TS. Bùi Thị Huyền
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
TS. Ngô Thị Minh Hằng
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Từ bước đổi mới tư duy của Đại hội VI (năm 1986), các Đại hội tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục bổ sung và phát triển những nhận thức mới và chính thức lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Đại hội IX (năm 2001). Các Đại hội X, XI, XII và XIII đã bổ sung và phát triển để làm rõ hơn khái niệm, đặc trưng và xem xét hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Bài viết khái quát quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đánh giá những cơ hội, thách thức cũng như dự báo xu hướng phát triển của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhận thức; thực hiện; dự báo; xu hướng phát triển; Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Đại hội VI (năm 1986) là một cột mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút từ kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường thế giới đã đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong Mục IV Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng với tiêu đề: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xác định, trước hết cần “Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Thực tiễn ở Việt Nam đã chứng minh, việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sự gán ghép khiên cưỡng giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà đó là sự nắm bắt và vận dụng xu thế khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay.
2. Quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
a. Giai đoạn 1986 – 2001
Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, với điểm xuất phát là đổi mới tư duy về kinh tế, thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và thị trường, phê phán triệt để cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp và khẳng định chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) thể hiện sự phát triển lý luận về tư duy kinh tế của Đảng khi khẳng định: “Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”2. Sự nhận thức này thể hiện những nguyên lý: thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã từ bỏ hoàn toàn với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa; thứ hai, xác định cơ chế kinh tế mới của nền kinh tế Việt Nam là kinh tế hàng hóa, thị trường và sự quản lý của nhà nước; thứ ba, xác định rõ tính định hướng XHCN của sự phát triển. Tiếp đó, Đại hội VIII (năm 1996) với chủ trương “xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước”3. Sự khẳng định đó thể hiện 2 điều: một là, xu thế đổi mới kinh tế là không thể đảo ngược; hai là, đổi mới nhưng vẫn giữ vững tính định hướng XHCN.
b. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) ghi những dấu ấn đặc biệt có ý nghĩa trong nhận thức lý luận về nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đưa ra luận điểm mới về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về nội hàm khái niệm, Đại hội IX khẳng định “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần” cũng chính là “nền kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, “đây không phải đơn thuần là sự thay đổi khái niệm, không phải là thao tác đơn giản hóa khái niệm cho tiện sử dụng mà nó có nghĩa là sự phát triển bản chất của chính đối tượng – nền kinh tế đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện sự tiến lên của quá trình nhận thức đối tượng”4. Về mặt thực tiễn, sự thay đổi khái niệm nêu trên phản ánh bước tiến mang tính bản chất của nền kinh tế – tiến từ “nền kinh tế hàng hóa” đến “nền kinh tế thị trường”, từ trình độ “hàng hóa” chuyển lên trình độ “thị trường”. Đối với Việt Nam, sự tiến triển đó đồng nghĩa với việc định hình bản chất của nền kinh tế thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là bước chuyển tư duy rất quan trọng của Đảng, luận điểm này có ý nghĩa khẳng định, đồng thời gợi mở và đặt ra yêu cầu lý luận cho nghiên cứu tiếp theo.
Tại Đại hội X (năm 2006) nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN càng được sáng tỏ, tại Đại hội này, có sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn khi khẳng định tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường, Đại hội X khẳng định: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”5. Đó là kim chỉ nam cho sự phát triển mô hình có tính đặc thù mà trong lịch sử chưa có tiền lệ.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016), trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn của 30 năm đổi mới đất nước đã khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII (năm 2021) đã củng cố, làm sâu sắc và nâng cao toàn diện hơn nhận thức hơn về những nét đặc thù trong mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước6.
Từ bước nhận thức tư duy lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN thể hiện qua các kỳ Đại hội của Đảng có thể khái quát ở các điểm sau:
(1) Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam tuân thủ những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường như quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu, lưu thông tiền tệ…, của kinh tế thị trường nói chung trên thế giới.
(2) Giữa kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN thể hiện hai mặt cơ bản, thống nhất với nhau, vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Vì vậy, giữa “mục đích” định hướng XHCN và “phương tiện” kinh tế thị trường ở Việt Nam không có sự loại trừ, mâu thuẫn nhau mà là sự dung hợp, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên một chỉnh thể thống nhất là kinh tế thị trường định hướng XHCN.
(3) Việc Việt Nam bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm rất thấp về kinh tế, vì vậy, phát triển kinh tế thị trường với đa hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
(4) Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Điều này có nghĩa là, kinh tế thị trường mà Việt Nam xây dựng là một trong những hình thái của kinh tế thị trường hiện đại, đó là một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, chịu sự tác động đa chiều của các định chế kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
3. Dự báo xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong giai đoạn tới
Thứ nhất, bối cảnh quốc tế tạo cơ hội và thách thức cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Tình hình thế giới trong thời gian tới có những biến chuyển mạnh mẽ, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đứng trước những cơ hội lớn, nhưng cùng với đó là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo tình hình thế giới trong giai đoạn tiếp theo diễn ra theo những xu hướng sau:
(1) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động ngày càng sâu sắc và đa chiều đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với công nghệ số sẽ thúc đẩy việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; sẽ tiếp tục làm đổi thay cách thức quản trị nhà nước, các mô hình sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa – xã hội. Chính xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục thực hiện chuyển đổi số quốc gia, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của quốc gia.
(2) Tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và chuyển đổi mô hình phát triển.
