Giảng dạy lý luận chính trị ở trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Hiệp – ThS. Vũ Quốc Mạnh
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định

(Quanlynhanuoc.vn) – Đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có hoạt động giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị tỉnh. Thông qua hoạt động giảng dạy lý luận chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội, củng cố, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ khoá: Giảng dạy, lý luận chính trị, bảo vệ, nền tảng tư tưởng của Đảng, trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định.

1. Vai trò của giảng dạy lý luận chính trị gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”2. Điều đó cho thấy, những quan điểm, tư tưởng của các nhà kinh điển về vai trò của lý luận là vô cùng quan trọng đối với phong trào cách mạng và đối với hoạt động thực tiễn của con người.

Giảng dạy lý luận chính trị về thực chất đề cập đến những môn khoa học xã hội nhân văn, như: triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị học Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước và pháp luật, tâm lý học… Đây là những môn học trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng khoa học trong xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng khách quan, khoa học, có cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng, bồi dưỡng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Giảng dạy lý luận chính trị sẽ trực tiếp tác động đến nhận thức của người học, từng bước hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách của công dân để làm người có ích cho xã hội. Thông qua các môn học, người học hiểu rõ hơn bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin hướng đến xoá bỏ áp bức, bóc lột, bất công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, hiểu rõ hơn bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là bóc lột giá trị thặng dư, sức lao động của người công nhân, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược và can thiệp, phá hoại sự nghiệp cách mạng vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hai là, giảng dạy lý luận chính trị trực tiếp đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, càng ngày sự chống phá đó càng tinh vi, thâm độc và sảo quyệt hơn. Vì vậy, lý luận chính trị là vũ khí sắc bén để phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Khi phát hiện, thấy những thông tin xấu độc, không chính thống, đi ngược lại với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì lý luận chính trị tích cực, chủ động vào cuộc, bác bỏ, vạch trần sai trái, bịa đặt, vu khống của những thông tin do các thế lực thù địch, phản động đưa ra.

Lý luận chính trị cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận để khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng khi kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “chủ động, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm phản động, thù địch, xuyên tạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”3.

Ba là, giảng dạy lý luận chính trị trực tiếp cung cấp những luận cứ khoa học mới trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Thông qua hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị xuất hiện những vấn đề mới về lý luận. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đặt ra cho công tác nghiên cứu khoa học cần luận giải, chứng minh làm rõ hơn.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta của các thế lực thù địch, phản động về bản chất không thay đổi, nhưng sử dụng nhiều chiêu thức mới hết sức thâm độc để “lừa bịp, mị dân”, thực hiện các hoạt động “diễn biến hoà bình” “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Giảng dạy lý luận chính trị một mặt vừa quán triệt, tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, mặt khác định hướng chính trị, tư tưởng, đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu phản động, nói sai sự thật, không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng. Qua đó, góp phần quan trọng vào bổ sung, phát triển những quan điểm, tư tưởng mới về cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

2. Thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị gắn với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định thời gian qua

Thời gian qua, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của trường Chính trị Trường Chinh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quan điểm, đường lối của Đảng về tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo khoa giáo viên gắn việc giảng dạy lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy khoa, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn bám sát Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh…

Các khoa giáo viên đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch hội thảo, toạ đàm khoa học, trao đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thông tin, tuyên truyền kịp thời những thông tin mới về hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Đội ngũ giảng viên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, bám sát chủ đề bài giảng để liên hệ vận dụng vào thực tiễn, cung cấp và định hướng chính trị đúng đắn cho người học về bản chất giai cấp, lập trường cách mạng của đảng viên theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Ngoài ra, giảng dạy lý luận chính trị đội ngũ giảng viên của trường có sự kết hợp với nghiên cứu đề tài khoa học, viết báo, tạp chí, nội dung đều hướng vào đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hằng năm ở các khoa đều có thống kê số lượng bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của đội ngũ giảng viên để có biểu dương, khen thưởng kịp thời, lan toả những gương “người tốt, việc tốt” trong tập thể nhà trường, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị với tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc gắn giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn một số hạn chế, như: nhận thức tầm quan trọng của việc giảng dạy lý luận chính trị với tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa sâu sắc, chưa có trọng tâm, trọng điểm; một số giảng viên giảng dạy lý luận chính trị chưa tích cực, chủ động trong đổi mới phương pháp trình bày, bài giảng còn thiếu tính chiến đấu, chưa lồng ghép những nội dung chống phá của các thế lực thù địch, phản động giúp người học nhận diện rõ hơn; công tác kiểm tra, theo dõi của lãnh đạo, chỉ huy một số khoa chưa thường xuyên để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Bên cạnh dòng chảy của xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển là chủ đạo; còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, đó là: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra phức tạp, những thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, chủ nghĩa khủng bố, mâu thuẫn tranh chấp chủ quyền, biển, đảo, biên giời, đất liền ngày càng quyết liệt…

Mặc dù, tình hình chính trị trong nước ổn định nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn hiện hữu có mặt còn diễn biến phức tạp hơn; các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước để xuyên tạc, chống phá nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cho các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là hoạt động giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”4.

