PGS.TS. Lương Thanh Cường
Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện đào tạo các trình độ giáo dục đại học từ năm 1996 đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia đã góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Nhà nước và xã hội, khẳng định năng lực, thương hiệu của Học viện. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học, Học viện cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến chương trình, giáo trình, học liệu, đội ngũ giảng viên, kiểm tra, đánh giá… trong đó, xác định trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức đào tạo.
Từ khóa: Chất lượng đào tạo; phương thức đào tạo; giáo dục đại học; sau đại học; Học viện Hành chính Quốc gia.
1. Một số kết quả đạt được trong đào tạo giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia
Là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia được pháp luật trao cho sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực thông qua hoạt động đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1996 với việc đào tạo cử nhân hành chính học. Qua quá trình phát triển, đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia đang tổ chức đào tạo 14 ngành trình độ đại học (xem Bảng 1 cuối bài); 7 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ (xem Bảng 2 cuối bài); 1 ngành tiến sỹ (Quản lý công – mã số 9340403 – từ năm 2002).
Tính riêng từ năm 2016 – 2023, Học viện đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 44.000 sinh viên các ngành, gần 5.000 học viên cao học các ngành và gần 200 nghiên cứu sinh1. Năm 2024, Học viện tuyển sinh trong phạm vi cả nước với dự kiến 4.700 sinh viên, 800 học viên cao học, 50 nghiên cứu sinh.
Sau khi tốt nghiệp, nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ do Học viện đào tạo đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng và đang đảm nhiệm những vị trí việc làm/đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đối với đào tạo trình độ đại học, khảo sát của Học viện về sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ sinh viên Học viện ở nhiều ngành có việc làm tương đối cao (xem Bảng 3, 4 cuối bài).
Để có được kết quả trong đào tạo các trình độ giáo dục đại học, Học viện đã và đang duy trì, quản lý, sử dụng có hiệu quả các điều kiện bảo đảm chất lượng chính, như: (1) 526 giảng viên cơ hữu (gồm 24 phó giáo sư, 199 tiến sỹ, 293 thạc sỹ)/1.004 viên chức, người lao động của Học viện; (2) Hệ thống cơ sở nhà, đất tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, số chỗ ở ký túc xá sinh viên là 3.084 chỗ (chủ yếu tại Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh); (3) Thư viện tại Hà Nội và các Phân hiệu; (4) Hệ thống chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo phục đào tạo; (5) Nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng (hiện tại, các nhà khoa học của Học viện đang triển khai 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; 15 nghiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ; 50 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở; 130 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; 67 hội thảo, tọa đàm cấp Học viện, cấp Khoa)… (6) Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng viên, trao đổi học thuật, sinh viên với hơn 50 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (chủ yếu thuộc khối G20).
Những số liệu trên minh chứng và thể hiện chất lượng đào tạo giáo dục đại học của Học viện ngày được bảo đảm, từng bước tiệm cận và đáp ứng nhu cầu của Nhà nước và xã hội; đồng thời, thể hiện năng lực, thương hiệu của Học viện.
2. Một số vấn đề đặt ra trong chất lượng đào tạo giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia
Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo giáo dục đại học của Học viện còn có không ít những vấn đề đặt ra, đó là:
Thứ nhất, chương trình đào tạo mặc dù được rà soát, cập nhật định kỳ, song tính dự báo của chuẩn đầu ra của chương trình chưa theo kịp sự vận động, phát triển của thực tế. Điều này dẫn đến một số học phần chưa phục vụ trực tiếp cho việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học. Kết cấu chương trình đào tạo chưa thực sự logic, hợp lý; các học phần được chia nhỏ (đại đa số thiết kế 2 tín chỉ/ học phần – kể cả chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ) tạo ra tính toàn diện cho chương trình, song dẫn đến vừa dàn trải kiến thức, vừa làm tăng độ trùng lặp về nội dung ngay trong chương trình đào tạo của một ngành.
Thứ hai, hệ thống học liệu còn mỏng. Bình quân, hằng năm, Học viện tổ chức biên soạn 60 – 70 giáo trình, sách chuyên khảo, tập bài giảng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giảng viên, người học. Tuy nhiên, so với nhu cầu của việc đào tạo 14 ngành trình độ đại học, 7 ngành trình độ thạc sỹ, 1 ngành trình độ tiến sỹ thì mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 60% nhu cầu. Việc bổ sung học liệu từ nguồn là giáo trình của các cơ sở đào tạo khác chưa hỗ trợ được việc thiếu hụt nhu cầu này; các sách, tài liệu bằng tiếng nước ngoài còn ít, mức độ quan tâm khai thác thấp trong quá trình giảng dạy, học tập.
Thứ ba, phương pháp giảng dạy chủ yếu là thuyết trình, thiếu tính gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiến thức và kỹ năng; công nghệ giảng dạy thủ công, thiếu tính hiện đại, chưa thu hút được người học; thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.
