tiếp cận về thời gian và địa điểm học tập tùy theo điều kiện của bản thân. Ngoài ra, người học ở các khu vực địa lý khác nhau có thể tiếp cận được các khóa học trực tuyến ở mọi nơi, ở trong nước cũng như trên thế giới.
(4) Nhịp độ học tập được cá nhân hóa. Với học trực tuyến, người học có thể xây dựng và thực hiện học tập theo tốc độ của riêng mình, theo nhu cầu và điều kiện của bản thân. Cụ thể, một số người học tốt hơn qua hình ảnh, trong khi một số người thích học qua âm thanh; một số người học hiệu quả hơn khi học một mình, một số người khác học hiệu quả hơn khi có tương tác với người khác. Như vậy, mỗi người học có một hành trình học tập và phong cách học tập khác nhau nên sẽ tự sắp xếp lịch trình học tập của mình.
(5) Môi trường học tập của người học được cá nhân hóa. Người học tham gia các khóa học trực tuyến có khả năng lựa chọn tạo ra môi trường học tập phù hợp với nhu cầu của bản thân. Hệ thống học tập trực tuyến, với nhiều tùy chọn và tài nguyên, có thể được cá nhân hóa theo nhiều cách. Người học có thể chọn môi trường học tập gồm ánh sáng, nhiệt độ và vị trí ngồi học lý tưởng để thúc đẩy sự thoải mái và tập trung tối ưu với bài học. Bên cạnh đó, họ có thể tạo ra môi trường phù hợp bằng cách bố trí các vật dụng cá nhân khu vực học tập tạo ra bầu không khí học tập tích cực và hấp dẫn.
(6) Người học có thể cân bằng giữa công việc, học tập và các mối quan hệ. Đối với nhiều người, việc theo đuổi học tập nói chung và giáo dục đại học nói riêng theo truyền thống trong khi vẫn phải làm việc để bảo đảm cuộc sống và hỗ trợ gia đình là rất khó thực hiện. Bằng cách học tập trực tuyến ở nhà hoặc trong cộng đồng địa phương, người học có thể tiếp tục thúc đẩy những kết nối có ý nghĩa với gia đình, công việc và vẫn theo đuổi mục tiêu học tập.
(7) Người học rèn luyện, nâng cao kỹ năng quản lý thời gian, năng lực làm việc độc lập và tự định hướng. Vì học trực tuyến có thể tùy chỉnh theo yêu cầu của người học, nên người học phải xây dựng và quản lý kế hoạch học trực tuyến. Người học phải quản lý thời gian của bản thân để bảo đảm đáp ứng đúng thời hạn của khóa học. Khi đó, người học sẽ tự phát triển các kỹ năng quản lý thời gian, phải cân bằng giữa chương trình học với các hoạt động khác trong cuộc sống. Cùng với kỹ năng quản lý thời gian, người học rèn luyện được năng lực làm việc, học tập độc lập và tự định hướng hơn.
(8) Tăng sự lôi cuốn vào học tập. Học trực tuyến được tổ chức đánh giá liên tục, người học phải thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên hơn so với học truyền thống. Nhờ có bài kiểm tra thường xuyên, người học tăng được sự chú tâm với học tập, tăng khả năng ghi chép và tăng khả năng ghi nhớ với nội dung học tập.
(9) Có thể tham gia thảo luận không đồng thời với các thành viên cùng lớp: Đối với thảo luận ở lớp học truyền thống, người học phải tham gia đúng địa điểm, thời gian quy định, đồng thời, phải theo nhịp độ và diễn biến của khung thời gian thảo luận nên sẽ hạn chế sự tham gia của người học vào quá trình thảo luận. Trong học trực tuyến, các hoạt động tương tác, thảo luận thực hiện trên diễn đàn và thường tương tác bằng tin nhắn. Mỗi một thành viên suy nghĩ về vấn đề thảo luận có thể cần thời gian khác nhau và khi có các ý tưởng mới sẽ sớm hoặc muộn nên họ có thể gửi bài bất cứ lúc nào trong khung thời gian thảo luận, không cần ngay tức thời hoặc đồng bộ với người khác.
