Phát triển nông nghiệp thông minh: Kinh nghiệm của Israel và bài học cho Việt Nam

TS. Trần Minh Nguyệt
PGS.TS. Từ Thúy Anh
TS. Chu Thị Mai Phương
Trường Đại học Ngoại thương

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nông nghiệp thông minh không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là yêu cầu nội tại của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và phương thức quản trị tối ưu nhưng sẽ phụ thuộc vào đặc điểm tự nhiên của mỗi quốc gia và phương thức quản trị tương ứng. Bài viết phân tích những thành công trong phát triển và quản trị nông nghiệp thông minh, từ đó, đề xuất các bài học vận dụng quản lý và phát triển nông nghiệp thông minh ở nước ta hiện nay.  

Từ khóa: Nông nghiệp thông minh; phát triển; kinh nghiệm; bài học quản lý; Israel. 

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu đang gây ra thách thức lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm năng suất và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt. Việt Nam, với tỷ lệ dân số dựa vào nông nghiệp cao, đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lương thực. Ngoài ra, nông nghiệp cũng góp phần vào tăng lượng phát thải khí nhà kính. Phương thức nông nghiệp thông minh với khí hậu, “… nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường có tính đến các vấn đề của biến đổi khí hậu, nhằm đạt các mục tiêu phát triển, cả ngắn hạn và dài hạn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu” (FAO, 2010), được xem là giải pháp giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện năng suất, nhưng việc áp dụng nông nghiệp thông minh với khí hậu ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Bài viết tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Israel cùng các ứng dụng nông nghiệp thông minh với khí hậu của quốc gia này, quốc gia được đánh giá là hoàn toàn không phù hợp để phát triển nông nghiệp do nhiều sa mạc, khan hiếm nước nhưng lại đang là nước phát triển nông nghiệp hàng đầu, là hình mẫu nông nghiệp thành công của cả thế giới. Trên cơ sở đó, bài viết sẽ tìm ra những bài học cho phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng nông nghiệp thông minh.

2. Giới thiệu về nền nông nghiệp của Israel

2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Israel

Israel là quốc gia Trung Đông nằm ở phía đông của Địa trung hải ở Tây Á với diện tích khoảng 20770 kmtương đương khoảng 63% diện tích của Việt Nam với dân số là 8,5 triệu người (năm 2018), tương đương 8,8% dân số của Việt Nam (Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, 2019). Israel được coi là đất nước duy nhất có sự hợp nhất giữa các đặc điểm châu Âu và Trung Đông, vì sự gần gũi về địa lý với miền Cận Đông và đa phần dân cư là người có nguồn gốc Trung Đông.

Tương đồng với Việt Nam, đất nước Israel nằm ven biển với bờ biển dài 273km và dải Gaza. Diện tích đất nước trải dài từ bắc xuống phía nam với chiều dài 424km và chiều rộng 114 km ở điểm hẹp nhất của đất nước (Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, 2019). Mặc dù được coi là đất nước Trung Đông nhưng thực tế Israel nằm trên cả châu Á và châu Phi,  do đó, các điều kiện về khí hậu, địa lý rất đa dạng, với sa mạc ở phía Nam và đồi núi bao phủ bởi tuyết trắng ở phía Bắc. Đất nước Israel được chia làm bốn vùng gồm có: đồng bằng ven biển, đồi núi ở trung tâm, Châu thổ Jordan và sa mạc Negev. Đồng bằng ven Địa Trung Hải là khu vực màu mỡ, ẩm ướt, có nhiều con sông ngắn cắt ngang nhưng chỉ có hai con sông Yargon và Qishon là có nước. Vùng cao nguyên trung tâm gồm nhiều đồi núi cằn cỗi có độ cao trung bình là 610 m. Xa hơn về phía Nam có nhiều thung lũng màu mỡ cắt ngang từ Đông sang Tây. Châu thổ Jordan là một phần nhỏ thuộc rãnh nứt Syri Đông Phi có con sông Jordan, hồ Teberias và Biển Chết. Sa mạc Negev rộng 12.000 km2 chiếm đến hơn một nửa diện tích đất liền (Bộ Ngoại giao Israel, 2020).