Thứ tư, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, của học phần chưa được bám sát trong quá trình biên soạn và triển khai bài giảng. Không ít sinh viên, học viên cao học ở trạng thái thụ động tiếp nhận thông tin từ giảng viên, thiếu chủ động và tự chủ, sáng tạo trong tự học tập, nghiên cứu; học tập ở trạng thái đối phó.
Thứ năm, nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn nặng về học thuộc; mức độ phân hóa còn thấp; chưa thể hiện là một trong những công cụ để đánh giá mức độ đạt được so với mục tiêu của chương trình đào tạo, của học phần, cũng như mức độ kiến thức, kỹ năng người học có được so với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, của học phần.
3. Giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia
Để góp phần tiếp tục bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xác định đột phá với “trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, nhất là giáo dục đại học”4. Theo đó, Học viện xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, tập trung vào việc hiện đại hóa: (1) Chương trình đào tạo; (2) Hệ thống chương trình, giáo trình, học liệu; (3) Công nghệ giảng dạy; (4) Nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá; (5) Kiểm soát chất lượng đào tạo.
Các chương trình đào tạo cần tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa, kế thừa những nội dung, cấu trúc đã được thực tiễn kiểm nghiệm là còn có giá trị; cơ cấu lại các khối kiến thức, kỹ năng, giảm thiểu sự trùng lặp trong mỗi một chương trình đào tạo; bảo đảm tính liên thông giữa đào tạo trình độ đại học với trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong thiết kế chương trình đào tạo và nghiên cứu việc chuyển giao, tiếp nhận một số chương trình đào tạo của nước ngoài để ứng dụng tại Học viện sau khi có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của đất nước.
Học viện dành đủ nguồn lực cho việc biên soạn chương trình, giáo trình, sách chuyên khảo, tập bài giảng; bổ sung học liệu từ nhiều nguồn nhằm bảo đảm có đủ học liệu cho quá trình giảng dạy, học tập. Sử dụng công nghệ giảng dạy hiện đại, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, chuẩn đầu ra của từng chương trình, từng học phần. Các Khoa (thuộc Học viện và thuộc Phân hiệu) xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá đa dạng theo hướng đánh giá được kết quả học tập của người học cả về kiến thức và kỹ năng; da dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá (bài tập, tiểu luận, tự luận, trách nghiệm, vấn đáp, thực hành…). Học viện xây dựng phương án số hóa quá trình kiểm tra, đánh giá; đồng thời, thực hiện việc kiểm soát chất lượng đào tạo chủ yếu qua ứng dụng chuyển đổi số nhằm bảo đảm cho quá trình này được tuân thủ một cách minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác.
Hai là, Học viện có kế hoạch tiếp tục củng cố, phát triển năng lực nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ giảng viên thông qua tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ. Ưu tiên tuyển dụng người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ cao vào vị trí giảng viên, nghiên cứu viên; tiếp tục đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giảng viên hiện có; đánh giá, đãi ngộ phù hợp với lao động nghề nghiệp của giảng viên; xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực đào tạo trọng điểm của Học viện. Đồng thời, giảng viên phải chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong việc nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, bảo đảm thích ứng với việc điều chỉnh chương trình đào tạo, dẫn đến có nội dung mới; tích cực đổi mới phương pháp, công nghệ giảng dạy.
Ba là, Học viện đẩy mạnh việc xây dựng thư viện số; liên kết thư viện của Học viện, các Phân hiệu với Thư viện Quốc gia và các thư viện bổ sung; bảo đảm cấp tài khoản thư viện số đến toàn thể viên chức, người lao động, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên của Học viện.
Bốn là, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Học viện cần xác định rõ động cơ, mục đích khi tham gia học tập, nghiên cứu tại Học viện là để lập nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; tự xây dựng một kế hoạch học tập, nghiên cứu phù hợp với năng lực, điều kiện của học viên, sinh viên; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; tích cực, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, xây dựng văn hóa học đường.
Năm là, thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo một cách thực chất, có hiệu quả, trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng giảng viên của Học viện, thiết kế chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo; đẩy mạnh thực hiện trao đổi sinh viên với các nước.
Chú thích:
1. Bao gồm cả kết quả đào tạo giáo dục đại học của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023).
2. Kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm. Đây là kết quả khảo sát đối với sinh viên do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023) đào tạo.
3. Kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm. Đây là kết quả khảo sát đối với sinh viên do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước 01/01/2023) đào tạo.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 221.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo kết quả đào tạo các trình độ đại học của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2016 – 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
3. Đề án Tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Hành chính Quốc gia năm 2023 và năm 2024.
4. Kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 – 2025 của Học viện Hành chính Quốc gia.
5. Kết quả biên soạn giáo trình, tập bài giảng hằng năm của Học viện Hành chính Quốc gia.