Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện hành chính Quốc gia

ThS. Phạm Thị Nga
TS. Nguyễn Thị Hoàng Lý
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học công lập trở thành yêu cầu cấp bách. Trên cơ sở phân tích thực trạng triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2019 – 2023, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện trong thời gian tới.

Từ khóa: Học viện Hành chính Quốc gia; viên chức người lao động; đào tạo; bồi dưỡng; giải pháp; nâng cao hiệu quả; thực hiện; chính sách.

1. Đặt vấn đề

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động tại cơ sở giáo dục đại học công lập là nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, người lao động, góp phần xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đây là quá trình thực tiễn hóa chính sách đào tạo, bồi dưỡng vào hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Thời gian qua, Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện) đã thực thi nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung hiện nay, Học viện cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, đánh giá đúng thực trạng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động trong Học viện sẽ là chìa khóa để đề xuất những giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức và người lao động tại Học viện.

2. Thực trạng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2019 – 2023

1.1. Về số lượng viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng.

 Từ năm 2019 – 2023, Học viện đã tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cho gần 3.000 lượt viên chức, người lao động (xem Bảng 1)1:

Kết quả khảo sát cho thấy, từ năm 2019 – 2020, số lượt viên chức, người lao động được đào tạo và bồi dưỡng theo chính sách của Học viện tăng 35,6% (từ 410 lượt người lên 556 lượt người). So với năm 2021, số lượt viên chức, người lao động được cử đi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 tăng vượt bậc, với 219% (tương đương 619 lượt người). Với sự điều chỉnh trong Quy chế đào tạo của Học viện do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập vào Học viện từ ngày 01/01/2023 theo Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng viên chức, người lao động được thụ hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng khác của Học viện đã tăng từ 462 lượt người lên 689 lượt người (tăng 42,8% so với năm 2022)2.

Trên cơ sở đó, năng lực thực hiện nhiệm vụ (gồm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ, ý thức trách nhiệm) của viên chức, người lao động tại Học viện đã được nâng cao, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển của Học viện và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Số lượng viên chức, người lao động được thụ hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung tăng dần qua các năm.

1.2. Về chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ nhất, giai đoạn 2019-2022 (trước sáp nhập)

(1) Tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội:

– Viên chức đi học nghiên cứu sinh được Nhà trường hỗ trợ kinh phí học tập 10.000.000 đ/năm (hỗ trợ không quá 3 năm). Ngoài ra, giảng viên đi học nghiên cứu sinh được giảm trừ 10% khối lượng giảng dạy (giảm trừ không quá 3 năm) và được tính giờ nghiên cứu khoa học được quy định tại quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học, quy chế làm việc của giảng viên, quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. 

– Đối với việc đi học cao cấp lý luận chính trị quốc phòng – an ninh và các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức hoặc do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức và cấp chứng chỉ, Trường sẽ chi trả hoàn toàn kinh phí và tạo điều kiện về thời gian học. 

– Đối với các chương trình đào tạo cao học, đại học văn bằng 2 và các chương trình chuyên môn, nghiệp vụ khác, Nhà trường hỗ trợ về thời gian và cá nhân đi học tự túc kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

(2) Tại Học viện:

– Đối với trường hợp viên chức được Học viện cử đi học: Trong thời hạn đào tạo, bồi dưỡng, căn cứ quyết định cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng, Học viện sẽ được xem xét thanh toán các khoản học phí, tài liệu chính thức học tập và các chế độ khác theo quy định. 

– Trường hợp được cử đi học và kinh phí do cá nhân chịu trách nhiệm: Học viện chi hỗ trợ cho người được cử đi học và bảo vệ thành công đúng hạn luận án tiến sĩ là 10.000.000 đ/người. 

Thực hiện Quyết định số 3542/QĐ-BNV ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên quản lý nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Học viện đã tổ chức các hoạt động bồi dưỡng giảng viên thông qua việc tổ chức cho các khoa chuyên môn nghiên cứu thực tế tại địa phương, cử giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm, tham gia các khóa bồi dưỡng công chức, viên chức. 

– Đối với công tác nghiên cứu khoa học: 

+ Học viện chi hỗ trợ kinh phí 15.000.000 đ/01 bài báo cho người lao động của Học viện có bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế (là tác giả chính bài báo được đăng trên tạp chí nằm trong danh mục ISI hoặc SCOPUS mà Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định hằng năm và có nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện); 10.000.000 đ/tác giả viết sách chuyên khảo (sách phải được xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trên thế giới) và nội dung sách phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Trường hợp là tác giả phụ được hưởng 50% định mức trên.