Về khí hậu, Israel là đất nước có nhiều nắng và mang tính chất khí hậu vùng Địa Trung Hải với mùa hè dài nóng, khô và mùa đông ngắn, lạnh và nhiều mưa thay đổi theo vị trí địa lý và độ cao. Điều kiện khí hậu giữa các vùng khác nhau rõ rệt. Trong khi tại vùng đồng bằng dọc bờ biển Địa Trung Hải có mùa hè nóng ẩm, mùa đông ôn hòa và ẩm ướt thì tại vùng đồi núi có mùa hè khô ấm áp và mùa đông khá lạnh cùng với mưa. Khí hậu được xác định bởi vị trí của Israel giữa đặc điểm khô cằn cận nhiệt đới của Ai Cập và ẩm cận nhiệt đới của Levant hay phía đông Địa Trung Hải. Những vùng có thể trồng cây của đất nước là những vùng có lượng mưa lớn hơn 300 millimét hằng năm; chỉ khoảng một phần ba đất đai của nước này có thể trồng cây được. 

Có thể nói Israel có rất ít tài nguyên thiên nhiên, điều kiện thời tiết, địa lý khắc nghiệt với phần lớn diện tích lãnh thổ là sa mạc và đồi núi đá trọc. Tuy nhiên, Israel lại là đất nước duy nhất có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công và thay đổi nền nông nghiệp thế giới.

Về kinh tế, Israel phát triển mạnh dựa vào những ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế bao gồm: nông nghiệp 1,6%, công nghiệp 30,8%, dịch vụ 67%. Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, song trong 20 năm qua, Israel vẫn luôn phát triển nhanh, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Nông nghiệp của Israel phát triển mạnh với ứng dụng công nghệ sinh học hàng đầu trên thế giới. Israel tự túc được phần lớn lương thực trừ ngũ cốc và thịt bò. Kim cương, kỹ thuật cao, trang thiết bị quân sự, phần mềm, dược phẩm, hoá chất tinh chế (fine chemical) và các nông sản (hoa quả, rau và hoa) là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này (Bộ Ngoại giao Israel, 2020).

Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), Israel là nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm nhất ở khu vực Trung Đông mở rộng (Worldbank, 2020). Các ngành công nghiệp kỹ thuật cao đã chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là thế kỷ XX. Những hạn chế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và mức đầu tư cao cho giáo dục đã đóng vai trò lớn trong việc hướng công nghiệp vào lĩnh vực kỹ thuật cao, dẫn tới thành công của Israel trong phát triển các kỹ thuật tiên tiến trong phần mềm, thông tin và khoa học đời sống. Israel thường được coi là Thung lũng Silicon thứ hai.

2.2. Thành tựu phát triển nông nghiệp của Israel

Nền nông nghiệp của Israel có thể được coi là nền nông nghiệp thông minh với khí hậu nhờ vào việc áp dụng khoa học cùng kỹ thuật canh tác thông minh, hiện đại. Từ một nước ít có lợi thế về nông nghiệp, đến nay, nông nghiệp Israel đã trở thành thế mạnh và lực đẩy tạo nên nét khởi sắc cho nền kinh tế Israel. Do tập trung nghiên cứu, sáng tạo và áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên mặc dù lượng đất đai phù hợp trồng nông nghiệp ít cùng với áp lực dân số và nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng tăng cao nhưng nền nông nghiệp Israel vẫn đạt được rất nhiều thành tựu. Không chỉ giải quyết hoàn toàn tình trạng thiếu hụt lương thực, trong 10 năm gần đây, nông nghiệp thông minh với khí hậu đã giúp Israel đáp ứng đủ và dư thừa nhu cầu lương thực trong nước, thậm chí xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Có thể nói, ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% nguyên nhân thành công là nhờ khoa học và chỉ có 5% nhờ sức lao động của con người. Israel phát minh ra nhiều công nghệ nông nghiệp và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như công nghệ tưới nhỏ giọt, tạo mưa từ mây, công nghệ khử mặn đất. Do nhận thức được sự khan hiếm nguồn nước, Israel đã tập trung tái chế nước với tỷ lệ cao nhất thế giới lên tới 70%. Israel cũng là nước duy nhất đẩy lùi sa mạc (Nguyen, 2022).

