Giải pháp phát triển khoa học – công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia trong giai đoạn mới

TS. Nguyễn Minh sản
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Để phát triển Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm quốc gia có uy tín, vị thế vững chắc ngang tầm khu vực trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; tham mưu, tư vấn về hành chính và quản lý nhà nước. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện xác định phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bài viết đánh giá khái quát thực trạng và đề xuất những giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia trong giai đoạn mới.

Từ khóa: Giải pháp; phát triển; khoa học – công nghệ; Học viện Hành chính Quốc gia.

1. Đặt vấn đề

Học viện Hành chính Quốc gia (Học viện)  – đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước1.

Để đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời, trước sự thay đổi của tình hình chính trị – xã hội của đất nước cũng như trên thế giới, nhất là, quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh, quyết liệt, đòi hỏi Học viện cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài, trong đó phát triển khoa học – công nghệ là giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm mục tiêu phát triển Học viện thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu về khoa học hành chính; tư vấn, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hành chính và quản lý nhà nước.

2. Thực trạng hoạt động khoa học – công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia

a. Những kết quả đã đạt được

Giai đoạn từ năm 2019 – 2023, hoạt động khoa học – công nghệ của Học viện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Học viện đã chủ trì triển khai 197 đề tài (trong đó có 2 đề tài cấp quốc gia; 44 đề tài cấp tỉnh; 151 đề tài cấp cơ sở).

Về lĩnh vực nghiên cứu, có 6 đề tài nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học tổ chức nhà nước; 36 đề tài nghiên cứu chiến lược, cơ chế, chính sách; 17 đề tài nghiên cứu lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 38 đề tài về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; 11 đề tài về quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ; 14 đề tài nghiên cứu cải cách hành chính nhà nước; 6 đề tài về văn thư – lưu trữ; 2 đề tài quản lý nhà nước về tôn giáo; 67 đề tài nghiên cứu công tác thi đua – khen thưởng và các vấn đề khác2.

Hoạt động của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện và các khoa chuyên môn được đổi mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ. Thể chế quản lý hoạt động khoa học – công nghệ của Học viện về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, hiệu quả và phát huy được năng lực, trách nhiệm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp của các giảng viên, nhà khoa học.

Công tác đăng ký, xét duyệt, phê duyệt và giao nhiệm vụ, đánh giá, nghiệm thu, phê duyệt kết quả nghiên cứu, thực hiện thanh, quyết toán, thanh lý hợp đồng bảo đảm chất lượng và tiến độ. Việc phân bổ kịp thời, hợp lý nguồn kinh phí và quan tâm cải cách thủ tục đã tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ. Cơ chế xã hội hóa trong việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm và triển khai nghiên cứu các đề tài, đề án khoa học được chú trọng. Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với 100% kinh phí xã hội hóa đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều đơn vị, cá nhân; chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các giảng viên tham gia đấu thầu đề tài cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và tăng nguồn thu cho Học viện.

b. Một số hạn chế, bất cập

Một là, Học viện được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, khoa học chính sách và quản lý công. Tuy nhiên, những năm qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có cơ chế, chính sách tương xứng và phù hợp với đặc thù này.

Hai là, hoạt động khoa học – công nghệ chủ yếu tập trung phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, chưa có nguồn lực để triển khai nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Ba là, tiềm lực khoa học – công nghệ của Học viện còn hạn chế, như: tổ chức, bộ máy chưa tinh gọn, hoạt động hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, đặc biệt còn thiếu các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học hành chính, khoa học chính sách, quản trị công.

Bốn là, chế độ, chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ còn một số bất cập, chưa thực sự tạo động lực để đội ngũ các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu; chưa có chính sách phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực trẻ có tài năng, đội ngũ các nhà khoa học có chất lượng cao làm việc lâu dài; cơ chế tuyển dụng viên chức chưa phù hợp với mô hình hoạt động khoa học – công nghệ.

3. Một số giải pháp phát triển hoạt động khoa học – công nghệ

Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học – công nghệ.

