Chính sách thuế phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh tại các quốc gia phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Lâm Anh
Học viện Ngân hàng

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách thuế xanh là một công cụ kinh tế hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính sách thuế xanh được nghiên cứu và áp dụng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung tìm hiểu việc thực hiện chính sách thuế phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh tại một số quốc gia phát triển nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho Việt Nam.

Từ khoá: Chính sách thuế xanh, tăng trưởng xanh, quốc gia phát triển.

1. Giới thiệu

Tăng trưởng xanh đang là mục tiêu được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua Chiến lược phát triển quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các hoạt động hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam liên quan tới biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, các chính phủ có thể sử dụng nhiều công cụ và biện pháp khác nhau, như: các chính sách và quy định về môi trường, chính sách thuế và biện pháp tài chính, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đào tạo và giáo dục, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng …

Một trong những chính sách đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng hiệu quả để bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng bền vững là chính sách thuế, bao gồm các chính sách thuế đánh trên nguồn năng lượng, các chất và hoạt động gây ô nhiễm môi trường, các chất và hoạt động gây hại cho hệ sinh thái … Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách thuế trên chưa được chấp nhận hoàn toàn ở tất cả các nước nhưng hầu hết được áp dụng hiệu quả ở các nước phát triển. Trong phần tiếp theo, nhóm tác giả trình bày về kinh nghiệm áp dụng chính sách thuế phục vụ tăng trưởng xanh ở một số quốc gia phát triển nhằm đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam.

2. Chính sách thuế nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh ở các quốc gia phát triển

(1) Vương quốc Anh

Đạo luật Môi trường năm 2021 của Vương quốc Anh đưa ra các nguyên tắc về môi trường vào các điều luật; giới thiệu các mục tiêu dài hạn ràng buộc về mặt pháp lý về chất lượng không khí, nước, đa dạng sinh học, hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải; thành lập Văn phòng Bảo vệ môi trường (OEP) mới.

Các loại thuế liên quan tới môi trường của Vương quốc Anh được liên kết rõ ràng và được cấu trúc xung quanh mục tiêu và khuyến khích cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đưa ra các lựa chọn bền vững hơn. Số thu từ thuế môi trường được đưa vào ngân sách chung của quốc gia vì khoản thu này không được dành trực tiếp để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu của Vương quốc Anh.

Thuế biến đổi khí hậu: thuế biến đổi khí hậu được tính trên thuế suất cơ bản (Climate Change Levy – CCL) và thuế suất hỗ trợ giá các-bon (CPS). Thuế suất cơ bản CCL được tính cho các sản phẩm như điện, khí đốt và các nguồn năng lượng rắn, như: than đá, than non, than cốc, than cốc dầu mỏ và phần thuế này được thể hiện trên hoá đơn sử dụng năng lượng của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ công.

Thuế suất hỗ trợ giá các-bon CPS là loại thuế suất sử dụng để khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ các-bon thấp để sản xuất điện. Thuế suất này áp dụng cho các loại khí đốt, khí hoá lỏng, than đá và nhiên liệu hoá thạch rắn khác. Đối tượng nộp thuế là các cơ sở sở hữu các trạm phát điện và cơ sở vận hành các trạm nhiệt và điện kết hợp.

Thuế xử lý chất thải: các cơ sở kinh doanh cần nộp thuế xử lý chất thải. Ngoài ra, nếu các cơ sở này loại bỏ chất thải sử dụng các bãi chôn lấp, họ cũng cần nộp thêm thuế xử lý chất thải. Nếu các cơ sở loại bỏ chất thải tại các địa điểm không được phép chôn lấp, ngoài việc phải nộp thuế xử lý chất thải, họ còn có thể phải nộp tiền phạt hoặc bị kiện ra tòa.