Israel đã đạt được những kết quả nổi bật nhờ vào sự phát triển theo hướng khoa học, hiện đại như trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông sản mỗi năm lên tới 5,5 tỷUSD cho dù chỉ có 2,2% dân số làm nông nghiệp. Israel đã chứng minh đất nước này có thể làm nông nghiệp ở bất cứ đâu. Arava là khu vực khô cằn nhất thế giới đã sản xuất vào xuất khẩu lên tới 60% tổng sản tổng sản lượng xuất khẩu rau quả của Israel và chiếm 10% sản lượng thực phẩm xuất khẩu của toàn thế giới. Năng suất nông nghiệp của Israel cao nhất thế giới. Năng suất lao động tăng lên 7 lần từ  năm 1995 – 2014. Năm 1995, nếu một người nông dân có thể tạo ra được lượng lương thực đủ nuôi 15 người thì đến 2014, lượng lương thực tạo ra có thể nuôi 100 người (Alon Tah, 2009).

2.3. Chính sách nông nghiệp của Israel

Trước đây, Israel đưa ra chính sách Nhà nước sở hữu đến 92% ruộng đất. Chính phủ quản lý và phân bổ nguồn nước tưới tiêu và các tài nguyên thiên nhiên. Giống như Việt Nam, Israel từng thực hiện cơ chế quản lý tập trung trong nông nghiệp. Israel đã nhận những kết quả tiêu cực cho việc thực hiện cơ chế này khi cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài trên cả nước, các vùng đất bị sa mạc hóa và người dân rời bỏ các khu vực đất đai khô cằn đi nơi khác sinh sống. 

Từ năm 1985, Israel đã chuyển đổi từ cơ chế tập trung sang tư nhân hóa, cho phép sở hữu đất đai, chuyển đổi sang cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích cạnh tranh, đổi mới kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Đây là bước chuyển biến mang tính đột phá bắt đầu từ tư duy phát triển nông nghiệp bền vững (Markou, 2002). Israel đã phát triển hai mô hình nông nghiệp là mô hình đại nông trại và mô hình làng nông nghiệp. Số người trực tiếp làm nông nghiệp ở Israel là 2,2% dân số, tuy nhiên có tới 6,3% dân số làm trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp ở Israel là 100 triệu USD/năm, cao nhất thế giới. Đặc biệt, Israel liên kết giữa các khu vực sản xuất nông nghiệp với hoạt động thương mại, dịch vụ, như tạo ra các lễ hội nông sản để thu hút khách du lịch, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương và tăng thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, Israel đưa ra chính sách đầu tư nghiên cứu và phát triển. Israel đã rất thành công trong việc liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Sự kết hợp này đem lại mối quan hệ chặt chẽ và đảm bảo tính hiệu quả, toàn diện của các chính sách nông nghiệp. Nhờ có sự liên kết này, người nông dân dễ dàng tiếp nhận các chính sách mới và được giải đáp thắc mắc, hỗ trợ kỹ thuật từ đội ngũ chuyên gia. Nhờ đó, các nhà khoa học sẽ có các nghiên cứu mang nhiều tính khả thi hơn. Các chính sách nông nghiệp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn.  Hiệu quả của sự liên kết này chính là sự ra đời của các nghiên cứu mang tính thực tiễn, hiệu quả, dễ dàng được áp dụng trong thực tế. Thông tin nhiều chiều giữa các bên giúp cho người nông dân có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển, các kết quả nghiên cứu cũng được nhanh chóng đưa ra đồng ruộng để thử nghiệm. Tại Israel, mỗi khu vực nông nghiệp đều có các phòng nghiên cứu ngay tại khu vực đồng ruộng, do đó việc nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tới thực tiễn được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Sự ra đời của các giống cây mới, các cải tiến trong kỹ thuật tưới tiêu, bón phân liên tục được cập nhật, tạo ra hiệu ứng tích cực cho cả nền nông nghiệp Israel.

