Phạm Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái vào cộng đồng sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp mà cùng với du lịch sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng và góp phần phát triển bền vững hơn cho khu vực. Trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh việc phát triển loại hình du lịch này và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức loại hình du lịch này. Bài viết nêu ra những hạn chế, khó khăn trong kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, từ đó có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cho người nông dân, cho doanh nghiệp và địa phương.
Từ khóa: Nông nghiệp; du lịch sinh thái nông nghiệp; hướng đi mới; khu vực Tây Nguyên.
1. Đặt vấn đề
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thương và ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu không chỉ riêng khu vực Tây Nguyên mà là tình trạng chung của các địa phương trên cả nước. Tây Nguyên làđịa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên với nhiều lợi thế, như: khí hậu có 2 mùa rõ rệt, địa hình cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp so với các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, nông nghiệp Tây Nguyên không còn chỉ là trồng trọt sản xuất theo mùa vụ mà còn kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Có tác động rất lớn đến sản xuất và nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng một hướng đi mới và tiềm năng phát triển rất lớn. Sản xuất nông nghiệp kết hợp cùng với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã góp phần khai thác, phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.
2. Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, cần có 4 thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp: (1) Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; (2) Thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; (3) Tăng thu nhập cho nông dân; (4) Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Thời gian qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch nông nghiệp Tây Nguyên từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng đã mang lại những hiệu quả đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tạo cơ hội việc làm mới cho người nông dân; góp phần đẩy mạnh việc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; hạn chế được tình trạng ly hương; bảo đảm an sinh xã hội…
Tính riêng năm 2023, ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đón hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk thu hút 1,6 triệu lượt khách (tăng trên 16%), tổng thu từ khách du lịch đạt 925 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai thu hút 1,2 triệu lượt khách (tăng 25%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 790 tỷ đồng; tỉnh Kon Tum thu hút trên 1,3 triệu lượt khách (tăng gẩn 22%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 520 tỷ đồng1; tỉnh Lâm Đồng tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt 8,65 triệu lượt (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 102% kế hoạch năm 2023)2; tỉnh Đắk Nông đạt 679.000 lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 300 tỷ đồng3.
Số lượng du khách đến Tây Nguyên du lịch không chỉ tham quan danh lam thắng cảnh tại địa phương mà còn ưa thích lựa chọn loại hình trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp ngày tăng cao. Tuy nhiên, hình thức du lịch này vẫn còn rất mới mẻ ở khu vực Tây Nguyên và chưa có sự tham gia nhiều của các doanh nghiệp, chưa hình thành các tour du lịch nông nghiệp đưa du khách tham quan mô hình nông nghiệp đặc trưng của Tây Nguyên. Những nguyên nhân dẫn đến mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp tại Tây Nguyên chưa phát triển xứng tầm với đúng như những gì đã kỳ vọng, gồm:
(1) Chưa hoạch định phát triển du lịch nông nghiệp cụ thể; công tác xúc tiến và tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp chưa thật sự được quan tâm; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phố, huyện, thị xã trong khai thác tuyến, điểm du lịch nông nghiệp; hoạt động liên kết phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp với các địa phương trong vùng và cả nước chưa được quan tâm…
(2) Hạ tầng giao thông nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động du lịch. Chính quyền các địa phương chưa có kinh phí để đầu tư, phát triển các địa điểm du lịch. Dù các tỉnh khu vực Tây Nguyên rất quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, canh nông nhưng vướng phải các vấn đề liên quan đất đai nên chưa có sự đầu tư phát triển như mong muốn.
(3) Công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch còn chưa hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch, văn hóa còn thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ; nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch còn thiếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn…
(4) Vi phạm quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất để làm mô hình farmstay có xây dựng cơ sở lưu trú chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có dấu hiệu vi phạm về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Các doanh nghiệp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận phê duyệt dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại đã tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng cơ sở lưu trú, huy động vốn trái phép là vi phạm pháp luật đất đai. Ngoài ra việc đầu tư mô hình farmstay tự phát ở một số địa phương có thể không đáp ứng điều kiện về kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, tận dụng tài nguyên tự nhiên và văn hóa: khu vực Tây Nguyên có nhiều tài nguyên tự nhiên và văn hóa phong phú, từ rừng nguyên sinh, hệ thống sông suối, hồ nước, đến văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Việc khai thác và bảo tồn những tài nguyên này một cách bền vững sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Thứ hai, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với cà phê: Tây Nguyên nổi tiếng với sản phẩm cà phê, do đó việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với cà phê là một hướng đi hợp lý. Du khách có thể trải nghiệm quá trình sản xuất cà phê, từ trồng cây, thu hoạch, chế biến, đến thưởng thức sản phẩm cuối cùng.
Thứ ba, tuyên truyền và giáo dục: cần chú trọng tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về du lịch văn hóa và sinh thái, nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về giá trị của du lịch mà còn tạo ra sự phối hợp hành động giữa các ngành, các cấp và toàn xã hội trong hoạt động du lịch. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch sinh thái nông nghiệp, chú trọng bảo tồn, phát huy di sản, bảo vệ môi trường để đảm bảo du lịch sinh thái cộng đồng có thể phát triển bền vững. Tăng cường giáo dục, đào tạo nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của người dân và du khách; tăng cường sự tham gia của các bên liên quan; tăng cường vai trò kiến tạo, quản lý và vai trò động lực của Nhà nước; huy động, lồng ghép các nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp và đẩy mạnh xúc tiến du lịch.
Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng: cần phát triển các sản phẩm du lịch làm nên “tên tuổi” của du lịch sinh thái Tây Nguyên, như du lịch đô thị, du lịch văn hóa và du lịch nông nghiệp. Trong đó, lấy du lịch trải nghiệm về “Thành phố cà phê thế giới” làm sản phẩm du lịch chủ lực. Bảo vệ và tôn tạo môi trường sinh thái, văn hóa, các di tích lịch sử. Khi phát triển du lịch, cần chú trọng bảo vệ và tôn tạo môi trường sinh thái, văn hóa, các di tích lịch sử trên địa bàn. Điều này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa, tự nhiên mà còn góp phần tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch vùng Tây Nguyên.
Thứ năm, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước: Nhà nước cần phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, coi trọng khai thác. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các bên liên quan tham gia vào phát triển du lịch trong vùng để bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa, công bằng giữa các bên liên quan trên cơ sở phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Phát triển các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến du lịch phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với nông nghiệp, xây dựng những truyền thuyết, viết các truyện lịch sử để thổi hồn vào các di sản, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch giới thiệu các sản phẩm du lịch đến với các thị trường du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú tại các tỉnh, địa phương khu vực Tây Nguyên.
Chú thích:
1. Tìm hướng phát triển du lịch 6 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. https://dulich.laodong.vn, ngày 21/12/2023.
2. Lâm Đồng: Đặt mục tiêu đón 9,7 triệu lượt khách du lịch năm 2024. https://baoxaydung.com.vn, ngày 26/02/2024.
3. Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Nông năm 2023. https://daknong.gov.vn, ngày 29/21/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là yêu cầu tất yếu đối với các tỉnh Tây Nguyên trong xu thế hội nhập. https://baokontum.com.vn, ngày 16/02/2024.
3. Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch văn hóa trong phát triển du lịch văn hóa tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 02/5/2024.
4. Phát triển du lịch sinh thái dựa dựa vào cộng đồng một số nước Asean – bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. https://tapchi.ftu.edu.vn, ngày 05/01/2018.