(10) Kỹ năng kỹ thuật số của người học được rèn luyện và nâng cao. Người học được rèn luyện và nâng cao năng lực kỹ thuật số trên công nghệ học tập trực tuyến. Việc rèn luyện này được thực hiện trong quá trình học tập do sử dụng các công cụ tương tác trực tuyến, như: bài kiểm tra trực tuyến, hộp đựng bài tập về nhà, công cụ cộng tác, liên lạc qua email tới giảng viên và bạn cùng lớp cũng như thuyết trình video. Họ buộc phải phát triển các kỹ năng công nghệ như điều hướng các nền tảng trực tuyến, sử dụng các công cụ giao tiếp và hoàn thành bài tập trong học trực tuyến. Nhờ sự rèn luyện này, người học trở nên tự tin và đạt năng suất cao trong các hoạt động trực tuyến.
(11) Khối lượng kiến thức học tập nhiều và năng động hơn, có thể cập nhật nhanh hơn so với học truyền thống. Khi tham gia các khóa học trực tuyến kết hợp nội dung đa phương tiện sẽ học tài liệu nhiều gấp 5 lần so với người học tham gia các lớp học trực tiếp (theo IBM). Người học làm việc nhanh hơn và tiếp thu nhiều thông tin hơn, họ có thể di chuyển nhanh hơn qua các phần của khóa học mà họ quen thuộc nhưng sẽ di chuyển chậm qua các phần cần nghiên cứu kỹ hơn.
3.2. Hạn chế của học trực tuyến
Bên cạnh những điểm ưu điểm trên, học trực tuyến có những hạn chế sau:
(1) Người học có thể không tập trung cao vào màn hình. Đối với nhiều người học, thông thường khó có thể tập trung vào màn hình trong thời gian dài. Khi học trực tuyến, người học cần phải kết nối và có thiết bị kết nối mạng internet liên tục, vì vậy, người học cũng có nhiều khả năng bị phân tâm bởi các nội dung khác trên mạng xã hội hoặc các trang web chứ không phải nội dung học tập.
(2) Các khóa học trực tuyến có thể tạo ra cho người học cảm giác cô lập. Trong học tập, người học có thể học được rất nhiều điều từ việc trao đổi trực tiếp với bạn bè. Nhưng do lớp học trực tuyến, có rất ít sự tương tác giữa người học với nhau và với giáo viên. Trong các lớp học trực tuyến, người học phải học một mình nên sẽ tạo ra cảm giác bị cô lập. Park (2008) chỉ ra rằng, 22% sinh viên học trực tuyến cho biết, họ cảm thấy bị cô lập và việc duy trì khóa học là khó khăn. Rovai và Wighting (2005) cho thấy, sinh viên trong lớp học trực tuyến cảm thấy việc gắn kết giữa các thành viên trong lớp và với giảng viên bị hạn chế hơn so với sinh viên tham gia các lớp học trực tiếp. Như vậy, cảm giác cô lập có thể là rào cản đối với chất lượng giáo dục, nhất là các hoạt động giáo dục đòi hỏi sự tương tác và yêu cầu chất lượng cao.
(3) Người học phải tự tạo động lực học tập cho bản thân. Đối với khóa học trực tuyến, người học phải tự xây dựng kế hoạch học tập và tự kiểm soát kế hoạch học tập. Sẽ không có người hướng dẫn để hỗ trợ xây dựng lịch trình và hỗ trợ đôn đốc thường xuyên người học, do vậy, nếu người học không chủ động trong phát triển thói quen cá nhân để xây dựng thực hiện và bảo đảm kế hoạch hoàn thành khóa học đúng thời hạn có thể không đạt được mục tiêu về tiến độ. Do đó, với những người học không có tính chủ động cao và những người học cần sự hướng dẫn, hỗ trợ thì đây là thách thức lớn trong học trực tuyến.