3.  Nông nghiệp thông minh với khí hậu của Israel

Việc chuyển mình từ quốc gia được đánh giá là hoàn toàn không phù hợp để phát triển nông nghiệp đến trở thành nước phát triển nông nghiệp hàng đầu do có sự đóng góp to lớn của các ứng dụng nông nghiệp thông minh với khí hậu. Các biện pháp tiêu biểu mà Israel đã áp dụng có thể kể đến như sau:

3.1. Tưới tiêu tự động, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước

Nước tưới tiêu trong nông nghiệp là một trong những vấn đề nan giải với rất nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các nước có nhiều ao hồ sông suối như Việt Nam. Israel là quốc gia có nhiều sa mạc và bán sa mạc, nước là tài nguyên khan hiếm, do đó, mục tiêu tiết kiệm nước được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện được điều này, Israel đã áp dụng nhiều công nghệ tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm tối đa nguồn nước, như: sử dụng các van tự động, lọc nhiều tầng, dùng vòi phun áp lực thấp và phun mưa loại nhỏ. Israel cũng áp dụng những sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả, như thực hiện trồng rau theo các hình tròn trên các vùng đất sa mạc và bán sa mạc để giúp việc tưới tiêu dễ dàng, bao quát hết diện tích trồng trọt cũng như áp dụng các dàn tưới tiêu tự động quy mô lớn.

Nổi tiếng nhất về công nghệ tưới tiêu của Israel là công nghệ tưới nhỏ giọt, có thể tiết kiệm tới 60% nước tưới. Hệ thống ống dẫn sẽ đưa nước tưới tới từng gốc cây là nước nhỏ chậm, đều đặn khiến đất luôn giữ được độ ẩm do đó khả năng kích thích tăng trưởng tăng lên đáng kể (Alon Tal, 2009). Ngoài ra, Israel còn sử  dụng hệ thống tưới phun sương để đưa nước tới bề mặt lá cây giúp cho lượng nước tưới được tiết kiệm tới 50% (Alon Tal, 2009). Đây là công nghệ giúp trồng cây được ngay cả trong điều kiện sa mạc và thời tiết khắc nghiệt. 

3.2. Lựa chọn hạt giống chất lượng cao

Israel đặc biệt quan tâm đến chọn giống cây do đó đất nước này tập trung nghiên cứu tạo ra giống cây trồng mới đem lại năng suất cao hơn. Israel đã tạo ra công nghệ cấy ghép vật liệu di truyền vào hạt giống mà không thay đổi cấu trúc DNA giúp nâng cao chất lượng hạt giống, như: tăng khả năng chống sâu bệnh, thích nghi tốt hơn với khí hậu, thổ nhưỡng và cho năng suất cao hơn. Hạt giống chất lượng cao của Israel đã được xuất khẩu tới rất nhiều nước trên thế giới và tạo nên thương hiệu vững chắc cho nông nghiệp Israel.

3.3. Ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực trên thế giới và đặc biệt tại Israel. Israel đã ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp, như: đưa ra ứng dụng quản lý trực tuyến, cung cấp hệ thống kiến thức nông nghiệp trực tuyến để người nông dân và các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, kỹ sư trao đổi thông tin với nhau. Chính phủ Israel cũng tạo ra những website để giúp người nông dân quảng cáo, tiếp thị trực tiếp sản phẩm sang các thị trường tiềm năng. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Israel được cung cấp tới tay người tiêu dùng trong thời gian nhanh nhất, chất lượng sản phẩm tươi ngon nhất. 

Công nghệ thông tin được sử dụng ở hầu hết các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản. Thông qua công nghệ cảm biến, máy tính có thể nhận ra được độ ẩm của đất, ánh sáng, nhiệt độ, mức độ dinh dưỡng… Máy tính cung cấp các thông tin, như thửa ruộng nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh. Công nghệ thông tin giúp việc sản xuất nông nghiệp trở nên đơn giản, nhẹ nhàng và hiệu quả.. 

