Xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Lê Thị Hoài Thương
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn chưa tương xứng, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển của một đô thị đặc biệt. Nhằm tạo động lực cho địa phương phát triển, hoàn thành tốt những mục tiêu đã đặt ra, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức được bảo đảm về số lượng, có chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công tác theo từng đặc điểm, tính phức tạp của từng địa phương và của trung tâm đô thị lớn của đất nước.

Từ khóa: Cơ cấu; đội ngũ cán bộ; công chức cấp xã; quy mô dân số; đặc trưng kinh tế và xã hội; xây dựng chính quyền đô thị.

1. Đặt vấn đề

Tổ chức chính quyền đô thị theo cấu trúc và mô hình hợp lý là cần thiết để phục vụ cho phát triển địa phương. Việc tổ chức, sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý cũng như nhân sự tại các xã, phường, thị trấn đông dân phù hợp với đặc thù địa bàn là yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước của chính quyền đô thị. TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước, theo kết quả điều tra Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 mật độ dân số của Thành phố là 4.292 người/km2 (tăng gần 26% so với năm 2009)1 và cũng là Thành phố có quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế – xã hội lớn nhất cả nước. Trong quá trình phát triển, Thành phố cần tổ chức một bộ máy chính quyền cơ sở hiện đại, hiệu lực, hiệu quả với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức được bảo đảm về số lượng, có chuyên môn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công tác theo từng đặc điểm, tính phức tạp của từng địa phương cấu thành trong đó. 

2. Sự cần thiết phải tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số, đặc trưng hoạt động kinh tế và xã hội trên địa bàn tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, từ yêu cầu thực tế phát triển của địa phương.

TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 10 triệu dân (trong đó có có hơn 2 triệu người vãng lai, tạm trú); là nơi tập trung đông lực lượng trí thức, các nhà khoa học với hơn 213.726 doanh nghiệp, hơn 2.950.000 lao động2. Đặc biệt, gia tăng dân số cơ học cao ở một số quận, huyện đang đô thị hóa xuất hiện nhiều phường, xã của Thành phố có quy mô dân số từ 30.000 dân trở lên. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù cho Thành phố, như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh; Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004; Nghị định số 48/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với TP. Hồ Chí Minh, cùng với nhiều lợi thế sẵn có như cơ cấu kinh tế hiện đại, lực lượng lao động quy mô lớn và chất lượng cao, trung tâm tài chính lớn nhất của cả nước, tốc độ phát triển nhanh mạnh của lực lượng doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Thành phố vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cần xem xét đánh giá là cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn chưa tương xứng, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển của một đô thị đặc biệt.

Thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước đặt ra yêu cầu các quyết định quản lý hành chính của chính quyền Thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác, kịp thời, đồng bộ, hạn chế được cấp trung gian. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố có tính chất liên thông, liên kết và phát triển mở rộng giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn với các vùng, miền khác của đất nước. Do đó, yêu cầu cấp thiết cần có một đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đủ năng lực đáp ứng, đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

Thứ hai, từ tác động của quá trình đô thị hóa cao.

Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: dân số (từ 15.000 người trở lên đối với phường thuộc quận; 8.000 người trở lên đối với xã thuộc huyện); diện tích (5,5km2 đối với phường thuộc quận; 30 km2 đối với xã thuộc huyện); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị nhưng không quy định định mức tiêu chí phường, xã, thị trấn đông dân. Thành phố hiện có 21 quận, huyện; 312 phường, xã, thị trấn và Thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện có 117/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên (cao hơn gấp 2 lần với quy định về quy mô dân số theo tiêu chuẩn của phường là 15.000 dân trở lên của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính). Đặc biệt, có những phường, xã có số dân gần 100.000 người, như: phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (dân số 101.452 người; diện tích 6,46 km2), phường Hiệp Thành, Quận 12 (dân số 103.832 người; diện tích 5,42 km2); phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (dân số 124.000 người; diện tích 4,65 km2), phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (dân số 98.773 người; diện tích 4,65 km2); xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (dân số 106.156; diện tích 1372km2) xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (dân số 164.267 người; diện tích19,66 km2), xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (dân số122.142 người; diện tích 17,44 km2)3. Theo đó, đối với những phường, xã, thị trấn đông dân đang có tốc độ đô thị hóa cao, địa hình phức tạp cũng là áp lực tác động đến công tác quản lý nhà nước về: quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, an sinh xã hội, phục vụ Nhân dân sinh sống trên địa bàn. Do đó, cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức công tác tại phường, xã, thị trấn, đặc biệt là đối với phường, xã, thị trấn đông dân, góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Thứ ba, từ thực tiễn hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã và sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cấp cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với tỷ lệ tăng dân số cơ học hằng năm của Thành phố tăng cao thì áp lực khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở công ngày càng tăng cao. Kết quả năm 2023 mặc dù Thành phố đã vươn lên 7 bậc so với năm 2022 (từ 42/63 tỉnh thành lên 36/63)6 song Thành phố có chỉ số thấp hơn mức chỉ số PAPI trung bình của cả nước. Điều này cho thấy người dân tại Thành phố chưa thật sự hài lòng với hiệu quả quản trị hành chính của địa phương. 

