Phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Thiếu tá Nguyễn Hồng Thái
NCS, Học viện Chính trị
, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý mà Nhân dân trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện sự tôn kính của Nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm yêu mến, tin tưởng tuyệt đối với đội quân cách mạng do người tổ chức, giáo dục, rèn luyện, trở thành hình mẫu nhân cách cao đẹp với những phẩm chất tiêu biểu của người quân nhân cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Từ khóa: Bộ đội Cụ Hồ, Quân đội nhân dân, phát triển nhân cách, hạ sĩ quan, binh sĩ.

1. Nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhân cách được hiểu là những giá trị xã hội trong mỗi cá nhân phù hợp với giá trị xã hội, mức độ phù hợp càng cao thì nhân cách càng lớn. Nhân cách   được hình thành bởi ảnh hưởng của môi trường xã hội và tính tích cực của cá nhân với cấu trúc gồm các yếu tố thuộc về phẩm chất và năng lực hay đức và tài. Sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân là quá trình nắm lấy kinh nghiệm xã hội, chuyển thành giá trị xã hội của cá nhân, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Theo đó, nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ là hình thức biểu hiện đặc thù của nhân cách quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt, được quy định theo pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quy định của quân đội.

Hạ sĩ quan, binh sĩ là những công dân được tuyển chọn và đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiêu chuẩn tuyển chọn công dân nhập ngũ và thời hạn phục vụ được cơ quan có thẩm quyền ban hành, đây là nét đặc trưng, khác biệt so với các lớp quân nhân khác như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.

Về chức năng, nhiệm vụ, hạ sĩ quan, binh sĩ được tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, tùy thuộc vào nhiệm vụ của từng đơn vị, nhưng có điểm chung là những quân nhân trực tiếp thực hiện mọi nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở, nhiệm vụ của đơn vị có hoàn thành hay không, ở mức độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào khả năng, hành động và kỷ luật của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ đang trong quá trình hình thành và phát triển theo mô hình nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”.Khác với đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cơ bản được đào tạo trong các nhà trường quân đội, phục vụ lâu dài, trưởng thành về nhân cách có thời gian công tác, rèn luyện, phấn đấu, nên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhân cách đã được định hình vững chắc. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đang trong độ tuổi thanh niên, trước khi nhập ngũ, nhân cách được định hình từ sự tác động của gia đình, nhà trường và môi trường xã hội nơi sinh sống nhưng chưa vững chắc, dễ thay đổi do các yếu tố công việc, sự mở rộng các quan hệ xã hội đa chiều, đó là sự thẩm thấu nhân cách có phần tự nhiên, tịnh tiến theo nhiều khuynh hướng. Tuy nhiên, khi nhập ngũ, trong môi trường hoạt động quân sự, nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ là quá trình hình thành, phát triển thường xuyên, liên tục, có mục đích, thông qua các biện pháp giáo dục, huấn luyện, rèn luyện, thông qua thực tiễn tổ chức, triển khai các nhiệm vụ của các chủ thể là quản lý, chỉ huy và các quy định, chuẩn mực của quân đội, đơn vị để ngày càng hoàn thiện theo mô hình nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ được thể hiện ở tính chất và trình độ phát triển phẩm giácủa họ so với thang giá trị của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở những giai đoạn lịch sử cụ thể. Những giá trị xã hội cá nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phù hợp với tiêu chí, chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” phản ánh sự tương hợp trong nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, ở mức độ phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và ngược lại, sẽ trở thành lực cản nội tại trong mỗi cá nhân. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, đặc điểm, nhiệm vụ khác nhau nên hệ thống tiêu chí, chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” cũng phải điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với thứ tự ưu tiên nhất định để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vậy nên, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không phải là “nhất thành, bất biến” mà luôn được biến đổi phù hợp với thực tiễn

2. Phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Phát triển nhân cách là quá trình con người tham gia tương tác, hiểu biết môi trường xã hội quanh mình, hòa nhập vào không gian đó, xác định được chức năng xã hội, không ngừng hoàn thiện phẩm chất xã hội của mình. Không gian xã hội đó đều là sự kế thừa, tiếp nối những giá trị vật chất, tinh thần của xã hội trước.