Thuế bao bì nhựa: đây là các loại thuế đánh vào bao bì nhựa thành phẩm chứa ít hơn 30% nhựa tái chế, dùng để di chuyển hàng hoá từ nhà sản xuất đến người dùng cuối cùng và chỉ được dùng một lần bởi người tiêu dùng. Một số đối tượng không chịu thuế bao gồm bao bì nhựa đựng thuốc trong hoạt động khám chữa bệnh cho người và bao bì nhựa trung chuyển dạng màng co bọc hàng nhập khẩu. Đối tượng nộp thuế bao gồm các cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất từ 10 tấn bao bì nhựa thành phẩm. Thuế suất ở mức 200GPB/ tấn bao bì nhựa thành phẩm chứa ít hơn 30% nhựa tái chế. Các cơ sở sẽ được miễn thuế cho hoạt động xuất khẩu bao bì nhựa thành phẩm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên phương tiện vận tải: là loại thuế áp dụng cho tất cả các loại phương tiện lưu thông trên đường trong lãnh thổ Vương quốc Anh. Đối với hầu hết ô tô đăng ký trước tháng 4/2017, lượng thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp chủ yếu dựa trên lượng CO2 phát thải chính thức của ô tô đó. Đối với các xe đăng ký từ tháng 4/2017, chỉ năm đầu tiên là nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên thông số phát thải CO2, các năm tiếp theo sẽ không dựa vào chỉ số này để nộp thuế. Mức thuế trong năm đầu tiên từ 25 – 2.365 bảng Anh, từ năm thứ 2 trở đi mức thuế cố định là 165 bảng anh. Xe điện thuộc đối tượng miễn thuế đến năm 2025.

Thuế nhiên liệu: áp dụng khi người tiêu dùng mua xăng, dầu diesel và nhiều loại nhiên liệu khác, chiếm một nguồn thu đáng kể cho chính phủ (khoảng 2,8% tất cả các khoản thu và tương đương 900 GPB/ hộ gia đình vào năm 2022). Mức thuế suất đối với mỗi loại nhiên liệu là khác nhau: thuế suất tiêu chuẩn áp dụng với xăng và dầu diesel là 52,95p/lít, thuế suất của khí hoá lỏng là 28,88p/kg, thuế suất đối với khí tự nhiên được sử dụng làm nhiên liệu trong phương tiện giao thông (ví dụ: khí sinh học) là 22,57p/kg và thuế suất đối với “dầu nhiên liệu” sử dụng trong lò đốt hoặc để sưởi ấm là 9,78p/lít. Ngoài ra, các loại nhiên liệu này còn chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 20%.

Thuế hành khách hàng không: là loại thuế cố định đánh vào bất kỳ chuyến bay nào xuất phát từ Vương quốc Anh, có nghĩa là nếu hành khách chỉ quá cảnh ở quốc gia này để đi sang quốc gia khác sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế. Thuế hành khách hàng không được áp dụng lần đầu vào năm 1994 ở mức 5GPB đối với các điểm đến trong châu Âu và 10 GBP đối với các điểm đến bên ngoài châu Âu. Mức thuế hiện được áp dụng khác nhau dựa trên quãng đường bay và hạng dịch vụ bay và có xu hướng tăng lên trong tương lai.

(2) Thụy Sĩ

Hoạt động cải cách thuế xanh được khuyến nghị đầu tiên vào năm 2002 tại Thuỵ Sỹ. Tới năm 2010, Thuỵ Sỹ thông qua kiến nghị M06.3190 kêu gọi xanh hoá hệ thống thuế, đưa hệ thống thuế thân thiện với môi trường vào một trong sáu lĩnh vực trọng tâm cho nền kinh tế xanh. Năm 2011, sau sự cố Fukushima, Quốc hội đã tiến hành cải cách chính sách năng lượng của Thuỵ Sỹ và yêu cầu Hội đồng Liên bang chuẩn bị một chiến lược năng lượng để thúc đẩy chuyển đổi từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Các khoản thu từ thuế liên quan đến môi trường trong năm 2014 của Thuỵ Sỹ ở mức 1.8% GDP, chiếm 6.8% tổng số thu từ thuế. Trong các khoản thuế liên quan tới môi trường, thuế dầu chiếm gần một nửa số thu, tiếp theo là thuế đánh trên xe cơ giới (20%), thuế đánh dựa trên khoảng cách và trọng lượng đối với xe hạng nặng (15%), thuế CO2 đánh trên nhiên liệu đốt nóng và sản xuất (5%) (OECD, 2017). Ngoài các loại thuế môi trường, Thuỵ Sỹ còn có các khoản phí liên khác liên quan tới môi trường như phí hạ cánh máy bay, phí đối với các loại chất thải.