(4) Quyền truy cập hạn chế vào một số chương trình và nguồn lực trong học tập. Các khóa học trực tiếp thường có quyền truy cập vào các nguồn lực như phòng thí nghiệm hoặc studio, mà với học trực tuyến không thể truy cập được. Không phải mọi chuyên ngành đều có đủ điều kiện để học trực tuyến. Chẳng hạn như các chương trình trong lĩnh vực nghệ thuật hoặc thực hành cao không thể chuyển sang dạy học trực tuyến vì không tổ chức được các hoạt động hướng dẫn và thực hành trực tuyến. Vì vậy, mức độ người học có thể chọn các lĩnh vực và ngành nghề học tập bị hạn chế.
(5) Thời gian sử dụng thiết bị dài ảnh hưởng đến sức khỏe. Người học luôn nhìn vào màn hình máy tính hay màn hình điện tử, điều này sẽ dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người học. Người học cũng có thể mắc phải các vấn đề thể chất khác do có các tư thế lệch lạc trước màn hình.
(6) Người học trực tuyến phải có các năng lực, kiến thức cơ bản về công nghệ. Để học trực tuyến thành công, người học phải có khả năng truy cập vào máy tính và mạng internet. Người học phải có các thiết bị như máy tính có tốc độ truy cập nhanh hoặc có bộ nhớ và dung lượng xử lý cao. Vì vậy, chi phí để có được các điều kiện phần cứng sẽ có thể gia tăng. Trong quá trình học tập, người học có thể gặp các sự cố về mạng kết nối bị trục trặc và gián đoạn, có thể gặp sự cố lỗi của máy chủ và những lỗi này không thể khắc phục được từ xa.
(7) Người học trực tuyến ít có cơ hội phát triển mạng lưới kết nối với bạn học. Cơ hội phát triển mạng lưới kết nối với bạn học trong toàn bộ cộng đồng trường là thấp. Vì có rất ít các hoạt động tương tác trực tuyến với toàn bộ cộng đồng của trường. Người học chỉ có cơ hội kết nối với bạn bè trong cùng nhóm thảo luận hoặc cùng diễn đàn thảo luận thông qua các công cụ trực tuyến. Như vậy, cơ hội phát triển các kết nối và hình thành các mạng lưới kết nối xã hội với các bạn học là thấp.
(8) Có thể xảy ra gian lận trong kiểm tra đánh giá trực tuyến. Trong học tập truyền thống, các kỳ kiểm tra có giảng viên hoặc giám thị giám sát trực tiếp người học nên sẽ hạn chế gian lận. Đối với học trực tuyến, việc gian lận có thể trở nên dễ dàng hơn và hành vi gian lận được thực hiện bằng cách sử dụng sự hỗ trợ của máy tính hoặc internet kiểm tra và đánh giá trực tuyến không có giám thị giám sát.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng học trực tuyến tại Việt Nam
Một là, cần có các khóa học giới thiệu về việc học trực tuyến, yêu cầu các công việc cần phải hoàn thành trong khóa học. Bên cạnh đó, cần đánh giá năng lực của người học cũng như năng lực của người dạy đáp ứng yêu cầu của đào tạo trực tuyến. Thậm chí, để vào học trực tuyến, người học cần phải hoàn thành được yêu cầu của các khóa học thì mới được chuyển sang giai đoạn học trực tuyến.
Hai là, cần có người hướng dẫn hoặc xây dựng cẩm nang hướng dẫn theo dõi đánh giá thực hiện lịch trình và có những điều chỉnh phù hợp, tạo thành thói quen hằng ngày cho người học, có như vậy mới bảo đảm đạt được các mục tiêu về lịch trình của từng khóa học cũng như toàn bộ chương trình.
Ba là, các nhà quản lý đào tạo phải đưa ra yêu cầu với các khóa học trực tuyến cần thiết kế xen kẽ các hoạt động từ học tập không gắn với màn hình và các hoạt động học tập gắn với màn hình. Yêu cầu bắt buộc là thiết kế các hình thức giao tiếp giữa người học, bạn bè và giáo viên. Điều này có thể bao gồm tương tác trên cơ sở các tin nhắn trực tuyến, email và hội nghị truyền hình… để giảm sự tập trung của người học vào màn hình, giảm cảm giác cô lập, tăng kết nối xã hội. Các nhà trường cần thường xuyên đăng các sự kiện trên bảng tin trực tuyến, cho phép người học trực tuyến xem và đăng ký các sự kiện kết nối trực tiếp và trực tuyến.