Những năm gần đây, khi thực hiện phân bổ số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 11/7/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, theo đó, từ ngày 01/01/2021 số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính, cụ thể: phường loại 1: tối đa 23 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách; phường loại 2: tối đa 21 cán bộ, công chức và 12 người hoạt động không chuyên trách; phường loại 3 tối đa: 19 cán bộ, công chức và 10 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Quá trình áp dụng thực tế, Thành phố đã phát sinh những vướng mắc, khó khăn do số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn được phân bổ theo theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, sau đại dịch bệnh Covid-19, đã có hiện tượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn xin nghỉ việc do áp lực công việc tăng cao, chế độ, chính sách chưa phù hợp, tác động đến tâm lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Có thể thấy, việc phân bổ số lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở theo đơn vị hành chính là chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn theo tiêu chí đông dân, quy mô phát triển kinh tế – xã hội là phù hợp với đặc điểm, tình hình hiện tại của Thành phố.

Thứ tư, nhằm tiếp tục phát huy những cơ chế, chính sách đặc thù đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh.

Để TP. Hồ Chí Minh phát triển, Đảng, Chính phủ đã có nghị quyết, cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, gần đây nhất ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển TP. Hồ Chí Minh. Tại khoản 5, Điều 9 Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép HĐND Thành phố có thẩm quyền ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn dựa theo “Căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy”.

3. Thực hiện tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số, đặc trưng hoạt động kinh tế và xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Để thể chế hóa khoản 5, Điều 9 Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 14/3/2024  Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND về quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Theo đó, đã xác định rõ về cơ cấu, định mức số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã và người hoạt động theo chuyên trách phải dựa tiêu chí đơn vị hành chính là phường thực hiện theo tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội; hoặc đơn vị hành chính cấp xã phân được loại 1, 2, 3. Tăng thêm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dựa trên các tiêu chí quy mô dân số và hoạt động kinh tế, đặc điểm địa bàn đối với từng phường, xã, thị trấn thuộc Thành phố. Thực hiện chính sách trên, nhân sự làm việc tại phường, xã, thị trấn tại Thành phố sẽ tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh như sau: (1) Đối với 80 phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 gồm: cán bộ làm việc tại phường là 480 người; biên chế công chức hành chính làm việc tại phường là 1.200 người và người hoạt động không chuyên trách là 1.052 người; (2) Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 đối với 169 phường tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, gồm: cán bộ làm việc tại phường là 1.037 người; biên chế công chức hành chính làm việc tại phường là 2.765 người và người hoạt động không chuyên trách là 3.345 người. Trong đó, giao bổ sung 230 biên chế công chức hành chính làm việc tại phường năm 2024 cụ thể: 39 phó chủ tịch UBND phường tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 98/2023/QH15 và 191 biên chế công chức hành chính làm việc tại phường tăng thêm theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn; (3) Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026 đối với 63 xã, thị trấn thuộc 5 huyện gồm: cán bộ làm việc tại xã, thị trấn là 705 người; công chức làm việc tại xã, thị trấn là 805 người và người hoạt động không chuyên trách là 1.235 người. Trong đó, giao bổ sung 12 phó chủ tịch UBND dân xã, thị trấn tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết số 98/2023/QH15 và 57 công chức làm việc tại xã, thị trấn tăng thêm theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn7.

4. Một số định hướng nhằm tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy mô dân số, đặc trưng hoạt động kinh tế và xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Một là, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá, xác định các tiêu chí của phường, xã, thị trấn đông dân trên địa bàn Thành phố.

Theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định tiêu chuẩn tối thiểu về dân số (từ 15.000 người trở lên đối với phường thuộc quận; 8.000 người trở lên đối với xã thuộc huyện); diện tích (5.5km2 đối với phường thuộc quận; 30km2 đối với xã thuộc huyện); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Do đó:

(1) Đối với các phường, xã, thị trấn của Thành phố có dân số trên 100.000 dân trở lên và diện tích trên 5.5km2, Thành phố cần đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện chia tách đối với những phường, xã, thị trấn đáp ứng đủ các điều kiện và có địa bàn trọng điểm phức tạp.