3.4. Sản xuất nông nghiệp trong nhà kính

Israel tập trung đẩy mạnh sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệpDo điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt, Israel đã sử dụng nhà kính khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Nhà kính Israel sử dụng có ứng dụng các công nghệ hiện đại có thể loại trừ các yếu tố ngoại cảnh bất lợi cho sản xuất. Nhờ cách sản xuất này, Israel đã tạo ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp trái vụ và những loại không sản xuất được ở môi trường tự nhiên, như trồng nấm mỡ trên sa mạc. 

Nhà kính tại Israel không phải là những loại thông thường mà ứng dụng rất nhiều công nghệ cao, hiện đại của nông nghiệp thông minh với khí hậu. Công nghệ này cũng giúp Israel tối ưu hóa chi phí sản xuất và tiết kiệm nước đối đa và kiểm soát được tiểu khí hậu, kiểm soát dịch hại, thâm canh cao. Nhà kính đã tạo ra sự tăng trưởng đột biến về năng suất của nông nghiệp Israel. 

3.5. Công nghệ kiểm soát côn trùng và công nghệ sau thu hoạch

Ngoài việc sử dụng nhà kính đề kiểm soát côn trùng, Israel còn thực hiện lai tạo, tạo ra các loại côn trùng có ích cho cây trồng. Chẳng hạn, Israel tạo ra các giống ong vò vẽ để thụ phấn cho cây trong môi trường tự nhiên. Từ năm 1990 đến nay, Israel tạo ra các giống nhện ăn các bọ ký sinh và nhờ vậy các giống cây phát triển tốt. Nhờ vậy, Israel đã tiết kiệm được đến 75% thuốc trừ sâu. Israel đã tạo ra thuốc diệt cỏ chậm phát tán vào đất, thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường (IsraelAgri, 2020).

Sau khi thu hoạch, vấn đề bảo quản sản phẩm nông sản cũng được Israel đặc biệt quan tâm. Israel cho ra đời nhiều công nghệ bảo quản để sản phẩm nông sản giữ được thời gian tươi lâu nhất và giá trị dinh dưỡng cao nhất. Chẳng hạn, Israel cho ra đời công nghệ bảo quản bằng túi khí có thể giữ quả lựu tươi trong 4 tháng hoặc dùng hệ thống sưởi ấm giữ chất lượng cho hành tây…

Như vậy, với cách làm nông nghiệp tỉ mỉ, chi tiết kết hợp khoa học-kỹ thuật hiện đại, Israel đã trở thành hình mẫu của cả thế giới về phương thức nông nghiệp tiên tiến, thông minh. Đến nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đã học hỏi kinh nghiệm của Israel để áp dụng vào nông nghiệp và cũng đã đạt được một số thành công.

4. Nông nghiệp Israel và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

Hằng năm, lượng khí thải nhà kính của Israel đều tăng nhẹ, “đóng góp” vào lượng khí thải toàn cầu. Chính phủ Israel luôn tìm mọi cách để giảm lượng khí thải xuống ở mọi lĩnh vực.

Biểu đồ 2 dưới đây cho thấy, chỉ có 3% lượng khí nhà kính được thải ra từ nông lâm nghiệp, ngành sản xuất điện và lọc dầu đóng góp 56% lượng khí thải nhà kính, 20% từ giao thông vận tải, 20% từ rác thải, 12% khí nhà kính được tạo ra từ công nghiệp. Mức tỷ lệ khí nhà kính từ công nghiệp và nông nghiệp phần nào cho thấy Israel rất chú trọng đến công nghệ sạch, thân thiện với môi trường nên tỷ lệ khí nhà kính từ nông nghiệp chỉ là 12% (so với mức trung bình của thế giới là 23%).

Biểu đồ 3 cho biết, lượng khí thải nhà kính theo lĩnh vực trên thế giới. Mức đóng góp của ngành nông nghiệp vào lượng khí thải lên tới 8% cao hơn rất nhiều so với mức 3% của Israel. Như vậy, Israel đã có nỗ lực rất lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

Israel thực hiện tất cả các biện pháp để giảm thiểu khí nhà kính hướng tới nền kinh tế ít carbon. Ủy ban bảo vệ Môi trường và chống biến đổi khí hậu đã đưa ra các chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm cả hai nhóm biện pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Israel hiểu rất rõ việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu (thể hiện bằng hành động cắt giảm khí nhà kính) và thích ứng (tăng cường khả năng thích nghi và chịu đựng trước biến đổi khí hậu) không còn là sự lựa chọn nữa mà là điều bắt buộc. Do đó, Israel đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết để chuẩn bị cho giai đoạn hậu nghị định thư Kyoto tập trung giảm thải khí nhà kính trong tất cả các lĩnh vực (năng lượng, rác thải, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp).