Bốn là, với những khóa học cần phải tiếp cận các nguồn lực vật chất và thiết bị hoặc là phòng thực hành thì cần thiết kế dạng hỗn hợp, phần lý thuyết sẽ được thiết kế học trực tuyến, phần thực hành sẽ thiết kế học trực tiếp tại trường và sắp xếp thời gian thích hợp với người học.
Năm là, có các quy định bắt buộc về chính sách và kế hoạch theo dõi sự chủ động trong học tập, kết quả và sự tiến bộ của người học qua từng bài học. Thiết kế chương trình và khóa học có kế hoạch đánh giá thường xuyên việc học tập của người học, theo dõi sự tiến bộ của người học.
Sáu là, thúc đẩy hoạt động học tập tương tác với người dạy, và tương tác thường xuyên với người học chính là cách tốt nhất để các thầy cô truyền tải thông tin bài giảng. Trong tương tác, yêu cầu các hoạt động như tranh luận, làm việc nhóm, nghiên cứu tình huống, đóng vai và thuyết trình để giúp người học có các kỹ năng khác ngoài kiến thức trên lớp. Có như vậy, không chỉ khiến bài giảng trở nên thú vị hơn mà còn thúc đẩy sự tương tác, tự học, tự tìm tòi và tham gia với các hoạt động học tập của nhóm.
Bảy là, để khắc phục các hạn chế về năng lực công nghệ, cần đưa ra các hướng dẫn chi tiết về việc học hỏi và xây dựng năng lực công nghệ của người học. Đồng thời, hoạt động hỗ trợ cá nhân phải luôn sẵn sàng 24/7 với mọi phương thức khác nhau, như: qua điện thoại, email hoặc các tin nhắn trên các nền tảng tương tác của học trực tuyến.
5. Kết luận
Học trực tuyến có thể là một lựa chọn hữu ích và thuận tiện cho người học, mang lại sự linh hoạt, khả năng tiếp cận nhiều khóa học hơn và cơ hội phát triển các kỹ năng công nghệ. Sự chuyển đổi từ học truyền thống sang trực tuyến là một hành trình biến đổi đòi hỏi một nền văn hóa có khả năng thích ứng, đổi mới và hợp tác. Có như vậy mới có thể xây dựng được một nền giáo dục trong tương lai là không có biên giới và có thể trở thành một phần quan trọng cho tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Baker R, Papp R. (2003). Academic integrity violation in the digital realm. In: Proceeding from the Southern Association for Information Systems, Annual Conference. Savannah, GA. 2003.
2. Dendir S, Maxwell RS. (2020). Cheating in online courses: Evidence from online proctoring. Computers in Human Behavior Reports. 2020;2. DOI: 10.1016/j.chbr.2020.100033.
3. Kamlesh Dhull & **Er. Hardik Dhull (2022). Advantages and Disadvantages of Online Learning, Bhartiyam International Journal Of Education & Research, A quarterly peer reviewed International Journal of Research & Education, Volume 11, Issue II, March 2022, ISSN: 2277 – 1255.
4. Link TM, Marz R. (2006). Computer literacy and attitudes towards e-learning among first-year medical students. BMC Medical Education. 2006; 6:34. DOI: 10.1186/1472-620-6-34.
5. Naseer, Sabila & Perveen, Hafiza. (2023). Perspective Chapter: Advantages and Disadvantages of Online Learning Courses. 10.5772/intechopen.1001343.
6. Park C. (2008) The Taught Postgraduate Student Experience: Overview of a Higher Education. 2008.
7. Rovai AP, Wighting MJ, Liu J. (2005). School climate: A sense of classroom and school communities in online and on-campus higher education courses. The Quarterly Review of Distance Education. 2005;6 (4): 361 – 374.
8. Wong ASK. (2021). Prolonged screen exposure during Covid-19 – The brain development and well-being concerns of the younger generation. Public Health. 2021;9:700401. DOI: 19.3389/fpubh.2021.700401
9. Zounek, Jiří & Sudický, Petr. (2013). Heads in the Cloud: Pros and Cons of Online Learning, June 2013, Conference: International Conference, New technologies and media literacy education, Prague.