Tác động của yếu tố định hướng môi trường và mô hình quản lý chuỗi cung ứng xanh đối với hiệu suất bền vững của doanh nghiệp

ThS. Nguyễn Thị Kim Tín
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai
ThS. Lại Doãn Anh Tuấn
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh

ThS. Phạm Phị Mộng Hằng
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu mối quan hệ cấu trúc giữa các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng xanh, định hướng môi trường và hiệu suất bền vững của doanh nghiệp. Bằng cách cung cấp bằng chứng thực nghiệm từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, kết quả cho thấyđịnh hướng môi trường có tác động tích cực đến hiệu suất bền vững của doanh nghiệp. Ngoài ra, định hướng môi trường và hiệu suất bền vững được điều chỉnh bởi việc áp dụng các biện pháp quản lý chuỗi cung ứng xanh. Nghiên cứu giúp làm sáng tỏ mối quan hệ, tác động của ba yếu tố này.

Từ khóa: Định hướng môi trường; quản lý chuỗi cung ứng xanh; hiệu suất bền vững của doanh nghiệp; tác động; doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Những lo ngại về biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường đang mở rộng trên quy mô toàn cầu, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tăng cường hiểu biết và thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu đáng kể những hậu quả về môi trường1. Vì vậy, doanh nghiệp đang từng bước áp dụng các quan điểm và thực tiễn với mục tiêu giải quyết những vấn đề về môi trường và đồng thời mang lại lợi ích kinh tế2

Ngày nay, một vài nghiên cứu cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của định hướng môi trường (Environmental orientation – EO) đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp3. EO đóng vai trò quan trọng như một yếu tố kích thích giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về giá trị kinh tế, môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mô hình quản lý chuỗi cung ứng xanh (Green supply chain management – GSCM) có tác động mang tính xây dựng đối với hiệu suất tổng thể của các doanh nghiệp về các khía cạnh xã hội và tài chính4.

Bài viết nghiên cứu từ những dữ liệu định lượng nhằm tăng cường sự nhận thức về bản chất của EO và hiệu suất bền vững (Sustainability performance – SP) của doanh nghiệp; khám phá tác động trực tiếp của EO lên SP và đề xuất giả thuyết rằng EO hoạt động như một nguồn lực chiến lược để tăng cường tính bền vững thông qua tính hợp pháp và lợi thế cạnh tranh. Nghiên cứu cũng luận điểm rằng,hiệu quả của EO phụ thuộc vào việc thể hiện tính tích cực của nó thông qua thực tiễn áp dụng GSCM tập trung vào tính bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết

Quan điểm dựa trên tài nguyên thiên nhiên của doanh nghiệp cung cấp nền tảng lý thuyết EO ảnh hưởng đến SP5, theo đó khẳng định doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách định hướng và áp dụng chiến lược để giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường tự nhiên. Nghiên cứu này cho rằng, áp dụng các quan điểm và thực tiễn tập trung vào môi trường sẽ mang lại lợi ích cả về tài chính và môi trường cho các doanh nghiệp. Do đó, việc tập trung vào EO sẽ định hướng doanh nghiệp phát triển những khả năng bền vững và chiến lược cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm, biến đổi khí hậu, thiếu nước và bền vững môi trường.

2.1. Định hướng môi trường

EO từ lâu đã được xem là một nguyên tắc quan trọng để hướng dẫn thực hành kinh doanh xanh và được coi là khái niệm then chốt trong lý thuyết quản lý môi trường. Theo Banerjee (2002)6, EO thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, phản ánh việc công nhận tác động của doanh nghiệp lên môi trường sinh thái và khả năng giảm thiểu tác động đó xuống mức tối thiểu. EO theo bản chất là giá trị và văn hóa mà tổ chức hướng tới để quản lý một cách thân thiện với môi trường. EO cung cấp cho các doanh nghiệp khả năng thích ứng với sự biến đổi của thị trường và môi trường, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh và sinh lợi.