Dựa trên kinh nghiệm được tích lũy qua mỗi năm, Israel trở thành một đất nước có đóng góp đáng kể trong việc đưa ra các giải pháp giảm lượng khí nhà kính trên thế giới, đặc biệt trong nông nghiệp. Israel sử dụng năng lượng và nước tiết kiệm hơn, hạn chế phân bón và thuốc trừ sâu, áp dụng công nghệ sạch và sau thu hoạch sử dùng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Trong một vài năm gần đây Israel từng bước tăng cường tính hiệu quả của việc lưu trữ năng lượng và điều chỉnh cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng hiệu quả hơn, chuyển hướng dùng các loại năng lượng sạch và có thể tái tạo như năng lượng mặt trời. Trong hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, tuyên bố của Israel bao gồm việc các tổ chức đại diện chính phủ, chính quyền địa phương, khu vực công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, các viện nghiên cứu… đều phải cam kết các hành động chống lại biến đổi khí hậu.  Cụ thể Israel sẽ phối hợp tất cả các bộ, ban ngành và thành phần nhằm nỗ lực giảm phát thải, bảo vệ môi trường và điều kiện sống ở khu vực và toàn cầu với tinh thần cao nhất cùng các thành viên khác trên thế giới. Israel cũng nhận định công nghệ tiên tiến của họ sẽ đem tới rất nhiều cơ hội mới để đối đầu với các mục tiêu trước mắt trong cả việc thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu, hơn nữa, Israel hy vọng công nghệ dẫn đầu của họ sẽ được cung cấp tới toàn thế giới. Thực tế đã chứng minh, Israel đã làm rất tốt, đến nay đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới học hỏi kinh nghiệm và nhập khẩu công nghệ của Israel. 

5. Bài học quản lý cho Việt Nam nhằm phát triển nông nghiệp thông minh

Từ kinh nghiệm thành công của Israel, chúng ta có thể thấy, quốc gia này đã có các chính sách, định hướng và cách làm đúng đắn, khoa học hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu và đã đạt được nhiều thành công nổi bật. Đây là những bài học quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi để phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh.

Thứ nhất, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu khí nhà kính thải ra bầu khí quyển, quốc gia cần đưa ra các kế hoạch rất cụ thể trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

Thứ hai, cơ chế, thể chế, chính sách, khung pháp lý được xây dựng rõ ràng cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh với khí hậu. Israel đã đạt được thành công nhanh chóng từ khi tiến hành tư nhân hóa đất nông nghiệp. 

Thứ ba, Israel đã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh. Các công nghệ tiên tiến, như hệ thống tưới tự động, việc sử dụng nước tái chế và việc áp dụng hệ thống quản lý thông minh đã giúp Israel tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. 

Thứ tư, Israel đã thực hiện rất tốt việc kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ban ngành, các nhà khoa học và người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Israel tạo nên mô hình liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Sự kết hợp này tạo nên mối quan hệ chặt chẽ, vững chắc và hiệu quả cho chính sách, các nghiên cứu khoa học và thực tiễn thực hiện sản xuất nông nghiệp. 

Thứ năm, chìa khóa thành công của Israel là tập trung đầu tư nghiên cứu nông nghiệp, như: lai tạo ra giống mới, phương pháp nông nghiệp mới, kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tăng cường đào tạo để nâng cao hiểu biết và trình độ của người nông dân, đặc biệt là về nông nghiệp thông minh với khí hậu, từ đó giúp họ phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Thứ sáu, Israel khuyến khích tư nhân hóa lĩnh vực nông nghiệp và tăng cường thu hút vốn tư nhân để phát triển. Đây không chỉ là một bước đi mạnh mẽ mà còn tạo cơ hội lớn để thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường hiệu quả trong ngành Nông nghiệp. Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường sự hấp dẫn đối với vốn đầu tư tư nhân, Israel đã mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và kinh tế quốc gia.