(3) Kinh tế thế giới vẫn còn chịu tác động sau đại dịch Covid-19 và những xung đột tại một số nơi trên thế giới đã làm thay đổi nhận thức của các nước trong việc phát huy nội lực, nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế. Các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc lớn trên thế giới có xu hướng điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài, dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu.
(4) Những năm tới, các yếu tố bất ổn định trên thế giới tiếp tục gia tăng, như: dịch bệnh xuyên quốc gia, thiên tai, các biến động về địa chính trị, cùng với đó là sự thay đổi hành vi đầu tư theo hướng thận trọng hơn, quan tâm nhiều hơn tới đầu tư cho lĩnh vự sức khỏe, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững…, được dự báo sẽ càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong những năm tiếp theo. Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cản trở doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Vì thế, Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo dựng khung pháp lý phù hợp cho phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
(5) Những biến đổi sâu sắc trong đời sống xã hội, môi trường, vấn đề giảm nghèo, bất bình đẳng thu nhập, già hóa dân số đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Những biến đổi về xã hội, môi trường cũng sẽ tác động lớn đến Việt Nam trong phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” của sự phát triển.
Thứ hai, bối cảnh trong nước tạo cơ hội và thách thức cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
(1) Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã giúp Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
(2) Nền kinh tế Việt Nam đã kế thừa được những thành tựu phát triển của giai đoạn trước cũng như những nỗ lực vượt khó trong những năm gần đây, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; những động lực cho tăng trưởng kinh tế có những thay đổi theo chiều sâu; thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các nước, doanh nghiệp toàn cầu thay đổi phương thức hợp tác trong chuỗi cung ứng… Đây là những thuận lợi rất căn bản tạo thế và lực cho Việt Nam tiếp tục bứt phá nhanh trong thời gian tới.
(3) Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về con người, hợp tác quốc tế và là nước đi sau nên dễ dàng học tập kinh nghiệm, thu hút đầu tư, nhất là về khoa học – công nghệ của các nước phát triển để thúc đẩy nền kinh tế thị trường được hiện thực hóa nhanh hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam quyết tâm phát triển khoa học – công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cùng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu sẽ nâng cao sức cạnh tranh, năng suất lao động, tạo đột phá để phát triển kinh tế.
(4) Việt Nam là một trong những nước tham gia ký kết các hiệp định thương mại đa dạng, đầy đủ, tạo thuận lợi cho Việt Nam tranh thủ cơ hội để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư FDI của các nước trên thế giới và các nguồn lực chất lượng cao kết hợp với đổi mới thể chế trong nước để đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn trong nền kinh tế, gây cản trở quá trình phát triển trong thời gian tới, như: mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực chất phát triển theo chiều sâu; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, bền vững; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong định hướng XHCN vẫn còn tồn tại những rào cản trong bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chưa chuyển đổi một cách toàn diện trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức, chịu tác động trực tiếp từ những biến động kinh tế từ khu vực và thế giới khi đất nước hội nhập quốc tế càng sâu rộng trong thời gian tới. Do vậy, nếu Việt Nam không kịp nắm bắt các xu thế mới và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đang là nước đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới về xu thế phát triển công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Nguy cơ này càng gia tăng khi nền kinh tế Việt Nam đang phải đứng trước những khó khăn từ chính nội tại của nền kinh tế, như: chênh lệch tỷ giá giữa Việt Nam đồng so với đô la Mỹ, tình trạng lạm phát, những bất ổn từ thị trường vàng, bất động sản…, đang tạo ra những rào cản rất lớn cho phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết với các tổ chức, các nước trên thế giới khi tham gia các FTA thế hệ mới, trong khi, sức mạnh nội tại của nền kinh tế chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế của các nước. Việt Nam vẫn đang bị tác động từ những thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang gây hoang mang, lo lắng trong xã hội, y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân chưa đáp ứng được như kỳ vọng… Tất cả đang tạo ra những rào cản không nhỏ đối với đất nước trong việc xử lý và ứng phó với những vấn đề này. Trong khi đó, nhận thức, năng lực thể chế, chính sách và nguồn lực dành cho việc ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn còn những hạn chế, bất cập đã tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
4. Kết luận
Đảng ta trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc kết kinh nghiệm phát triển của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và đặc biệt là từ thực tiễn của việc xây dựng CNXH ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay đã đưa ra chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với việc nhận thức và sự phát triển tư duy lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tháo bỏ điểm nghẽn về lý luận, song song với đó, những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây đã chứng minh việc Đảng ta lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, tình hình khu vực, thế giới và Việt Nam có nhiều biến chuyển tích cực nhưng cũng tồn tại những bất ổn, có tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của các nước trên giới thế, trong đó có Việt Nam. Do đó, chắc chắn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng sẽ tiếp tục chịu sự tác động đa chiều, vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là phải đánh giá đúng những cơ hội và nhận diện những thách thức của nền kinh tế Việt Nam để có những giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm biến thách thức thành cơ hội, phát triển bền vững.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 128.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. H. NXB Sự thật, 1991, tr. 22.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1996, tr. 12.
4. Nguyễn Phú Trọng. Đổi mới và phát triển ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2008, tr. 109.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 25 – 26.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 128 – 129.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Anh Tuấn. Đổi mới tư duy về cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu mối quan hệ kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 336 (1/2024).
2. Tư duy lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 13/10/2022.