Bàn về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 

ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Tình trạng mất trật tự, tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ. Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông là cần thiết, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển. 

Từ khóa: An toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XV) đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thì việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. 

Hiện nay, việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, sau một thời gian dài phát sinh nhiều tồn tại không phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi phải có những đạo luật thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực. Luật Giao thông đường bộ quy định 3 lĩnh vực độc lập, khác nhau gồm: trật tự an toàn giao thông đường bộ, hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ nên có nhiều vấn đề bất cập, phải sử dụng nhiều văn bản dưới Luật để điều chỉnh. 

Ở Việt Nam, một đạo luật được tách ra để điều chỉnh chuyên sâu một lĩnh vực không còn là vấn đề mới mẻ, chẳng hạn, Luật Thi hành án hình sựLuật Đặc xáLuật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được tách ra từ Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì vậy, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là theo xu thế tất yếu đó để bảo đảm điều chỉnh mọi mối quan hệ xã hội phát sinh trong từng lĩnh vực1.

2. Một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Về tên gọi dự thảo Luật, tên Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đổi thành dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Với tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và mục tiêu về quy tắc giao thông đường bộ, điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Bố cục của Luật gồm 9 chương, 89 điều. Trong Luật có ba chương được đổi tên, Chương III đổi tên từ “Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” thành “Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”; Chương IV “Tổ chức an toàn, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ” thành “Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”; Chương VI “Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” thành “Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

So với Luật Giao thông đường bộ thì ở Điều 52 tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một điểm mới quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông. Ngoài ra, từ Điều 53 – 55 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, thống kê tai nạn giao thông. 

Bên cạnh đó, Điều 56 quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là một điểm tiến bộ so với Luật Giao thông đường bộ, trong đó nội dung nội dung tuần tra, kiểm soát bao gồm: a) Phòng ngừa vi phạm, duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ; b) Phát hiện, ngăn chặn, xử phạt vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác; c) Bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ; d) Phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn quy định các hình thức tuần tra, kiểm soát: a) Thông qua vận hành, sử dụng hệ thống giám sát giao thông đường bộ; b) Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ và lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát làa) Lực lượng Cảnh sát giao thôngb) Lực lượng khác trong Công an nhân dân khi được huy động tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông. Dự luật đã đề cập rất toàn diện với các quy phạm về tuần tra kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ. 

3. Giải pháp

Thứ nhất, việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do đó cần tách bạch với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra. Về quy tắc giao thông đường bộ trong dự luật là một bộ quy tắc văn minh, hiện đại và có độ ổn định cao.

Thứ hai, việc dự luật bổ sung quy định về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ là các nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ, cần có thông tư hướng dẫn kịp thời giúp cho lực lượng chức năng có cơ sở rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện, giải quyết được những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông, về chỉ huy, điều khiển giao thông cũng góp phần bảo đảm trật tự giao thông (Chương IV Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ)

Ngoài ra, Điều 36 quy định về biển số xe, theo đó biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, việc cấp biển số định danh giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông, giảm thời gian đi lại, tuy nhiên cần căn cứ vào tình hình thực tế để bảo đảm tính thực tiễn để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí lưu trữ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia, sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VneID trước khi Luật có hiệu lực vào ngày 01/01/2025.

Thứ ba, Điều 37 nêu ra nội dung về đấu giá biển số. Đây là quy định quan trọng để giải quyết việc cấp biển số xe thông qua đấu giá, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký. Tuy nhiên, thời gian quy định người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá là quá dài, không cần thiết, chỉ cần quy định không quá 7 ngày (không kể thứ bảy, Chủ nhật) là phù hợp.

Thứ tư, Điều 57 nêu rõ điểm của giấy phép lái xe. Đây là điểm tiến bộ của dự thảo Luật nhằm giáo dục, là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta. Tuy nhiên, cần làm rõ hành vi vi phạm sẽ bị trừ điểm, việc trừ điểm đối với hành vi sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ra sao?… Do đó, cần quy định rõ ràng, cụ thể những vấn đề này, tránh khả năng lạm dụng trong việc trừ điểm bằng lái xe khối cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.

Thứ năm, Điều 84 xác định quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Cần quy định cụ thể đơn vị quản lý quỹ, quy định chặt chẽ nguyên tắc chi, phần việc được chi trong quỹ này và đặc biệt là bộ máy quản lý quỹ tránh tình trạng lạm dụng, tham ô quỹ.

4. Kết luận

Tóm lại, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đồng bộ, khả thi nhằm góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, hạn  chế tối đa việc gia tăng tai nạn giao thông. Thông qua việc xây dựng và ban hành Luật góp phần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng đất nước an toàn, hiện đại, văn minh.

Chú thích:
1. Đào Trung Hiếu. Cần thiết ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Vì sự an toàn của cả cộng đồng. https://www.csgt.vn, truy cập ngày 25/5/2022. 
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. 
2. Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XV).
3. Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
4. Đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, http://www.hanoimoi.com.vn, ngày 05/5/2022.