+ Các cá nhân vượt định mức nghiên cứu khoa học hằng năm từ 30% trở lên (là bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận) được hỗ trợ 2.000.000đ/ năm.

+ Chi hỗ trợ kinh phí 10.000.000đ/đề tài cho người lao động được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia; 5.000.000đ/đề tài cho người lao động được giao làm chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh. 

+ Hỗ trợ công tác nghiên cứu, học tập nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên cơ hữu thuộc Học viện với mức chi hỗ trợ là 10.000đ/ giờ chuẩn/ số giờ nghĩa vụ giảng viên thực hiện trong năm. 

Thứ hai, giai đoạn 2023 đến nay (sau sáp nhập)

(1) Đối với các chương trình đào tạo:

–  Đào tạo tiến sĩ: hỗ trợ 15.000.000 đ (mười lăm triệu đồng chẵn) đối với 1 viên chức sau khi được cấp bằng tiến sĩ. 

–  Đào tạo thạc sĩ: hỗ trợ 5.000.000 đ (năm triệu đồng chẵn) đối với 01 viên chức sau khi được cấp bằng thạc sĩ. 

– Đào tạo lý luận chính trị: các chương trình đào tạo lý luận chính trị bao gồm cao cấp lý luận chính trị và trung cấp lý luận chính trị. Mức hỗ trợ cụ thể: hỗ trợ 50% học phí (mức hỗ trợ có thể cao hơn hoặc thấp hơn phụ thuộc vào nguồn kinh phí bố trí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của Học viện).

(2) Đối với các chương trình bồi dưỡng:

– Đối với các chương trình bồi dưỡng do Học viện tổ chức, viên chức được hỗ trợ 100% học phí. Trường hợp viên chức đi học các chương trình bồi dưỡng thuộc các cơ sở bên ngoài cấp chứng chỉ (mà các chương trình này thuộc nhiệm vụ bồi dưỡng của Học viện) thì tự túc kinh phí.

– Đối với các chương trình tập huấn, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ do Học viện tổ chức hoặc do Bộ Nội vụ tổ chức: viên chức được hỗ trợ 100% kinh phí.

 Đối với bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (các đối tượng): hỗ trợ 100% kinh phí.

(3) Đối với chế độ giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy:

Một là, giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghỉ theo quy định của Bộ Luật lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

Hai là, giảng viên là nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được giảm 10% định mức giờ chuẩn ở chức danh tương ứng.

Ba là, giảng viên được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ trong nước được giảm trừ 10% định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm học; được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước được giảm trừ 25% định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm học. Chế độ giảm trừ đối với giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng khi có quyết định cử đi đào tạo của Giám đốc Học viện. Thời gian giảm trừ tính theo thời gian học ghi trong quyết định lần đầu, không tính thời gian gia hạn.

Bốn là, giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, công tác đảng, đoàn thể của các tổ chức đảng, đoàn thể và giảng viên kiêm nhiệm làm việc tại các đơn vị tham mưu, quản lý có nghĩa vụ giảng dạy tối thiểu theo tỷ lệ % của định mức giờ chuẩn giảng dạy quy định tại khoản 3 Điều 6 của quy chế làm việc của giảng viên.

(4) Đối với chế độ giảm định mức nghiên cứu khoa học:

Một là, giảng viên là nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được giảm 0,5 đơn vị sản phẩm.

Hai là, giảng viên được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, công tác đảng, đoàn thể của các tổ chức đảng, đoàn thể và giảng viên kiêm nhiệm làm việc tại các đơn vị tham mưu, quản lý có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học tối thiểu theo tỷ lệ % của đơn vị sản phẩm khoa học quy định tại khoản 2 Điều 7 của quy chế làm việc của giảng viên3.