Các loại thuế năng lượng: các loại thuế năng lượng tại Thuỵ Sĩ nổi bật nhất là hai loại thuế: (1) thuế đánh vào doanh số bán dầu (chiếm gần 50% số thu thuế môi trường năm 2010) và (2) thuế đánh vào hoạt động sử dụng nhiên liệu đốt nóng và sản xuất. Tất cả doanh số bán năng lượng phải chịu thuế giá trị gia tăng ở mức thông thường 8%. Hoạt động tiêu dùng điện phải chịu thêm thuế tài trợ cho hoạt động phát triển lưới điện.

Thuế CO2 đánh vào nhiên liệu hoá thạch (dầu đốt, khí đốt tự nhiên, than đá, than cốc, dầu mỏ, …) được sử dụng lấy nhiệt hoặc ánh sáng để sản xuất điện trong các cơ sở nhiệt điện hoặc vận hành các cơ sở lắp đặt khớp nối lực nhiệt. Thuế suất được xác định trên số tấn tiêu thụ và do đó phụ thuộc vào hàm lượng các-bon của từng nguồn năng lượng. Thuế suất đã được tăng lên gấp đôi từ 36 CHF/tấn năm 2008 lên 60 CHF/tấn năm 2014 và 84 CHF/tấn vào năm 2016.

Các loại thuế liên quan đến hoạt động vận tải: chủ sở hữu xe cơ giới phải đóng thuế phương tiện cơ giới hàng năm cho bang mà mình cư trú đối với mỗi phương tiện đã đăng ký. Đây là loại thuế có lâu đời nhất của quốc gia này và chiếm 20% số thu của các loại thuế môi trường (CEPE, 2015). Thuế suất phụ thuộc vào trọng lượng, động cơ hoặc cả hai yếu tố. Thuỵ Sĩ còn đánh thuế nhiên liệu đường bộ, quốc gia này đánh thuế dầu diesel ở mức cao hơn xăng, điều này có ý nghĩa về mặt môi trường do nhiên liệu diesel thải ra nhiều các-bon và chất gây ô nhiễm không khí hơn. Thuế suất hiện tại là 0,73 CHF/lít xăng không chì và 0,76 CHF/lít dầu diesel.

Thuế các-bon và hệ thống giao dịch quyền phát thải (ETS): song song với việc áp dụng thuế CO2, Thuỵ Sĩ đã áp dụng ETS đối với khí nhà kính vào năm 2008. Theo pháp lệnh về CO2, ETS, bao gồm: CO2, NO2, CH4, HFCS, NF3, SF6, PFC, mặc dù trên thực tế, việc giám sát và báo cáo là bắt buộc và chỉ có hiệu lực đối với CO2, NO2 và PFC. Trong giai đoạn 2008-2012, hệ thống này là tự nguyện, như một loại thuế thay thế thuế CO2. Kể từ năm 2013, loại thuế này trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất lớn, sử dụng nhiều năng lượng, chủ yếu trong ngành xi măng, hoá chất, dược phẩm, lọc dầu, thép, giấy và sưởi ấm.

Thuế đánh trên hợp chất hữu cơ dễ bay hơi: đây là các hợp chất được sử dụng làm dung môi trong nhiều ngành công nghiệp và có trong các sản phẩm như sơn, vecni và một số chất tẩy rửa. Khi được giải phóng vào khí quyển, chúng có thể tương tác với NOx để tạo thành ôzôn trên mặt đất. Mức thuế suất hiện tại là 3 CHF/kg VOC. Số thu từ thuế này được phân bổ lại cho các hộ gia đình thông qua hoạt động giảm phí bảo hiểm y tế.