Khi nghiên cứu về sự hình thành và phát triển con người, C.Mác cho rằng: “mỗi giai đoạn của lịch sử đều gặp một kết quả vật chất nhất định, một tổng số nhất định những lực lượng sản xuất, một quan hệ – được tạo ra trong quá trình lịch sử – của những cá nhân với tự nhiên và với những người khác, quan hệ mà mỗi thế hệ nhận được của những tiền bối của mình, một khối lớn những lực lượng sản xuất, những tư bản và những điều kiện, tức là những thứ một mặt bị thế hệ mới làm biến đổi đi, song mặt khác lại quy định cho thế hệ mới những điều kiện sinh hoạt của chính thế hệ mới và làm cho thế hệ mới có sự phát triển nhất định, một tính chất riêng biệt”1.

Quá trình phát triển nhân cách, con người có vô vàn các mối quan hệ xã hội, bước đầu là con cái trong gia đình, khi trưởng thành là bố mẹ, ông bà, giữ một vai trò nào đó trong tổ chức xã hội, chính nó, tùy thuộc vào vai trò của mình trong từng giai đoạn lịch sử – cụ thể mà tác động, quy định đến nhân cách của cá nhân.

Cũng như vậy, mỗi quân nhân trước khi bước vào môi trường quân đội đều là những thanh niên ở các địa phương, có sự ảnh hưởng, chi phối, định hình nhân cách nhất định của các điều kiện gia đình, trường học, môi trường sống. Môi trường quân đội cũng là môi trường xã hội mà mỗi cá nhân khi tham gia các hoạt động trong đó, có sự tác động, điều chỉnh để nhân cách phù hợp với điều kiện mới nhưng với tính chất đặc biệt của môi trường quân đội, sự phát triển nhân cách không dừng lại ở ngưỡng thích nghi mà phải tuân theo những quy định bắt buộc, phải phát triển nhân cách đạt được theo chuẩn mực chung nhất về phẩm chất, năng lực.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đối với phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ là hình mẫu chuẩn mực, mục tiêu vươn tới nhưng cũng là phương thức để chính hạ sĩ quan, binh sĩ điều chỉnh hành vi của mình, tương xứng với danh hiệu cao quý của Nhân dân dành cho về anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là quá trình hiện thực hóa chức năng, tác dụng (hay vai trò) của một hệ thống các nhân tố quy định sự biến chuyển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện phẩm giá của họ theo tiêu chí, chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng và phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ ở từng hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử nhất định.

Quá trình phát triển nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chịu tác động, quy định bởi các chủ thể là lãnh đạo, chỉ huy và các tổ chức, sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu bền bỉ của mỗi cá nhân. Theo đó:

Một là, về mặt hoạt động, phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ là một quá trình chịu sự quy định một hệ thống các yếu tố khác nhau nhưng luôn gắn kết chặt chẽ với nhau.

Những yếu tố tác động đến quá trình phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ bao gồm: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, xã hội, yếu tố giáo dục, yếu tố hoạt động, giao tiếp,…Các yếu tố nàycó vai trò khác nhau, trong đó, yếu tố di truyền là những tiền đề sinh học, được xem như cơ sở vật chất, tiền đề cho các yếu tố khác tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách, nếu thiếu khuyết nhất định về mặt cơ thể thì không đủ điều kiện để phát triển nhân cách, vậy nên, tính xã hội của yếu tố di truyền của đối tượng này thể hiện ở những tiêu chuẩn tuyển chọn về phẩm chất, năng lực để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trên cơ sở tiền đề sinh học xác định, các yếu tố khác, theo bản chất và mối quan hệ nội tại của nó tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, cụ thể như: yếu tố môi trường, xã hội giữ vai trò là toàn bộ điều kiện, hoàn cảnh tác động thường xuyên, trực tiếp, đa chiều đến sự hình thành và phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, thông qua môi trường, xã hội mà hạ sĩ quan, binh sĩ hiện thực hóa các quan hệ, tiếp thu, chuyển hóa các giá trị xã hội.

Thực tế cho thấy, môi trường xã hội quy định mức độ phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, nếu môi trường tích cực thì nhân cách phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, ngược lại, sự thiếu lành mạnh của môi trường, xã hội sẽ làm cản trở phát triển nhân cách so với các chuẩn mực nhân cách quân nhân.