2.2. Hiệu suất bền vững

SP của tổ chức liên quan đến việc tạo ra các hệ thống kinh doanh bên trong và bên ngoài tổ chức, tập trung vào việc xem xét bối cảnh kinh tế, môi trường và xã hội tích hợp của hoạt động trong cả ngắn hạn và dài hạn, trong các giới hạn do tự nhiên và xã hội đặt ra7. SP chịu ảnh hưởng từ việc thiếu kiến thức, thành phần hội đồng quản trị, văn hóa tổ chức, tài nguyên và chiến lược, hướng dẫn từ chính phủ, xu hướng thị trường và cạnh tranh8.

2.3. Quản lý chuỗi cung ứng xanh

Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp tư duy môi trường thông qua GSCM9. Tích hợp các yếu tố xanh vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm xử lý tác động và tương quan giữa quản lý chuỗi cung ứng và môi trường tự nhiên. Ý tưởng chính của GSCM tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường bằng cách thực hiện một loạt chiến lược trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các sáng kiến xanh không chỉ mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng xanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh. Nếu không có chúng, doanh nghiệp có thể gặp ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế cạnh tranh và tài chính của mình.

3. Mô hình và phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Mô hình mô phỏng mối quan hệ giữa EO và GSCM cũng như tác động đến SP:

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Để kiểm tra các mối quan hệ của giả thuyết, nghiên cứu sử dụng dữ liệu định lượng được thu thập từ các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong tỉnh Đồng Nai. Tác giả thu thập dữ liệu bằng cách gửi bảng câu hỏi khảo sát đến ban quản lý của 285 doanh nghiệp. Cuối cùng, tổng cộng 215 câu trả lời hợp lệ đã được sử dụng để kiểm tra các mối quan hệ trên. Số liệu được thực hiện phân tích qua nhiều giai đoạn bằng phần mềm SPSS và SmartPLS. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 04/2024

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Đo lường các biến

Các thước đo trong nghiên cứu này đã được điều chỉnh từ các nghiên cứu hiện có và được đo lường trên thang đo Likert năm điểm, với mức điểm từ 1 (rất không đồng ý) đến 5 (rất đồng ý). Tất cả các thước đo về các biến nghiên cứu được sử dụng trong bảng câu hỏi và mức độ phù hợp của mô hình được trình bày trong Bảng 1 dưới đây.

4.2. Phân tích độ tin cậy và độ giá trị

Nghiên cứu sử dụng phân tích nhân tố khẳng định (CFA) để kiểm tra độ giá trị và hệ số Cronbach alpha (α), độ tin cậy tổng hợp (CR) để kiểm tra độ tin cậy của các cấu trúc. Bảng 1 cũng trình bày kết quả phân tích nhân tố khẳng định (CFA) thể hiện hệ số tải nhân tố, phương sai trích trung bình (AVE), hệ số CR và Cronbach’s Alpha. Sau khi loại bỏ biến SP5, SP6, các chỉ số phù hợp với mô hình là χ2 = 163,819, NFI = 0,937 (>0,9), SRMR = 0,072 (<0,08) cho thấy mô hình có thể chấp nhận được. Tất cả các hệ số tải trên các cấu trúc đều lớn hơn 0,7 và có ý nghĩa ở mức p < 0,05 cho thấy giá trị hội tụ của các cấu trúc13. Hệ số CR và Cronbach’s Alpha chứng minh độ tin cậy của các thước đo được sử dụng trong nghiên cứu, tất cả các giá trị đều lớn hơn ngưỡng chấp nhận được là 0,7. Bảng 2 cung cấp bằng chứng về mối tương quan chặt chẽ giữa các biến quan trọng của nghiên cứu:

4.3. Phương sai phương pháp chung

Hiện tượng phương sai phương pháp chung xảy ra khi một yếu tố chung liên quan đến phương pháp đo lường ảnh hưởng đến các đánh giá khác nhau. Trong nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phân tích Harman’s one-factor, một thủ tục Post Hoc nhằm kiểm tra xem có một yếu tố duy nhất có đóng góp vào sự khác biệt trong dữ liệu hay không14. Kết quả kiểm tra phương sai của thành phần đầu tiên bằng 48,881 <50% nên không có phương sai phương pháp chung.