(3) Estonia

Chính sách cải cách thuế xanh được thực hiện tại Estonia từ năm 2005 với mục tiêu tăng mức thuế đánh vào ô nhiễm và các tác động tiêu cực khác đến môi trường, đồng thời giảm các loại thuế đánh vào người lao động. Năm 2013, Chính phủ Estonia đã uỷ quyền cho Viện Môi trường Stockholm (SEI) ở Tallinn và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội Đại học Tartu đánh giá tác động của thuế môi trường ở Estonia. Nghiên cứu đánh giá việc sử dụng các công cụ thuế môi trường trong giai đoạn 2000-2010, khuyến nghị tăng thuế suất thuế môi trường lên tới 5% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2030 (OECD, 2017).

Thuế năng lượng: thuế suất đánh trên năng lượng ở Estonia khá thấp và có sự khác nhau đáng kể đối với các nguồn năng lượng là phương thức sử dụng năng lượng. Estonia đánh thuế hầu hết các sản phẩm năng lượng nhưng cũng có một số miễn trừ và giảm giá cho một số đối tượng sử dụng. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với hầu hết các sản phẩm năng lượng, ngoại trừ than bùn và gỗ, đây là nguồn gây ô nhiễm không khí tại địa phương. Thuế năng lượng đánh trên xăng và dầu diesel cao hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu quy định trong chỉ thị về thuế năng lượng của Liên minh châu Âu năm 2003 và Chính phủ Estonia cũng có kế hoạch tăng thuế suất trong tương lai.

Estonia đã thực hiện thu thuế ô nhiễm CO2 vào năm 2000. Ở giai đoạn đầu, thuế này được áp dụng cho các nhà sản xuất năng lượng lớn với tổng công suất nhiệt lớn hơn 50MW. Sau đó, thuế suất tăng dần từ 0,32 EUR lên 2 EUR/tấn CO2 kể từ năm 2009. Tác động của biện pháp này đến việc giảm thiểu các-bon có thể không đáng kể do mức thuế suất thấp, mục tiêu của thuế này chủ yếu nhằm mục tiêu tăng số thu cho nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư số tiền phải trả vào những công nghệ các-bon thấp thay vì trả thuế, đây là lựa chọn hầu hết của các công ty sản xuất năng lượng.

Năm 2014, thuế tiêu thụ điện được ban hành thay cho thuế sản xuất điện ban hành năm 2008. Thuế suất thuế tiêu thụ điện là 4,47 EUR/MWh, tính từ ngày 01/01/2014. Các công ty kiểm soát mạng lưới điện phải trả khoản thuế này, nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt không liên quan đến cường độ phát thải của nhiên liệu được sử dụng trong sản xuất điện. Thuế ô nhiễm CO2 vẫn được áp dụng đối với hoạt động sản xuất nhiệt (OECD, 2012).

Estonia cũng có thuế năng lượng tái tạo, đánh vào người tiêu dùng điện, số thu được dùng để tài trợ cho khoản trợ cấp phí bảo hiểm đầu vào cho năng lượng tái tạo. Thuế này do tất cả người tiêu dùng điện ở Estonia trả tương ứng với mức tiêu thụ điện của mình. Thuế năng lượng tái tạo được liệt kê riêng trên hoá đơn tiền điện để người tiêu dùng biết chính xác số thuế mình phải trả. Thuế suất năm 2015 là 1,07 EUR cent/kWh đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Thuế các-bon và hệ thống giao dịch phát thải: ngoài các loại thuế các-bon chính thức và các loại thuế các-bon ngầm được mô tả ở trên, Estonia đang định giá khoảng 71% lượng phát thải khí nhà kính của mình thông qua EU ETS, chiếm tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia EU nào. Lượng khí thải này từ 46 cơ sở sản xuất và 3 doanh nghiệp trong ngành hàng không thải ra (EEA, 2015). Hoạt động điện và nhiệt ở Estonia chiếm hơn 80% tổng lượng khí thải do ETS quy định (IEA, 2013).