Yếu tố hoạt động đóng vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ. Xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về quan hệ giữa tồn tại và tư duy cho rằng, tư duy của con người chỉ được nảy sinh trong quá trình tác động vào sự tồn tại, là kết quả của quá trình đó, hơn nữa giữa hoạt động của con người và tồn tại chuyển hóa cho nhau, thông qua quá trình biện chứng giữa đối tượng hóa và chủ thể hóa mà nhân cách được bộc lộ và hình thành. Con người lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử xã hội bằng hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách. Mặt khác, cũng thông qua hoạt động, con người đóng góp vào việc cải tạo thế giới khách quan. Vì vậy, thông qua hoạt động mà nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ mới được hình thành và phát triển.

Yếu tố giao tiếp có vai trò xác lập, vận hành các mối quan hệ xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ trong môi trường xã hội. Giao tiếp là điều kiện cơ bản để con người gia nhập các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội các giá trị xã hội nhất định, nhờ đó mà con người đóng góp năng lực của mình vào kho tàng chung của nhân loại, đồng thời hình thành năng lực ý thức tự bản thân mình. Thực tế cũng cho thấy, giao tiếp ảnh hưởng rất lớn đến hình thành, phát triển nhân cách, mức độ nhanh hay chậm, tốt hay xấu đều tùy thuộc khả năng, đối tượng giao tiếp của mỗi cá nhân. Do đó, nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ được xác lập, phát triển khi được đặt trong môi trường xã hội và các mối quan hệ xã hội thuận lợi.

Các yếu tố trên có vai trò không ngang bằng nhau, tác động ở những khía cạnh khác nhau, nhưng chúng không đứng tách biệt, độc lập, đơn lẻ mà trong thể thống nhất, biện chứng, hợp thành điều kiện, hoàn cảnh nhất định, tác động tổng hợp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ.

Hai là, về mặt phương thức, phát triển nhân cách là quá trình hiện thực hóa vai trò, thế mạnh của từng yếu tố và gắn kết chúng thành một chỉnh thể, tạo thành động lực chung, thế mạnh tổng hợp tác động đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ.

Mỗi yếu tố có thế mạnh đặc trưng chuyên biệt, đóng một vai trò nhất định đối với quá trình phát triển nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ. Thực chất của quá trình hiện thực hóa chính là những biện pháp, cách thức hoạt động phù hợp, làm cho các thế mạnh của từng yếu tố thực hiện đúng chức năng, tác dụng, là thành tố trong một chỉnh thể thống nhất, động lực cho nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ hình thành, phát triển.

Quá trình phát triển nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ trải qua từng giai đoạn, nấc thang từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Vì vậy, trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vai trò của một yếu tố nào đó có thể được ưu tiên hơn, điều này tùy thuộc vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách; mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, theo tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ mà mỗi yếu tố có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình, tác động chủ yếu, thường xuyên hơn nhưng xét về toàn cục, yếu tố giáo dục luôn giữ vai trò quyết định nhất.

Vai trò quyết định của yếu tố giáo dục thể hiện ở chỗ, ngoài việc xác định mục tiêu, mô hình nhân cách, nó còn tác động, điều chỉnh các yếu tố khác, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ. Yếu tố giáo dục đối với quá trình phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ mang cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

Theo nghĩa hẹp giáo dục, bao gồm: nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đáp ứng mục đích cho đối tượng cụ thể; theo nghĩa rộng, đặc trưng hoạt động quân sự, giáo dục không chỉ với nghĩa là truyền thụ tri thức, kinh nghiệm mà cả định hướng tư tưởng, tổ chức hoạt động, điều chỉnh hành vi, không chỉ tác động một chiều đến đối tượng giáo dục mà còn tác động ngược lại với chủ thể giáo dục theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Vậy nên, yếu tố giáo dục trong phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ là hoạt động huấn luyện, mang đậm nét của môi trường xã hội đặc biệt – môi trường hoạt động quân sự.

Chủ thể giáo dục trong phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, bao gồm: cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng, tổ chức quần chúng các cấp, thường xuyên, trực tiếp là đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy của hạ sĩ quan, binh sĩ. Thông qua nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục để xây dựng, phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ; môi trường giáo dục là toàn bộ điều kiện, hợp thành một hoàn cảnh, thường xuyên tác động đến sự phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ.

Yếu tố quyết định đến phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ từ chính tính tích cực, chủ động của mỗi cá nhân, điều này phản ánh tính đa dạng của nhân cách, cùng một nội dung, chương trình giáo dục, cùng một môi trường giáo dục mà có người tích cực, có người thiếu tích cực, kết quả của quá trình đó không ngang bằng nhau.