 3. Một số biện pháp gắn giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị gắn với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là người trực tiếp lên lớp, tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học khác nhau. Vì vậy, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ khoa cần quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến giảng viên trong khoa nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của việc giảng dạy lý luận chính trị gắn với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Tổ chức cho giảng viên trong khoa nắm chắc những nghị quyết của Đảng về công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới; phổ biến kịp thời đến giảng viên giảng dạy lý luận chính trị những thông tin mới có liên quan đến hoạt động chống phá của các đối tượng, qua đó để mỗi giảng viên cập nhật đưa vào nội dung giảng dạy, nghiêu cứu khoa học. Lãnh đạo, chỉ huy khoa, chủ nhiệm bộ môn duy trì nghiêm việc thông qua giáo án bài giảng; dự giờ trên lớp của giảng viên; mỗi chủ thể làm công tác giảng dạy lý luận chính trị luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm không chỉ với bài giảng được phân công, giao nhiệm vụ mà còn đối với toàn bộ hoạt động giảng dạy của mình.

Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị khi được khoa, bộ môn phân công giao nhiệm vụ cần phải đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm hiểu các nội dung có liên quan để đưa vào nội dung bài giảng. Những quan điểm, sai trái thù địch của các thế lực phản động rất nhiều, cần phải có sự lựa chọn nội dung phù hợp, không sa đà vào liệt kê, cần có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng để vạch trần bản chất phản động của chúng.

Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy khoa phải kiểm duyệt chặt chẽ nội dung bài giảng của giáo viên, nhất là những nội dung đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch. Bởi những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch luôn có sự thiên biến vạn hoá, nếu không tỉnh táo, có sự kiểm duyệt của chỉ huy khoa rất dễ mắc sai lầm.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp giảng dạy với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, lịch sử cụ thể để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm đấu tranh phê phán, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch.

Nội dung bài giảng của giáo viên phải bám sát quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; những vấn đề mới trong quan hệ quốc tế hiện nay. Ở từng chủ đề bài giảng, nội dung đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái thù địch có sự khác nhau, không thể lấy nội dung đấu tranh, phê phán chủ đề này sang chủ đề khác.

Việc gắn giảng dạy với đấu tranh quan điểm sai trái, thù địch không quá dàn trải, tập trung vào những nội dung chính của chủ đề bài giảng. Kết hợp, sử dụng nhuần nhuyễn hình thức, biện pháp giảng dạy với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong từng bài giảng; không lặp đi lặp lại những thông tin, sự việc chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động. Nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật những thông tin mới mà các thế lực thù địch hiện nay tập trung chống phá, xuyên tạc đường lối, quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các hình thức, biện pháp giảng dạy và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phù hợp với trình độ nhận thức, đối tượng người học, không sử dụng những ngôn ngữ mà người học không biết; sử dụng những ngôn ngữ phổ thông, dân giã trong đấu tranh, phê phán, phản bác lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Việc giảng dạy của giáo viên trường Chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần mềm dẻo, không cứng nhắc và thể hiện rõ thái độ, lập trường không khoan nhượng với âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự việc của chúng.

Tích cực, chủ động theo dõi, cập nhật những vấn đề thời sự nóng bỏng, dư luận quan tâm đưa vào nội dung bài giảng. Trong mỗi chủ đề bài giảng, giáo viên cần xác định, lựa chọn những vấn đề trung tâm, cơ bản vừa để tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kết hợp ngôn ngữ nói với xây dựng các video clip, hình ảnh để phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của giáo viên trong giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Gắn việc giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ở trường về thực chất là nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm của đội ngũ giáo viên. Theo đó, mỗi giáo viên cần phát huy tối ưu nội lực của bản thân, tính năng động, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong sư phạm ở mọi lúc, mọi nơi đáp ứng với tình hình nhiệm vụ đặt ra.

Uy tín, thương hiệu của trường nói chung và của giáo viên nói riêng được tạo ra từ chính năng lực, phẩm chất của đội ngũ giáo viên; do đó, mỗi giáo viên thường xuyên bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy; tích cực, chủ động khắc phục khâu yếu, mắt yếu về mặt nội dung, phương pháp; không bằng lòng, thoả mãn với kết quả hiện có; tự mình vươn lên trau dồi tri thức về mọi mặt để không ngừng hoàn thiện bản thân. Chỗ nào, lĩnh vực nào nắm chưa chắc, chưa rõ tự mình nghiên cứu, tìm hiểu, không kiêu ngạo cộng sản, cho rằng bản thân biết hết mọi vấn đề xã hội. Có thái độ khiêm tốn, ham học hỏi, cầu tiến bộ, xây dựng động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng, không ngại khó, ngại khổ, chịu khó tích luỹ tri thức, vốn sống để làm vốn của người giáo viên, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng có thể ứng biến, giải quyết được ngay.

Mỗi giáo viên của nhà trường phải luôn xung kích, tiên phong đi đầu trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi được giao. Tự mình học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, sử dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh hoạt động giao lưu, phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để mở rộng quan hệ hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

4. Kết luận

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra lâu dài, quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giáo viên phải luôn bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động giảng dạy lý luận chính trị phải xây dựng, bồi đắp niềm tin cho người học, Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, về đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Việc gắn giảng dạy lý luận chính trị với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng góp phần quan trọng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới đặt ra.

Chú thích:
1.  V.I.Lênin toàn tập. Tập 6. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tr. 30.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 273-274.
3. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr.281.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr.183.