Từ thực trạng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện, có thể thấy: việc tổ chức thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động của Học viện đã bảo đảm thực hiện mục tiêu; có tính hệ thống; tính khoa học, pháp lý trong tổ chức thực hiện chính sách và bảo đảm khá hài hòa lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức, người lao động hằng năm vẫn còn chậm, chưa sát với yêu cầu thực tiễn, chưa thật sự đổi mới về nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng có lúc chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; năng lực thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng của một số viên chức ở cơ sở đào tạo còn hạn chế. Một số đơn vị có viên chức, người lao động đi học chưa kết hợp chặt chẽ trong quản lý học viên. Phương pháp giảng dạy hiện tại chưa thực sự tận dụng được sự tích cực và sáng tạo của học viên4

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:

(1) Các chủ trương và cơ chế chính sách đặc thù được ban hành để thực hiện chính sách đào tạo và bồi dưỡng viên chức, người lao động hiện chưa hoàn toàn phản ánh đúng nhu cầu và thực tiễn phát triển của đơn vị và Học viện.

(2) Một số viên chức và người lao động trong quá trình được cử đi đào tạo và bồi dưỡng không đặt ra mục tiêu học tập và không tập trung vào việc nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. 

(3) Một số đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa quan tâm sâu sắc đến việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, để rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động. 

(4) Một số cơ sở chưa đầu tư đúng mức vào cơ sở vật chất ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, như: thiếu máy chiếu, bàn ghế còn lạc hậu, phòng học cũ.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động tại Học viện Hành chính Quốc gia 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động trong giai đoạn hiện nay, Học viện cần thực hiện đồng thời một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách.

– Hoàn thiện hệ thống thể chế thuộc thẩm quyền về thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡngviên chức, người lao động thông qua việc rà soát lại các văn bản quy định có liên quan nói chung, sau đó chọn lọc những văn bản hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế để làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ viên chức, người lao động trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, xây dựng thêm những cơ chế đặc thù mới, như: sử dụng chuyên gia và nhóm nghiên cứu khoa học, chính sách tài chính.

– Có chính sách khuyến khích (như hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về thời gian,…) để tạo điều kiện cho viên chức, người lao động có thể học tập và tự học tập, nghiên cứu cập nhật chính sách, pháp luật của Nhà nước, bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. 

– Ban hành chính sách khuyến khích và thưởng cho viên chức, người lao động hoàn thành và đạt thành tích trong quá trình học tập, phát triển cá nhân.

– Ban hành chế tài nghiêm khắc để viên chức, người lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh những hành vi vi phạm đạo đức, văn hóa công sở. 

Hai là, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên.

– Xây dựng kế hoạch tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cho viên chức, người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học hành chính nâng cao năng lực hội nhập. 

– Các khoa chuyên môn, các Phân hiệu và các trung tâm cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện toàn diện về các mặt: (1) Đổi mới nội dung, chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiệu quả, khoa học và bám sát thực tiễn; nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo kết hợp kỹ năng xử lý tình huống; chú trọng bổ sung kỹ năng thực hành phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm; (2) Đổi mới phương thức, cơ chế, chính sách quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; chú trọng phát triển và khai thác tối đa tiềm năng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương pháp, phương tiện trong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng.

– Tăng nguồn lực tài chính, nâng cấp cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

– Xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ và có khả năng tham mưu hiệu quả.

– Tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động quản lý bồi dưỡng viên chức và người lao động. 

– Thực hiện việc mời giảng viên chuyên gia nước ngoài, chuyên gia đầu ngành trong nước đối với một số chuyên đề bồi dưỡng viên chức, người lao động.

4. Kết luận

Đội ngũ viên chức, người lao động là hạt nhân, là yếu tố bảo đảm cho nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ khi thực hiện đồng thời những giải pháp trên, Học viện mới thực sự có đội ngũ viên chức, người lao động làm việc chuyên nghiệp, thích ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Chú thích:
1, 2, 4. Kết quả khảo sát từ Đề tài: “Thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, người lao động tại Học viện Hành chính Quốc gia” do ThS. Phạm Thị Nga và TS Nguyễn Thị Hoàng Lý làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, mã số Đề tài 9/2023/ĐTCS-HCQG.
3. Quyết định số 3473/QĐ-HCQG ngày 31/7/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia về việc quy định chế độ làm việc của giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
2. Quyết định số 314/QĐ-BNV ngày 22/4/2022 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Nội vụ.
3. Quyết định số 4411/QĐ-HCQG ngày 20/9/2023 của Học viện Hành chính Quốc gia về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động của Học viện Hành chính Quốc gia.
4. Quyết định số 163/QĐ-TT ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016- 2025.
5. Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
6. Xây dựng Học viện số đáp ứng chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 25/5/2024.