Thuế giao thông: ở Estonia có rất ít loại thuế đánh trên xe cơ giới. Trong năm 2014, số thu từ các loại thuế này chiếm 2,5% số thu các loại thuế liên quan đến môi trường, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD. Estonia có một loại thuế đánh trên xe chở hàng hạng nặng, trọng lượng từ 12 tấn trở lên, bắt đầu áp dụng từ năm 2004. Thuế suất tương ứng với mức tối thiểu của EU và thay đổi tuỳ theo loại xe. Ngoài ra, Estonia còn có phí đăng ký ô tô, áp dụng cho phương tiện cá nhân và dựa trên loại hoặc nguồn gốc phương tiện.

3. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam cần xác định rõ ràng và lượng hoá được các mục tiêu tăng trưởng xanh. Qua đó, các chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh cần có sự liên kết phục vụ các mục tiêu chính sách cụ thể. Như trong trường hợp của Vương quốc Anh, các loại thuế liên quan tới môi trường và tăng trưởng xanh được cấu trúc theo các mục tiêu cụ thể, như: thuế biến đổi khí hậu, thuế chất thải và thuế bao bì nhựa. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả trong việc khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường, Vương quốc Anh đưa ra các quy định và chính sách về thuế khác nhau cho các loại hình và quy mô kinh doanh khác nhau, đồng thời đưa ra các điều khoản miễn thuế đối với các doanh nghiệp không sử dụng nhiều năng lượng và những doanh nghiệp sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thứ hai, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng số thu ngân sách từ các loại thuế môi trường, đặc biệt hướng tới phục vụ cho các dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Như trong trường hợp của Thuỵ Sĩ, hai phần ba số thu thuế CO2 được sử dụng để phân phối lại cho các hộ gia định thông qua giảm phí bảo hiểm y tế và cho các doanh nghiệp theo tỷ lệ số lượng nhân viên; một phần ba số thu được sử dụng cho chương trình hỗ trợ cải tạo các toà nhà tiết kiệm năng lượng của liên bang và các bang; một phần nhỏ được chuyển vào quỹ công nghệ. Đối với Estonia, quốc gia này áp dụng thuế năng lượng tái tạo với đối tượng nộp thuế và khách hàng sử dụng điện. Số thu được dùng để tài trợ cho các khoản trợ cấp phí bảo hiểm đầu vào cho năng lượng tái tạo.

Thứ ba, Việt Nam cần cân nhắc áp dụng thêm một số loại thuế, đặc biệt là thuế các-bon và hệ thống giao dịch phát thải. Các loại thuế khác, bao gồm: thuế năng lượng, thuế xử lý chất thải, thuế hàng không, thuế liên quan tới nguồn nước và thuế bảo tồn hệ sinh thái.

Tài liệu tham khảo:
1. CEPE (2015). Economic analysis of policy measures to reduce CO2 emissions of passenger cars in Switzerland. http://e-citations.ethbib.ethz.ch/view/pub:174280?lang=en, truy cập ngày 26/5/2024.
2. Deloitte (2022). Environmental taxes: What you need to know. https://www2.deloitte.com/uk/en/focus/climate-change/zero-in-on-environmental-taxes.html?gclid=Cj0KCQjwwtWgBhDhARIsAEMcxeDK2Q2dS3PiqHv8Z5Lquudsgy47nPabdWkBu1enfBB45O_yVEWPaNwaAkFoEALw_wcB, truy cập ngày 26/5/2024.
3. EEA (2015). EU ETS Data Viewer (database). www.eea.europa.eu/data-and-maps/data/data-viewers/emissions- trading-viewer, truy cập ngày 26/5/2024.
4. IEA (2013). Energy Policies Beyond IEA Countries: Estonia 2013, IEA/OECD Publishing, Paris. http://dx.doi.org/ 10.1787/9789264190801-en, truy cập ngày 26/5/2024.
5. OECD (2012). Estimating Effective Carbon Prices: Case Study of Estonia, Working Party on Integrating Environmental and Economic Policies, ENV/EPOC/WPIEEP (2012)6/REV1, OECD Publishing, Paris. OECD (2017) OECD Environmental Performance Reviews.https://www.oecd.org/environment/country-reviews/OECD_EPR_Estonia_Highlights.pdf, truy cập ngày 26/5/2024.