Ba là, về tiêu chí, phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ luôn được đo bằng: tiêu chí, chuẩn mực của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; so với chức trách, nhiệm vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ ở từng đơn vị, lĩnh vực và giai đoạn lịch sử cụ thể.

Những tiêu chí này định hình cụ thể nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ, vừa phải có các tiêu chí, chuẩn mực chuẩn mực chung của “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa có những nét riêng, biểu hiện chức trách, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, thời điểm cụ thể, có như vậy mới phản ánh rõ nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ với nhân cách của các lớp quân nhân khác trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo tiêu chí, chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trong nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ phải hội tụ đầy đủ các phẩm chất cần thiết về chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác, về tính kỷ luật, đoàn kết, gắn bó với Nhân dân, tình nghĩa, thủy chung với bạn bè quốc tế. Tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn cách mạng nhất định, nội hàm của các phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nhưng tính chất không thay đổi.

Thực tế, chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” được xác định trong Chỉ thị số 855-CT/QUTƯ ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới là tiêu chí, chuẩn mực chung nhất mà mọi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có hạ sĩ quan, binh sĩ hướng đến, phấn đấu, rèn luyện để đạt được hiện nay.

Nếu chỉ xem xét nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ trên phương diện tiêu chí, chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thì không thể phân biệt được nhân cách của họ với nhân cách của các lớp quân nhân khác như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, được quy định bởi chức trách, nhiệm vụ của mỗi đối tượng khác nhau. Biểu hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của đội ngũ cán bộ, sĩ quan phải được biểu hiện thông qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân đội, của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật phải biểu hiện ở những giá trị của sản phẩm vật chất, tinh thần…Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phải thể hiện ở tinh thần, thái độ, trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ của họ trực tiếp đảm nhận, trực tiếp sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, giúp đỡ Nhân dân.

Thực tế đã chứng minh, thời điểm Covid – 19 gây thiệt hại to lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam, cùng với các bộ phận khác của quân đội, hạ sĩ quan, binh sĩ là lực lượng trực tiếp, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, không quản mưa gió, nguy cơ mắc dịch, tham gia hỗ trợ bảo đảm đời sống Nhân dân khu vực cách ly, bồi đắp thêm tình cảm nghĩa nặng, tình sâu giữa quân đội với Nhân dân, góp phần tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.

Cùng với tiêu chí về chức trách, nhiệm vụ, nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ cũng phải tính đến tiêu chí về đặc điểm đơn vị và từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Biểu hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp cũng sẽ khác với kháng chiến chống Mỹ, khác với chiến đấu bảo vệ biên giới và thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện mục tiêu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ đặt ra yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, cần có chất mới, đáp ứng thực tiễn nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị đảm nhiệm mà đặc điểm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ cũng có sự khác biệt, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của các đơn vị lục quân sẽ khác với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị hải quân, phòng không, biên phòng…

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, phát triển nhân cách hạ sĩ quan, binh sĩ theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ mang tính chung chung, đại thể mà phải hàm chứa các tiêu chí cụ thể, trong một thể thống nhất, vừa có nét chung, vừa có nét riêng, đặc thù của thời điểm cụ thể và đơn vị cụ thể, phải hàm chứa đầy đủ 5 đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và thực hiện mục tiêu: tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp, danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”2, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

3. Kết luận

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là kết tinh những giá trị cao đẹp của người quân nhân cách mạng, được điển hình hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành kiểu mẫu nhân cách cho quân nhân phấn đấu, rèn luyện. Theo đó, phát triển nhân cách của hạ sĩ quan, binh sĩ là quá trình chuyển hóa từ nhân cách người thanh niên nhập ngũ trở thành nhân cách người quân nhân với những giá trị tiêu biểu của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Quá trình này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, liên kết chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, bảo đảm vừa chứa đựng những giá trị chung của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng đi vào cụ thể, phù hợp để hạ sĩ quan, binh sĩ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 1995, tr. 49-126.
2. Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Xuân Dũng (2022). Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”. H. NXB Quân đội nhân dân.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
4. Nguyễn Văn Hùng. Bồi dưỡng giá trị đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên sĩ quan các nhà trường quân đội trong thời kỳ mới. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/09/boi-duong-gia-tri-dao-duc-bo-doi-cu-ho-cho-hoc-vien-si-quan-cac-nha-truong-quan-doi-trong-thoi-ky-moi, ngày 09/01/2024.