(2) Tại cơ sở nhất thiết phải hoàn thiện được tiêu chí đánh giá tính phức tạp của từng loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn đông dân để việc cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân.

(3) Trên cơ sở các tiêu chí thành phần được pháp luật quy định như: dân số; diện tích; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định về phân loại đơn vị hành chính. Thành phố cần bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể nhằm xác định, đánh giá phân loại từng nhóm phường, xã, thị trấn theo đặc điểm dân số, mật độ dân cư, tốc độ đô thị, mức độ phức tạp trong tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự. Các tiêu chí cụ thể này cần bám sát theo từng quy mô phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương.

Hai là, Thành phố cần có chiến lược về công tác cán bộ tại địa phương đông dân như chú trọng cả yếu tố số lượng và chất lượng cán bộ, công chức 

Để bảo đảm về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, ngay từ khâu tuyển dụng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân cần tính đến và cân nhắc, xem xét đặc thù cơ cấu tuổi của đội ngũ cán bộ, công chức hiện tại nhằm xây dựng kế hoạch bổ sung lực lượng đội ngũ cán bộ, công chức tương lai trong 10 năm – 20 năm tiếp theo, cân bằng về giới trong công tác cán bộ ưu tiên tuyển dụng nữ giới vào các vị trí cán bộ, công chức cơ sở tại phường, xã, thị trấn đông dân hiện tại Thành phố đang mất cân đối lớn về nam và nữ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó Thành phố cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện bố trí điều động, biệt phái, luân chuyển cán bộ, công chức cấp huyện về nhận công tác tại phường, xã, thị trấn; cán bộ, công chức của khối đảng, đoàn thể sang chính quyền hoặc giữa quận – phường, bảo đảm việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được thống nhất, nhất quán và đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. 

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, trên cơ sở những tiêu chuẩn chuẩn hóa đối với từng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại địa phương, Thành phố cần có chiến lược đào tạo và đào tạo lại trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện tại phường, xã, thị trấn đông dân tại Thành phố còn hạn chế về trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong tham mưu, giải quyết các hoạt động quản lý nhà nước tại cơ sở. Đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ.

Ba là, xây dựng phương án cơ cấu, phân bổ, bố trí số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phù hợp với từng đặc điểm tình hình của từng địa phương dựa trên các tiêu chí đã đánh giá, xác định theo quy mô từng nhóm phường, xã, thị trấn đông dân trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở quy định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, đối với phường, xã, thị trấn có từ 30.000 dân trở lên được bố trí tăng thêm số lượng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo tính chất phức tạp của địa phương. 

Xây dựng cơ chế cho UBND quận, huyện có xã, thị trấn đông dân có thể ký hợp động làm nhiệm vụ trong cơ quan hành chính từ nguồn kinh phí địa phương tiết kiệm. 

Đề xuất Chính phủ ủy quyền cho phép Thành phố được thực hiện bố trí số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn theo từng chức danh, đáp ứng nhu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã, thị trấn theo tiêu chí đông dân, phù hợp quy mô phát triển kinh tế – xã hội không những phù hợp với đặc điểm, tình hình hiện tại của Thành phố, đây đồng thời là một trong những nhiệm vụ có tính chất quan trọng của tiến trình hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đủ năng lực đáp ứng, đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Chú thích: 
1. Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ngày 01/4/2019.
2. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. Thống kê dân số và lao động năm 2022, Niên giám Thống kê năm 2022.
3. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. Thống kê doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở kinh tế cá thể TP. Hồ Chí Minh, Niên giám Thống kê năm 2022.
4, 5, 6. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2020, 2021, 2022, 2023. Báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), CECODES, RTA & UNDP (2021, 2022, 2023, 2024).
7. Thông qua nghị quyết về giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP. Hồ Chí Minh, https://preview.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thong-qua-nghi-quyet-ve-giao-so-luong-can-bo-cong-chuc-nguoi-hoat-dong-khong-chuyen-trach-tai-phuo-1491920293, ngày 14/3/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. 
2. Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh; Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004; Nghị định số 48/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với TP. Hồ Chí Minh.
3. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
4. Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 11/7/2020 về quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 21/01/ 2021 của quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
6. Báo cáo Chỉ số PAPI các năm 2020, 2021, 2022, 2023 của TP. Hồ Chí Minh. http://www.papi.org.vn.
7. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 27/7/2021.
8. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong bối cảnh mới. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 13/7/2023.
9. Hoàn thiện chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở vùng Đông Nam Bộ đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo định hướng hiện đại. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 26/12/2023.