4.4. Đánh giá mô hình cấu trúc

Trong mô hình cấu trúc, cả mối quan hệ nhân quả và mô hình đo lường được đánh giá đồng thời và kết quả cho thấy tất cả các chỉ số đều đạt yêu cầu: SRMR= 0,072 < 0,1; GoF=0.48 > 0,36 được coi là lớn15. Tất cả các giả thuyết được hỗ trợ bởi dữ liệu ở mức ý nghĩa p < 0,05. Kết quả này xác nhận rằng mô hình cấu trúc là phù hợp với khả năng dự báo cao.

Kết quả thực nghiệm cho thấy EO có ảnh hưởng đáng kể đến GSCM (β=0,471; p=0,000) và SP (β=0,428; p=000). GSCM có ảnh hưởng đến SP (β=0,355, p=0,000). Do đó, các giả thuyết H1, H2 đã được chứng minh là hoàn toàn phù hợp.

4.5. Phân tích vai trò trung gian

Để kiểm tra giả thuyết nghiên cứu H3, thực hiện phân tích vai trò trung gian. Kết quả cho thấy EO có tác động đáng kể đến SP (β = 0,596; t = 13,694; p < 0,001). Nghiên cứu này cho thấy tác động gián tiếp đáng kể của EO đến SP thông qua vai trò trung gian của GSCM. Do đó, có sự tác động đáng kể của GSCM trong mối quan hệ giữa EO và SP.

5. Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu này tập trung khám phá mối quan hệ giữa thực tiễn EO, GSCM và SP trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, cũng nghiên cứu cách thức mà mối quan hệ giữa EO và SP được điều chỉnh bởi các hoạt động GSCM. Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập thông qua cuộc khảo sát với sự tham gia của 215 doanh nghiệp. Nghiên cứu nhấn mạnh sự quan trọng của EO như một nguồn lực chiến lược thúc đẩy SP của doanh nghiệp. Những kết quả này đóng góp vào quản lý môi trường và tài liệu thực hành GSCM. Sự áp dụng các thực tiễn như vậy cho phép giảm chi phí, tái chế tài nguyên và sản xuất theo cách thân thiện với môi trường, từ đó cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng cường quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cụ thể của các doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu này đã khảo sát phát triển kinh tế bền vững ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung, trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đối mặt với những thách thức môi trường ngày càng nghiêm trọng. Qua phân tích, đánh giá mối quan hệ phức tạp giữa EO, GSCM và SP đã đóng góp những hiểu biết sâu sắc và có giá trị, giúp mở rộng ranh giới của nghiên cứu về tính bền vững. Kết quả của nghiên cứu mang ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động bền vững. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của EO trong hướng dẫn việc áp dụng các thực hành GSCM và khi được quản lý hiệu quả, có thể dẫn đến cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường. Việc tập trung vào môi trường và quan tâm đến hoạt động quản lý chuỗi cung ứng xanh có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu suất bền vững.

Một là, doanh nghiệp nên đầu tư vào việc phối hợp các hoạt động giáo dục và đào tạo để tăng cường nhận thức và hiểu biết của nhân viên về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, có thể bao gồm: tổ chức các buổi hội thảo, khóa đào tạo, và chia sẻ thông tin về các vấn đề môi trường.

Hai là, doanh nghiệp nên xây dựng văn hóa và giá trị cốt lõi xoay quanh việc bảo vệ môi trường. Điều này có thể thực hiện hiện qua việc đưa ra các chính sách, quy định và quy trình liên quan đến bảo vệ môi trường, cũng như khuyến khích nhân viên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ba là, doanh nghiệp có thể tạo ra các chương trình và hoạt động thực tế để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, như: tổ chức các hoạt động nhằm tiết kiệm, giảm thiểu sử dụng giấy, vật liệu nhựa;tái chế và tái sử dụng tài nguyên; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm khí thải nhà kính…