Thứ bảy, Chính phủ Israel đã tạo nên mạng lưới cung cấp thông tin thời tiết, thông tin về kỹ thuật nông nghiệp rất hữu ích và dễ tiếp cận cho người nông dân cũng như mọi đối tượng quan tâm đến nông nghiệp thông minh với khí hậu. Nhờ có các website, Chính phủ cũng dễ dàng phổ biến chính sách cho người nông dân và ngược lại, người nông dân có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, kiến thức, kỹ thuật một cách chính thống. 

Thứ tám, tăng cường tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm sức lao động, đồng thời, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng. Đây là chìa khóa để thành công của rất nhiều quốc gia trên thế giới và tiêu biểu nhất là Israel.

Thứ chín, phát huy tối đa những lợi thế mà tiến trình toàn cầu hóa mang lại cho các quốc gia. Toàn cầu hóa đã mở ra cơ hội cho mọi quốc gia bất kể là quốc gia giàu hay nghèo trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật từ bên ngoài để phát triển các dự án nông nghiệp thông minh với khí hậu trong nước. Israel đã nắm bắt tốt cơ hội này tạo điều kiện cho nông nghiệp luôn phát triển theo hướng hiện đại, đúng nhu cầu thị trường.

6. Kết luận

Những bài học phát triển nông nghiệp từ Israel không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là những tư liệu quý báu và ý nghĩa cho Việt Nam trong định hướng phát triển nông nghiệp thông minh. Việc áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trên cơ sở học hỏi từ Israel cũng như các quốc gia khác có thể giúp Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đảm bảo an ninh thực phẩm và phát triển bền vững cho nền kinh tế nước nhà.

Tài liệu tham khảo
1. Chung Anh Dũng. Khí thải nhà kính (greenhouse gas) từ nông nghiệp – các nguồn phát thải. Phòng công nghệ sinh học – IAS. 2017.
2. Ngô Thị Thu Hà. Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 11, 2017.
3. Nguyễn Đức Ngữ, Nguyễn Trọng Hiệu, Trần Thục, Phạm Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Lan, Vũ Văn Thăng. Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam. Viện Khoa học khí tượng Thủy Văn, 2010.
4. Bộ Ngoại giao Israel. https://mfa.gov.il/mfa/aboutisrael/land/pages/the%20land-%20geography%20and%20climate.aspx, ngày 30/10/2020.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. https://www.mard.gov.vn/Pages/nong-nghiep-can-tho-phat-trien-cong-nghe-4-0.aspx, ngày 04/8/2020.
6. Cổng thông tin Nông nghiệp Israel. http://www.israelagri.com/, ngày 04/7/2020.
7. Đại sứ quán Việt Nam tại Israel. https://vietnamembassy-israel.org/tim-hieu-ve-dat-nuoc-israel/, ngày 25/12/2020.
8. Ngân hàng thế giới. https://www.worldbank.org/en/topic/climate-smart-agriculture, ngày 15/07/2020.
9. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. http://www.fao.org/3/a-t0656e.pdf, ngày 05/5/2020.
10. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc http://www.fao.org/climate-smart-agriculture/en, ngày 08/9/2020.
11. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc http://www.fao.org/3/a-i7658e.pdf , ngày 09/10/2019.
12. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc http://www.fao.org/3/i9553en/i9553en.pdf , ngày 08/10/2020.
13. Tổng cục thống kê Việt Nam. https://www.gso.gov.vn, ngày 27/10/2020.
14. Alon Tal.  Israeli Agricultural Innovation: Assessing the  Potential to Assist Smallholders. Syngenta, 2019.
15. Marinos Markou. National Agricultural Policy Report Israel – Final, Market and Trade Policies for Mediterranean Agriculture. 2005.
16. Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thanh Minh. Cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau an toàn của tỉnh Thái Nguyên. Tạp chí Công thương, trang 70-77, số 8, 2022.