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Học viện bảo đảm tính hệ thống, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; quy hoạch đội ngũ viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên; thực hiện tinh giản biên chế gắn với tái cơ cấu đội ngũ viên chức theo hướng tăng cường lực lượng nghiên cứu viên; xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên có tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên. Thực hiện hiệu quả chính sách tiền lương gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các nghiên cứu viên. Mở rộng hợp tác, sử dụng có hiệu quả mạng lưới giảng viên, nghiên cứu viên, cộng tác viên của Học viện, bao gồm các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao, cán bộ hoạt động thực tiễn có trình độ lý luận cao, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu với chế độ đãi ngộ phù hợp.

Thứ hai, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy.

Chủ động tìm kiếm, tiếp nhận và chuyển giao nội dung, công nghệ, mô hình đào tạo, bồi dưỡng quốc tế hiện đại vào thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu mở rộng quy mô bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp.

Đổi mới nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng về lãnh đạo, quản lý, quản trị, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đa dạng, được thiết kế phù hợp với từng chức danh và từng nhóm đối tượng học viên. Phát triển các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức định kỳ cho các đối tượng bồi dưỡng theo yêu cầu đặt hàng của các cơ quan, tổ chức. Tích cực đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. 

Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách.

Tăng cường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học và xuất bản, trong đó chú trọng nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thực tiễn phục vụ công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước về hành chính, quản lý, quản trị, chính sách công. Đầu tư nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nghiên cứu lý luận để phát triển khoa học hành chính, phục vụ hoạt động giảng dạy tại Học viện. Chủ động và tăng cường xây dựng các báo cáo kiến nghị khoa học để tham mưu, tư vấn với Bộ Nội vụ, Chính phủ.

Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng hoặc đấu thầu nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quản trị nội bộ và quản lý nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, nghiệm thu, đánh giá các kết quả nghiên cứu. Tích cực chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy, tuyên truyền, nghiên cứu lý luận và tư vấn chính sách.

Xây dựng, ban hành và thực thi có hiệu quả những chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước có uy tín, năng lực tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh và phục vụ công tác nghiên cứu. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giảng viên, nghiên cứu viên; tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh nhằm tăng cường số lượng giảng viên, nghiên cứu viên có năng lực ngoại ngữ tham gia các khóa học tập và nghiên cứu ở nước ngoài có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu và quản lý khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.

Thứ tư, tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động khoa học – công nghệ.

Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin, đặc biệt, cần có chính sách đầu tư và phát triển Tạp chí Quản lý nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, triển khai các dự án, chương trình phát triển, các nhiệm vụ khoa học – công nghệ phù hợp và tương xứng với đặc thù của Học viện.

Thứ năm, chủ động, sáng tạo hợp tác và hội nhập quốc tế.

Chủ động tham gia và khẳng định vai trò của Học viện trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế về hành chính. Xây dựng quan hệ đối tác quốc tế chiến lược có uy tín và năng lực để thực hiện chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác, như: trao đổi các đoàn nghiên cứu dưới dạng ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác theo lĩnh vực, chủ đề nghiên cứu mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác tổ chức các hoạt động khoa học – công nghệ chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học.

Khai thác các nguồn lực quốc tế hỗ trợ trực tiếp định hướng đổi mới, nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện. Mở rộng các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh quảng bá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng quốc tế. Phát huy vai trò tự chủ của các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện trong xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học

4. Kết luận

Nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học – công nghệ hướng tới đạt chuẩn quốc tế, phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Học viện. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực, nội dung, phương pháp nghiên cứu khoa học mà Học viện đặt ra cần phải đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, có uy tín trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp cụ thể sẽ góp phần quan trọng để phát triển Học viện Hành chính Quốc gia lên tầm cao mới trong khu vực và quốc tế về nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ.

Chú thích:
1. Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.
2. Báo cáo số 651/BC-HCQG ngày 11/3/2024 của Học viện Hành chính Quốc gia thực trạng và đề xuất kiến nghị về hoạt động khoa học – công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 1131/KH-HCQG ngày 11/4/2024 hoạt động khoa học và công nghệ năm 2024 – 2025 của Học viện Hành chính Quốc gia. 
2. Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Quyết định số 06/2024/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.