Bốn là, các doanh nghiệp cần tăng hợp tác với các bên liên quan, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và các nhà cung cấp để cùng nhau cải thiện môi trường. Qua việc chia sẻ nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm, các bên có thể tạo ra các giải pháp hiệu quả hơn để giảm tác động môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Pu, G., Wong, W.K., Du, Q., Shraah, A.A., Alromaihi, A. & Muda, I., Asymmetric impact of natural resources, fintech, and digital banking on climate change and environmental sustainability in BRICS countries, Resources Policy, Volume 91, 104872, https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2024.104872.
2. Yuan, X., Wang, J., Song, Q. & Xu, Z. (2024). Integrated assessment of economic benefits and environmental impact in waste glass closed-loop recycling for promoting glass circularity, Journal of Cleaner Production, Volume 444, 141155, https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2024.141155; Zollo, M., Cennamo, C. & Neumann, K. (2013). Beyond what and why: understanding organizational evolution towards sustainable enterprise models, Organization & Environment, Volume 26, Issue 3, Pp. 241 – 259, https://doi.org/10.1177/10860266134964.
3. Liu, W., Zhang, J., Ji, M. & Luo, Y. (2024). Investigating the link between green finance, environmental orientation, and carbon neutrality: A panel study of the metal extraction sector, Resources Policy,  Volume 89, 104550, https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2023.104550.
4.  Huang, X., Ullah, M., Wang, L., Ullah, F. & Khan, R. (2024). Green supply chain management practices and triple bottom line performance: Insights from an emerging economy with a mediating and moderating model, Journal of Environmental Management, Volume 357, 120575, https://doi.org/10.1016/j.jenvman.2024.120575.
5. Hart, S.L. (1995). A Natural-Resource-Based View of the Firm, The Academy of Management Review, Vol. 20, No. 4, pp. 986-1014, https://doi.org/10.2307/258963.
6. Banerjee, S.B. (2002). Corporate environmentalism: The construct and its measurement, Journal of Business Research, 55 (3), pp. 177-191, DOI: 10.1016/S0148-2963(00)00135-1.
7. Searcy, C. (2016). Measuring enterprise sustainability, Business Strategy and the Environment, 25 (2), pp. 120-133,  https://doi.org/10.1002/bse.1861.
8. Lăzăroiu, G., Ionescu, L., Andronie, M. & Dijmărescu, I. (2020). Sustainability management and performance in the urban corporate economy: a systematic literature review, Sustainability (Switzerland), Volume 12, Issue 18, pp. 7705, DOI: 10.3390/su12187705.
9. Srivastava, S.K. (2007). Green supply ‐ chain management: a state‐of‐the‐art literature review, International, Journal of Management Reviews, Vol. 9, No. 1, p. 53-80, https://doi.org/10.1111/j.1468-2370.2007.00202.x.
10. Chan, R.Y.K., He, H., Chan, H.K. & Wang, W.Y.C. (2012). Environmental orientation and corporate performance: the mediation mechanism of green supply chain management and moderating effect of competitive intensity, Industrial Marketing Management, 41 (4), pp. 621-630, https://doi.org/10.1016/j.indmarman.2012.04.009.
11. Zhu, Q., Sarkis, J. & Geng, Y. (2005). Green supply chain management in China: pressures, practices and performance, International Journal of Operations & Production Management, 25 (5), pp. 449-468, DOI: 10.1108/01443570510593148./
12. Zhou, C., Xia, W., Feng, T., Jiang, J. & He, Q. (2020). How environmental orientation influences firm performance: the missing link of green supply chain integration, Sustainable Development, 28 (4), pp. 685-696,  https://doi.org/10.1002/sd.2019; Zhu, Q. &amp; Sarkis, J. (2007). The moderating effects of institutional pressures on emergent green supply chain practices and performance, International Journal of Production Research, 45 (18–19), pp. 4333-4355, https://doi.org/10.1080/00207540701440345.
13. Fornell, C. & Larcker, D.F. (1981). Evaluating structural equation models with unobservable variables and measurement error, Journal of Marketing Research, 18 (1), pp. 39-50, https://doi.org/10.1177/00222437810180010.
14. Change, S., Witteloostuijn, A. V, & Eden, L. (2010). From the editors: Common method variance in international research, Journal of International Business Studies, 41(2), 178–184.
15. Vinzi, V.E., Trinchera, L. & Amato, S. (2010). PLS Path Modeling: From Foundations to Recent Developments and Open Issues for Model Assessment and Improvement. Handbook of Partial Least Squares, pp.47-82. DOI:10.1007/978-3-540-32827-8_3.
Tài liệu tham khảo:
1. Mối liên hệ cấu trúc giữa mục tiêu phát triển bền vững, hợp tác chuỗi cung ứng và lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 09/5/2024.
2. Phát triển kinh tế xanh – bước đi bền vững cho sự phát triển của các quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 01/07/2021.